Những tấm gương tỏa sáng giữa đời thường

Thứ Bảy, 06/09/2014, 09:39
Có người là những Cảnh sát khu vực, Cảnh sát hình sự nhưng cũng có người chỉ là dân thường làm nghề xe ôm, bán hàng rong, là những cựu chiến binh, chủ nhà trọ... nhưng, tất cả đều có điểm chung là lòng nhân ái và sự quả cảm trong công cuộc bảo vệ cuộc sống bình yên của cộng đồng. Những con người bình dị ấy vẫn ngày ngày lặng lẽ âm thầm với công việc của mình nhưng với những thành viên trong cộng đồng nơi họ đang sống, làm việc, họ là những tấm gương để nhiều người học tập, góp phần lan tỏa sâu rộng hơn phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".

Đến khu vực đường Trường Chinh, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh hỏi thăm "hiệp sĩ" đường phố Trần Văn Hoàng không khó bởi mức độ nổi tiếng về thành tích bắt cướp của anh và nhóm xe ôm kiêm "hiệp sĩ" đường phố tại đây. Trần Văn Hoàng, quê ở Bình Định, vào TP Hồ Chí Minh chọn nghề chạy xe ôm làm kế sinh nhai. Công việc quanh năm suốt tháng "bán mặt" ngoài đường cho anh có điều kiện quan sát, tìm hiểu và chứng kiến nhiều cảnh đời. Bản tính bộc trực của người đất võ có dịp bộc lộ khi chứng kiến cảnh người đi đường bị cướp trắng trợn, nhiều người vì bị chúng xô ngã khi cướp của mà thương tích đầy người, có khi mất mạng.

Lực lượng Công an giúp dân giữ gìn cảnh quan đô thị.

Anh Hoàng kể rằng, chứng kiến những cảnh như thế, bản thân anh rất bức xúc. Tiền của đong bằng mồ hôi nước mắt của người ta mà chúng cướp trong phút chốc. Giữa đường thấy chuyện bất bình, anh xông vào giúp người bị nạn. Nhiều lần và nhiều năm liên tục bắt cướp như thế, tài xế xe ôm Trần Văn Hoàng gắn với biệt danh "hiệp sĩ đường phố" lúc nào cũng không hay. Khi nghe hỏi rằng vừa làm xe ôm, vừa bắt cướp như thế, anh có sợ bị trả thù, bị ảnh hưởng đến công việc hay vợ con cằn nhằn gì không? Anh Hoàng trả lời rất thật rằng cũng sợ chứ! Đơn giản là anh ở ngoài ánh sáng, bọn cướp ở trong bóng tối. Tham gia bắt cướp, có khi mải đuổi theo bọn chúng mà lỡ mất khách, mất thu nhập. Đã rất nhiều lần bọn cướp trực tiếp đe dọa anh, thậm chí còn gặp người thân để đe dọa. Ban đầu vợ con cũng sợ, can ngăn. Nhưng anh nghĩ mình làm việc tốt, chúng làm việc xấu, sợ chúng đồng nghĩa với hèn nhát trước cái xấu và nếu ai cũng sợ chúng, để cái xấu lộng hành thì sẽ có lúc chúng "không chừa" mình và cả người thân của mình. Anh Hoàng kể có 2 vợ chồng người em, mới gặp nhau, vài giờ sau đã nghe tin cả hai vợ chồng phải vào bệnh viện cấp cứu vì té xe do bọn cướp giật đồ.

Tham gia bắt cướp tự phát và tự nhiên, như cách nói của chính anh Trần Văn Hoàng là "việc đến thì mình phải làm thôi! Lúc ấy chả suy nghĩ gì, chỉ có mục tiêu là bắt cướp. Mọi việc khác tính sau". Và thực tế, anh đã không đơn độc. Hàng loạt bằng khen của chính quyền các cấp, sự đồng hành của những người bạn nghề với sự ra đời của nhóm hiệp sĩ xe ôm bắt cướp là bằng chứng rõ ràng nhất cho quan niệm sống của anh: Khi cái tốt nhiều lên, cái xấu ắt bị đẩy lùi. Những người đồng hành cùng anh Hoàng trong công việc bắt cướp đều là xe ôm và khá trẻ. Hỏi họ vì sao lại gia nhập nhóm xe ôm "hiệp sĩ" đường phố, anh Lê Ngọc Phúc rất "hồn nhiên" cho biết: Anh ấy (Trần Văn Hoàng - PV) nhỏ con, ốm yếu vậy mà còn làm được (bắt cướp), còn mình trai tráng, khỏe mạnh, không lẽ lại hèn nhát, thua một ông già? Nghĩ thế nên thấy cướp thì phối hợp nhau bắt thôi!

Đại úy Nguyễn Hồng Hải và "hiệp sĩ" đường phố Trần Văn Hoàng tại cuộc giao lưu "Gương sáng phố phường" 2014.

Không quanh năm "bán mặt" ngoài đường như nhóm của anh Trần Văn Hoàng nhưng Đại úy Nguyễn Hồng Hải, Cảnh sát khu vực của khu phố 4, phường 8, quận 4 cũng là một tấm gương sáng của phố phường nhiều năm nay. Nguyễn Hồng Hải không phải là người địa phương, hơn thế, khu vực anh phụ trách là địa bàn nổi tiếng bởi sự phức tạp về an ninh trật tự. Chủ động tìm hiểu đời sống người dân nơi đây, anh được biết, phần lớn họ đều là người nghèo, công việc không ổn định. Hơn thế, có những gia đình, dù sống lâu năm nhưng không có giấy tờ vì từ vùng kinh tế mới, họ tự bỏ về thành phố nên chứng minh nhân dân cũng không có. Tìm hiểu kỹ hoàn cảnh từng gia đình, Nguyễn Hồng Hải thống kê và mạnh dạn đề xuất kế hoạch lên lãnh đạo. Đề xuất được chấp nhận, nhiều người dân có chứng minh nhân dân, nhập khẩu, thuận tiện hơn trong kiếm việc, làm ăn, trở nên tin cậy, yêu mến người Cảnh sát khu vực trẻ. Có việc gì, họ đều chủ động gọi điện nhờ giúp đỡ hoặc có khi chỉ là báo cho anh vụ việc nào đó xảy ra trên địa bàn. Với những người vừa mãn hạn tù, anh chủ động tiếp cận, cảm hóa, chia sẻ, giúp tìm việc làm ổn định cuộc sống. Có trường hợp như Ngô Trường Hận, bị nhiễm HIV giai đoạn cuối, người dân và ngay cả người thân cũng xa lánh, phải sống vật vờ ngoài vỉa hè với những bữa cơm từ thiện. Vì toàn thân Hận lở loét, anh ta lại nằm liệt một chỗ trong tận hẻm sâu, xe cứu thương không vào được, người thân không ai dám động vào Hận. Một mình Nguyễn Hồng Hải phải xoay xở, cõng Hận ra ngoài ngõ, đưa lên xe. Sau những chuyện cụ thể đời thường như thế, Đại úy Nguyễn Hồng Hải càng khiến người dân địa phương khâm phục và tin cậy. Thành tích của Nguyễn Hồng Hải đã được ghi nhận bằng rất nhiều bằng khen, giấy khen của chính quyền các cấp, song với anh, chính sự tin yêu của người dân, cuộc sống bình yên trên địa bàn anh phụ trách là động lực để anh vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.

Cùng với bằng khen, giấy khen ghi nhận những thành tích cụ thể của "hiệp sĩ" đường phố Trần Văn Hoàng, Đại úy Nguyễn Hồng Hải, năm 2014, họ đều vinh dự là những tấm gương tiêu biểu được Công an, Báo Công an TP Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh và Cung Văn hóa Lao động TP Hồ Chí Minh tuyên dương "Gương sáng phố phường". Được vinh danh "Gương sáng phố phường" cùng với anh Hoàng, Đại úy Hải còn khá nhiều gương mặt khác. Theo thống kê của Ban tổ chức chương trình, trong 15 năm qua đã có 34 cán bộ, chiến sĩ Công an và 41 người dân được tuyên dương, giao lưu với người dân thành phố. Dù vị trí công việc khác nhau nhưng họ đều là những người con ưu tú của TP Hồ Chí Minh nói riêng, đất nước nói chung đang ngày đêm âm thầm đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, góp phần nhân lên cái tốt, bảo vệ cuộc sống bình yên cho cộng đồng, xã hội

N.H.
.
.