Những người lính không sợ tội phạm ma tuý có HIV

Thứ Tư, 30/11/2011, 16:43
Trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm ma tuý, các chiến sĩ Công an quả cảm phải đối mặt với những tên tội phạm manh động, nguy hiểm. Với tội phạm ma tuý có HIV thì sự nguy hiểm tăng lên bội phần, các chiến sĩ Công an không chỉ đối mặt với vũ khí nóng mà nguy cơ bị phơi nhiễm HIV luôn lơ lửng, rình rập các anh trong và sau mỗi trận đánh…

600 lần đánh án và 3 lần uống thuốc chống phơi nhiễm HIV

Thượng tá Đinh Tiên Hoàn, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý (PC47), Công an tỉnh Điện Biên là người trưởng thành từ trinh sát và lập kỷ lục về đánh án ma tuý của lực lượng Công an nơi địa đầu Tây Bắc này. Từ khi vào lực lượng Công an đến nay, Đinh Tiên Hoàn chỉ "làm" mỗi việc là đánh án ma tuý. Anh không nhớ chính xác số vụ án anh tham gia, và đã trực tiếp bắt bao nhiêu tên tội phạm nguy hiểm, nhưng con số tương đối, tính một cách bình quân nhất, thì chắc chắn không dưới 600 vụ với gần 1.000 đối tượng... 

Đối tượng ma tuý nhiễm HIV là một loại tội phạm nguy hiểm và rất liều lĩnh. "Bản năng" hung hãn của chúng được cộng hưởng thêm cả "bản án" căn bệnh AIDS nên chúng bất cần đời, sẵn sàng ăn thua với lực lượng truy bắt. Tỉnh Điện Biên có gần 5.000 người nghiện ma tuý, quá nửa là những đối tượng hình sự, từng vào tù ra trại. Trong số này, có khá nhiều đối tượng nghiện ma tuý có HIV.

Chẳng nhớ đã bao nhiêu lần, Thượng tá Đinh Tiên Hoàn và đồng đội tham gia đánh án và bị đối tượng cắn xé, cào cấu, đả thương, máu chảy đầm đìa. Dù rất cảnh giác nhưng anh và đồng đội cũng không thể đề phòng hết các tình huống nguy hiểm. Lúc bắt đối tượng, việc quan trọng nhất của trinh sát là phải vô hiệu hoá được vũ khí nóng (súng, lựu đạn), nên việc bị trầy xước, bị đối tượng… "cẩu xực" thật khó tránh. Thượng tá Hoàn đã 3 lần phải uống thuốc chống phơi nhiễm HIV.

Gần đây nhất, anh lại phải "tái" nhập viện và uống thuốc điều trị chống phơi nhiễm HIV khi phá chuyên án ở bản Na Côm, xã Núa Ngam (Điện Biên). Hôm ấy, nhận mật lệnh của Ban chuyên án, anh dẫn đầu một tổ công tác gồm 5 đồng chí bí mật tiếp cận nhà đối tượng Sùng A Tùng - một đầu mối của đường dây ma tuý từ Na ư về Núa Ngam.

Không thể lường hết những nguy hiểm trong...

21h, các trinh sát bất ngờ đột kích, bắt giữ đối tượng Sùng A Tùng cùng 1,5kg thuốc phiện. Nhưng trong khi tổ công tác đang tiến hành các thủ tục tố tụng thì người nhà tên Tùng hô hoán, kích động một số người dân và các đối tượng nghiện hút bao vây, tấn công lực lượng Công an. Chúng dùng rìu chặt đứt còng số 8, giải thoát cho Sùng A Tùng và tấn công làm Thượng tá Hoàn và 2 đồng đội bị thương.

Nhận được tin báo, Ban giám đốc Công an tỉnh Điện Biên đã tăng cường lực lượng vào giải vây, tổ chức và bắt giữ được 4 đối tượng cầm đầu trong đường dây ma tuý tại Na Côm là: Sùng A Tùng, Và Pó Lý, Sùng A Trai và Sùng A Di. Rạng sáng, trận đánh kết thúc, Thượng tá Hoàn và 5 trinh sát lại phải nhập viện khẩn cấp vì "sở hữu" mấy chục vết cắn và thương tích trên người…

Bình dị giữa đời thường

Tôi gặp Thượng tá Đinh Tiên Hoàn và nhóm trinh sát trẻ vừa trở về sau một trận phục bắt đối tượng ma tuý ở đỉnh đèo Cò Chạy trên quốc lộ 12. Vẻ mệt mỏi sau cả đêm mật phục và vật lộn với đối tượng thể hiện ở khuôn mặt xanh tái, bộ quần áo lấm lem bùn đất, nhưng ánh mắt của anh vẫn ánh lên sự sắt đá, cương nghị của người chỉ huy, của một trinh sát có nghề bao lần đối mặt với nguy hiểm. "Đã xác định làm trinh sát ma tuý là phải biết chấp nhận hy sinh, vất vả. Chúng tôi không làm thì đồng đội tôi cũng phải làm, thế nên anh em chúng tôi khi vào trận thì chỉ xác định mỗi mục tiêu là chiến thắng".

...những cuộc vây bắt tội phạm như thế này.

Theo Đại tá Lê Công Bính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết, đơn vị PC47 có vài chục con người, nhưng từ "tướng" đến "quân" đều ít nhất một lần bị thương tích trong khi đánh án, điều đó cho thấy tính chất khốc liệt của cuộc chiến đấu chống tội phạm ma tuý ở Tây Bắc. Lòng quả cảm, say nghề của các anh là đáng khâm phục. Nhưng đằng sau mỗi chiến công, sau mỗi trận đánh là cả một nỗi trăn trở của người chỉ huy, của những người thân các anh. Trinh sát nhận nhiệm vụ là lên đường, nhưng để lại nỗi âu lo cùng những nỗi vất vả không dễ sẻ chia của những người vợ, người mẹ.

Bác sỹ Nguyễn Thị Lưu, vợ của Đại úy Trần Trung Kiên tâm sự: "Anh vì nhiệm vụ thì phải đi, nhưng là bác sĩ tôi hiểu nỗi nguy hiểm cận kề bên chồng trong mỗi trận đánh. Anh ấy đi làm án bí mật lắm, tôi đâu có biết. Nếu phát hiện vết thương của chồng, thì lần nào cũng vậy, anh ấy vui vẻ "bịa" ra lý do để tôi khỏi lo lắng".

Những lúc như thế, chị chỉ biết kìm nén nỗi lo vào trong lòng. Chị biết tính anh, ngay cả cái lần đang uống thuốc chống phơi nhiễm HIV, được nghỉ ở nhà, nhưng có điện thoại gọi, nửa đêm anh ấy lại bật dậy đi ngay…

Trụ sở Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý đều trang bị cho mỗi cán bộ, chiến sĩ một bàn làm việc, nhưng mấy năm rồi, mấy cái bàn đó vẫn mới tinh, mặt bàn thì trống trơn, chẳng có tài liệu, sách vở gì. Hỏi ra mới biết, đó là bàn của các trinh sát. Công việc cuốn các anh đi triền miên, nếu có họp án thì lại "tụ tập" tại một địa điểm bí mật nào đó. Hoá trang, xã hội hoá lâu quá, nên có chuyện thật như bịa là nhiều trinh sát đã bị bảo vệ không cho vào cơ quan, vì trông không giống… Công an.

Câu chuyện cười ra nước mắt này tôi nghe chính Trung tá Phan Trung Phong kể lại. Cái tên Phong "đầu bằng" chỉ nghe đã khiến bọn tội phạm khiếp vía, nhưng ngoài đời anh rất hiền lành, sống tình cảm, thương yêu vợ con hết mực. Căn nhà của vợ chồng Phong và 2 đứa con bé xíu như cái nhà trọ cho sinh viên. Hôm tôi đến, bà mẹ vợ của anh vẫn chép miệng ta thán: "Chúng tôi dồn góp mãi được 60 triệu để cho vợ chồng nó vay tiền xây nhà, nhưng nó cứ lần lữa mãi. Cứ mải miết đi suốt thế này thì không biết bao giờ mới làm được cái nhà mới cho vợ con…?"

Phòng PC47, Công an tỉnh Điện Biên là đơn vị có bề dày thành tích: 10 năm liên tục đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng; 3 lần được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công các hạng; 2 lần được Chính phủ tặng bằng khen, 3 lần được Bộ Công an tặng cờ thi đua xuất sắc; 1 cá nhân được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND; 18 lượt cá nhân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công các hạng và bằng khen Chính phủ… Đơn vị đang được đề nghị tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Y tế, Bộ Công an, từ năm 2001 đến năm 2010, đã có hơn 700 cán bộ, chiến sĩ Công an phải uống thuốc chống phơi nhiễm HIV. Trong số này hầu hết là các trinh sát trực tiếp chiến đấu bị thương trong khi truy bắt tội phạm nguy hiểm. 5 năm trở lại đây, lực lượng phòng chống ma tuý Công an tỉnh Điện Biên đã có 14 lượt CBCS phải uống thuốc chống phơi nhiễm HIV.

Vừ Sáy Hà
.
.