Phá án từ những trang hồ sơ

Thứ Hai, 05/03/2012, 12:56
Lâu nay, khi nói tới chiến công của Công an tỉnh Hải Dương qua các vụ án, người ta thường nghĩ đến hình ảnh của những người lính hình sự, các điều tra viên… Ít ai biết rằng, đằng sau mỗi thành tích ấy, có sự đóng góp không nhỏ của một lực lượng. Trong bài viết này, tôi xin nói về họ, các nữ cán bộ đang công tác tại Phòng Hồ sơ (PV 27), Công an tỉnh Hải Dương.
>> Phụ nữ Công an phải chia sẻ, vun đắp, hỗ trợ cho nhau

1. Xế chiều, Thiếu tá Cao Thị Vân Hà, Đội phó Đội tham mưu tổng hợp, Phòng PV 27, Công an tỉnh Hải Dương mới về đến nhà. Vừa thấy mẹ, hai đứa trẻ đang chơi ngoài sân, chạy ào đến! Ôm con vào lòng, Thiếu tá Hà chợt thấy sống mũi cay cay… Vì công việc, chị thường phải đi sớm về muộn, nhờ có sự giúp đỡ của bà ngoại và sự cảm thông của người chồng, cũng là một cán bộ Công an mà chị mới hoàn thành được nhiệm vụ.

Tốt nghiệp Trung học Cảnh sát, Thiếu tá Hà về nhận công tác tại Công an phường Trần Phú, TP Hải Dương rồi được phân công làm Cảnh sát khu vực. Công việc này đối với một người đàn ông “sức dài, vai rộng” đã không dễ dàng, với một phụ nữ “chân yếu, tay mềm” còn khó khăn hơn nhiều.

Mỗi ngày làm việc của Thiếu tá Hà thường bắt đầu từ 7h sáng và có khi kéo dài đến khuya. “Công việc của một Cảnh sát khu vực không chỉ đơn thuần là nắm hộ, nắm nhân khẩu mà qua đó còn quản lý địa bàn, quản lý đối tượng phục vụ cho công tác nghiệp vụ khác của lực lượng Công an” Thiếu tá Hà chia sẻ.

Sau khi lập gia đình, chị chuyển về công tác tại Phòng PV 27, Công an tỉnh Hải Dương rồi được bổ nhiệm làm Đội phó Đội Tham mưu tổng hợp. Ngoài việc giúp lãnh đạo theo dõi, đôn đốc tập hợp số liệu kết quả công tác để báo cáo theo định kỳ, chị còn tiếp nhận phân loại và trả lời kết quả yêu cầu tra cứu của các đơn vị nghiệp vụ; trả lời kết quả xác nhận không có tiền án.

Từ đầu năm 2010, chị đã cùng các đồng chí trong Hội Phụ nữ đơn vị đăng ký phần việc làm thêm ngoài giờ, giải quyết hồ sơ tồn của tàng thư căn cước công dân và nhập thẻ A2 của Đội Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát; thực hiện tốt đề án cải cách hành chính của Công an tỉnh trong việc cấp giấy xác nhận không tiền án cho công dân đi lao động tại Đài Loan, giảm thời hạn từ 10 ngày xuống 3 ngày và tiếp nhận các yêu cầu cấp CMND của các huyện, thị, thành phố từ 30 ngày xuống còn 3 ngày. Với những thành tích đã đạt được, 5 năm qua Thiếu tá Hà luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; 3 năm (2008, 2010 và 2011) đều được công nhận là Chiến sỹ thi đua cơ sở.

“Hồ sơ nghiệp vụ là công việc thầm lặng, phục vụ công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng an ninh, Cảnh sát… từ đó giúp cơ quan điều tra bắt giữ nhiều đối tượng gây án, những kẻ khai man tên tuổi và lý lịch”, Thượng tá Nguyễn Thị Hà, Phó trưởng Phòng PV 27, Công an tỉnh Hải Dương, người có thâm niên 20 năm với công tác hồ sơ bộc bạch. Từ công tác tra cứu, trao đổi và cung cấp thông tin đã phát hiện ra nhiều trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia. Yêu nghề, gắn bó với công việc, nhiều năm qua Thượng tá Hà vừa hoàn thành việc nước mà vẫn đảm việc nhà, hai con của chị đều nối nghiệp cha mẹ đều là những cán bộ Công an.  

2. Trong công tác tra cứu căn cước công dân, Phòng PV 27 với nhiều cán bộ là nữ nhưng thành tích tham gia phá án cũng không kém cạnh. Đã làm rõ nhiều trường hợp đối tượng trong vụ án, lợi dụng sự sơ hở của chính quyền địa phương để tráo người, làm chứng minh nhân dân, hòng che giấu hành vi phạm tội, tăng hoặc giảm tuổi.

Trường hợp của Đặng Văn Lê (52 tuổi, trú tại An Hải, Hải Phòng) là một ví dụ. Qua tra cứu vân tay, Phòng PV 27, Công an Hải Dương phát hiện dấu vân tay của Lê trùng với vân tay của Vũ Văn Ngôn, trú quán tại Đại Đức, Kim Thành, Hải Dương. Thời gian sống tại Hải Dương, Ngôn phạm tội hiếp dâm trẻ em, bị Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương tuyên phạt 6 năm tù giam. Sau đó, Ngôn vào Đắk Lắk, thay tên đổi họ và lại phạm tội hiếp dâm.

Một ngày làm việc của cán bộ Phòng PV 27, Công an tỉnh Hải Dương.

3. Đại tá Phạm Xuân Cải, Trưởng phòng PV 27, Công an tỉnh Hải Dương chia sẻ: Phòng PV 27 có 49 cán bộ, chiến sỹ nhưng phần lớn cán bộ là nữ. Ngoài công việc, chị em còn phải làm tròn thiên chức của một người vợ, người mẹ… Song với trách nhiệm với công việc, các cán bộ nữ trong đơn vị đã biết sắp xếp công việc gia đình, nuôi dạy con tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Chỉ tính riêng trong năm 2011, trong công tác tàng thư nghiệp vụ Phòng PV 27, Công an tỉnh Hải Dương đã tiếp nhận và lập tra cứu căn cước can phạm cho 2.577 đối tượng; tra cứu, trả lời  91.323 yêu cầu. Công tác quản lý hồ sơ nghiệp vụ an ninh, nghiệp vụ Cảnh sát; tàng thư căn cước can phạm thường xuyên được sắp xếp, bổ sung đã phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm; phát hiện nhiều đối tượng truy nã đang tìm cách trốn tránh pháp luật; đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự đã nhiều lần thay đổi tên, họ để tiếp tục hoạt động phi pháp. 

Trong thành tích của Công an tỉnh Hải Dương trong các vụ án hôm nay, có sự đóng góp thầm lặng của các nữ cán bộ, chiến sỹ Phòng PV 27, Công an tỉnh Hải Dương. Từ những trang hồ sơ sẽ góp phần đưa những tên tội phạm ra ánh sáng

Xuân Mai
.
.