Những mô hình giữ an ninh ở vùng Giáo tỉnh Thanh Hóa
Thanh Hóa là tỉnh có đông đồng bào Công giáo. Giáo phận Thanh Hóa hiện có 1 Tòa Giám mục, 6 giáo hạt trực thuộc, 51 xứ đạo, 329 họ Đạo và 5 cơ sở dòng Mến Thánh giá với gần 100 linh mục, 2 nghìn chức việc và gần 140 nghìn giáo dân, chiếm tỉ lệ gần 4% dân số toàn tỉnh.
Trong những năm qua, chính quyền cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã dành ngân sách hàng trăm tỉ đồng để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống công trình thủy lợi, giao thông và các công trình phúc lợi khác tại vùng đồng bào Công giáo. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia "Xây dựng nông thôn mới", tỉnh Thanh Hóa đã ưu tiên các nguồn lực, tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển văn hóa - giáo dục, y tế, làm cho bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Công giáo ngày càng khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Đồng bào giáo dân phấn khởi tham gia các phong trào: "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", "Khuyến học khuyến tài", "Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Sống tốt đời đẹp đạo"... Nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật khác từ cơ sở giảm dần, tạo điều kiện thuận lợi để phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được duy trì, phát triển; giáo hội, giáo dân tin tưởng, gắn bó và đồng hành với cấp ủy, chính quyền các cấp trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trong 20 năm qua, các địa phương vùng Công giáo đã tổ chức hàng chục ngàn buổi tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn; trên 3.000 buổi tuyên truyền lưu động, kẻ vẽ trên 14.000 khẩu hiệu, panô, áp phích; trên 1.000 hội nghị “Lắng nghe ý kiến nhân dân” ở địa bàn khu dân cư… Thông qua đó, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân nói chung và đồng bào công giáo nói riêng về âm mưu, phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phần tử xấu kích động, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương - giáo; ý thức tự giác chấp hành pháp luật, tham gia hoạt động tôn giáo trong khuôn khổ của pháp luật ngày càng được nâng lên; đồng thời tích cực thực hành phương châm sống nhân ái, hòa hợp giữa đạo và đời, tránh xa cái ác, hướng tới cái thiện, xây dựng cuộc sống an lành, ấm no, hạnh phúc.
Thiếu tướng Trịnh Xuyên, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa chúc mừng giám mục, các chức sắc và bà con giáo dân nhân dịp Noel. |
Công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị và lực lượng nòng cốt làm công tác ANTT trong vùng Công giáo cũng luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm, nhất là tập trung chỉ đạo việc kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống tổ chức cơ sở đảng, MTTQ và các đoàn thể quần chúng (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh; Hội Nông dân...). Đến nay 100% thôn, bản, khu phố tại địa bàn vùng Công giáo đều có tổ chức cơ sở đảng và các tổ chức đoàn thể quần chúng hoạt động, toàn tỉnh có 1.215 đảng viên gốc giáo.
Số lượng người Công giáo tham gia bộ máy chính quyền các cấp ngày càng tăng; vai trò, hiệu quả hoạt động ngày càng được phát huy. Nhiều chức sắc, chức việc, đồng bào công giáo được nhân dân tín nhiệm bầu tham gia HĐND các cấp. Nhiều giáo dân tiêu biểu được lựa chọn đảm nhận các chức vụ chủ chốt chuyên trách, bán chuyên trách trong hệ thống chính trị và lực lượng nòng cốt làm công tác ANTT tại cơ sở (1 linh mục là đại biểu HĐND tỉnh, 7 linh mục; 2 nữ tu tham gia Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh; hơn 200 vị đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã; hàng trăm cán bộ người Công giáo là Bí thư Chi bộ, tham gia lực lượng Công an xã).
Đại tá Bùi Hồng Kỳ, Phó Giám đốc Công an tỉnh đến thăm các chức sắc, chức việc và bà con giáo dân huyện Nga Sơn. |
Đáng chú ý trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ vùng Công giáo Thanh Hóa đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình mới, nội dung có sự gắn kết, lồng ghép giữa đạo đức, giáo lý Công giáo với các tiêu chí xây dựng đời sống văn hóa mới, thực hiện “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải”. Trong đó, nhiều mô hình được duy trì, nhân rộng tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư như: “Xứ đạo bình yên, gia đình văn hoá”, “Họ đạo tiên tiến - gia đình công giáo gương mẫu” ở huyện Nga Sơn; “Tổ liên gia tự quản”, “Họ đạo Tức Tranh yên bình, kính chúa” ở TP Thanh Hoá; “Tổ thuyền tự quản về ANTT” ở huyện Tĩnh Gia; “Họ đạo bình yên” ở huyện Nông Cống...
Thông qua hoạt động của các mô hình đã góp phần khơi dậy phát huy những giá trị tốt đẹp trong đạo đức Công giáo, sự tương đồng giữa đạo và đời, tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Đặc biệt từ năm 2008 đến nay, thực hiện Đề án số 375, Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh về “Củng cố Ban chỉ đạo ANTT xã, phường, thị trấn, xây dựng các mô hình tự quản và khu dân cư an toàn về ANTT”, toàn tỉnh đã thành lập 250 BCĐ ANTT ở cấp xã có tổ chức giáo hội, 560 tổ ANTT và 3.782 tổ ANXH ở địa bàn dân cư Công giáo. Các mô hình tổ chức này hiện đang phát huy tốt vai trò, hiệu quả tham gia giữ gìn ANTT tại các xứ, họ đạo, khu dân cư vùng giáo.
Với chức năng là lực lượng tham mưu nòng cốt, 20 năm qua, lực lượng Công an Thanh Hóa đã luôn làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chủ động phối hợp với MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết liên tịch, chương trình phối hợp về công tác đảm bảo ANTT; gắn kết giữa phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với các cuộc vận động, các phong trào cách mạng khác tại địa phương như: “Xóa đói giảm nghèo”; “Ông, bà, cha, mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; “Xây dựng làng văn hóa, cơ quan văn hóa, gia đình văn hóa”; “Vì bình yên cuộc sống từng người, từng nhà, từng cơ quan đơn vị hãy làm nhiều việc tốt về ANTT”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”... tạo hiệu ứng cộng hưởng tích cực và hiệu quả lan tỏa tại cộng đồng dân cư vùng giáo.
Từ năm 2005 đến nay, tổ chức giáo hội cơ sở và giáo dân trực tiếp tham gia giải quyết trên 1.000 vụ việc, mâu thuẫn trong nội bộ; cung cấp cho chính quyền và lực lượng Công an trên 4.000 nguồn tin liên quan đến ANTT, trong đó gần 1.000 tin có giá trị, giúp cơ quan chức năng làm rõ gần 900 vụ việc. Qua phân loại, bình xét hàng năm trung bình có từ 65- 80% khu dân cư đồng bào Công giáo đạt tiêu chuẩn "văn hóa", "tiên tiến", "an toàn về ANTT", trên 40 nghìn lượt gia đình Công giáo được công nhận "Gia đình văn hóa". Phân loại năm 2013 có 212/250 xã vùng giáo (chiếm 84,8%) và 364/560 khu dân cư (chiếm 65%) đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT; 212/250 xã đạt tiêu chí số 19 về "Giữ vững ANTT xã hội nông thôn"; 13 xã đạt chuẩn "Xã nông thôn mới".
Thực tiễn 20 năm thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) trên địa bàn Thanh Hóa đã đem lại những kết quả nổi bật, góp phần thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương giáo, giữ vững ổn định về ANTT tại địa bàn vùng giáo, phục vụ hiệu quả sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Đây là dịp để cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể các cấp, tổ chức giáo hội và đồng bào Công giáo Thanh Hóa tăng cường hiểu biết, đồng thuận để ngày càng thống nhất về nhận thức, hành động, tiếp tục khơi dậy, nhân lên sức mạnh to lớn của toàn dân trong phong trào bảo vệ ANTQ