Những thầy thuốc ở Trại giam Thanh Lâm

Chủ Nhật, 27/02/2011, 15:15
Mới sáng sớm, dù chưa đến giờ làm việc nhưng Trung tá, bác sĩ Nguyễn Xuân Quý, bệnh xá trưởng Trại giam Thanh Lâm đã có mặt tại đơn vị. Mặc vội chiếc áo blu trắng, anh xuống phân trại số 1, nơi có 52 phạm nhân đang điều trị tại đây.

Sở dĩ anh phải đến sớm như vậy, vì có 3 phạm nhân bệnh đang tiến triển xấu. Chính vì vậy, anh cần khám bệnh cho họ để có hướng xử lí, chuyển lên tuyến trên để điều trị kịp thời. Trong 3 bệnh nhân này, thì Nguyễn Đức Cường sức khỏe xấu hơn cả, anh bị bệnh lao mạn tính, có HIV nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Bệnh nặng, anh Cường liên tục lên cơn sốt cao, cơ thể rất yếu. Sau khi khám cho các bệnh nhân, Trung tá Quý đã kí bệnh án chuyển cả 3 lên khu điều trị của Trại ở bệnh viện đa khoa Như Xuân.

Được biết, để có được khu điều trị này, Ban Giám thị thuyết phục lãnh đạo huyện tạo điều kiện cấp đất để Trại xây dựng khu điều trị cho phạm nhân. Biết tầm quan trọng của việc này, UBND huyện Như Xuân đã đồng ý cấp 500m2 đất nằm trong khu vực bệnh viện đa khoa huyện. Có đất, Trại đã đầu tư xây dựng 1 buồng giam có 30 giường bệnh cùng với nhà ăn, bếp ăn, phòng nghỉ cho người nhà phạm nhân. Tại đây, hàng ngày y, bác sĩ của bệnh viện đến khám và điều trị cho phạm nhân theo đúng chế độ bệnh nhân của bệnh viện tuyến huyện. Ngoài chế độ, tiêu chuẩn ăn theo quy định, số phạm nhân nằm điều trị tại bệnh viện đơn vị chi ăn thêm 5.000đ/ngày/phạm nhân.

Khu điều trị tại phân trại 1 rộng rãi là thế nhưng mấy hôm nay thời tiết thay đổi, mưa gió thất thường nên các bệnh nhân bị bệnh mãn tính như lao, viêm phế quản, hen, có HIV thay nhau đổ bệnh. Chính vì vậy, công việc của các bác sĩ, nhân viên y tế bận bã hơn rất nhiều lần. Thượng úy Hồ Phi Dương và Trung úy Nguyễn Văn Sản là 2 người chịu trách nhiệm chính ở phân trại này hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Vừa khám, cấp thuốc cho bệnh nhân này chưa xong lại lo cấp cứu cho bệnh nhân khác. Các anh quay như chong chóng bởi cả 52 bệnh nhân đang điều trị đều bệnh nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được quan tâm chăm sóc kịp thời.

Bác sĩ Trại giam Thanh Lâm khám bệnh cho phạm nhân.

Về phía bác sĩ Nguyễn Xuân Quý, sau khi kiểm tra các công tác ở phân trại 1, anh vội vã đến khu điều trị ở bệnh viện, ở đó có 34 bệnh nhân đang chờ anh, thêm 3 người mới chuyển từ phân trại 1 ra nữa là 37. Những phạm nhân nằm ở đây đều bệnh nặng nên người nhà được phép đến chăm sóc. Thế nhưng, những cơn vật vã, đau đớn do HIV giai đoạn cuối, những cơn ho nôn ruột... khiến họ cần bác sĩ hơn bao giờ hết. Biết vậy nên anh Quý luôn dành phần lớn thời gian của mình cho họ.

Tôi khá ngạc nhiên về cử chỉ, việc làm của người bác sĩ ở nơi thâm sơn cùng cốc này. Anh đến từng giường, vừa khám vừa hỏi han chi tiết bệnh của phạm nhân. Các bệnh nhân ở đây, đa phần đều "tứ cố vô thân", gia đình nghèo, đến thăm được cũng đã là cố gắng, không có tiền mua thêm đồ bồi dưỡng chứ không thể nghĩ đến chuyện biếu bác sĩ. Dù vậy, anh Quý không nghĩ đến chuyện đó, anh bảo "chữa bệnh là trách nhiệm của mình, nếu nghĩ đến tiền bạc chắc không gắn bó nổi mảnh đất này".

Anh cũng như nhiều cán bộ ở đây, dù quê ở xa nhưng gắn bó với Trại mãi cũng thành yêu mến, như Giám thị Phan Ngọc Việt cũng mãi tận Nghệ An, vài tháng mới về thăm vợ con một lần. Anh Quý cũng vậy, vợ con ở cách 70km, mỗi tháng cố gắng lắm mới dứt ra về một hôm cho "các con đỡ quên mặt". Được biết, điều kiện làm việc ở Trại  giam còn nhiều thiếu thốn, trong khi đó bệnh nhân rất đông, đa phần có HIV nên công việc rất nặng nề. Ngoài việc khám chữa bệnh cho họ, nhiều lúc, các y, bác sĩ còn kiêm thêm nhiệm vụ của người thân, chăm sóc họ, bởi có nhiều bệnh nhân bị gia đình bỏ rơi, họ rất cô đơn, chán nản.

Anh Quý tâm sự: "Có thời điểm, gần 50% số phạm nhân có HIV nên ngoài việc quản lí, chữa trị cho họ, các cán bộ y tế còn phải làm công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức để các phạm nhân khác biết cách phòng tránh nhưng không xa lánh, kì thị người bệnh. Công tác ở Trại nên có rất nhiều đặc thù, nhiều hôm, đến bữa chưa kịp ăn cơm, lại có bệnh nhân cấp cứu, chúng tôi lại xuống ngay, bởi dù là phạm nhân nhưng họ vẫn là con người, nên không ai nỡ lòng nào bỏ rơi họ".

Tôi hỏi anh, bệnh nhân đa phần bị bệnh truyền nhiễm, có HIV, anh có ngại không? Anh Quý cười: "Sợ thì làm việc sao được, có những lúc phạm nhân tiêu cực, không muốn chữa bệnh, cào cấu, hành hung bác sĩ nhưng chúng tôi không lấy đó làm ngại, một mặt tìm hiểu tâm lí của họ, mặt khác nghiên cứu phương pháp chữa bệnh phù hợp. Từ đó, bệnh nhân hiểu ra, họ đã cảm ơn chúng tôi bằng cách cố gắng cải tạo tốt hơn".

Được biết, với đặc thù nhiều phân trại ở xa trung tâm, có nơi cách trụ sở chính tới gần 70km nên toàn bộ 12 CBCS làm công tác y tế của Trại đều phải chia nhỏ để phụ trách 9 đầu mối y tế. Đặc biệt, các phân trại ở xa điều kiện đi lại hết sức khó khăn, vào mùa mưa, nước lũ chia cắt nên các cán bộ y tế phải đảm nhiệm mọi công việc của một bệnh viện thu nhỏ từ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe đến phòng dịch, thậm chí cả mổ xẻ đơn giản. Chính vì vậy, "lính" y tế ở đây đều thiện chiến, biết nhiều kĩ năng. Họ thường nói vui với nhau, phạm nhân còn được ốm nhưng bác sĩ thì không, bởi nếu ốm, công việc sẽ ùn tắc hoàn toàn. Bác sĩ ở bệnh viện còn có ngày nghỉ, còn được nghỉ bù nhưng ở trại, hàng nghìn phạm nhân, trong đó số có HIV lên tới cả trăm người đòi hỏi các cán bộ y tế luôn phải nỗ lực hết mình. Cũng nhờ sự nhiệt thành, những năm qua, các cán bộ y tế của Trại giam Thanh Lâm đã cứu được hàng chục bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Ngoài việc khám chữa bệnh, hằng năm, Trại giam Thanh Lâm đã phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng tỉnh phòng chống dịch, truyền thông, tư vấn chống lao, HIV/AIDS, thực hiện đảm bảo vệ sinh phòng dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm nên trong 2 năm qua trại giam không có bệnh dịch xảy ra. Đơn vị đã tổ chức khám, cấp phát thuốc và điều trị cho hàng ngàn lượt phạm nhân ốm đau thông thường, chi trả tiền thuốc mỗi năm hàng tỉ đồng...

Không thể kể hết công việc của những cán bộ y tế ở Trại giam Thanh Lâm, chỉ biết rằng hàng ngày, hàng giờ họ đang nỗ lực hết mình. Đối với họ, dù bệnh nhân là các phạm nhân nhưng tất cả đều là con người, đều cần được đối xử công bằng và thân thiện. Có như vậy, mới có thể giúp các phạm nhân vươn lên làm lại cuộc đời

Phương Thủy
.
.