Kỷ niệm 51 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 – 20/7/2013)

Phát huy truyền thống Anh hùng, lực lượng Cảnh sát nhân dân chủ động phòng ngừa, tích cực tấn công tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân

Thứ Sáu, 19/07/2013, 20:15
Kỷ niệm 51 năm Ngày truyền thống vẻ vang của Cảnh sát nhân dân – Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân và Pháp lệnh quy định cấp bậc sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 – 20/7/2013), lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng nguyện tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân, phát huy truyền thống anh hùng, tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, tích cực góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, được sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, địa phương và sự giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, lực lượng Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát nhân dân nói riêng đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an ninh,  trật tự; tích cực đổi mới toàn diện các mặt công tác, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Chủ động nắm chắc tình hình, tiến hành đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, kết hợp với phòng ngừa xã hội; phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với nhiều nội dung, hình thức phong phú, thiết thực; tập trung tấn công, trấn áp tội phạm; triệt phá nhiều băng, nhóm tội phạm nguy hiểm; kéo giảm các loại tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, kiềm chế sự gia tăng tội phạm; chủ động phát hiện, điều tra, xử lý có hiệu quả tội phạm kinh tế, tham nhũng, tội phạm ma tuý, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm môi trường…

Công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng, phòng chống cháy, nổ được triển khai thực hiện quyết liệt, tạo sự chuyển biến tích cực, nhất là trong ý thức chấp hành của nhân dân. Tích cực cải cách hành chính theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, vừa không gây phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức và nhân dân.

Kết quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn xã hội đã tạo chuyển biến tích cực trên cả ba mặt: đấu tranh phòng, chống tội phạm; tăng cường quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân trong sạch, vững mạnh, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Một hình ảnh đẹp về người chiến sỹ Cảnh sát nhân dân.

Thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi rất cơ bản, đất nước ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đan xen, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội đang đặt ra hết sức nặng nề, đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát nhân dân nói riêng cần tiếp tục đổi mới các mặt công tác, thực hiện các mục tiêu “tham mưu tốt, chiến đấu giỏi và xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh”; tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13, ngày 23/11/2012 của Quốc hội về “Công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm”, các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng, chống mua bán người... gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 1/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”. Vận động nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội; giáo dục, cảm hóa những người phạm tội và mắc tệ nạn xã hội ở cộng đồng dân cư; tạo ra thế trận toàn dân phòng, chống tội phạm vững chắc ở từng địa bàn, cơ sở. Tiếp tục quán triệt, thực hiện quan điểm “hai xây” - xây dựng khu dân cư không tội phạm, không tệ nạn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị và lực lượng Công an cơ sở trong sạch, vững mạnh; “hai chống” - triệt phá các băng, nhóm tội phạm và xóa bỏ các tụ điểm tệ nạn xã hội.

Tăng cường đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ với Quân đội nhân dân, phối hợp có hiệu quả với các ngành, các cấp, các cơ quan, đoàn thể và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Cán bộ, chiến sĩ Công an phải thấm nhuần lời dạy của Bác: “Làm Công an thì phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Có dựa vào nhân dân thì Công an mới hoàn thành được tốt nhiệm vụ của mình...” 11 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, t.9, tr. 448-449...

Thực hiện tốt vai trò nòng cốt, xung kích trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường lực lượng, biện pháp nghiệp vụ, tập trung thực hiện các giải pháp phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; nhân rộng mô hình tổ công tác phối hợp ba lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông trong phòng, chống tội phạm và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông; mở các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm giết người, cướp của, tội phạm sử dụng “vũ khí nóng”, tội phạm có hành vi đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê, tội phạm chống người thi hành công vụ; điều tra, khám phá, truy bắt nhanh đối tượng phạm tội trong các vụ án bắt cóc con tin, giết người, cướp tiệm vàng...

Triệt phá các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, các đường dây mua bán phụ nữ, trẻ em, mua bán trái phép chất ma túy, tổ chức đánh bạc lớn. Kịp thời phát hiện, khởi tố, điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng; giải quyết dứt điểm các vụ án còn tồn đọng. Qua điều tra, xử lý các vụ án, chủ động phát hiện, kiến nghị bổ sung, sửa đổi nhằm khắc phục những sơ hở, bất cập, yếu kém trong cơ chế, chính sách quản lý kinh tế - xã hội.

Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính theo hướng giảm tối đa các thủ tục không cần thiết, kiến nghị sửa đổi, đề xuất bãi bỏ những văn bản không phù hợp, bổ sung những văn bản còn thiếu, nghiên cứu cải tiến quy trình đảm bảo công khai minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội. Chấn chỉnh công tác quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài; thực hiện tốt các quy định về quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”. Tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát giao thông, gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường thuỷ; kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy trình, quy định về an toàn giao thông đường sắt, xử lý vi phạm tại đường ngang. Tổ chức phối hợp lực lượng Cảnh sát giao thông với Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự để kiểm tra, kiểm soát, xử lý hành vi tụ tập, gây mất trật tự, an toàn giao thông, phòng chống đua xe trái phép và trấn áp tội phạm trên các tuyến giao thông, nhất là các quốc lộ trọng điểm và các đô thị.

Tổ chức thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, không để đối tượng sử dụng phạm tội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, cơ sở về phòng cháy, chữa cháy. Thường xuyên kiểm tra an toàn, phát hiện và khắc phục các sơ hở, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động nhân dân tham gia phòng cháy, chữa cháy; nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phòng cháy, chữa cháy.

Tổng kết, đánh giá toàn diện tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về trật tự, an toàn xã hội; làm rõ những vướng mắc, bất cập để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết; đồng thời, tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.

Đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, coi đây là nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên của Công an các đơn vị, địa phương; đồng thời, phát hiện những vấn đề mới do thực tiễn đặt ra để bổ sung hệ thống lý luận Công an nhân dân, góp phần phát triển lý luận xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường quan hệ hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm với Cảnh sát các nước và các tổ chức quốc tế, nhất là hợp tác trong khuôn khổ Interpol, Aseanapol, các diễn đàn song phương, đa phương; từng bước đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, ổn định, thiết thực và có hiệu quả.

Để làm tốt các yêu cầu, nhiệm vụ nêu trên, cần chú trọng xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân đồng bộ, toàn diện trên các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; trong đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, đề cao trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; công tác cán bộ là khâu đột phá. Lực lượng Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát nhân dân nói riêng phải gương mẫu đi đầu trong việc triển khai, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Tiếp tục quan tâm giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân có lập trường tư tưởng vững vàng, có ý chí tiến công cách mạng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; sẵn sàng hy sinh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, suy nghĩ, hành động theo Sáu điều Bác Hồ dạy, thực hiện tốt phương châm “kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, luôn vững vàng trước sự tấn công của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, những cám dỗ, tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường; đồng thời, phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, say mê trong công việc, khắc phục khó khăn, gian khổ; sáng tạo, nhạy bén, mưu trí, dũng cảm trong công tác và chiến đấu; chấn chỉnh tác phong, lễ tiết, văn hóa ứng xử. Mọi hành động, việc làm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân phải luôn vì lợi ích của nhân dân, phục vụ nhân dân với tinh thần “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình”; thường xuyên lắng nghe ý kiến của nhân dân, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với lực lượng Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát nhân dân nói riêng.

Kỷ niệm 51 năm Ngày truyền thống vẻ vang của Cảnh sát nhân dân – Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân và Pháp lệnh quy định cấp bậc sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 – 20/7/2013), lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng nguyện tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân, phát huy truyền thống anh hùng, tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, tích cực góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước

T.Đ.Q.
.
.