Những đóng góp quan trọng của lực lượng Công an xã trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Chủ Nhật, 10/05/2020, 09:45
Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, là kết quả của kháng chiến toàn dân, toàn diện, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đóng góp của các lực lượng vũ trang, của toàn dân, trong đó có đóng góp to lớn của Công an xã - lực lượng nòng cốt bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi sâu theo dòng chảy của thời gian nhưng vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam và cả nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới; được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX(*) và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.

Dòng chảy thời gian có thể cuốn theo dấu vết chiến tranh, nhưng không thể xoá mờ niềm tự hào của một dân tộc về những chiến công hiển hách trong cuộc trường chinh chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc. 

Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, là kết quả của kháng chiến toàn dân, toàn diện, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đóng góp của các lực lượng vũ trang, của toàn dân, trong đó có đóng góp to lớn của CAND, trong đó có Công an xã - lực lượng nòng cốt bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.

Mùa Xuân năm 1954, khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, cả nước thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”. Dân công là lực lượng sớm có mặt ở chiến dịch làm nhiệm vụ mở đường, vận chuyển. Số lượng dân công được huy động từ các địa phương phục vụ chiến dịch lên đến 26 vạn người, chia thành nhiều đợt. 

Lực lượng Công an xã làm nhiệm vụ giúp Ủy ban kháng chiến hành chính xã lựa chọn, xác nhận lý lịch những người đi dân công ngay từ địa phương, đảm bảo cho đội ngũ dân công hỏa tuyến trong sạch về chính trị và phẩm chất đạo đức, đề phòng địch xâm nhập vào đội ngũ dân công. 

Công an xã phối hợp với Ban Công an tiền phương trong công tác bảo vệ dân công, bảo vệ an toàn việc chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm ra chiến trường, đề phòng những đối tượng lưu manh trộm cắp, đối tượng phản động đốt kho phá hoại, nhất là ở các địa bàn như: Âu Lâu (Yên Bái), Mường Vạc, Yên Châu, Hát Lót, Cò Nòi, Tạ Khoa (Sơn La), Tuần Giáo (Lai Châu). 

Công an xã còn phối hợp Công an huyện, tỉnh, bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội; liên hệ tìm địa điểm, nhà dân cho bộ đội nghỉ chân trên chặng đường hành quân ra mặt trận. Công an xã tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra, vận động nhân dân tham gia bảo vệ kho vũ khí, hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ chiến trường.

Lực lượng Công an xã đóng góp tích cực trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Tại các vùng đồng bằng Bắc Bộ, thực dân Pháp mở những cuộc hành quân càn quét vào các xã vùng hậu phương và căn cứ du kích hòng phân tán lực lượng vũ trang của ta ở Điện Biên Phủ. Lực lượng Công an xã đã phối hợp với dân quân, du kích và bộ đội địa phương tổ chức chống càn, đánh nhiều trận ác liệt để bảo vệ xóm, làng, giải phóng quê hương.

Tại các tỉnh Tây Bắc và chiến trường Điện Biên Phủ, lực lượng Công an xã tích cực vận động nhân dân thực hiện phong trào “phòng gian bảo mật”, thực hiện khẩu hiệu “ba không”; đồng thời cùng dân quân, bộ đội, nhân dân địa phương và Công an huyện, tỉnh, tích cực truy lùng, bắt và tiêu diệt biệt kích do địch thả xuống địa phương. 

Ở những xã trọng điểm, các tuyến đường giao thông quan trọng có các đơn vị bộ đội hành quân qua hoặc trú quân, các cầu, phà, Công an xã điều tra cơ bản, lập danh sách các đối tượng chính trị, hình sự, đề xuất cấp trên điều chuyển đi nơi khác để làm trong sạch địa bàn.

Công an các xã Mù Xu, Mù Cả, Giàng Mủ Pho, Mường Nhé, Mường Bun, Mường Mô (huyện Mường Tè, Lai Châu) tham gia cùng các lực lượng công an, dân quân, bộ đội bắt hàng trăm tên phỉ, thu 200 súng các loại. 

Cuối tháng 3/1954, các cụm phỉ ở Mường Tè và căn cứ cuối cùng của phỉ ở Mường Mô bị tiêu diệt hoàn toàn. Các cụm phỉ ở Phong Thổ, Sìn Hồ, Than Uyên, Quỳnh Nhai cũng lần lượt bị tiêu diệt. 

Kết quả chiến dịch, lực lượng Công an xã tham gia cùng các lực lượng vũ trang khác, đã làm tan rã hầu hết các cụm phỉ, diệt và bắt 75 đối tượng chỉ huy đầu sỏ, thu 815 súng các loại cùng máy vô tuyến điện và đồ dùng quân trang, quân dụng khác, phá tan âm mưu gây phỉ của địch, ổn định an ninh, trật tự, góp phần bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Từ nhân dân mà ra, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trải qua chặng đường đấu tranh cách mạng, CAND Việt Nam không ngừng trưởng thành, góp phần viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Công an xã là cấp Công an cơ sở trong hệ thống tổ chức của CAND Việt Nam; gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng sáng tạo và anh dũng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. 

Với tên gọi ban đầu là “Trật tự xã”, năm 1950 đổi tên là “Công an xã”, đến ngày kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng Công an xã từng bước được xây dựng và trưởng thành vững mạnh, đóng vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. 

Cùng với lực lượng vũ trang khác và nhân dân, lực lượng Công an xã đã chiến đấu dũng cảm, lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần tạo nên chiến công chung của lực lượng CAND Việt Nam anh hùng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Kế thừa những kinh nghiệm về xây dựng Công an xã thời kỳ kháng chiến chống Pháp; thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, CAND trên cả nước tích cực triển khai xây dựng lực lượng Công an xã chính quy, đảm bảo an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở. 

Việc tăng cường cho Công an xã đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở, giữ vững ổn định tình hình, không xảy ra đột xuất bất ngờ, tạo môi trường thuận lợi, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.


(*)Lê Duẩn: Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, tr.50.
Thượng tá, TS. Đỗ Văn Dũng
.
.