Những thầy cô ân tình của học sinh dân tộc thiểu số

Thứ Hai, 19/11/2012, 13:55
Được gặp gỡ, trò chuyện với những thầy cô giáo ở Trường Văn hoá I Bộ Công an vào đúng dịp 20/11 với chúng tôi sẽ là một kỷ niệm đẹp. Các thầy cô bằng tình yêu nghề tha thiết, yêu học trò là con em đồng bào dân tộc thiểu số như con đã vững tâm thuỷ chung với nghề, không màng danh lợi ngày ngày cần mẫn dạy dỗ các em học sinh dân tộc, giúp các em có đủ tri thức bước vào cuộc đời để trưởng thành. Có lẽ cuộc đời làm thầy không còn hạnh phúc nào hơn thế!

Trong hệ thống các trường CAND, Trường Văn hoá I là một cơ sở đào tạo có tính “đặc thù”. Học sinh của nhà trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hiện số tỉnh được chiêu sinh là 14 tỉnh (từ Quảng Bình trở ra) với 27 dân tộc khác nhau. Vài nét đó cũng đủ để nói lên khó khăn của đội ngũ giáo viên nhà trường khi phải đảm nhận trách nhiệm dạy dỗ các em học sinh dân tộc trình độ không đồng đều. Nguyên nhân là do các em ở vùng đặc biệt khó khăn, cấp I, II các em không được học đủ 11 môn THPT, thậm chí có những địa bàn chỉ đào tạo học sinh đến hệ bổ túc với 6 môn học cơ bản. Đa số các em học sinh nơi đây đều không học đủ chương trình ngoại ngữ tiếng Anh.

Đại tá Ma Khánh Bào, nguyên Hiệu trưởng Trường Văn hoá I và cũng là một trong những thầy giáo có thâm niên làm hiệu trưởng lâu nhất của Trường Văn hoá I tâm sự rằng, nếu không có một tình yêu nghề đủ lớn, không có tình thương yêu thật lòng với học trò và không có cả sự nhẫn nại kiên trì thì rất có thể, nhiều giáo viên của trường đã xin chuyển công tác.

Có những thời kỳ, điều kiện dạy và học của nhà trường vô cùng khó khăn. Đội ngũ giáo viên còn thiếu nhiều, giáo viên phải dạy kiêm nhiệm nhiều môn học; giáo trình tư liệu dạy học sinh dân tộc còn hạn chế. Sau mỗi giờ lên lớp, cả thầy và trò cùng trồng sắn, đào ao thả cá, tự đóng gạch để dựng nhà ở. Mỗi ngày qua đi là một ngày các thầy cô ở nơi đây cống hiến tuổi trẻ, sức lực và tri thức của mình. Để đến bây giờ, trường có một cơ sở hạ tầng khá khang trang, với khu giảng đường 3 tầng hiện đại có cả phòng học tiếng Anh, phòng học lý thuyết chuyên dùng, phòng học vi tính được trang bị hoàn chỉnh.

Nhà trường luôn đặt ra hướng phấn đấu là làm sao tạo mặt bằng kiến thức cho học sinh Trường Văn hoá I đuổi kịp với học sinh của thành phố Thái Nguyên.

Trong giờ tin học của thầy và trò Trường Văn hóa I.

Năm tháng miệt mài của đội ngũ thầy cô giáo Trường Văn hoá I đã giúp các em rút ngắn khoảng cách về trình độ, song song với việc phụ đạo cho học sinh yếu kém, nhà trường thường xuyên tổ chức bồi dưỡng cho học sinh khá giỏi, tổ chức ôn thi cho số học sinh thi vào đại học, tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng, thi tốt nghiệp trung bình hằng năm đều đạt trên 90%, trong đó có những năm học sinh của trường đỗ tốt nghiệp THPT 100%...

Thượng tá Nguyễn Thị Minh, Chủ nhiệm bộ môn Khoa học xã hội của Trường Văn hoá I đã khiến tôi xúc động và cảm phục về nghị lực tuyệt vời khi nghe cô tâm sự về sự nhọc nhằn và vinh quang của nghề giáo. Thượng tá Minh có 10 năm đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, 1 năm đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn lực lượng.

Cô Minh chia sẻ, ngay từ tuổi học trò, cô đã mơ ước được làm nhà giáo, nên năm 1977 cô đã thi vào ĐH Sư phạm Thái Nguyên.

Năm 1981, sau khi tốt nghiệp đại học, cô được tuyển vào làm giáo viên giảng dạy tại Trường Văn hoá I của Bộ Công an. Làm giáo viên dạy học cho học sinh dân tộc rất cần một cái tâm trong sáng và phải yêu thương học trò tận sâu thẳm tâm hồn, coi các em như con mình thì mới đứng vững với nghề. Có những em học yếu, chán nản đã bỏ học, cô Minh chính là người đã thắp lại trong họ một ước mơ giản dị là học để thi đỗ đại học, học để thoát khỏi đói nghèo. Là giáo viên dạy môn Sử, cô thường xuyên sưu tầm những câu chuyện lịch sử, gắn liền văn hoá dân tộc thiểu số để thổi vào bài giảng, khơi lên tình yêu quê hương, yêu đồng bào trong các em học sinh dân tộc. Có lẽ vì thế mà học sinh của cô Minh đã đạt học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử.

Năm 2009, cô Minh bị bệnh hiểm nghèo, sự sống và cái chết có lúc chỉ gang tấc, những lúc nằm trên giường bệnh chuẩn bị bước vào phẫu thuật thì học trò cũ ở tỉnh xa hay tin cô ốm đã tìm về thăm cô, tiếp sức mạnh nghị lực cho cô vượt qua bệnh tật hiểm nghèo. Hiện tại sức khoẻ của cô đã ổn định, các em học trò được gặp lại một hình ảnh cô giáo Minh vui tươi đầy sức sống và cả sức sáng tạo, tận tâm với công việc.

Cô Nguyễn Thị Minh chia sẻ: “Mỗi nghề đều có giá trị riêng khó so sánh, nghề giáo thì càng hạnh phúc thiêng liêng, mỗi sáng thức dậy cứ nghĩ tới ở lớp học đang có hàng trăm em học sinh đang chờ mình thì lòng lại thấy náo nức vô cùng. Mỗi ngày được lên lớp truyền thụ kiến thức và kỹ năng sống cho các em sẽ là những kỷ niệm dịu ngọt, như dòng nước mát trong làm cuộc sống của mình thật ý nghĩa”. Ngày 20/11 năm trước, cô giáo Nguyễn Thị Minh đã gặp lại lứa học trò cô làm chủ nhiệm 13 năm trước, nhiều em giờ đã trưởng thành, thành đạt.

Đội ngũ giáo viên của trường Văn hoá I đang từng bước khẳng định mình bằng sự yêu nghề thuỷ chung và sự sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Đó là cô Đinh Thị Bảnh, nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, có nhiều đóng góp xây dựng đội ngũ giáo viên; cô Đỗ Thị Huyền Lan, Chiến sỹ thi đua nhiều năm và năm 2008 đạt Chiến sỹ thi đua toàn lực lượng CAND. Đó là cô Lý Thái Hảo, cô Nguyễn Ngọc Thuỷ, cô Lê Thị Mỹ Hạnh, cô Dương Thị Hải Yến đều đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp tỉnh.

Đại tá Dương Xuân Đức, Hiệu trưởng Trường Văn hoá I đã phấn khởi cho chúng tôi hay, hiện 100% giáo viên có trình độ đại học, trong đó có 20 giáo viên đạt trình độ thạc sỹ. Năm học 2012 - 2013, trường có 35/48 giáo viên dạy giỏi. Nhà trường có kế hoạch đào tạo giáo viên có trình độ từ thạc sỹ chiếm 30% đội ngũ giáo viên của nhà trường.

Trong thời gian tới, nhà trường sẽ mở lớp tiếng dân tộc cho giáo viên; phấn đấu 100% giáo viên có trình độ tin học B và nâng tỉ lệ nữ là lãnh đạo nhà trường chiếm 30%...

Thu Phương
.
.