Nhân ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (15/4/1974 – 15/4/2015):

Những người ở nơi 'đầu sóng ngọn gió'

Thứ Ba, 14/04/2015, 08:30
Với những người lính Cảnh sát cơ động (CSCĐ), trải qua khó khăn gian khổ đó là lẽ thường tình. Là lực lượng vũ trang chiến đấu tập trung, có lệnh là lên đường, không cần… dự lệnh.

Họ được trang bị vũ khí tối tân cùng sức mạnh võ thuật tinh nhuệ. Các Trung đoàn CSCĐ đóng quân thường trực tại các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Nam Trung Bộ… Bất cứ khi nào nhận được mệnh lệnh là lên đường đến “điểm nóng” trong thời gian sớm nhất.

Chúng tôi đã được nghe Đại tá Lê Văn Hà, Phó Cục trưởng Cục Hậu cần - Kỹ thuật (Bộ Tư lệnh CSCĐ) kể về nỗi gian truân trong cuộc chiến với “giặc lửa”  tàn phá rừng ở núi Bà Hỏa, thành phố Quy Nhơn (Bình Định) của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn CSCĐ Duyên hải Nam Trung Bộ cách đây vài tháng.

Tiết trời khô hạn, nắng nóng kéo dài nhiều ngày khiến những cánh rừng ở Bình Định khô héo. Rừng núi Bà Hỏa  nằm giữa trung tâm của thành phố Quy Nhơn (Bình Định) có mật độ cây trồng dày đặc đã xảy ra cháy lớn, gió hanh thổi ào ào, khiến hàng chục hécta rừng có nguy cơ bị thiêu trụi và đám cháy có thể tràn sang cả khu vực dân cư ở chân núi.

Nhận lệnh, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn CSCĐ Duyên hải Nam Trung Bộ và nhiều loại phương tiện đã nhanh chóng hành quân cấp tốc đến ngay nơi khu rừng đang bị giặc lửa tàn phá.

Địa hình rừng núi, sườn dốc cao nên việc tiếp cận với đám cháy vô cùng khó khăn, các phương tiện chữa cháy như ôtô, xe cứu hỏa không thể lên được.

Với tinh thần mưu trí, dũng cảm, các chiến sĩ CSCĐ đã nhanh chóng tiếp cận  được các khu vực cháy, bất chấp khói dày đặc với sức nóng dữ đội đã trèo, leo hàng trăm mét dốc theo sườn núi để dập lửa và cuốc, đào các đường làm ranh giới để chặn đứng ngọn lửa không cho lây lan sang các khu vực lân cận…

Quần nhau với giặc lửa ròng rã hơn một ngày đêm, các chiến sĩ CSCĐ Duyên hải Nam Trung Bộ đã cùng các lực lượng dập tắt hoàn toàn ngọn lửa. Lúc ngẩng đầu nhìn lên bầu trời, ánh trăng rằm đã chếch về đầu núi, ai nấy bụng đói cồn cào, mặt đen sạm vì khói.

Nhìn hàng trăm hécta rừng đã được cứu sống, quên đi cái đói cồn cào, ai cũng nở nụ cười hạnh phúc…

Cảnh sát cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm tập luyện sẵn sàng chiến đấu.

Thượng tá Vũ Hồng Văn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động cho biết: Cảnh sát cơ động  thường xuyên huấn luyện, diễn tập các phương án, đảm bảo quân số ứng trực sẵn sàng ra quân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, tổ chức tuần tra kiểm soát, giữ gìn an ninh trật tự tại các địa bàn trọng điểm.

Còn nhớ, vào dịp Tết năm 2011, tại huyện Mường Nhé (Điện Biên) đã xảy ra vụ gây rối an ninh trật tự. Trung tướng Nguyễn Văn Vượng, Tư lệnh CSCĐ đã kịp thời có mặt, huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ CSCĐ tăng cường cho Công an tỉnh Điện Biên tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại huyện Mường Nhé.

Phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ và Công an địa phương, đấu tranh khám phá các chuyên án lớn về tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy… cũng là nhiệm vụ hết sức nặng nề và cam go của lực lượng CSCĐ.

Thiếu tá Chu Văn Quang (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1) đã kể cho chúng tôi về cuộc chiến chống ma túy vô cùng khốc liệt (tháng 7/2014) ở tỉnh Sơn La, thu 108 bánh ma túy, 5 khẩu súng, 70 viên đạn…

Tại địa phận bản Thung Cuông, xã Vân Hồ (Sơn La), phát hiện một nhóm khoảng 25 đối tượng có vũ trang đang vận chuyển ma túy vào nước ta tiêu thụ, Công an tỉnh Sơn La đã phối hợp với các lực triển khai đội hình vây bắt.

Mặc dù lực lượng Công an kêu gọi đầu hàng, các đối tượng vẫn chống trả quyết liệt, súng bắn xối xả về phía chiến sĩ ta. Và điều đau xót đã xảy ra, Đại úy Lường Phát Chiêm, Công an tỉnh Sơn La đã trúng đạn của bọn buôn ma túy, hy sinh. Thiếu tá Chu Văn Quang bị thương vào chân trong lúc truy kích nhóm đối tượng này. Anh đã được đưa về Bệnh viện 19-8 điều trị.

Thiếu tá Quang cho biết, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm có 10 đồng chí tham gia, đều là những chiến sĩ từng tham gia đánh nhiều vụ án ma túy ở địa bàn rừng núi, có nhiệm vụ tuần tra mật phục theo dõi nhóm tội phạm. 6 mũi công tác của ta ở 6 ngả, riêng nhóm của Thiếu tá Chu Văn Quang chỉ huy đã nhìn thấy nhóm buôn ma túy, số hàng chúng mang theo không hề nhỏ.

“Trận chiến căng thẳng nhất từ trước đến nay”, Thiếu tá Quang nói. Trải qua những cuộc chiến đấu, phải đối diện với tử thần càng tôi luyện ý chí can trường của những người lính Cảnh sát cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm.

Hằng đêm, có biết bao chiến sĩ CSCĐ chắc tay súng trên đường tuần tra, có đồng chí đã anh dũng hy sinh khi kiên quyết truy đuổi tội phạm. Đọng lại mãi trong lòng người dân là hình ảnh về Trung sĩ Đỗ Đăng Long (Đại đội 3, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động Công an TP Hải Phòng).

Vào một đêm đông lạnh giá, anh cùng đồng đội tuần tra tại khu vực đường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, đã phát hiện hai thanh niên khả nghi chở nhau trên chiếc xe máy. Trung sĩ Long và đồng đội đuổi theo đến giữa cầu Bính thì bắt kịp. Hai đối tượng này đã dùng súng bắn đạn hoa cải khiến đồng chí Đỗ Đăng Long hy sinh.

Được biết, đối tượng có lệnh truy nã của Công an tỉnh Quảng Ninh về tội giết người và cố ý gây thương tích. Tên còn lại cũng có tới hai tiền án về tội trộm cắp và tội cố ý gây thương tích. Hôm ấy, chúng mang theo súng bắn đạn hoa cải, súng K59, kìm cộng lực, kéo cắt dây diện, vam phá khóa… để đi gây án. Nhờ lòng dũng cảm và ý chí tấn công tội phạm của người lính trẻ nên tội ác đã bị chặn đứng.

“Sự hy sinh thầm lặng của những người lính CSCĐ đã tô thắm thêm truyền thống của một đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đơn vị đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Ở nơi nào phức tạp về an ninh trật tự, thì ở đó có mặt những người lính CSCĐ giữ gìn an ninh trật tự”, Đại tá Lê Ngọc Châu, Phó Tư lệnh CSCĐ tự hào nói.

K. Quý - Ng. Hằng
.
.