Giáo dục đào tạo Công an nhân dân:

Nỗ lực tối đa xác lập nhiều “thương hiệu” mới

Chủ Nhật, 24/08/2014, 11:56
Trong bức tranh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo nước nhà đang khởi sắc mạnh mẽ thì giáo dục Công an nhân dân (CAND) những năm qua đã bước một bước đi dài, với nhiều thương hiệu mới được xác lập trong toàn hệ thống. Để có được những “thương hiệu mới”, các nhà trường CAND dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và thiết thực của Đảng ủy CATW, lãnh đạo Bộ Công an đã nỗ lực hết mình, bằng trách nhiệm cao nhất và chắt chiu tối đa điều kiện hiện có để thực hiện thành công những mục tiêu trong Đề án 1229 “Quy hoạch tổng thể, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong CAND đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011. Đề án 1229 với tầm nhìn xa chính là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng nhất để nâng tầm giáo dục CAND cất cánh!

“An cư thì mới lạc nghiệp”

Chia sẻ với PV CAND, Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Xuân Tư, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND đã tâm sự, trước đây lực lượng CAND đã từng có một đề án tổng thể đẩy mạnh giáo dục đào tạo CAND, nhưng đề án này chỉ thuộc phạm vi của Bộ Công an, thiếu sự đầu tư các nguồn lực cho công tác giáo dục đào tạo, đặc biệt là quy hoạch mạng lưới trường, đầu tư về kinh phí, phương tiện, địa điểm, quy mô. Do đó, sau nhiều năm nghiên cứu và sau những nỗ lực vượt bậc, với sự chỉ đạo có tính chiến lược dài hơi của lãnh đạo Bộ Công an thì Đề án 1229 đã ra đời.

Lần đầu tiên lực lượng CAND có một đề án tổng thể phát triển giáo dục đào tạo do Thủ tướng phê duyệt và Bộ Công an cũng là bộ ngành đầu tiên thực hiện chủ trương quy hoạch, đổi mới mạng lưới công tác giáo dục theo những đề án lớn của Chính phủ. Đáng mừng là đến nay, Bộ Công an đã phê duyệt xong sáu đề án thành phần, trong đó Đề án thành phần số 1 là quy hoạch mạng lưới, phân công nhiệm vụ đào tạo cho các nhà trường CAND. Đề án thành phần số 2, số 3 xây dựng Học viện ANND và Học viện CSND trở thành trường trọng điểm của ngành và của quốc gia. Đề án số 4 đổi mới ngành nghề và phương thức tổ chức đào tạo. Đề án số 5 xây dựng phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Đề án số 6 đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị đồ dùng dạy học…

Các trường CAND đang quyết tâm chuẩn hóa chức danh đối với đội ngũ nhà giáo.

Từ bây giờ, giáo dục đào tạo CAND sẽ có thêm nhiều “thương hiệu mới”, trong đó hai học viện là Học viện ANND và CSND, và sau này còn có Học viện Chính trị CAND sẽ là học viện trọng điểm đầu ngành, là trung tâm đào tạo nghiên cứu chất lượng cao, làm nòng cốt cho sự phát triển chung của hệ thống giáo dục CAND, để năm 2020 trở thành trường trọng điểm của quốc gia. Ngành Công an sẽ có trường đại học vùng, đào tạo cán bộ từng vùng cho một số lực lượng chính như ĐH ANND và ĐH CSND; đồng thời có trường đại học ngành để đào tạo cán bộ cho những ngành chuyên môn kỹ thuật, như ĐH PCCC, ĐH Kỹ thuật – Hậu cần CAND. Hiện nay, đồng loạt nhiều trường CĐ mới đã được thành lập để đào tạo cán bộ thực hành bậc cao, cung cấp nguồn nhân lực cho các đơn vị trực tiếp chiến đấu ở cơ sở. Cùng với đó hệ trung cấp tiếp tục đào tạo 1 số ngành nghề cho các đơn vị chiến đấu tập trung. Nét đặc biệt là trong giáo dục đại học CAND đã có phân tầng ĐH ứng dụng và ĐH nghiên cứu; ĐH ứng dụng để đào tạo cán bộ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ quan ở Bộ, Công an cấp tỉnh theo hướng ứng dụng và đào tạo chức danh tư pháp; ĐH nghiên cứu đào tạo cán bộ tham mưu nghiên cứu tạo nguồn bổ nhiệm cán bộ theo chuyên môn mới.

Phải sớm có những trường đại học đạt chuẩn ASEAN và thế giới

Trong tương lai không xa, hai Học viện ANND, Học viện CSND sẽ trở thành trường “đầu tàu” trong hệ thống giáo dục CAND và giáo dục quốc dân. Và đến nay, hai Học viện này đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ xứng đáng trở thành trường “trọng điểm”. Trò chuyện với PV CAND, Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện CSND chia sẻ, về tổ chức bộ máy, Học viện đã được Bộ Công an cho thành lập nhiều đơn vị nghiên cứu khoa học chuyên trách như: Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Trung tâm Nghiên cứu an toàn giao thông và đang đề xuất thành lập Trung tâm nghiên cứu giáo dục đào tạo cảnh sát, tiến tới thành lập Viện Khoa học Cảnh sát trực thuộc Học viện vào cuối năm 2014. Công tác nghiên cứu khoa học được đặt ngang với công tác đào tạo của nhà trường. Nhiều bộ giáo trình, sách chuyên khảo lớn đã được biên soạn, xuất bản như: “Khoa học hình sự Việt Nam”, “Khoa học trinh sát Việt Nam”, “Tội phạm học Việt Nam”, “Khoa học Công an Việt Nam”…

Học viện CSND còn mở nhiều ngành đào tạo đại học thực hành, đại học nghiên cứu, sau đại học, bồi dưỡng lãnh đạo chỉ huy CSND; đào tạo giáo viên theo hướng là trường đa ngành, đa lĩnh vực. Học viện đang đi đầu trong các học viện, nhà trường CAND với 2 đột phá: gắn đào tạo với thực tiễn chiến đấu của lực lượng CAND và mở rộng hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo. Tính đến nay Học viện có 6 giáo sư, 24 phó giáo sư, 105 tiến sỹ, gần 400 thạc sỹ, hơn 200 giảng viên chính và là nhà trường có số lượng cán bộ có trình độ cao đứng đầu các học viện, nhà trường CAND. Học viện có 4 nhà khoa học được Nhà nước bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng chức danh Giáo sư của Bộ Công an.

Mặc dù giáo dục CAND còn nhiều khó khăn, nhưng đó cũng là “điều kiện” phải có vì không có điều gì là hoàn hảo. Khó khăn để vươn lên, khó khăn để nỗ lực phấn đấu, nhìn thấy khó khăn để không rơi vào sự thỏa mãn. Để giáo dục CAND thực sự vươn lên, cất cánh đúng như kỳ vọng của Đảng ủy CATW và lãnh đạo Bộ Công an, theo Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm có 3 giải pháp cần đặc biệt lưu tâm: Thứ nhất, Bộ Công an cần ưu tiên đầu tư nguồn nhân lực, tuyển những người giỏi nhất trong xã hội vào lực lượng CAND và vào các học viện, nhà trường CAND. Thứ hai, cần có cơ chế thoáng hơn để gắn đào tạo với thực tiễn chiến đấu của lực lượng CAND. Mô hình này, Theo Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm nên học tập ngành Y. Lãnh đạo các Tổng cục, Cục nghiệp vụ, Ban giám đốc Công an các tỉnh, thành phố kiêm nhiệm lãnh đạo trong Ban giám hiệu, lãnh đạo các khoa, bộ môn tại các trường CAND và ngược lại… Phấn đấu tiến tới 100% giảng viên các trường CAND trong cuộc đời công tác của mình có khoảng 50% thời gian đi luân chuyển thực tế, công tác tại các đơn vị nghiệp vụ từ Đồn Công an, Công an phường đến các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an. Thứ ba, Bộ ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho một số trường đầu ngành để làm đầu tàu phát triển hệ thống các học viện, nhà trường CAND, thực sự trở thành “thương hiệu” chuẩn mực, tiến tới phấn đấu Việt Nam có khoảng 2-3 trường Công an đạt chuẩn khu vực ASEAN và  thế giới vào năm 2020

Thu Phương
.
.