7 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ (19/8/2005 – 19/8/2012):

Phát huy sức mạnh toàn dân

Thứ Hai, 20/08/2012, 12:25
Ngày 13/6/2005 Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 521/QĐ-TTg lấy ngày 19/8 hàng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ”. 7 năm qua, các địa phương trong toàn quốc đã có nhiều biện pháp, cách làm hay huy động sức mạnh của toàn dân trong phong trào bảo vệ ANTQ, góp phần giữ vững và ổn định tình hình ANTT, phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước.

Lực lượng Công an giúp dân khắc phục hậu quả bão, lụt. Ảnh: K.H.

Hơn 700 mô hình bảo vệ ANTT đang phát huy hiệu quả

Người ta vẫn gọi Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, Bộ Công an là “Tướng phong trào” vì mấy chục năm trong ngành Công an thì có đến 2/3 thời gian ông lăn lộn với công tác này.

Ông trải nghiệm “Dù ở giai đoạn lịch sử nào thì bài học huy động sức mạnh quần chúng nhân dân vẫn vẹn nguyên giá trị; nhất là trong tình hình hiện nay phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ngày càng được xã hội hóa, sức mạnh của tinh thần yêu nước, ý thức cảnh giác của nhân dân càng được nhân lên gấp bội, khẳng định quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bảo vệ ANTT”.

Thực hiện Quyết định 521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy chính quyền các địa phương trên cả nước đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ” với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó, đã phát huy được quyền làm chủ của nhân dân trong công tác giữ gìn ANTT ở cơ sở, nhiều thuần phong mỹ tục truyền thống tốt đẹp trong nhân dân được khôi phục phát huy; góp phần tạo môi trường xã hội lành mạnh phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thông qua các hoạt động phong trào, quần chúng đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị giúp Công an điều tra, khám phá các vụ án. Chỉ tính từ năm 2001- 2011, từ thông tin của quần chúng nhân dân đã giúp cơ quan Công an các cấp điều tra làm rõ 420.753 vụ, xử lý 575.760 đối tượng phạm tội, bắt giữ 14.969 đối tượng truy nã, trốn thi hành án; vận động 28.569 đối tượng phạm tội ra tự thú…

Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận cho biết, hiện toàn quốc có trên 700 loại mô hình, tổ chức quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm và hàng nghìn tổ nhân dân tự quản đang được thực hiện và phát huy hiệu quả. Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến mang tính xã hội hóa cao đang được các địa phương nhân rộng. Các mô hình: “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ”, “Liên kết xây dựng vùng giáp ranh an toàn”, “Gia đình hòa thuận, thôn, xóm bình yên”, “Dòng họ an toàn về ANTT”, “Hộ tự phòng, số nhà tự quản”, “Liên gia tự quản”… đã được triển khai và nhân rộng ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Tiền Giang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Long An…; “Xóm chài bình yên”, “Cụm tàu thuyền an toàn”, “Đội Dân phòng tự quản phòng, chống tội phạm trên sông” ở Quảng Ninh, Vĩnh Long và các tỉnh duyên hải miền Trung; “Công nhân tự quản”, “Doanh nghiệp tự quản”, “Làng nghề bình yên”… ở các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương. 

Cũng nhờ tai mắt của quần chúng mà lực lượng Công an đã nhanh chóng khám phá nhiều vụ án nghiêm trọng. Vụ giết cướp Hiệu vàng Ngọc Bích (tháng 8/2011) ở phố Sàn, Bắc Giang trấn động dư luận nhưng chỉ sau 2 ngày gây án, hung thủ đã bị bắt. Theo ban chuyên án cho biết, ngay sau khi vụ án xảy ra, lực lượng Công an đã nhận được hàng trăm cuộc điện thoại của người dân để cung cấp thông tin nghi vấn.

Vụ Nguyễn Thị Lệ (tức Mai, 30 tuổi), quê xã Trung Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang, trú tại Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội bắt cóc cháu bé sơ sinh hồi đầu tháng 11/2011 ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng là một ví dụ điển hình. Sau khi đăng tải thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, Ban chuyên án đã nhận được nguồn tin quý giá của anh Nguyễn Xuân Việt, lái xe hãng Taxi Tuấn Linh, người đã chở đối tượng bắt cóc cháu bé. Từ nguồn tin này, Ban chuyên án đã nhanh chóng xác minh, làm rõ và bắt được thủ phạm.

Công an và các thành viên Tổ An ninh nhân dân phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên tuần tra bảo vệ ANTT.

Những “Lục Vân Tiên” thời hiện đại      

Câu lạc bộ phòng chống tội phạm ở phường Phú Hoà, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã xác lập một kỷ lục trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; tính từ năm 1997 đến nay các thành viên trong CLB do anh Nguyễn Thanh Hải làm đội trưởng đã vây bắt được hơn 500 vụ trộm, cướp. Không biên chế trong lực lượng Công an, không đòi hỏi sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”, các anh đã được nhân dân yêu quí phong tặng danh hiệu “Hiệp sĩ săn bắt cướp”.

Từ trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, thời gian qua xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương quần chúng dũng cảm, mưu trí không sợ hiểm nguy trong tấn công truy bắt tội phạm giữ gìn ANTT. Tấm gương ông Đinh Đình Phú cán bộ hưu trí phường Ngọc Sơn, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng nhiều năm kiên trì, dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực vi phạm đất đai; bà Nguyễn Thị Loan - giáo viên Trường THCS xã Yên Thắng, huyện Yên Mô (Ninh Bình), anh Trần Trọng Trí, tạm trú tại tổ 1, ấp Kim Điền, xã Tân Kim, Cần Giuộc (Long An), hai mẹ con bà Lê Thị Bích Hồng, chị Hồ Thị Bích Trâm trú tại phường 10, TP Mỹ Tho (Tiền Giang), anh Minh Thùy - phóng viên Báo Hà Tĩnh… đã không ngại nguy hiểm, dũng cảm truy bắt trộm, cướp.

Tấm gương ông Hồ Đắc Hải, Tổ trưởng Tổ An ninh xã hội thôn Quảng Phúc, xã Xuân Thiên, Thọ Xuân (Thanh Hóa) bị đối tượng chém đứt cánh tay vẫn truy bắt tội phạm đến cùng; ông Nguyễn Minh Tiến ở TP Hồ Chí Minh gần 10 năm nay, dũng cảm phát hiện truy bắt hàng trăm vụ trộm, cướp, ông Sùng A Phồng ở Mường Nhé (Điện Biên) bị đe dọa, bị trả thù nhưng nhiều năm vẫn kiên trì tuyên truyền, vận động, cảm hoá được hàng chục đối tượng cầm đầu tuyên truyền luận điệu lừa bịp quay về với phong tục tập quán của dân tộc… là những bông hoa đẹp trong vườn hoa rực rỡ sắc màu của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ…

Phong Trào
.
.