Đổi mới giảng dạy các môn lý luận chính trị trong các học viện, trường công an nhân dân:

Phải bắt đầu từ người thầy nhiệt huyết

Thứ Năm, 02/04/2015, 09:18
Đổi mới giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân có tầm quan trọng chiến lược, góp phần xây dựng vững chắc nền tảng chính trị - xã hội của quốc gia, nâng cao về chất công tác giáo dục chính trị tư tưởng hiện nay. Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo nước nhà, các môn khoa học Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn luôn được xác định là những môn khoa học cơ bản, có tầm quan trọng đặc biệt và xếp ở vị trí hàng đầu trong chương trình đào tạo ở các học viện, trường Công an nhân dân (CAND).

Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị trong các trường CAND đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Công an Trung ương đã đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả tích cực.

Người thầy sẽ truyền thụ tri thức và tình cảm cho người học - là một giải pháp quan trọng để các môn lý luận chính trị thực sự đổi mới trong các nhà trường CAND.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác giảng dạy lý luận chính trị ở các học viện, trường CAND hiện nay còn gặp không ít khó khăn, bất cập cả về chương trình, nội dung, chất lượng đội ngũ giáo viên và phương pháp giảng dạy… Chất lượng giáo dục lý luận chính trị còn nhiều mặt hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra hiện nay. Do đó, để đổi mới học tập lý luận chính trị, công tác giảng dạy lý luận chính trị ở các học viện, trường CAND phải đổi mới căn bản, toàn diện, trong đó cần tập trung vào một số vấn đề sau:

Trước hết, phải nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của giáo dục lý luận chính trị ở các nhà trường CAND.

Một triết gia cổ đại từng cho rằng, “học tập là cỗ xe song mã, một con là ý chí, một con là tình cảm”. Với bất cứ môn học nào, để nâng cao hiệu quả giảng dạy, điều trước tiên, phải làm cho người học nhận thức đúng về giá trị lý luận, khoa học và ý nghĩa thực tiễn của môn học đó. Với các môn lý luận chính trị thì sự quan tâm sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc, Ban Giám hiệu các học viện, trường CAND đối với công tác nghiên cứu, giảng dạy các môn học này có ý nghĩa quyết định quan trọng. Bên cạnh đó là vai trò của người thầy.

Trong suốt quá trình dạy học, người thầy ngoài việc truyền thụ kiến thức (tạo ra động lực trí tuệ) phải hình thành cả động lực tình cảm cho người học, tác động có hiệu quả vào quá trình tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Không được tách rời phạm trù kiến thức lý luận với phương pháp luận khoa học, từ đó xây dựng tình cảm, động cơ đúng đắn trong quá trình học tập. Nhà trường, khoa, các bộ môn và từng giáo viên cần đề cao trách nhiệm giáo dục, định hướng, giải tỏa được tâm lý gò ép, nặng nề, giúp sinh viên ngay từ khi tiếp cận các môn học lý luận chính trị không có mặc cảm là khô khan, cứng nhắc, học đối phó cho “qua xà”...

Hai là, giảng dạy lý luận chính trị không tách rời những quan điểm, nguyên tắc về xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Giảng dạy các môn lý luận chính trị là một nhiệm vụ mang tính truyền thống của các nhà trường Công an. Tuy nội dung, phương pháp giảng dạy ở mỗi giai đoạn có yêu cầu khác nhau, nhưng giảng dạy các môn lý luận chính trị cần coi trọng tính hệ thống, tính khoa học trên nền tư duy lý luận đổi mới của Đảng.

Trên cơ sở giáo dục nhận thức khoa học, xây dựng cho học viên, sinh viên tinh thần kiên định lý tưởng và mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; xây dựng, củng cố và nâng cao lòng tin của học viên, sinh viên vào sự nghiệp cách mạng, con đường XHCN mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; tin tưởng vào sự lãnh đạo toàn diện, đúng đắn của Đảng trong công cuộc đổi mới.

Đồng thời, giảng dạy các môn lý luận chính trị trong các trường CAND không tách rời những quan điểm xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Xác định rõ, nhà trường là một môi trường thuận lợi để giáo dục chính trị gắn với rèn luyện phong cách tư duy mới và hình thành nhân cách nghề nghiệp.

Trong điều kiện đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và xu thế giao lưu, hội nhập quốc tế, việc giảng dạy các môn lý luận chính trị không chỉ xuôi chiều, “tô hồng”; cần kết hợp việc giảng dạy lý luận chính trị với gợi mở những vấn đề thực tiễn cần phê phán và đấu tranh tư tưởng một cách tích cực, để hình thành, rèn luyện ý thức chính trị nhạy cảm, tinh thần đấu tranh phê phán, chống lại những quan điểm thù địch, sai trái, phi Mácxít, góp phần làm sáng tỏ bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tính đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách và chỉ đạo tổ chức thực tiễn công cuộc đổi mới.

Ba là, cơ cấu lại nội dung, kiến thức các môn học lý luận chính trị ở các học viện, trường CAND.

Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân đã khẳng định và nhấn mạnh vai trò giảng dạy lý luận chính trị ở các nhà trường CAND: “Riêng học sinh đại học chuyên ngành lý luận chính trị, học viên trường chính trị, đoàn thể và lực lượng vũ trang cần học tập các môn lý luận chính trị sâu rộng, đầy đủ hơn, phù hợp với yêu cầu đào tạo”.

Chương trình giáo dục lý luận chính trị hiện nay còn mang nặng tính "cơ học", chưa thể hiện hết tính khoa học, tính thống nhất của các môn học lý luận chính trị. Đã có những bất cập, đó là tình trạng buông trôi, thiếu tính định hướng lý luận và tự làm nghèo lượng kiến thức khoa học của các môn học này; xảy ra tình trạng lúng túng, băn khoăn của cả người dạy và người học. Do đó, cần thiết phải sớm cơ cấu lại chương trình, nội dung các môn học, bài học lý luận chính trị ở các học viện, trường CAND.

Đổi mới chương trình, nội dung không có nghĩa là phải tăng thời lượng giảng, mà quan trọng là phải thể hiện được những vấn đề cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, sát với thực tiễn, không máy móc, giáo điều, khô cứng; gắn với CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; các vấn đề đến nay không còn phù hợp thì không đưa vào nội dung giáo dục lý luận chính trị.

Trước mắt, đối với chương trình đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, các hệ không chuyên lý luận chính trị cần chuyển đổi môn “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin” thành môn “Chủ nghĩa Mác – Lênin” theo hướng khẳng định rõ ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đối với Học viện Chính trị CAND (T29), khi xây dựng chương trình đào tạo riêng cho khối chuyên lý luận chính trị cần phải học đủ 5 môn lý luận chính trị.

Bốn là, đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị theo hướng nâng cao tính tích cực của người học, lý luận gắn liền với thực tiễn.

Để nâng cao chất lượng dạy và học các môn lý luận chính trị cần phải đổi mới phương pháp theo hướng kết hợp giữa các phương pháp giảng dạy truyền thống với các phương pháp mới, hiện đại để lôi cuốn học viên, sinh viên tham gia tích cực vào quá trình dạy – học. Sinh viên tiếp nhận tri thức chủ động và trở thành trung tâm của quá trình dạy học, biết làm chủ kiến thức, biết vận dụng tốt các vấn đề lý luận chính trị, sự hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoạt động thực tiễn, nhất là qua các đợt đi công tác dân vận ở địa bàn cơ sở.

Cần thiết khích lệ và hướng dẫn sinh viên sáng tạo những hình thức học tập phong phú, tạo ra những "sân chơi" bổ ích khi học các môn chính trị, như: tổ chức thi Olympic, thi hùng biện, câu lạc bộ học tập, các cuộc thi tìm hiểu về Đảng, về Bác Hồ…; kết hợp giảng lý thuyết gắn chặt với các hoạt động tham quan thực tế, thực hành... Học tập lý luận chính trị luôn gắn với rèn luyện đạo đức, được kết hợp với các phong trào thi đua của tổ chức đảng, đoàn thể trong nhà trường như phong trào “Đoàn viên phấn đấu sớm trở thành Đảng viên"…

Năm là, quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên giảng dạy lý luận chính trị trong các học viện, trường CAND cả về số lượng và chất lượng, năng lực và phẩm chất.

Hiện nay, đội ngũ giáo viên giảng dạy lý luận chính trị ở các học viện, trường CAND nói chung còn bất cập, hẫng hụt về cả số lượng và chất lượng, số giáo viên lý luận chính trị có học hàm, học vị còn rất ít, việc xây dựng đội ngũ giáo viên đầu đàn chưa được coi trọng đúng mức (ví dụ: Trong giai đoạn hiện nay, công tác xây dựng Đảng được đặt ra đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ “then chốt”, môn học Xây dựng Đảng được giảng dạy cho tất cả các chuyên ngành đào tạo đại học ở các học viện, trường CAND. Tuy nhiên, trong toàn lực lượng CAND hiện nay chỉ có 2 tiến sĩ ngành Xây dựng Đảng và đều đã nghỉ hưu)…

Thực trạng trên đòi hỏi các học viện, trường CAND cần có kế hoạch tích cực và chủ động trong đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giáo viên giảng dạy lý luận chính trị cả về số lượng và chất lượng. Trong đó chú trọng cả sự thuần thục về kiến thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm, có tâm huyết nghề nghiệp, ý thức chính trị cao, có tinh thần tự giác học tập, cập nhật kiến thức thực tế.

Đồng thời, quan tâm giải quyết tốt chế độ đãi ngộ đối với giáo viên lý luận chính trị; nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền thực hiện chế độ phụ cấp đứng lớp cho giáo viên và hỗ trợ kinh phí cho giáo viên giảng dạy các môn lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thiếu tướng, GS. TS Trương Giang Long - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND kiêm Giám đốc Học viện Chính trị CAND
.
.