Nhân kỷ niệm 56 năm ngày truyền thống lực lượng Kỹ thuật hình sự CAND (23/8/1957- 23/8/2013):

Nơi khiến những vụ án “biết nói”

Thứ Sáu, 23/08/2013, 11:28
Phố Nguyễn Tuân (Hà Nội) có một ngôi nhà số 99 lặng lẽ âm thầm dưới rặng cây xanh tỏa bóng mát. Dẫu ngoài kia nườm nượp người, xe vẫn không làm bận lòng những người trong cuộc. Họ vẫn cặm cụi đăm chiêu bên phòng thí nghiệm, với những mẫu vật đã bốc mùi hôi thối mà họ dày công thu lượm từ hiện trường vụ án. Họ “bắt” những vật chứng nói lên sự thật, nỗi trăn trở đó của những người làm khoa học hình sự không bao giờ dừng lại ở ngôi nhà ở phố Nguyễn Tuân.

1. Đúng ngày Lễ Vu lan (rằm tháng bảy), tôi có mặt ở nơi này khi giờ tầm đã điểm. Không giống với xô bồ của cuộc sống ngoài kia, trong từng căn phòng ở Viện Khoa học hình sự (KHHS) vẫn sáng ánh đèn, những tấm áo blouse trắng vẫn trăn trở từng phút giây…

Đại tá, Phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Sỹ Hiền, Viện trưởng đi nhanh tới kiểm tra từng phòng. Ông đã có hơn 30 năm gắn bó với nghiệp khoa học hình sự, từ một sinh viên giỏi ở Học viện Cảnh sát nhân dân, miệt mài nghiên cứu, giảng dạy và trưởng thành trong nghề.

Từ vị trí Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân ông được phân công về  làm Viện trưởng Viện KHHS vào tháng 7/2013. Người thầy ấy đã từng đào tạo nhiều thế hệ học trò về kỹ thuật hình sự (KTHS) nhưng ông vẫn không khỏi lo lắng khi ở cương vị mới. Sự khiêm tốn của một người mới kế nhiệm như ông sẽ là bước tạo đà cho sự phát triển của lực lượng KTHS trong giai đoạn mới.

Đại tá Hiền tự hào kể về những dấu ấn đặc biệt, những chiến công vang dội của lực lượng hình sự từ những ngày đầu mới thành lập. Trong đó phải kể đến vụ sát hại nữ nghệ sĩ Thanh Nga tại TP Hồ Chí Minh (năm 1978). Mới đầu, ít ai nghĩ rằng đó là một vụ án hình sự. Chỉ tới khi lực lượng KTHS giám định tài liệu và giám định súng đạn mới phát hiện đó là tội phạm hình sự, từ đó giúp ban chuyên án điều tra xóa sổ một băng nhóm tội phạm nguy hiểm chuyên bắt cóc con nhà giàu để tống tiền, từng tồn tại trước ngày giải phóng.

Vụ đổ tàu Thống Nhất NB-183 xảy ra tại Đồng Nai (1982) làm 162 người chết, 430 người bị thương, thiệt hại 450 tấn hàng hóa, làm hư hỏng 15 toa tàu… đây là vụ tai nạn giao thông lớn nhất Việt Nam. Vụ việc xảy ra đã để lại nỗi hoang mang, ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh chính trị.

Nhờ công tác khám nghiệm hiện trường và giám định dấu vết, Viện KHHS cùng các cơ quan chuyên môn đã đưa ra kết luận nguyên nhân của vụ việc nghiêm trọng này là do bọn tội phạm hình sự được bọn buôn lậu đi trên tàu thuê làm vô hiệu hóa hệ thống phanh hơi của tàu trước khi tàu vào ga nhằm tẩu tán hàng hóa…

Những kết luận như thế có tác dụng định hướng cho công tác điều tra, giúp cho công tác an ninh tư tưởng, an ninh chính trị ổn định dư luận, không để thế lực thù địch thừa cơ kích động, phá hoại.

2. Quả thực, tôi bị “ngợp” bởi những chiến công, những vụ án nghiêm trọng hóc búa tưởng như bị vùi vào dĩ vãng nhưng đã được lực  lượng KTHS tìm ra chìa khóa mở toang cánh cửa vụ án. Nhiều kẻ thủ ác dã man cứ mơ tưởng rằng “có trời mới khui được” đã phải gục xuống nhận tội bởi những chứng cứ khoa học chính xác.

Thời đại công nghệ số cũng là lúc bọn tội phạm lắm chiêu trò, không ít kẻ mang danh trí thức, doanh nhân cũng dùng những thủ đoạn tinh vi, tàn ác mà người lương thiện phải rùng mình.

Đại tá Hà Quốc Khanh, Phó Viện trưởng Viện KHHS vẫn cảm thấy rùng mình khi ông cùng với 2 Giám định viên tư pháp Phòng 8 (Đại úy Lê Viết Việt và Thượng úy Lương Thị Phúc) tới khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra tại xã Phú Cường, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) ngày 18/4. Thi thể một người đàn ông ăn mặc lịch sự nằm úp cách chiếc xe ôtô chừng 50m nằm tại Thung Khe.

Đại tá, PGS.TS Ngô Sỹ Hiền, Viện Trưởng Viện KHHS (người đứng bên trái) kiểm tra kết quả giám định tại Trung tâm giám định gen.

Ông Khanh kể, khi ấy thi thể nạn nhân xấu số đã phân hủy nhiều, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc thấy đau đớn lắm. Chiếc xe ô tô 4 chỗ thì cắm thẳng xuống vực hư hỏng nặng. Với người dân bình thường thì cho rằng đó là một vụ tai nạn giao thông. Và chuyện tai nạn xảy ra ở Thung Khe cũng là chuyện không hiếm, bởi đó là một vực thẳm.

Mặc cho mùi hôi thối xông lên mũi, với tinh thần trách nhiệm cao, các cán bộ khám nghiệm thuộc Viện KHHS đã quyết tâm tìm ra nguyên nhân vụ việc. Từ đôi găng tay cao su còn vứt lại trên xe, đó là chứng cứ quan trọng đã được thu thập. Người xấu số là anh H.,  Phó Giám đốc một ngân hàng ở huyện Mai Châu.

Người thân của anh cho biết, trước đó 2 ngày anh nói rằng đi chơi thể thao với một người bạn và không thấy anh trở về nữa. Từ chiếc găng tay “biết nói” đã tìm ra thủ phạm là người bạn thân của anh H., tên Lê Văn Minh là giám đốc một công ty TNHH. Vì thân thiết với nhau, khi hắn gọi đi “bàn việc” là anh đến ngay. Lừa lúc anh H. đang nhắn tin, hắn dùng ống nước đánh mạnh vào đầu khiến anh H. chết ngay tại chỗ.

Hắn đưa nạn nhân lên xe và chở đến Thung Khe phi tang, coi đó như một vụ tai nạn giao thông. Trước đó, hắn đã được anh H. đứng ra tín chấp vay tiền ngân hàng cho hắn làm ăn. Nay, vì không có tiền trả nợ nên hắn đã tìm cách sát hại bạn để trốn nợ…

Có những vụ án đau lòng khi thủ phạm lại là người thân. Vụ nổ kinh hoàng xảy ra cách đây 1 năm tại xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh khiến dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng. Khi chị Nguyễn Thị Quỳnh (đang mang thai) lấy chiếc xe máy Dream của gia đình chở con gái Nguyễn Khánh Vân đi học. Bỗng chiếc xe máy phát nổ khiến Chị Quỳnh tử vong và con gái bị thương nặng.

Mọi người không hiểu vì sao chiếc xe lại nổ ghê gớm thế, tang tóc bao trùm khắp gia đình nạn nhân. Nhưng, những cán bộ kỹ thuật hình sự của Viện KHHS vẫn âm thầm vào cuộc với bao nỗi trăn trở. Dẫu trời rét căm căm vẫn không khiến họ nản lòng, từng mẩu vụn tại hiện trường cũng được thu thập tỉ mỉ. Con đường Hà Nội - Bắc Ninh qua lại từng lại cũng quen từng gốc cây ngọn cỏ...

Qua phân tích mẫu vật thu được ở hiện trường cho thấy có chất gây nổ, manh mối của một vụ án hình sự đã hé mở. Chỉ 3 tuần sau, Công an tỉnh Bắc Ninh đã tìm ra kẻ gài thuốc nổ vào xe máy nhằm sát hại mẹ con chị Quỳnh là tên Nguyễn Đức Tiềm, gã em rể bất lương của chồng nạn nhân.

Nhà hắn ở liền nhà chị Quỳnh nên đã nảy sinh những mâu thuẫn lặt vặt trong cuộc sống đời thường. Từng tốt nghiệp đại học, hắn biết gài chất nổ vào xe máy để hãm hại mẹ con chị Quỳnh. Từ vụ án này đã giúp cơ quan điều tra phát hiện, tên Tiềm còn là thủ phạm của vụ gây nổ làm cụt chân của một người bạn thân của hắn ở tỉnh Hải Dương trước đó…

3. “Người cán bộ KTHS phải là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ tôn trọng sự thật khách quan, không dao động” - Đại tá Ngô Sĩ Hiền nói. Và, họ luôn là những người say mê với nghề gian khổ và vô cùng vất vả với những ngành khoa học sinh học, vật lý, công nghệ thông tin, y học, dược học…

Mỗi người lính ở lực lượng này đều có tinh thần chiến đấu cao, có lệnh là lên đường. Với tinh thần phục vụ nhân dân vô điều kiện, cộng với công nghệ hiện đại và định hướng đúng đắn trong đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nhiều phương pháp giám định mới như giám định gen, giám định âm thanh, phát hiện dấu vết đường vân bằng phương pháp xông keo, thu dấu vân tay ướt…đã được lực lượng KTHS triển khai, ứng dụng vào công tác phát hiện, điều tra tội phạm và đã đem lại những hiệu quả thiết thực.

Bước sang thế kỷ XXI, khi khoa học – kỹ thuật và công nghệ thế giới đã có những bước tiến mạnh mẽ, hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta đang ngày càng rộng mở. Đây cũng là cơ hội để các loại tội phạm phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia hoạt động phạm tội.

Kỹ thuật hình sự CAND Việt Nam đã triển khai được hầu hết các lĩnh vực giám định KTHS mà thế giới hiện có. Được trang bị nhiều máy móc hiện đại ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Giám định KTHS và giám định pháp y của lực lượng CAND là một bộ phận của giám định tư pháp công lập, có tổ chức chặt chẽ và hoạt động hiệu quả, có uy tín cao trong hệ thống giám định tư pháp của Nhà nước hiện nay.

Đại tá, PGS. TS Ngô Sỹ Hiền, Viện trưởng Viện KHHS: Nhân dịp kỷ niệm 56 năm ngày truyền thống lực lượng kỹ thuật hình sự CAND, Đảng ủy và lãnh đạo Viện KHHS xin chan thành cảm ơn các cấp, các ngành đã  quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ vào tạo điều kiện để lực lượng KTHS phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chúng tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cán bộ kỹ thuật hình sự và toàn thể cán bộ chiến sĩ trong lực lượng đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của lực lượng.

Kim Quý
.
.