Nữ giáo viên Công an tận tâm với sự nghiệp trồng người

Thứ Bảy, 25/10/2014, 15:16
Được gặp gỡ, giao lưu, hiểu hơn về ngôi trường chuyên đào tạo văn hóa cho con em đồng bào ở miền núi, vùng sâu, vùng xa này, chúng tôi càng hiểu thêm về những cống hiến thầm lặng của những người thầy giáo, cô giáo nơi đây. Mỗi một khóa học sinh ra trường là cô giáo Nguyễn Ngọc Thủy lại mừng vui vì trách nhiệm của “người đưa đò” bao năm tháng đã đơm hoa, kết trái…

Tôi gặp Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thủy (39 tuổi), hiện là Phó Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học Xã hội, Trường Văn hóa I – Bộ Công an trong một lần cùng với đoàn công tác của Báo CAND đến thăm Trường, kết hợp giao lưu văn hóa văn nghệ và tặng quà cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn Trường đóng quân. Được gặp gỡ, giao lưu, hiểu hơn về ngôi trường chuyên đào tạo văn hóa cho con em đồng bào ở miền núi, vùng sâu, vùng xa này, chúng tôi càng hiểu thêm về những cống hiến thầm lặng của những người thầy giáo, cô giáo nơi đây. Mỗi một khóa học sinh ra trường là cô giáo Nguyễn Ngọc Thủy lại mừng vui vì trách nhiệm của “người đưa đò” bao năm tháng đã đơm hoa, kết trái…

Vượt qua trở ngại về bất đồng ngôn ngữ

“Năm học 2013-2014, mình được phân công giảng dạy Ngữ văn lớp 12, trong quá trình giảng dạy luôn đảm bảo đúng thời gian, đúng chương trình, thực hiện đúng quy chế chuyên môn...” – Thiếu tá Thủy mở đầu câu chuyện, giản dị kể về mình như thế. Đối tượng học sinh của chị là người dân tộc thiểu số ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, hải đảo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chính vì thế việc dạy và học cũng gặp nhiều vất vả, đặc biệt là sự thay đổi môi trường sống từ miền ngược xuống miền xuôi, sự cách biệt về môi trường sống ở trường so với ở địa phương nơi các em cư trú khiến các em bị hụt hẫng. Cùng với đó là hạn chế về trình độ nhận thức cũng tác động xấu đến hiệu quả giảng dạy. “Ngôn ngữ bất đồng cũng là một trở ngại, nhiều em học sinh đồng bào dân tộc có thể nói tiếng Kinh, nghe và hiểu lời cô giáo nói, nhưng các em khó diễn đạt thành lời, cộng với vốn hiểu biết xã hội ít ỏi nên khó viết thành văn…” – Thiếu tá Thủy giải thích thêm. Hiện giáo viên ở trường 100% là cán bộ tốt nghiệp chính quy chuyên ngành sư phạm, nhờ đó đã vượt qua khó khăn, giúp các em dần dần tiếp cận với điều kiện học tập và ổn định sinh hoạt tại trường.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thủy.

Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn và giảng dạy, chị luôn có ý thức học tập để nâng cao trình độ, tìm tòi sáng tạo những phương pháp giảng dạy mới, phù hợp với đối tượng học sinh. Kết quả, năm học 2013 – 2014, 100% học sinh chị đứng lớp đạt điểm từ trung bình trở lên, còn bản thân chị đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh Thái Nguyên. Ngoài ra, Thiếu tá Thủy cùng với tổ chuyên môn thực hiện nghiên cứu sáng kiến kinh nghiệm với nội dung thiết kế bài giảng điện tử để giảng dạy Tiếng Việt cho học sinh Lào, được Hội đồng thi đua khen thưởng nhà trường đánh giá cao. Thực hiện nhiệm vụ được phân công, chị cũng đã tham gia ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi lớp 10, kết quả có 11 em đoạt giải cấp trường, khi lựa chọn 4 em tham gia đội tuyển cấp tỉnh thì có 1 em đoạt giải khuyến khích…

Hưởng ứng cuộc thi “Dạy học theo chủ đề tích hợp” do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên phát động, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thủy tham gia cuộc thi với đề án “Tích hợp bài dạy Lịch sử lớp 12 về Chiến dịch Điện Biên Phủ và bài dạy Các quyền cơ bản của công dân trong môn Giáo dục công dân lớp 10 vào dạy học truyện ngắn Vợ chồng A Phủ - Ngữ văn 12”, qua đó đoạt giải ba cấp trường và giải nhì cấp tỉnh. Về đề tài tích hợp, chị lựa chọn tác phẩm Vợ chồng A Phủ - một tác phẩm được viết ở Tây Bắc, phản ánh rõ phong tục, tập quán của người Mông ở Tây Bắc – là một địa điểm gần gũi, thân thiết với đa số học sinh ở trường, bởi nhiều em chính là đồng bào Mông ở Tây Bắc. “Việc tác phẩm phản ánh rõ phong tục tập quán, cũng như hủ tục của người Mông mà nhà văn Tô Hoài đề cập đến sẽ giúp các em dễ hiểu, dễ cảm nhận về tác phẩm; trên cơ sở tích hợp lịch sử, không khí của cuộc kháng chiến chống Pháp, tích hợp cả quyền con người, bài giảng sẽ càng thêm sinh động và sát sao với thực tế hơn, vì vậy mà lôi cuốn các em...” – Thiếu tá Thủy nhấn mạnh. Trong quá trình giảng dạy, chị còn kết hợp sử dụng các phương tiện, ứng dụng công nghệ thông tin để giúp tái hiện không khí lịch sử, như dùng hình ảnh, trình chiếu trích đoạn phim “Vợ chồng A Phủ”… vì thế mà càng thành công, để lại ấn tượng cho các em học sinh và Hội đồng thi đua của trường, của tỉnh.

Chủ động quan tâm, tìm hiểu tâm lý những học sinh cá biệt

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Khoa Ngữ văn, năm 1997, chị Nguyễn Ngọc Thủy về công tác ở tổ Ngữ văn, Bộ môn Khoa học Xã hội của Trường Văn hóa 1 – Bộ Công an và gắn bó từ đó cho đến nay. 17 năm trời với biết bao đổi thay, kỷ niệm chị nhớ nhất trong quá trình gắn bó với các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, có lẽ là chuyện về học sinh M.H. ở Thanh Chăn, Điện Biên. M.H vào trường năm 2005, lúc này là học sinh lớp 8, và chị được phân công chủ nhiệm lớp. Đây là em học sinh có cá tính đặc biệt, mới học một tuần đầu mà nhớ nhà, ngày nào cũng gọi điện thoại cho bố mẹ đến đón về, không muốn ở lại học. Trước tình hình đó chị Thủy đã chủ động tìm gặp riêng H để động viên, khuyên bảo. “Mình nói nhẹ nhàng thôi nhưng đánh trúng vào tâm lý, động viên em ấy rằng, không phải ai cũng may mắn được đến trường học, rằng mình phải quyết tâm học để không phụ tình thương của bố mẹ, ở ngoài kia có nhiều bạn điều kiện còn không được như mình…”. Việc tiếp xúc dần có hiệu quả, cậu bé ngày càng tin tưởng vào cô giáo và không gọi điện thoại về nhà nữa, cố gắng học tập…

M.H sau đó học Trung học ANND (nay là Cao đẳng ANND I) ở Sóc Sơn, nhưng do cá tính đặc biệt, cậu vi phạm kỷ luật ở trường. “Nhận được thông tin như vậy, dù em ấy không còn là học sinh do mình quản lý, nhưng vì hiểu tính nết của H và từng nói chuyện thân thiết với H nên mình đã chủ động gọi điện thoại để động viên, thậm chí nhiều lần cùng chồng đi xe máy từ Thái Nguyên xuống Sóc Sơn gặp gỡ, động viên, khuyên bảo em” – Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thủy nhớ lại. Nghe lời cô giáo Thủy, H cố gắng học hành và không tái phạm, em đã tốt nghiệp năm 2013.

“Dịp 30-4 vừa qua mình có gặp lại H, nay cậu học sinh bé nhỏ ngày nào đã là cán bộ Công an phường Thanh Chăn gương mẫu, thấy học sinh cũ rối rít nói lời cảm ơn mà mình vui trào nước mắt…” – chị Thủy cho biết thêm. Có thể nói, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn với những kiến thức được soạn sẵn trong giáo án thì những nữ giáo viên như Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thủy đôi khi còn trở thành người chị, người mẹ, nhân viên tư vấn tâm lý “bất đắc dĩ”. Đó là những tri thức, tình cảm, kinh nghiệm sống không có trong chương trình đào tạo, nhưng có thể vô tình, hay hữu ý đã giúp uốn nắn, nuôi dưỡng trưởng thành một con người. Thiên chức của những người nữ giáo viên dạy văn hóa cho con em đồng bào như chị Thủy, vì thế mà càng đáng trân trọng hơn…

Quỳnh Vinh
.
.