Nỗi niềm Công an xã: Chuyện thường ngày ở xã

Thứ Năm, 31/12/2015, 10:04
1. Dù đã nghe Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Phó trưởng Phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh Vĩnh Phúc, giới thiệu trước rằng: "Thổ Tang tiếng là vùng nông thôn nhưng sầm uất chẳng khác gì thành phố", nhưng tôi vẫn bất ngờ khi đến đây.


Cách Hà Nội gần 100 km, nhưng từ 20 năm nay, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường đã nổi tiếng cả nước là một vùng quê năng động bởi người dân Thổ Tang đi buôn bán khắp nước.

Hôm về Thổ Tang, dù đã 11 giờ trưa mà phải mất hơn nửa tiếng tôi mới đi hết được đoạn đường khoảng 3km chạy qua trung tâm thị trấn vì hàng đoàn xe tải hạng nặng đang đổ hàng xuống các cửa hàng hai bên đường làm tắc đường.

Nghe tôi nói về quê mà tắc đường như ở Hà Nội, Trưởng Công an thị trấn Thổ Tang Nguyễn Văn Liễu đưa ngay ra con số thống kê: Thị trấn hiện có hơn 16.000 dân, trong đó phần lớn là kinh doanh, buôn bán. Thị trấn hiện có 450 ôtô các loại, chưa kể xe tải từ các nơi về lấy hàng ở chợ đầu mối nông sản; đêm còn có chợ đầu mối hoa quả họp từ 1 giờ đến sáng.

Phục vụ cho mấy cái chợ này là đội quân "cửu vạn" vài trăm người đến từ các xã lân cận, kéo theo đủ thứ dịch vụ khác nữa. Vì thế, ngày nào Công an xã cũng phải cử lực lượng ra điều tiết giao thông, vận động các hộ kinh doanh đề phòng cháy nổ. Nhưng cái lo nhất với Công an thị trấn là tình hình tội phạm ngày càng phức tạp với đủ loại từ trộm cắp, cờ bạc, buôn bán ma túy, buôn bán hàng nhái, tạt axít...

Cách đây 10 năm, chính anh Liễu trong một lần cùng Công an huyện bắt nhóm đánh bạc đã bị các đối tượng dùng dao chống trả gây thương tích 31%. Vụ án xảy ra năm 2005, nhưng do đối tượng bỏ trốn đến năm 2010 mới đầu thú, nên năm 2012, sau khi có bản án của tòa, anh Liễu mới được công nhận thương binh hạng 4/4. 

Công an thị trấn được biên chế 18 người, ngoài Ban Chỉ huy và 3 Công an viên thường trực, tại mỗi thôn có 2 công an viên. Tuy vậy, do luân chuyển cán bộ nên Ban chỉ huy hiện chỉ có hai thì một người đang đi học, thành ra một mình Trưởng Công an thị trấn phải làm tất, ngoài việc hàng ngày phải giải quyết cho khoảng 15 - 20 trường hợp đến xin xác nhận giấy tờ, thì ở các thôn hễ có chuyện gì là họ gọi điện ngay cho công an chứ không bao giờ trình báo với cán bộ thôn. Vì thế, hễ có tin báo là dù nửa đêm anh em lại phải xuống ngay để giải quyết.

Nhưng cũng nhờ vậy mà 7 năm qua, Công an thị trấn đã thu hồi được 30 quả lựu đạn, 1 dùi cui điện, bắt giữ hàng trăm vụ phạm pháp quả tang về an ninh trật tự, trực tiếp giải quyết 228/545 vụ việc; lập danh sách quản lý 298 đối tượng tù tha, đưa đi chữa bệnh bắt buộc 28 đối tượng nghiện ma túy…

Công an xã Vĩnh Quỳnh và cán bộ Công an huyện Thanh Trì kiểm tra hành chính các nhà trọ trên địa bàn.

2. Nhưng, so với các xã ven đô ở Hà Nội thì Công an Thổ Tang vẫn còn… nhàn. Hôm đến Công an xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội), mới nghe Trưởng Công an xã Đỗ Vân Long thống kê những con số thôi tôi đã thấy "choáng": xã có 60.000 dân, trong đó có tới 30.000 người là tạm trú; xã hiện có 131 đối tượng tù tha, 29 đối tượng nghiện ma túy; trên địa bàn có 6 khu đô thị mới, gần 200 cơ quan, doanh nghiệp; 531 cơ sở kinh doanh nhà trọ, 2 khách sạn...

Nằm giáp ranh với 3 quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai và Hà Đông, gọi là xã nhưng Tân Triều không khác gì một phường bởi phần lớn người dân không còn làm nông nghiệp mà đều chuyển sang sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Sở dĩ trong xã có tới 30.000 người tạm trú vì ngoài số sinh viên các trường đại học khu vực Thanh Xuân, Hà Đông đến thuê trọ thì còn một lượng rất lớn lao động đến làm thuê  cho các công ty, xưởng sản xuất trên địa bàn.

Trưởng Công an xã Đỗ Vân Long than thở: "Địa bàn rộng, dân thì tương đương với 2 xã khác, vậy mà Ban Công an xã có 15 người. Dù được Đồn Cầu Bươu của Công an huyện Thanh Trì tăng cường lực lượng xuống hỗ trợ, nhưng anh em luôn quá tải vì công việc. Chỉ riêng hàng ngày phải đảm bảo trật tự giao thông, trật tự đô thị đã rất mất thời gian vì ngày nào cũng tắc đường; chưa kể còn phải tham gia cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng, hay tháng 11 vừa rồi, khi dịch sốt xuất huyết bùng phát, Công an xã phải cử anh em đi cùng cán bộ phòng dịch xuống từng khu dân vận động người dân cho vào nhà để phun thuốc và đủ thứ việc khác nữa. Chúng tôi đề xuất cho tăng thêm 5-7 người nữa mà chưa được".

Không được tăng người, Công an xã phối hợp với lực lượng cảnh sát phụ trách xã của Đồn Cầu Bươu tổ chức tuần tra 2 buổi/ ngày, thường xuyên kiểm tra hành chính các cơ sở kinh doanh nhạy cảm. 7 năm qua, Công an xã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ bắt được 7 đối tượng trốn truy nã. Năm 2015, Công an xã bắt giữ 7 vụ, 10 đối tượng; lập hồ sơ ban đầu chuyển Đồn Cầu Bươu của Công an huyện Thanh Trì xử lý 70 vụ phạm pháp hình sự.

Từ nhiều năm nay, Công an xã Tân Triều có một cách làm rất hay đó là tùy từng thời điểm, Công an xã chọn vấn đề nổi cộm và lập chuyên đề xử lý.

Ôm ra một chồng hồ sơ lưu, anh Long đưa cho tôi xem 9 chuyên đề mà Công an xã đã thực hiện trong 10 năm qua. Đây thực sự là cách làm rất sáng tạo và thiết thực, như chuyên đề "Xây dựng xã an toàn về an ninh nông thôn" để giải quyết tình trạng người dân địa phương đi khiếu nại vượt cấp; chuyên đề "Nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông - trật tự đô thị của Ban Công an xã Tân Triều"… 

Đặc biệt, năm 2005, Công an xã lập chuyên đề "Quản lý đối tượng đặc xá, tha tù trước thời hạn xã Tân Triều", trong đó tham mưu cho UBND xã quy định cụ thể trách nhiệm của từng ban, ngành, đoàn thể trong xã có trách nhiệm giúp đỡ những người từng một thời lầm lỗi này.

Ngay sau khi những người mãn hạn tù, được đặc xá về địa phương, Công an xã sẽ tổ chức gặp mặt, tặng quà, động viên họ nhanh chóng ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Công an xã sẽ giúp họ làm lại chứng minh thư nhân dân, nhập lại hộ khẩu; phân công cho công an viên phối hợp với các ban, ngành đoàn thể thường xuyên quan tâm giúp đỡ, quản lý; nếu ai có nhu cầu việc làm sẽ vận động các doanh nghiệp trên địa bàn nhận vào làm việc.

Với cách làm thiết thực nên sau 10 năm, chuyên đề này vẫn phát huy hiệu quả tích cực vì 10 năm qua chỉ có 3 trường hợp tái phạm. Với những cách làm này mà 9 năm liên tục (2005- 2013), Công an xã được Bộ Công an tặng cờ "Đơn vị thi đua xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".

Cán bộ Công an huyện Thanh Trì, UBND xã và Công an xã Tân Triều tặng quà cho người vừa được đặc xá về địa phương.

3. Cũng là xã ven đô của huyện Thanh Trì, tuy không đông dân bằng Tân Triều nhưng xã Vĩnh Quỳnh lại có phức tạp riêng. Gọi là xã nhưng Vĩnh Quỳnh mang dáng dấp nửa phố nửa làng khi có 3 thôn nhưng lại có tới 13 tổ dân phố (vốn là các khu dân cư của các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn). Xã hiện có hơn 26.000 dân, trong đó có gần 2.000 người là lao động tự do, học sinh, công nhân các công ty trên địa bàn huyện Thanh Trì thuê nhà tạm trú.

Trên địa bàn có hơn 70 đối tượng tù tha, 66 người nghiện ma túy thuộc diện có hồ sơ quản lý; trong khi đây là địa bàn giáp ranh, lại có hai tuyến quốc lộ chạy qua nên các loại trộm cắp rất hay tranh thủ "tạt qua" trộm cắp xe máy.

 Hôm đến Công an xã Vĩnh Quỳnh, nghe tôi hỏi chuyện công việc, Trưởng Công an xã Nguyễn Quang Khoa bảo luôn: "Anh cứ xuống đây đi với anh em một đêm cho biết".

Bữa ấy, đúng đợt không khí lạnh tăng cường tràn về miền Bắc khiến nhiệt độ về đêm hạ xuống 13 độ C, tôi theo tổ tuần tra "liên quân" của Công an xã và Đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã về an ninh trật tự Công an huyện Thanh Trì đi kiểm tra hành chính các nhà trọ trên địa bàn.

Nghe tôi gạ "hay để tôi lái xe đưa anh em đi cho... ấm", Phó trưởng Công an xã Vĩnh Quỳnh Đỗ Đăng Nhượng cười bảo: "Không đi ôtô được đâu vì các nhà này toàn nằm trong ngõ ngách thôi. Anh lên đây tôi đèo, đi cùng anh em một đêm cho biết công việc của Công an xã ven đô thế nào. Mà thế này đã ăn thua gì, nhiều hôm mưa phùn gió bấc anh em tôi vẫn đi mà".

21 giờ 30 phút, thấy Công an xã gọi cổng để kiểm tra hành chính những người thuê trọ, ông chủ nhà mắt nhắm mắt mở đi gõ cửa từng phòng yêu cầu mở cửa. Gia đình này có hơn chục phòng trọ và đều có người thuê. Người đến thuê trọ có đủ thành phần, vì thế để quản lý tốt địa bàn thì phải thường xuyên kiểm tra tạm trú tại các khu nhà trọ. 7 năm qua, qua công tác tuần tra, kiểm tra hành chính mà Công an xã Vĩnh Quỳnh bắt 69 đối tượng phạm tội quả tang; phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an thành phố đã bắt giữ 3 đối tượng trốn truy nã định về đây "ở ẩn".

Kiểm tra gần hết khu nhà trọ thì phát hiện một đôi tuổi "sồn sồn" thuê phòng ở cùng nhau nhưng lại không có giấy kết hôn, cũng chưa làm giấy tạm trú. Trong khi ông chủ nhà gãi đầu trình bày 2 người vừa đến thuê được hai ngày nên ông chưa kịp làm giấy tạm trú, thì người đàn bà thuê trọ luôn mồm khẳng định người ở cùng là chồng mình, chỉ là… không có giấy kết hôn thôi nên vẫn có quyền ở chung phòng.

Chỉ tới khi anh Nhượng giải thích các quy định về tạm trú và yêu cầu cả hai người về Công an xã thì người đàn ông ở cùng mới đưa ra tờ giấy ly hôn và trình bày "em với cô này rổ rá cạp lại, chưa kịp làm thủ tục kết hôn, vừa mới chuyển đến đây còn đang bận dọn dẹp nhà cửa nên chưa kịp lên khai báo tạm trú, em xin phép sáng mai sẽ lên làm thủ tục", thì cô "vợ" mới "xin các anh thông cảm vì em không biết pháp luật".     

Nhưng kiểm tra hành chính chỉ là một trong rất nhiều việc phải làm hàng ngày của Công an xã, bởi theo quy định, Công an xã được giao tới 14 nhiệm vụ, quyền hạn. Ngoài những nhiệm vụ ấy thì nhiều khi còn phải làm cả việc tìm gia đình cho người bị lạc.

Hơn 22 giờ, chúng tôi trở lại trụ sở thấy anh Khoa vẫn đang tất bật vừa cùng cán bộ Đội Xây dựng phong trào lập biên bản xử lý một đôi vợ chồng tổ chức cờ bạc bằng trò chơi "bắn cá", vừa làm thủ tục để bàn giao một cụ già mất trí nhớ cho Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Ông cụ này được người dân đưa đến trụ sở từ 6 giờ chiều khi đang đi lang thang ở tổ dân phố số 8, trên người không có giấy tờ tùy thân.

Sau khi mua sữa, bánh ngọt cho ông cụ ăn, mấy anh em tìm đủ mọi cách hỏi chuyện nhưng ông không thể nhớ được tên mình và địa chỉ nhà, cuối cùng anh Khoa đành phải liên hệ với Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đến tiếp nhận cụ già.

Trong khi chờ người của trung tâm đến nhận người, thì một cán bộ văn phòng UBND xã chụp ảnh cụ đưa lên mạng xã hội. Tới 22 giờ 30 phút, trong khi đang làm thủ tục bàn giao cụ già cho cán bộ Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thì bất ngờ nhận được phản hồi trên mạng của một người cho biết họ biết con trai cụ già. Vậy là anh em lại phải xin số điện thoại của người nhà để liên lạc. Tới 24 giờ, thủ tục bàn giao cụ già cho người nhà mới hoàn tất.

0 giờ 15 phút, tôi rời trụ sở Công an xã Vĩnh Quỳnh. Nghe tôi hỏi hôm nay đã phải ngày bận rộn nhất chưa, anh Nhượng bảo thế này là còn nhàn, vào những đợt cao điểm thì anh em đi tuần trắng đêm luôn.

Cả nước hiện có 9.327 Ban Công an xã với tổng số hơn 136.000 Công an xã. Không chỉ giải quyết 80% những vấn đề an ninh, trật tự trên địa bàn xã, từ năm 2008 tới nay, lực lượng Công an xã đã giải quyết đăng ký thường trú cho hơn 2,9 triệu hộ, hơn 14 triệu nhân khẩu; tổ chức hơn 20,3 triệu lượt kiểm tra cư trú, phát hiện và xử lý 663.303 trường hợp vi phạm.

Từ năm 2011 đến nay, lực lượng Công an xã toàn quốc đã phát hiện, bắt giữ 17.020 vụ, 26.082 đối tượng phạm tội quả tang, 1.452 đối tượng truy nã; vận động nhân dân giao nộp 22.473 khẩu súng các loại, 65.994 viên đạn các loại, gần 4 tấn thuốc nổ, 11.439 kíp nổ, 905 quả bom mìn, 1.580 quả lựu đạn, 1.846 công cụ hỗ trợ, 24.559 vũ khí thô sơ; lập hồ sơ quản lý 1.454 đối tượng thuộc diện quản chế, cải tạo không giam giữ, án treo, hoãn thi hành án; lập 79.389 hồ sơ xử lý vi phạm hành chính với 116.659 người; lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc 3.793 đối tượng.

(Nguồn: Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc - Bộ Công an)

(Còn nữa)

Nguyễn Thiêm
.
.