Những người xây cầu nhân ái

Thứ Ba, 21/04/2015, 08:24
Họ là những nhà quản lí, cán bộ quản giáo, trinh sát, y, bác sĩ… nhưng đều có chung một nhiệm vụ là giáo dục, cảm hóa và tạo môi trường thuận lợi để mỗi phạm nhân, trại viên, học sinh cải tạo tiến bộ, để khi hòa nhập cộng đồng, trở thành những công dân lương thiện, có ích cho xã hội. Đó chính là cán bộ, chiến sỹ công tác trong lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp – những người được trao sứ mệnh đi xây cầu nhân ái, giúp những người lầm lỡ hoàn lương.

Có lần, trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp về việc cải tạo những người lầm lỗi, đặc biệt là các đối tượng cộm cán, ông bảo rằng: “Việc trừng phạt những người phạm tội không đơn giản là loại họ ra khỏi đời sống xã hội, mà phải bằng chính tấm lòng của mình để giáo dục, cảm hóa và tạo môi trường thuận lợi giúp họ nhận ra lỗi lầm của mình để phấn đấu vươn lên. Các đối tượng cộm cán cũng vậy, ngoài việc quản lí, giam giữ đúng pháp luật, còn nắm tình hình, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ, từ đó có biện pháp giáo dục, cảm hóa phù hợp, khích lệ họ cố gắng cải tạo”.

Quả vậy, việc xác định đúng đối tượng để có biện pháp quản lí, giáo dục phù hợp thì sẽ đạt được hiệu quả rất cao. Như việc Đại úy Hoàng Thị Hiệp, Phó đội trưởng thuộc Trại giam Ninh Khánh cảm hóa phạm nhân Chu Diệp Ngà, phạm tội mua bán trái phép chất ma túy với mức án 15 năm.

Với mức án dài, Ngà chán nản, thường xuyên vi phạm kỷ luật, không muốn lao động. Nhưng bằng tấm lòng của mình, chị Hiệp đã tìm hiểu hoàn cảnh, trích lương của mình giúp Ngà đóng tiền hình phạt bổ sung; tặng quà Ngà lúc ốm đau, lễ, Tết.

Tấm lòng của Đại úy Hiệp đã khiến Ngà cảm động, cố gắng cải tạo tốt, được giảm án về trước thời hạn. Khi đã trở về cộng đồng, Ngà vẫn thường xuyên liên lạc với chị Hiệp, kể về cuộc sống hiện tại của mình, tuy khó khăn nhưng lương thiện, đồng thời không quên cảm ơn người cán bộ giáo dục đã giúp mình hoàn lương.

Cán bộ, chiến sỹ Trại giam Ninh Khánh làm thủ tục trao giấy chứng nhận đặc xá cho phạm nhân.

Còn như bác sĩ, Thượng tá Ngô Kim Thảo – người hơn 30 năm gắn bó với Trại giam Gia Trung đã cùng đồng đội không ngại hiểm nguy, vất vả chăm sóc các phạm nhân, bởi đối với anh và những người làm công tác y tế trong trại giam thì việc chăm sóc tốt sức khỏe cho phạm nhân, cũng là giúp họ làm lại cuộc đời.

Đặc thù của y tế trại giam là thường xuyên cấp cứu, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe phạm nhân, trong đó một số phạm nhân do nghiện ma túy, mắc các bệnh mạn tính, nan y thường bi quan, chán nản nên không hợp tác trong điều trị hoặc manh động, chống phá, tự gây thương tích để khước từ cải tạo, hoặc chống đối, dùng vũ khí, máu nhiễm HIV đe dọa, tấn công cán bộ, chiến sỹ và cán bộ y tế. Nhưng chưa một lần Thượng tá Thảo và những người làm công tác y tế ở trong Trại giam Gia Trung than thở, bởi đó không chỉ là công việc, mà còn là lương tâm, đạo đức của những người “dính” nghiệp này.

Từ năm 2010 đến nay, Trại giam Gia Trung đã có 32 đồng chí phơi nhiễm, 12 đồng chí mắc bệnh lao, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, tính mạng của cán bộ, chiến sỹ nói chung, cán bộ y tế nói riêng. Điều kiện về cơ sở vật chất bệnh xá của Trại còn hạn chế, tuy vất vả, các anh, chị vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ở Trại giam Thủ Đức, công luôn được đổi mới theo phương châm thuyết phục, cảm hóa kết hợp với giáo dục chính trị, pháp luật, giáo dục công dân gắn với đào tạo nghề. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục – thể thao cũng được duy trì thường xuyên và xem đây là biện pháp tốt giúp phạm nhân giải tỏa tâm lý trong quá trình học tập, cải tạo...

Mỗi một chiến công, mỗi một tấm gương điển hình tiên tiến của tập thể, cá nhân là một sự hy sinh thầm lặng, biểu trưng cho phẩm chất cao quý của người chiến sỹ Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp...

5 năm qua, các đơn vị trong Tổng cục đã được tặng thưởng 5 Huân chương Độc lập hạng ba, 9 Huân chương Quân công các hạng, cùng hàng trăm huân, huy chương, Cờ thi đua và Bằng khen; hàng chục chiến sỹ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân, Chiến sỹ thi đua toàn quốc, gần 10 nghìn lượt Chiến sỹ thi đua cơ sở.

Nhưng, với họ, trên những danh hiệu, việc giáo dục, cảm hóa những con người lầm lỗi trở thành người có ích trở thành nghĩa vụ thiêng liêng. Bởi công tác trong lực lượng này, các anh, chị hiểu, nếu một người tiến bộ, một gia đình, một cộng đồng sẽ bớt đi một nỗi đau…

Trong 5 năm 2010 - 2015, các đơn vị trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục đã tổ chức hàng ngàn lớp dạy nghề, truyền nghề cho hàng trăm ngàn lượt phạm nhân.

Nhiều phạm nhân khi được đặc xá, hết thời hạn chấp hành hình phạt tù trở về đã phát huy tốt tay nghề được học để tăng gia, sản xuất, tạo thu nhập chính đáng, ổn định cuộc sống, không tái phạm tội.

Lực lượng chức năng đã tổ chức xét tha, xét giảm, xét đặc xá cho hàng trăm nghìn lượt phạm nhân, trong đó có hơn 300.000 lượt phạm nhân được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù; gần 11.000 lượt trại viên, trên 5.700 lượt học sinh được giảm thời hạn chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính và đặc biệt có 43.589 phạm nhân cải tạo tiến bộ được đặc xá tha tù trước thời hạn.

Phương Thủy
.
.