Những tổ công tác đặc biệt - “cú đấm thép” sáng danh CSND

Thứ Tư, 16/07/2014, 08:57
Họ là những tổ công tác đặc biệt của lực lượng Cảnh sát, được hình thành trong một giai đoạn, thời điểm nhất định khi có những phức tạp nổi lên về an ninh trật tự. Họ có thể hoạt động công khai, hoặc bí mật, nhưng có vai trò đặc biệt như những “cú đấm thép” trực diện tấn công vào tội phạm. Nhưng, những kết quả của các tổ công tác đặc biệt làm được đã và sẽ in đậm dấu ấn trong lòng nhân dân và góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang cho lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam…

Vậy là đã gần 2 năm, tổ công tác đặc biệt của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Tổng cục VI) đã ra đời và âm thầm góp những chiến công lớn trong việc tấn công, trấn áp các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Thực ra, ban đầu, đây là đơn vị được trưng dụng để khám phá, điều tra một vụ án phức tạp. Vụ án kết thúc thắng lợi. Từ kinh nghiệm của vụ việc này, với tầm nhìn sát thực tế tình hình tội phạm, lãnh đạo Tổng cục VI nhận thấy rất cần phải có một tổ công tác đặc biệt tinh nhuệ để tung vào những vụ án khó, những vụ án phức tạp. Cuối năm 2012, có một “binh chủng” mới được thành lập tại Tổng cục VI. Đó là “binh chủng” đặc biệt mang tên “113”, bao gồm các cán bộ chỉ huy, các trinh sát, điều tra viên thực sự có năng lực, có tư duy tốt, dám lăn xả vì nhiệt huyết với công tác đấu tranh chống tội phạm. “Đây là lực lượng tinh nhuệ nhằm đánh mạnh vào các băng nhóm tội phạm đang có dấu hiệu hoạt động lộng hành ở các địa phương” - Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục VI đã rất đỗi tự hào khi kể về họ.

Bài 1: Trực diện tấn công các băng nhóm tội phạm lộng hành

Ban đầu thành lập, tổ công tác đặc biệt có không nhiều cán bộ, đến nay, đã có một đội ngũ dày dạn từ chỉ huy đến CBCS ở các đơn vị khác nhau của Tổng cục VI (chủ công là Cục Cảnh sát hình sự) quy tụ về đây, trực tiếp do Trung tướng Phan Văn Vĩnh làm… tổ trưởng. Điều thuận của tổ công tác đặc biệt là họ gồm những trinh sát trẻ, năng động và tinh thông nghiệp vụ, còn các điều tra viên đều giỏi và có kinh nghiệm. Chính vì thế, họ bổ trợ cho nhau rất tốt trong công việc.

Nhiệm vụ của tổ công tác đặc biệt là đấu tranh với các băng nhóm tội phạm có tổ chức, nổi lên gây bức xúc dư luận địa phương. Đặc điểm của các loại băng nhóm này là thường có mối quan hệ với một số cán bộ của chính quyền sở tại và hết sức côn đồ, hung hãn, khiến người dân bức xúc nhưng gặp khó khăn trong phản ứng chiến đấu. Để triệt phá thành công các băng nhóm này, một trong những quy tắc làm việc đầu tiên của tổ công tác đặc biệt là tổ chức điều tra, xác minh độc lập tuyệt đối giữ bí mật. Có những vụ án, các trinh sát, điều tra viên hoạt động nắm tình hình ở các địa phương đến 2-3 tháng, nhưng tịnh không một ai, kể cả đồng nghiệp tại địa phương biết được. Để làm được điều đó, mỗi CBCS của tổ công tác đặc biệt phải là một con người quả cảm, bản lĩnh, biết linh hoạt xử lý các tình huống và chấp nhận mọi sự hy sinh, gian khổ, không bị mua chuộc trước bất cứ sự cám dỗ nào.

Bắt giữ, dẫn giải đối tượng phạm tội trong vụ Dũng “mặt sắt”.

Một số ví dụ điển hình, đó là chiến công triệt phá các băng nhóm “cát tặc” trên sông Lô; bắt giữ nhóm tội phạm công nghệ cao người Trung Quốc giả danh cán bộ Công an, giả danh cán bộ Viện KSND của chính đất nước Trung Quốc để lừa đảo tiền của người dân; triệt phá băng nhóm tổ chức cờ bạc của Đức “vẩu” ở chùa Dận (Bắc Ninh); tấn công băng nhóm tội phạm có tổ chức do Dũng “mặt sắt” cầm đầu tại Móng Cái (Quảng Ninh)…

Mỗi trận đánh là một cuộc đấu trí và đấu cả sức vô cùng căng thẳng. Họ không chỉ triệt phá được các băng nhóm tội phạm, mà còn đi đầu trong việc cảnh báo tội phạm cũng như phát hiện những sơ hở, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước “trám” kín trong trong công tác quản lý kinh tế- xã hội. Tổ công tác đặc biệt chính là lực lượng đi đầu trong việc triệt phá các băng nhóm cát tặc và bảo kê trên sông Lô. Sau việc triệt phá này, các địa phương trên tuyến đã kịp thời chấn chỉnh lại việc quản lý công việc khai thác cát trên sông Lô. Công an các địa phương dọc tuyến cũng triển khai quyết liệt việc kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động khai thác cát. Trật tự và bình yên trên sông Lô đã được thiết lập lại, góp phần chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên…

Băng nhóm tội phạm do Dũng “mặt sắt” cầm đầu từng làm mưa, làm gió ở khu vực Móng Cái (Quảng Ninh). Chúng tổ chức bao biên, dùng các thủ đoạn “bẩn” ép các doanh nghiệp phải nộp tiền bảo kê cho chúng khi muốn vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Đồng thời, chúng còn lợi dụng chính sách “tạm nhập, tái xuất” để buôn lậu hàng trăm chiếc ôtô qua biên giới. Thủ đoạn phạm tội của bọn chúng cực kỳ tinh vi, thậm chí còn có sự câu kết với một số cán bộ thoái hóa trong các cơ quan Nhà nước để “dùng bàn tay che bầu trời”. Để “bóc trần” được các băng nhóm này, suốt 6 tháng ròng rã, các điều tra viên phải “lang thang” để tìm hiểu về bản chất của việc buôn lậu qua đường “tạm nhập, tái xuất”, bản chất của số xe ôtô nhập khẩu… Từ đó, đêm 5/5/2013, tất cả quân số “113” của Tổng cục VI phối hợp với các lực lượng khác như cơn lốc tấn công vào ổ nhóm của Dũng “mặt sắt” khi chúng đang vận chuyển trái phép ôtô qua biên giới tại khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Hải Hà, Quảng Ninh).

Sau khi băng nhóm này bị triệt phá, các cơ quan chức năng đã phải xem xét lại những kẽ hở trong chính sách “tạm nhập, tái xuất” bị bọn tội phạm lợi dụng để buôn lậu xuyên quốc gia. Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành rà soát lại hoạt động của các doanh nghiệp, phát hiện nhiều doanh nghiệp nợ thuế, trốn thuế, buộc phải truy thu. Các hoạt động vận chuyển hàng hóa qua biên giới ở các cửa khẩu tại Quảng Ninh cũng như các tỉnh biên giới khác buộc phải chấn chỉnh theo đúng quy định của Bộ Công thương và UBND tỉnh…

Theo nhận xét của lãnh đạo Tổng cục VI, đây là đội quân tinh nhuệ, là mũi nhọn tấn công các tổ chức tội phạm đang có dấu hiệu hoạt động lộng hành ở các địa phương. Nhưng phá án xong, không một dòng tên trên các phương tiện thông tin đại chúng, thành tích của họ đã hóa vào bình yên đất nước.

Cả đơn vị đặc biệt sống và làm việc trong một đơn vị, giống như mái nhà, rất đoàn kết và yêu thương nhau. Những người lãnh đạo của đội quân này rất thương những người lính trẻ của mình khi cuộc sống hàng ngày của gia đình họ còn gặp nhiều khó khăn, khi họ phải biền biệt xa nhà để phục vụ cho công tác, khi họ luôn phải thường trực đối mặt với sự hy sinh… Họ lại không thuộc một đơn vị chính thức nào nên đôi khi, cũng thiệt thòi trong quá trình phấn đấu chức vụ. Họ chỉ được bù lại bằng niềm vui khi thấy sự bình yên trở lại với những vùng đất “dữ”, khi sự nỗ lực và hy sinh của họ được lãnh đạo Tổng cục VI, lãnh đạo Bộ Công an ghi nhận. Gần 2 năm hoạt động, tổ công tác đặc biệt đã nhận được 3 Thư khen của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, hầu hết các CBCS của tổ đều được Bằng khen của Bộ Công an, Giấy khen của Tổng cục VI

T. Hòa
.
.