Nỗ lực đảm bảo an toàn mùa lễ hội
Ngày 24/2, tức mùng 6 tháng Giêng năm Ất Mùi 2015, Lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chính thức khai mạc, gắn liền với hai hoạt động quan trọng: Đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt dành cho quần thể kiến trúc khu di tích đền Sóc và đón nhận Bằng chứng nhận Tượng đài Thánh Gióng đạt kỷ lục Việt Nam.
Bên cạnh những hoạt động văn hóa tín ngưỡng độc đáo được gìn giữ cho tới ngày nay, lễ hội đền Sóc vẫn còn những nghi lễ khiến không ít du khách cảm thấy lạ lẫm, đặc biệt trong số đó phải kể đến tục "cướp giò hoa tre”. Đây là một trong 8 lễ vật cung tiến thần linh tại lễ hội đền Sóc (cùng với voi chiến, trầu cau, ngà voi, cỏ voi, “nữ tướng trẻ”, “cầu húc” và ngựa Gióng), với ước vọng về một nền “Quốc thái dân an”.
Trước thông tin một số báo chí đăng tải tại Lễ hội đền Sóc có hiện tượng "khi kiệu hoa tre vừa rước vào đến đền Thượng đã bị hàng chục thanh niên lao vào cướp để lấy may mắn cho cả năm. Nhiều người cầm cả gậy để vụt tới tấp vào đội bảo vệ kiệu. Một cụ ông bị xô rơi cả cặp kính đang đeo. Cảnh hỗn loạn trên sân đền diễn ra chỉ vài phút đồng hồ nhưng cũng đủ làm cho du khách tham dự thấy ngán ngẩm và kinh sợ.
Nhiều thanh niên thấy đánh nhau còn hùa vào xem", trao đổi với phóng viên Báo Công an nhân dân, Đại tá Trần Quang Huy, Trưởng Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) khẳng định, tại Lễ hội đền Sóc sáng nay không phải là hiện tượng đánh nhau như một số trang báo mạng phản ánh. Công an huyện Sóc Sơn cũng chưa nhận được đơn trình báo của ai về việc bị gây thương tích. Đại tá Trần Quang Huy cho biết thêm, khai mạc lễ hội đền Sóc gồm phần lễ và phần hội…
Theo tập quán, sau khi dâng lễ trên đền Thượng xong, Ban tổ chức sẽ đưa các vật phẩm lễ xuống đền Hạ để sau khi kết thúc lễ hội sẽ hóa voi và ngựa. Riêng lễ phẩm trầu cau và giò hoa tre, theo quy định, sẽ tán lộc cho du khách. Khi đưa từ đền Thượng xuống, theo phong tục, phải có đội quân bảo vệ lễ vật, cầm gậy tre đi theo. Vì nguyện vọng của du khách mong muốn lấy được lộc đầu năm nên có hiện tượng du khách xô vào cướp lộc trầu cau và giò hoa tre.
Ban Quản lý khu di tích đền Sóc cho biết, cùng với tục "cướp giò hoa tre”, lễ hội đền Sóc trước đây cũng ghi nhận nghi lễ “chém tướng”. Tuy nhiên, do sự lộn xộn, cũng như những nguy hiểm (có thể xảy đến) cho chính những người tham gia lễ hội nên hoạt động này nay chỉ còn được tổ chức tượng trưng. Riêng đối với tục “cướp giò hoa tre” là nghi lễ văn hóa đặc trưng cho lễ hội này nên vẫn duy trì.
Để đảm bảo trật tự, an toàn cho lễ hội đền Sóc 2015, Công an huyện Sóc Sơn đã chủ động phối hợp với các lực lượng Công an TP Hà Nội đảm bảo an ninh, trật tự...
Có mặt tại Phủ Tây Hồ, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, chùa Hà… chúng tôi chứng kiến đông đảo khách hành hương trong và ngoài nước đến tham quan, cầu an. Con đường ven Hồ Tây – dẫn vào Phủ Tây Hồ (phường Quảng An – Tây Hồ) sáng 21/2 (tức mùng 3 Tết âm lịch), dòng phương tiện nối nhau như nêm. Ai cũng hồ hởi khi đến đây cầu an.
Lực lượng Công an đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực chùa Trấn Quốc - Hà Nội (ảnh chụp trưa mùng 3 Tết âm lịch). |
Thiếu tá Nguyễn Đắc Tiến, Trưởng Công an phường Quảng An cho biết, ngay từ đêm Giao thừa trở lại đây, bình quân mỗi ngày, Phủ Tây Hồ đón khoảng 5 – 7 ngàn lượt khách hành hương trong và ngoài nước đến tham quan, khấn lễ cầu yên bình. Ngoài ra, trên địa bàn, 6 điểm đình – chùa khác cũng thu hút lượng lớn khách hành hương.
Tương tự, ghi nhận tại chùa Trấn Quốc, phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) vào trưa cùng ngày, chúng tôi chứng kiến đông du khách lui tới chùa. Đến mùng 3 Tết, nơi đây đã thu hút đến gần ngàn lượt khách hành hương. Đông khách hành hương lui tới, nguy cơ ùn tắc giao thông gây bức xúc cho người dân luôn tiềm ẩn. Nhận thức rõ những nguy cơ tiềm ẩn phát sinh trên, dưới sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, lực lượng Công an sở tại – nơi có các điểm đình, chùa tọa lạc thu hút đông khách hành hương đã chủ động lên kế hoạch, triển khai các phương án đảm bảo ANTT. Trung tá Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng Công an phường Yên Phụ cho hay, ngay từ ngày 28/1, Công an phường đã có kế hoạch đảm bảo ANTT, giữ gìn trật tự an toàn giao thông – trật tự đô thị - vệ sinh môi trường trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
Theo đó, trong mấy ngày Tết Nguyên đán, bên cạnh các chốt tuần tra cố định (5 chốt) quanh các điểm đình chùa: chùa Trấn Quốc, đình làng Yên Phụ, đền Nghĩa Dũng…, Công an phường còn “lập” ra 2 tổ công tác gồm: Công an, dân phòng, bảo vệ dân phố… tuần tra lưu động nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan đến TTATGT. Đặc biệt, trên đường Thanh Niên – đoạn qua chùa Trấn Quốc luôn túc trực 1 tổ công tác kết hợp với Đội CSGT số 2 – Phòng CSGT, CATP Hà Nội làm nhiệm vụ phân luồng các phương tiện lưu thông qua đây từ 8h đến 21h hằng ngày.
Cũng nhờ sự linh hoạt, phân luồng giao thông từ xa, thế nên ngày mùng 3 Tết, khảo sát tại đây chúng tôi nhận thấy, dù mật độ các phương tiện tham gia giao thông, khách hành hương đến chùa Trấn Quốc mỗi lúc một đông, song hiện tượng ùn tắc giao thông cục bộ đã không xảy ra. Trước cổng chùa Trấn Quốc, Thiếu úy Trần Mạnh Cường, cán bộ Công an phường Yên Phụ liên tục tuýt còi báo hiệu, hướng dẫn các phương tiện lưu thông, chấp hành nghiêm quy định của Luật Giao thông đường bộ, không dừng đỗ xe sai quy định…