Những người đi trừ cái ác

Thứ Bảy, 28/04/2012, 03:02
Không biết có phải vì luôn mang trên mình nhiệm vụ nguy hiểm hay không mà các trinh sát của Phòng 5 Cục Cảnh sát hình sự luôn coi mọi thứ “nhẹ như lông hồng”. Các anh lao vào trận chiến, không so đo tính toán. Liên tục trong nhiều năm, đơn vị Phòng 5 được danh hiệu Đơn vị Quyết thắng,, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.

Thượng tá Lê Minh Giám, Phụ trách Phòng Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm có tổ chức và có yếu tố nước ngoài (Phòng 5) - Cục Cảnh sát hình sự là gương mặt khá quen với giới báo chí. Bởi anh là người đã từng vào Nam, ra Bắc, trực tiếp tham gia những chuyên án lừng lẫy, triệt phá các băng nhóm giang hồ như Năm Cam, Phương “Ninh hột”…

Có kẻ đã từng đe dọa ném lựu đạn vào nhà anh ở Hà Nội, nhưng anh vẫn không hề nản chí. Bản lĩnh thép của người thủ lĩnh ấy dường như truyền cho tất cả các cán bộ, chiến sỹ của Phòng 5. Họ chưa bao giờ chùn bước trước bất cứ khó khăn, gian khổ, thậm chí chấp nhận sự hy sinh khi luôn “tả xung hữu đột” giữa đám giang hồ cộm cán, chém người như chém chuối. Bởi, theo như Thượng tá Giám, họ có bản lĩnh, có vũ thuật, có tri thức và sự yêu nghề…

1. Thượng tá Lê Minh Giám nói vui rằng, anh và cán bộ, chiến sỹ trong Phòng thuộc diện “nhớ dai”. Các anh theo đuổi đến tận cùng các vụ việc, các băng nhóm, đối tượng hoạt động theo kiểu “xã hội đen” suốt từ năm này sang năm khác, từ khi chúng đang hung hăng hoạt động cho đến khi bị bắt giữ, thậm chí cả đến khi chúng ra khỏi trại giam, có thực sự hoàn lương hay lại tiếp tục tái phạm. Bởi, theo lý giải của Thượng tá Lê Minh Giám, công sức của anh em để triệt phá các băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” cực kỳ khó khăn, gian khổ. Vì thế, họ phải bảo vệ giá trị lao động của chính mình cũng như bảo vệ sự thực thi công lý nghiêm minh, thế mới góp phần răn đe tội phạm.

Thượng tá Giám nhớ lại, từ năm 1995, trực tiếp anh đã bắt giữ trùm băng nhóm “xã hội đen” Năm Cam nhưng thời kỳ đó, gã này chỉ bị đưa đi tập trung cải tạo. Nhiều năm sau, đặc biệt từ năm 2000, theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ Công an, Thượng tá Giám đã một mình lặng lẽ vào Nam, được bố trí ở một biệt thự bí mật để huấn luyện quân trong việc thu thập tài liệu chứng minh hành vi phạm tội nghiêm trọng của Năm Cam và đồng bọn. Đến năm 2002, khi thời cơ đã chín muồi, anh Giám và các đồng đội của mình đã đồng loạt bắt giữ ông trùm Năm Cam và đồng bọn, trong sự sững sờ của giới giang hồ và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân cả nước.

Trong vụ án Phương “Ninh hột”, các cán bộ, chiến sỹ Phòng 5 đã có thời gian “săn cọp” suốt 5 năm. Từ năm 2005, khi Nguyễn Tiến Phương, tức Phương “Ninh hột” vẫn đang “nổi như cồn” ở TP Móng Cái như một doanh nhân thành đạt, khi nơi này, nơi khác còn e ngại quyền lực và đồng tiền của y thì các trinh sát Phòng 5 đã nhìn ra những mặt tối đằng sau vỏ bọc của chúng.

Không ít người dân vùng mỏ đã từng phải chịu cảnh “đè đầu cưỡi cổ” của băng nhóm tội phạm này. Chúng tiến hành bảo kê bến bãi, bảo kê trong xuất nhập khẩu lậu mà chúng đã từng ức hiếp biết bao người dân buôn bán theo đường tiểu ngạch ở địa bàn Móng Cái, một trong những cửa khẩu lớn của nước ta. Những ngày này, các trinh sát của Phòng 5 đã có mặt tại TP Móng Cái, thu thập chứng cứ. Đó chính là cái nền để khi bung ra vụ án sát hại hai nhân viên của một công ty mà chúng coi là “đối thủ” ở ngã ba Lục Chắn, các trinh sát Phòng 5 đã phối hợp với Công an Quảng Ninh, với sự hỗ trợ tích cực của Công an tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã triệt phá được băng nhóm Phương “Ninh hột”.

Sau khi vụ án kết luận điều tra, theo lẽ thường, những người trinh sát, điều tra viên có thể khép lại mối quan tâm về vụ việc, để tiếp tục công việc mới. Nhưng đối với các cán bộ Phòng 5 thì không! Các anh theo dõi rất kỹ từng tiến trình tố tụng của vụ việc, bởi họ trân trọng giá trị lao động của chính họ, của anh em trong các đơn vị Công an khác và họ muốn cái ác phải bị trừng trị thích đáng. Chính vì thế, khi Tòa phúc thẩm tuyên Nguyễn Tiến Phương từ án tử hình giảm xuống 20 năm tù giam, Nguyễn Tiến Chung (em trai Phương), từ án tử hình giảm xuống tù chung thân, cùng với các tài liệu trinh sát có được, các anh nhận định chắc chắn đã có “vấn đề”. Từ đó, các anh đã khám phá vụ án Nguyễn Hữu Nghĩa cùng đồng bọn bắt giữ người trái pháp luật liên quan đến việc chạy án cho anh em Phương “Ninh hột”, tiếp tục khám phá 2 đường dây chạy án với số tiền lên đến triệu USD cho Phương “Ninh hột” không thành.

Hiện, theo kiến nghị của cơ quan điều tra Bộ Công an, phiên tòa Giám đốc thẩm của TAND tối cao đã tuyên hủy bản án phúc thẩm xét xử Nguyễn Tiến Phương và đồng bọn. Và công việc điều tra về những uẩn khúc đằng sau bản án của anh em Phương “Ninh hột” vẫn đang tiếp diễn…

Cán bộ Phòng 5 đọc lệnh bắt giữ các đối tượng đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”.

2. Không chỉ “tả xung, hữu đột”, triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, các trinh sát của Phòng 5 còn có mặt ở khắp mọi miền Tổ quốc, đồng cam cộng khổ với Công an các địa phương trong các vụ án “rúng động dư luận”. Còn nhớ những ngày nắng nóng như đổ lửa cuối tháng 8/2011, khi có mặt ở Công an huyện Lục Nam (Bắc Giang), thủ phủ của các đơn vị tham gia điều tra vụ án giết người, cướp tài sản của tiệm vàng Ngọc Bích, chúng tôi đã bắt gặp những gương mặt quen thuộc của các trinh sát Phòng 5. Suốt tuần, dường như không ai trở về nhà, dù Hà Nội cũng chỉ cách huyện Lục Nam chưa đầy trăm cây số.

Sau đêm 29/8, khi phát hiện thủ phạm Lê Văn Luyện trốn ở địa bàn huyện Văn Lãng (Lạng Sơn), các trinh sát Phòng 5 đã có mặt trong những mũi xung kích, truy bắt thủ phạm. Tinh thần quyết tâm bắt tội phạm sục sôi, thậm chí một trinh sát bị ngã, trẹo chân vì đường rừng núi khó đi nhưng vẫn không rời vị trí, lùi về phía sau. Rồi đến vụ bắt cóc cháu bé 6 tuổi ở Sơn La bị một nhóm đối tượng có vũ khí nóng bắt giữ, đòi tiền chuộc. Suốt mấy ngày đêm, các trinh sát Phòng 5 rong ruổi trên xe ôtô, lần theo dấu vết nóng của nhóm bắt cóc. Và các anh đã phối hợp với Công an Hòa Bình, Sơn La, Hà Nội giải cứu an toàn cho cháu bé, bắt giữ 10 đối tượng cộm cán, thu giữ tổng cộng 7 khẩu súng các loại và nhiều tang vật khác…

Không biết có phải vì luôn mang trên mình nhiệm vụ nguy hiểm hay không mà các trinh sát của Phòng 5 luôn coi mọi thứ “nhẹ như lông hồng”. Mỗi khi được phân công nhiệm vụ, các anh lao vào trận chiến, không so đo tính toán. Liên tục trong nhiều năm, đơn vị Phòng 5 được danh hiệu Đơn vị Quyết thắng và Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Vì ANTQ cấp cơ sở, được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì và hiện đang được đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất

T. Hòa - Trần Xuân
.
.