Những người đẩy lùi “ma lai” ở vùng cao Phú Mỡ
Trong nắng hành vàng giữa buổi sáng giữa tháng 11/2012, chúng tôi lên Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên - vùng đất giàu truyền thống cách mạng kiên cường trong hai cuộc kháng chiến với nhiều chiến công huyền thoại của đồng bào Chăm Hroi. Hơn 37 năm sau ngày đất nước thống nhất, cho dù vẫn còn không ít khó khăn, nhưng vùng cao Phú Mỡ từng bước chuyển mình tạo ra diện mạo mới, trong đó công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ông So Bếp - Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ cho biết, vùng đất này nằm ở thượng nguồn sông Kỳ Lộ, tiếp giáp với xã Canh Liên, huyện Vân Canh - tỉnh Bình Định và xã Đăk Sông, huyện Kông Chro - tỉnh Gia Lai. Con đường từ phố huyện lên Phú Mỡ gần 50 cây số có nhiều cung đoạn chông chênh dốc núi, mỗi ngày một chuyến xe khách ngược - xuôi về TP Tuy Hòa.
Với 5 thôn - buôn, Phú Mỡ có 660 hộ gia đình, hơn 3.400 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Chăm Hroi, Ba Na, trình độ dân trí thấp, tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan vẫn còn len lỏi trong đời sống thường nhật, tác động mặt trái đời sống thường nhật phát sinh tình trạng thanh thiếu niên tụ tập rượu bia, đánh nhau gây thương tích, trộm cắp tài sản…
Trong điều kiện đó, từ giữa năm ngoái Thiếu tá La Lan Chuyển - cán bộ Công an huyện Đồng Xuân và cũng là người con đồng bào Chăm Hroi được phân công làm Trưởng Công an xã Phú Mỡ theo định hướng của Công an tỉnh Phú Yên tăng cường Công an chính quy cho các xã giáp ranh tỉnh bạn.
Bằng kiến thức nghiệp vụ đã được đào tạo và những trải nghiệm thực tế sau nhiều năm tiếp cận các thôn xóm, buôn làng vùng cao, Thiếu tá Chuyển chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố lực lượng Công an xã và các tổ chức quần chúng làm công tác ANTT ở địa phương, đồng thời phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kết hợp rà soát, phân loại đối tượng hình sự, người lầm lỗi, thanh thiếu niên phạm pháp để phối hợp các tổ chức đoàn thể cảm hóa giáo dục hoặc đưa ra kiểm điểm trước dân những trường hợp lì lợm, tái phạm, kịp thời phối hợp chính quyền giải quyết thấu tình đạt lý nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn…
Công an Phú Yên thường xuyên bám trụ buôn làng bảo đảm ổn định an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số. |
Điều đáng nói là trong mỗi công việc, Công an xã Phú Mỡ luôn tranh thủ vai trò, uy tín của già làng để vận động xây dựng thế trận ANTT và thực thi hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Bằng những biện pháp đổi mới nêu trên, hơn 1 năm qua Công an xã Phú Mỡ không chỉ tạo được niềm tin yêu cảm phục đối với người dân, mà còn nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, giảm thiểu phạm pháp hình sự, không để xảy ra trọng án, chủ động điều tra làm rõ 5 vụ phạm pháp gồm 8 đối tượng trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích. Nổi bật nhất là sau 5 giờ truy nóng, đã làm rõ hành tung thủ phạm trộm cắp vật tư tại Công trình thủy điện La Hiêng 2.
Đề cập đến tập tục lạc hậu ở Phú Mỡ, già làng Ma Hường, Oi Tứ, Oi Lương đều nhắc đến chuyện La Lan Thị Kiên ở làng Bè, thôn Phú Giang bị cơn đau bụng hành hạ nhiều ngày, những nắm thuốc nam do người chồng là La O Dũng mang về từ rừng không có tác dụng. Nghi ngờ người cùng làng là hiện thân “ma lai” gieo “con bệnh”, nên La O Dũng gây sự, đe dọa tính mạng anh Đoàn Văn Luật.
Thiếu tá Chuyển đã cùng gia làng tìm hiểu, lý giải thực hư và vận động đưa người bệnh đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Xuân điều trị chứng viêm loét dạ dày. Từ đó sức khỏe chị Kiên không chỉ ổn định, tình làng nghĩa xóm không bị đánh mất, mà trong tâm thức của La O Dũng và nhiều người ở làng Bè không còn ám ảnh “ma lai”. Và đó là một trong những minh chứng rõ nét về tinh thần, trách nhiệm vì nhân dân phục vụ của Công an xã Phú Mỡ từ những chuyện đời thường ở vùng cao để bảo vệ ANTT và góp phần đổi mới nhận thức văn hóa - pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số…