Nỗ lực đẩy lùi vi phạm trên lĩnh vực môi trường

Thứ Bảy, 26/05/2012, 19:00
Tình trạng vi phạm ATLĐ nói riêng và vi phạm trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản nói chung, đã đến mức báo động. Trước tình hình đó Lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã được Chính phủ giao nhiệm vụ thanh tra, chấn chỉnh lại trật tự trong lĩnh vực này.
>>6 người chết trong vụ nổ liên hoàn trên núi đá

Đúng ngày TAND tỉnh Nghệ An khai mạc phiên xử vụ án sập mỏ đá Lèn Cờ (xảy ra sáng 1/4/2011 tại mỏ đá Lèn Cờ, xã Nam Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) làm chết 18 người, 7 người bị thương; tại Hải Phòng đã xảy ra vụ sập đá làm 6 người bị chết, 4 người bị thương.

Tai họa giáng xuống đầu những người lao động lúc 10h30 ngày 21/5/2012, tại máng đá của ông Bùi Văn Mây (44 tuổi, quê Thủy Nguyên) có 12 người làm việc với 6 búa khoan ở khu vực dưới chân núi Trượt. Sau khi khoan lỗ đặt mìn phá đá, thợ đã tra thuốc nổ vào lỗ và chuẩn bị xuống thì đám mây đen kéo đến đen kịt. Thình lình, một tia chớp kéo dài đánh trúng các dây kích điện tại mỏ khiến mìn nổ hàng loạt, đất đá sập xuống vùi lấp làm 3 người chết, 3 người bị thương.

Cùng thời gian này, tại máng đá của ông Nguyễn Văn Tấn (41 tuổi, quê Thủy Nguyên) ở cách máng của ông Mây khoảng 500m, sét cũng kích nổ mìn gây ra sạt lở đá làm 3 người chết và 1 người bị thương… Hơn một tháng trước đó, rạng sáng 15/4/2012, khu vực đổ đất đá thải của mỏ than Phấn Mễ (thuộc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên) bất ngờ sạt lở, vùi lấp nhà của 10 hộ dân sinh sống dưới chân núi. Lực lượng cứu hộ đã phải vất vả nhiều ngày đào bới, sử dụng cả chó nghiệp vụ mới tìm kiếm được các thi thể bị vùi lấp trong hàng ngàn mét khối đất thải.

Trên đây chỉ là vài ví dụ trong những vụ tai nạn gây chết nhiều người tại các công trường khai thác đá hoặc khu vực bãi thải mỏ sau khai thác, cho thấy tình trạng vi phạm an toàn lao động nói riêng và vi phạm trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản nói chung, đã đến mức báo động.

Theo thống kê, qua khảo sát thăm dò, cả nước đã phát hiện gần 5.000 mỏ và điểm mỏ quặng với hơn 60 loại, chia thành 12 nhóm khoáng sản khác nhau. Đây là nguồn tài nguyên không tái tạo, quý hiếm, có trữ lượng và giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản đã xảy ra nhiều vi phạm.

Tình trạng khai thác vàng sa khoáng, sắt, titan, đá hoa trắng, cát xây dựng… chưa phù hợp nhu cầu thực tế, số lượng giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản được cấp tràn lan, trong khi việc đầu tư các dự án chế biến sâu khoáng sản ít được quan tâm, nhiều loại khoáng sản còn khai thác chế biến bằng công nghệ cũ, lạc hậu. Tình trạng vi phạm an toàn lao động và bảo vệ môi trường khá phổ biến. Hoạt động khai thác trái phép còn tồn tại ở nhiều địa phương. Việc xuất khẩu lậu khoáng sản thô và gian lận thương mại có biểu hiện gia tăng, chưa kiểm soát được, gây mất trật tự an ninh - xã hội và gây bức xúc trong nhân dân…

Lực lượng Cảnh sát môi trường kiểm tra một vụ xả thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Tình hình vi phạm pháp luật trong khai thác, chế biến, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản còn phổ biến. Từ năm 2007 đến 2011, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện và xử lý 4.142 vụ, riêng năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 đã phát hiện, xử lý 2.117 vụ, phạt 21,7 tỷ đồng, chuyển khởi tố 3 vụ và 13 bị can.

Qua công tác điều tra của lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, trên 90% các cơ sở sản xuất kinh doanh khai thác, chế biến khoáng sản vi phạm pháp luật về BVMT. Các lỗi chủ yếu như không có bản báo cáo đánh giá tác động môi trường; thực hiện không đầy đủ các quy định trong bản cam kết bảo vệ môi trường; không hoàn thổ sau khai thác, không ký quỹ phục hồi môi trường; khai thác không đúng vị trí cấp phép; xả nước thải, khí thải, bụi sai quy định vượt quá tiêu chuẩn cho phép...

Vi phạm trên ảnh hưởng lớn đến môi trường và tiềm ẩn sự cố môi trường có thể xảy ra bất cứ lúc nào như vụ vỡ đập chứa bùn thải tại mỏ sắt Nà Lũng – Cao Bằng năm 2010 (thuộc Tập đoàn Vinacomin); vụ sạt lở bãi thải tại mỏ than Phấn Mễ - Thái Nguyên năm 2012 (thuộc Công ty Gang thép Thái Nguyên)

Nhằm chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng, xuất khẩu khoáng sản; thực hiện NQ số 02 ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến 2020; ngày 23/12/2011, Chủ tịch Quốc hội đã có Nghị quyết số 426 thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật trong khai thác, chế biến khoáng sản gắn với BVMT (báo cáo kết quả giám sát với Thường vụ Quốc hội vào tháng 8/2012); Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 02 ngày 9/1/2012 xác định rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và chủ trương, định hướng cụ thể công tác thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu đối với từng loại khoáng sản trong thời gian tới. 

Trên cơ sở đó, ngày 16/5/2012, Bộ Công an đã có Kế hoạch số 118/KH-BCA yêu cầu Công an các cấp thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung nắm chắc tình hình, thực trạng công tác triển khai các chính sách, biện pháp quản lý, thăm dò, khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản của chính quyền các cấp 5 năm qua để tham mưu cho các ngành, các cấp triển khai có hiệu quả chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Rà soát hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đến thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và đủ sức răn đe tội phạm. Ứng dụng các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện kịp thời, đấu tranh triệt để, xử lý nghiêm cấm các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và trật tự, an toàn xã hội khu vực khai thác mỏ. Quản lý tốt về người, phương tiện, vật liệu nổ, hóa chất trong khai thác, chế biến khoáng sản; Phát động có hiệu quả phong trào “Quần chúng bảo vệ ANTQ” trên từng địa bàn, phổ biến, giáo dục pháp luật để đông đảo quần chúng tham gia bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường sống khu dân cư…

Nhằm thực hiện các nhiệm vụ trên, lực lượng Cảnh sát môi trường sẽ tiến hành kiểm tra kỹ năng lực, điều kiện của đơn vị được cấp giấy phép những đơn vị nào hoạt động có hiệu quả, tuân thủ pháp luật thì tiếp tục hỗ trợ để khai thác, đơn vị nào sai phạm nhiều hoặc khai thác không có hiệu quả có dấu hiệu mua bán giấy phép cần thu hồi và xử lý theo quy định của pháp luật…

Bên cạnh đó, sẽ tham mưu xây dựng, đề xuất cấp thẩm quyền xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn xử lý tội phạm trong chương 17 Bộ luật Hình sự như: Ban hành Thông tư hướng dẫn đánh giá xác định mức độ “hậu quả nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng” và “đặc biệt nghiêm trọng” để có căn cứ xử lý hình sự. Đáng chú ý, sẽ đề nghị cho phép lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện

Nguyễn Sỹ
.
.