Những người “gỡ nút thắt” nhiều vụ án hóc búa
Cũng từ công tác hồ sơ nghiệp vụ, họ đã phát hiện hàng nghìn đối tượng truy nã, gửi thông tin đến các đơn vị nghiệp vụ.
Chúng tôi gặp Đại úy Nguyễn Thị Minh Thủy, cán bộ Phòng tàng thư, căn cước can phạm, Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát (HSNVCS) khi chị và đồng đội đang bộn bề bên chồng hồ sơ cao chất ngất. Do đặc thù của công việc, những ngày cao điểm, chị và đồng đội phải đảm nhận tới 400 yêu cầu tra cứu của Công an các đơn vị, địa phương. Chồng làm Cảnh sát hình sự, hai con nhỏ, ông bà ở xa, mỗi khi có việc đột xuất, chị và chồng lại phải thu xếp công việc để lên đường làm nhiệm vụ. Phòng chị Thủy có tới 25% quân số là nữ, đều đã lập gia đình, có con nhỏ nên các chị luôn phải khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Có những vụ đánh bạc, ngay trong đêm khi có yêu cầu tra cứu, chị Thủy cùng đồng đội lại lên đường.
Điển hình là vụ đánh bạc tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội, qua công tác nghiệp vụ, các chị phát hiện có nhiều đối tượng trong diện Cục quản lý. Hay từ yêu cầu tra cứu của Công an TP Hà Nội về việc xác minh đối tượng Trần Quang H, trú tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, Cục HSNVCS đã phát hiện đối tượng khai man thân nhân, lai lịch so với các lần vi phạm trước (đối tượng khai tên là Đào Văn Sơn, Trần Quang Minh). Đối tượng đã có 1 tiền án, hiện đang bị Trại giam Cồn Cát ra lệnh truy nã về tội cướp tài sản công dân và trốn khỏi nơi giam. Nhờ thông tin quý giá đó mà cơ quan Công an đã kịp thời xử lý đối tượng. Trong năm 2013, chị Thủy đã tra cứu, xác minh trên 3.000 lượt yêu cầu, cung cấp thông tin thống kê tiền án, tiền sự cho các đơn vị điều tra ở Bộ và Công an địa phương kịp thời, đảm bảo điều tra, xử lý đúng đối tượng…
Trong buổi chiều muộn tháng 3 trời Hà Nội lắc rắc mưa, đến Trung tâm Thông tin Quốc gia về tội phạm (TTTTQGVTP) của Cục HSNVCS, chúng tôi gặp Thiếu tá Trần Thị Loan. Chị bộc bạch, Trung tâm đang tiến hành số hóa dữ liệu trên phạm vi toàn quốc, cải cách hành chính, rút ngắn thời gian trả lời kết quả cho Công an các đơn vị, địa phương từ 10 ngày xuống 3 ngày và trả lời trước qua thư điện tử với độ bảo mật cao. Cùng với chị Loan, Trung úy Vũ Thị Nga cũng được đánh giá là một cán bộ có năng lực, sáng tạo trong công việc. Ngày cao điểm, các chị cùng đồng đội phải tra cứu từ 800-1.000 yêu cầu. Công việc nhiều khi quá tải, áp lực lớn đòi hỏi phải có kết quả nhanh nhất, chính xác nhất, qua đó đã góp phần phục vụ công tác điều tra khám phá án.
![]() |
Đại úy Nguyễn Thị Minh Thủy cùng đồng đội cần mẫn bên tủ hồ sơ. |
Có nhiều vụ án mà Công an các địa phương rất khó khăn để xác định đối tượng gây án, nhưng qua công tác tra cứu phát hiện dấu vết để lại hiện trường, các cán bộ hồ sơ nghiệp vụ đã “gọi mặt, chỉ tên” đúng đối tượng. Điển hình là vụ trộm cắp tài sản tại phường Yết Kiêu, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, sau khi tra cứu đã phát hiện thủ phạm là Nguyễn Thanh Tùng, trú tại huyện Đông Triều. Hay việc phát hiện Vũ Quốc Tiến, trú tại tỉnh Lào Cai, là thủ phạm để lại dấu vết tại hiện trường trong vụ trộm cắp xảy ra tại phường Kim Tân, TP Lào Cai. Từ kết quả trên, đơn vị đã kịp thời thông báo cho Công an các đơn vị, địa phương điều tra, xử lý đối tượng.
Có chứng kiến lượng công việc khổng lồ và cường độ làm việc căng thẳng trong căn phòng “nóng như nung” do máy móc hoạt động 24/24h, chúng tôi mới thấu hiểu sự vất vả của công việc thầm lặng đó. Nói như Thượng tá Ngô Thị Hoàng Yến, Giám đốc TTTTQGVTP thì có những khi toàn quốc gửi thông tin về nhờ tra cứu, vì yêu cầu của công việc, dù là trong đêm, ngày nghỉ hay ngày lễ, Tết, họ vẫn phải làm việc. Có năm, chị Yến ở lại cơ quan cả 3 ngày Tết vì yêu cầu cấp bách của công việc. Nhớ nhất là vụ nổ ở tỉnh Bắc Ninh, đúng mùng 1 Tết, tất cả cán bộ, chiến sỹ của Trung tâm phải làm việc như ngày thường nhưng ai cũng vui vẻ.
Mặc dù phải trực 24/24h trong ngày, có người làm việc 12 tháng trong năm không nghỉ bù… nhưng họ đều không quản ngại bởi trên hết ở họ là sự tận tụy, nhiệt huyết và say nghề đến cháy bỏng. Được sự quan tâm chỉ đạo sát sát của Đảng ủy Cục HSVNCS, Trung tâm đã ngày càng hiện đại hóa. Năm 2013, số vụ tra cứu phát hiện đối tượng gây án tăng hơn nhiều so với những năm trước (tiếp nhận 820 vụ với 2.638 dấu vết, phát hiện 85 vụ với 82 đối tượng).
Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, Cục trưởng Cục HSNVCS cho biết, thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, từ ngày 15/12/2013 đến ngày 27/1/2014, TTTTQGVTP tiếp nhận, tra cứu, trả lời 4.065 yêu cầu nghiệp vụ, qua đó, phát hiện về tài liệu lai lịch tiền án, tiền sự 491 trường hợp. Vào trung tuần tháng 3 tới, tại TP Hồ Chí Minh, Cục HSNVCS sẽ mở chiến dịch mùa xuân 2014, mở màn cho hoạt động số hóa dữ liệu thí điểm tra toàn quốc mà TTTTQGVTP sẽ là đơn vị chủ lực. Do chị em nữ chiếm tới 50% quân số nên ở đơn vị Cục HSNVCS, nhiều công việc khó khăn, vất vả cũng được các chị đảm nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đồng nghĩa với trong thành tích của đơn vị có đóng góp 50% của chị em.
Một công việc thầm lặng, ít khi được nhắc tới, nhưng những cán bộ làm công tác HSNVCS nhiều khi lại là người mở nút thắt cho vụ án. Có những vụ trọng án tưởng rơi vào bế tắc khi ròng rã 1 năm mà lực lượng Công an hao tốn nhiều công sức vẫn chưa tìm ra thủ phạm như vụ giết chết bác sĩ Phạm Thị Nguyệt ở Phòng khám đa khoa khu vực ở phường Lào Cai, TP Lào Cai, nhưng nhờ miệt mài tra cứu dấu vết ở hiện trường thủ phạm để lại với hàng triệu danh chỉ bản, cuối cùng những cán bộ hồ sơ đã phát hiện dấu vết trùng khớp của kẻ thù ác với đối tượng bị Công an huyện Hoài Đức, Hà Nội bắt vì tội trộm cắp là một, giúp cơ quan Công an nhanh chóng tìm ra thủ phạm. Đây không chỉ là niềm vui, mà còn là trách nhiệm và niềm tự hào lớn lao của những cán bộ Cục HSNVCS khi họ đã là người gỡ nút không chỉ cho vụ án bế tắc này mà còn hàng trăm vụ án hóc búa khác