Những chuyện cảm động ở điểm cấp căn cước công dân

Thứ Tư, 31/03/2021, 08:38
“Từ 7h tối đã rất đông người đến làm thủ tục cấp CCCD. Lượng người đông, các cán bộ Công an phải luôn chân luôn tay hầu như không một phút ngơi nghỉ nhưng chúng tôi được hướng dẫn làm rất tỉ mỉ, cán bộ chu đáo và nhiệt tình” - bác Nguyễn Thị Thảo (trú tại tổ 20, phường Phúc Xá) chia sẻ.

1. Những ngày qua, câu chuyện về cấp CCCD xuất hiện ở hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng… có sức lan tỏa mạnh về 2 dự án của Bộ Công an (cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, quản lý và cấp CCCD gắn chip điện tử). Nhiều câu chuyện, những dòng chia sẻ tích cực của người dân kể về tinh thần làm việc, phục vụ nhân dân hết mình của CBCS Công an TP Long Xuyên (tỉnh An Giang). “Có một cô ẵm cháu ngoại đi theo, lúc lên kiểm tra thông tin, thấy cô loay hoay với bé nhỏ, chú Công an quay sang ẵm bé luôn. Vừa ẵm đứa nhỏ thì có điện thoại, vậy là một tay ẵm bé, một tay nghe điện thoại, mắt thì theo dõi cô xem có thắc mắc gì không. Cảnh tượng dễ thương đến nỗi ai cũng cười” - đó là một vài dòng một tài khoản trên mạng xã hội Facebook chia sẻ những câu chuyện thấy được trong quá trình làm thủ tục cấp CCCD tại Công an TP Long Xuyên.

Được biết, ngoài Tổ cố định nhận hồ sơ cấp CCCD tại trụ sở chính, Công an TP Long Xuyên mỗi ngày bố trí tổ lưu động làm việc tại từng phường, xã. Cảnh sát khu vực (CSKV) sẽ thống kê, lập danh sách, phát số thứ tự các trường hợp thu nhận trong ngày. Sắp xếp hồ sơ, đối chiếu thông tin trước, trong quá trình thu nhận để rút ngắn thời gian kiểm tra thông tin. Bố trí cán bộ hướng dẫn trình tự cấp CCCD, để người dân chuẩn bị trước khi vào bàn tiếp nhận hồ sơ không phải tốn quá nhiều thời gian chờ đợi.

Chị Nguyễn Lê Kim Khánh (ngụ phường Bình Khánh, TP Long Xuyên, An Giang), chủ tài khoản cùng tên trên mạng xã hội Facebook, chia sẻ: “Sáng đi làm CCCD, công nhận làm ở phường mình dễ chịu thật. Mấy chú Công an hướng dẫn tận tình, nói chuyện vui tính. Phòng chờ máy lạnh, wifi miễn phí, mời bà con dùng nước suối nữa”. Dòng chia sẻ kèm những hình ảnh tại nơi làm việc của tổ cấp CCCD lưu động tại UBND phường Bình Khánh nhận được hàng trăm lượt thích cùng hàng chục bình luận đồng tình của mọi người.

Trung tá Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP Long Xuyên, cho biết: “Trong các công đoạn thì việc lấy dấu vân tay là lâu nhất với 13 bước nhưng không phải ai lấy cũng nhanh, đặc biệt là người già, người lao động chân tay… khả năng vân tay mờ thường xảy ra. Bên cạnh đó, do người dân đến đông nên khối lượng công việc phải giải quyết một ngày gấp nhiều lần ngày thường. Tuy ăn uống vội vã, thời gian nghỉ ngơi ít nhưng thấy những đánh giá tích cực của nhân dân, mỗi anh em lại được làm mới tinh thần, cố gắng phục vụ tốt bà con hơn nữa”.

2. Những ngày qua, khi hay tin Tổ cấp CCCD lưu động của Công an huyện Đầm Dơi (Cà Mau), tổ chức tại UBND xã Trần Phán, không chỉ bà con trong xã mà các xã lân cận cũng rủ nhau đi làm CCCD. Chính vì vậy, số lượng người làm thủ tục gia tăng đột biến. Dự báo trước tình hình trên, Công an xã Trần Phán tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã điều động nhân lực từ Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Dân quân tự vệ hỗ trợ Tổ lưu động. Ngay từ sáng sớm, các lực lượng chia ra vừa đảm bảo trật tự, vừa sắp xếp vị trí ngồi, hướng dẫn bà con…

Tại các điểm cấp CCCD trên địa bàn huyện Đầm Dơi (Cà Mau) đều có trà nước, bánh ngọt phục vụ nhân dân.

Đặc biệt, dù ngày hay đêm, đến tận sáng hôm sau, khi người dân đến làm thủ tục đều được phục vụ trà đá, trà đường, nước ướp lạnh, bình trà nóng, vừa có chỗ nghỉ chân, vừa nói chuyện vui vẻ với nhau. Vì vậy, dù quá nửa đêm, số lượng người đến làm CCCD trên trăm người nhưng ai nấy đều vui vẻ chờ đến lượt mình. Song song đó, các đối tượng ưu tiên, như: người già, phụ nữ mang thai, người bệnh… được hướng dẫn lấy thẻ ưu tiên trước.

“Tôi rất hài lòng về việc sắp xếp thời gian, địa điểm cũng như là chỗ nghỉ ngơi, trà nước cho bà con đợi tới lượt mình làm CCCD”, ông Mai Quang Nhương (ngụ ấp Chà Là, xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi) chia sẻ. Còn tại Tổ cấp CCCD của Công an huyện Đầm Dơi, để phục vụ tận tình cho người dân, Ban Chỉ huy Công an huyện cho bố trí quạt hơi nước, rèm che nắng, bình nước lọc, bình trà, bánh ngọt… đặt tại nơi rộng rãi, giúp người dân thoải mái, vui vẻ đợi đến lượt làm CCCD. Ông Lê Văn Mến (ngụ xã Trần Phán), nhận xét: “Mình ngồi nói chuyện cùng nhau thấy thời gian trôi nhanh lắm. Hồi hôm tôi thức đến 2 giờ sáng nói chuyện với mọi người vui quá trời”. 

Đối với các Tổ cấp CCCD tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đến làm CCCD nhất là vào ban đêm còn gặp khó khăn. Với tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”, Công an huyện Thới Bình (Cà Mau), tham mưu lãnh đạo các cấp, phối hợp tổ chức các Tổ công tác đến tận nhà gia đình có người già, bệnh tật, gặp khó khăn trong đi lại để chở đến Tổ lưu động cấp CCCD làm thủ tục sau đó đưa về.

Đánh giá về tinh thần, trách nhiệm của Công an huyện Thới Bình và chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện thuận tiện nhất cho người dân khi đến làm CCCD, ông Dương Hoài Thu (ngụ ấp Xóm Mới, xã Biển Bạch Đông), bày tỏ: “Việc làm này hết sức quý báu, người dân rất đồng tình khi anh em không nghỉ ngơi, cực khổ mà đi lo cho bà con, người lớn tuổi như thế này”.

Đại tá Nguyễn Hồng Quân, Trưởng Công an huyện Thới Bình, cho biết: “Đặc thù người dân trên địa bàn huyện ít ra ngoài vào đêm khuya do địa bàn sinh sống rộng. Vì vậy, để vận động người dân hưởng ứng tích cực làm CCCD chúng tôi rà soát danh sách những trường hợp người dân ở các ấp đi lại khó khăn, người già, bệnh tật… để từ đó tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập các Tổ, nhóm từ 4 đến 5 đồng chí đến tận nhà người dân đón đi làm CCCD, sau khi hoàn thành thì đưa về. Việc làm trên không những được nhân dân hoan nghênh, đồng thời hoàn thành vượt chỉ tiêu mà Giám đốc Công an tỉnh giao”.

3. 22h tối, điểm cấp CCCD gắn chip điện tử tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Hà Nội, phường Phúc Xá, quận Ba Đình (Hà Nội) vẫn đang sáng đèn. Số lượng công dân ngồi chờ đến lượt làm thủ tục vẫn còn khá đông. Thế nhưng, ai nấy cũng kiên nhẫn và thực hiện theo đúng hướng dẫn của các CBCS Công an quận Ba Đình nên mặc dù lượng người chờ đông nhưng không xảy ra tình trạng lộn xộn.

Đại úy Hà Thu Chang, cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Công an quận Ba Đình, Tổ trưởng tổ cấp CCCD liên tục tiếp nhận hồ sơ của công dân. Tối nay, 2 con nhỏ chị phải gửi nhờ ông bà trông giúp để dành thời gian cho công việc. Cùng với Đại úy Hà Thu Chang, 5 cán bộ khác thuộc Công an quận Ba Đình mỗi người một vị trí người chụp ảnh, người lăn tay… khiến các công đoạn của công tác cấp CCCD gắn chip điện tử diễn ra một cách rất trơn tru.

Anh Bùi Quang Minh, một công dân thuộc ngõ 91 đường Hồng Hà, phường Phúc Xá cho biết: “CMND của tôi đã cũ hỏng nên tôi đến đây để làm CCCD gắn chip điện tử. Cán bộ Công an hướng dẫn rất chi tiết, cụ thể, thủ tục cấp nhanh gọn”. Còn bác Nguyễn Thị Thảo, trú tại tổ 20 phường Phúc Xá cũng phấn khởi chia sẻ: “Từ 7h tối đã rất đông người đến làm thủ tục cấp CCCD. Lượng người đông, các cán bộ Công an phải luôn chân luôn tay hầu như không một phút ngơi nghỉ nhưng chúng tôi được hướng dẫn làm rất tỉ mỉ, cán bộ chu đáo và nhiệt tình”.

Trực tiếp có mặt tại điểm cấp CCCD gắn chíp điện tử tại trường Trung cấp Kỹ thuật Hà Nội, Thiếu tá Nguyễn Anh Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an quận Ba Đình cho biết, hiện nay, Công an quận đang bố trí 3 tổ cấp lưu động và 1 tổ cấp tại trụ sở Đội Cảnh sát QLHC về TTXH. Tại 14 phường trên địa bàn quận, 3 tổ cấp lưu động dự kiến sẽ cấp tại mỗi điểm trong thời gian 2 ngày. Trung bình mỗi ngày Công an quận Ba Đình giải quyết khoảng  từ 1.300 đến 1.400 hồ sơ cấp CCCD gắn chip điện tử với thời gian bắt đầu từ 7h sáng hằng ngày đến khoảng 24h đêm, thậm chí là 1h30, 2h sáng ngày hôm sau.

Đặc biệt, từ khi tham gia vào “chiến dịch” cấp CCCD gắn chip điện tử, hầu hết các CBCS làm việc liên tục từ thứ hai đến chủ nhật hằng tuần không có ngày nghỉ, với 3 ca một ngày, mỗi ca giải quyết khoảng từ 350 đến 400 hồ sơ. Trong số CBCS của Công an quận Ba Đình được huy động vào “chiến dịch”,  có đến 12 CBCS là nữ. Không quản việc khó khăn, vất vả, họ hy sinh thời gian cho gia đình trong mỗi ca làm tối xuyên đêm.

Một kết quả đáng mừng là đến thời điểm này, Công an quận đã trả hơn 3.000 CCCD gắn chip điện tử cho người dân. Để những chiếc thẻ CCCD gắn chip đến được tay người dân, sau khi các hồ sơ cấp đã hoàn thiện, các CBCS Công an quận lại tiếp tục trải qua nhiều công đoạn khác như phân loại hồ sơ, xác minh lại thông tin cần thiết, truyền dữ liệu thông tin về Công an TP Hà Nội và Cục Cảnh sát QLHC về TTXH… Ở công đoạn nào cũng cần người cán bộ phải thật tỉ mỉ, cẩn thận.

4. Đến thôn Cẩm Đình, xã Xuân Đình, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) vào một ngày giữa tháng 3, Thượng úy Nguyễn Văn Phú, cán bộ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính (QLHC) Công an huyện Phúc Thọ cùng đồng đội tay thoăn thoắt nhập dữ liệu vào máy và tiến hành bước chụp ảnh cho các công dân. Để phục vụ nhu cầu rất lớn của công dân làm CCCD gắn chíp điện tử, từ nhiều ngày qua, các tổ công tác như thoi đưa thực hiện việc cấp CCCD đến tận nhà văn hóa từng thôn, xóm và thực hiện cấp từ 7h30 sáng đến 24h đêm không nghỉ, thậm chí, những hôm nhu cầu của công dân lớn thì tổ công tác còn thực hiện cấp tới 1h sáng hôm sau.

"Bản thân tôi đã phục vụ nhân dân tại trụ sở Công an huyện và 10 xã khác. Chúng tôi làm ở thôn Cẩm Đình từ hôm qua, dự kiến đến ngày kia hết công dân thì lại tháo dỡ máy móc đưa đến thôn khác. Mục đích là giúp công dân thuận tiện hơn trong việc làm CCCD mà không phải đi lại xa xôi, mất nhiều thời gian", Thượng úy Nguyễn Văn Phú chia sẻ.

Cán bộ Công an huyện Phúc Thọ (Hà Nội)å cấp CCCD cho bà con tại thôn Cẩm Đình, xã Xuân Đình.

Tổ công tác cấp CCCD được quan tâm, trang cấp đầy đủ trang thiết bị, tuy nhiên do là hệ thống máy cũ được nâng cấp nên có lúc vận hành chưa trơn tru, máy thường xuyên bị lỗi nên các anh đang cố gắng khắc phục để đảm bảo kịp chỉ tiêu, tiến độ được giao. Cùng với đó, anh em làm tăng cường ngoài giờ hành chính để đảm bảo xử lý dữ liệu và xử lý các hồ sơ để kịp thời trả thẻ CCCD gắn chip điện tử mới cho công dân.

12h trưa, lực lượng Công an xã Xuân Đình đã chuẩn bị cơm cho tổ công tác. Song chỉ khi tổ khác đến nhận bàn giao máy móc đủ các khâu thì tổ của Thượng úy Nguyễn Văn Phú mới dừng tay, đảm bảo 24/24h luôn có cán bộ phục vụ nhân dân. Đội Cảnh sát QLHC chỉ có 4 CBCS (vừa đủ một tổ công tác từ 4-5 người) nên đợt cao điểm cấp CCCD này nhờ cả vào lực lượng trưng dụng từ Công an các xã, thị trấn và các đội nghiệp vụ. Mỗi bộ máy trung bình cấp được 280-300 hồ sơ/ngày. Tuy nhiên có nhiều khi hệ thống máy xử lý dữ liệu kém, người dân vùng quê lao động nhiều, vân tay mờ, có vết chân chim nên ảnh hưởng đến tốc độ lấy mẫu.

"Có những lúc nhu cầu cao, tổ công tác cố gắng phục vụ hết nhân dân mới nghỉ, chứ không để công dân mất công đến rồi lại ra về tay không, nhiều khi công dân vẫn ngồi đợi nên chúng tôi chỉ đạo anh em làm đến 1h30-2h sáng khi hết dân mới đóng máy ra về", Thượng tá Đào Anh Sơn, Phó trưởng Công an huyện Phúc Thọ cho hay. Vừa cấp CCCD, Công an huyện Phúc Thọ cũng song song tổ chức tập huấn cho số CBCS tăng cường, nên ngày 22/3 vừa qua được Bộ Công an trang cấp thêm 1 bộ máy thì những cán bộ tăng cường thêm cũng có thể kịp thời bắt tay ngay vào việc, không để tình trạng máy trống mà công dân vẫn phải chờ.

"Nhân dân rất hồ hởi, phấn khởi vì nhiều người ngại đi xa thì nay cán bộ đến tận thôn làm CCCD. Nói thật là anh em quá vất vả, hôm qua tôi cũng ở đây nên biết, trưa ngồi tại chỗ ăn tạm cái bánh mì, còn lại là làm suốt từ sáng cho tới hơn 1h sáng hôm nay mới nghỉ", ông Đoàn Văn Sơn, Trưởng thôn Cẩm Đình đánh giá. Được biết, trong ngày đầu làm CCCD ở thôn, chính ông đã đồng hành giúp CBCS hướng dẫn người dân ngồi chờ làm thủ tục và nhường cho bà con làm trước nên nửa đêm mới đến lượt mình.

"Máy móc cũ nên lúc lăn tay rất khó, máy không nhận, phải làm đi làm lại. Như tôi là làm lại mấy lần không được, sau phải cho tay vào nước một lúc rồi mới lấy lại. Mong rằng các bộ máy mới được trang cấp sẽ tốt hơn để anh em đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ", Trưởng thôn Cẩm Đình cho hay.

Tại buổi cấp CCCD, tôi cũng chứng kiến nhiều hình ảnh đẹp khi CBCS Công an dìu các cụ già tuổi cao sức yếu vào vị trí làm CCCD. Như cụ Phạm Đình Lịch, 90 tuổi được con trai chở xe máy đưa đến nhà văn hóa. "Tôi thấy rất vui vì cán bộ đưa máy móc về tận nơi như thế này đỡ bao nhiêu, không thì cũng vất lắm, trời lại đang mưa gió... Cán bộ thì hướng dẫn, phục vụ tận tình, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn", con trai cụ Lịch vui vẻ đáp lời. Tính đến ngày 28/3, Công an huyện Phúc Thọ đã tiếp nhận, xử lý khoảng 28.000 hồ sơ cấp CCCD tại 11 xã, thị trấn và đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ để đạt mục tiêu mà Công an TP Hà Nội giao cho vào tháng 7 sắp tới.

Thượng tá Trần Quyết Thắng cũng khẳng định, đối với những trường hợp công dân không đi lại được, Công an huyện đã sắp xếp thời gian cử các tổ công tác mang máy móc đến tận hộ gia đình để cấp CCCD, đảm bảo mọi công dân đều được cấp CCCD gắn chip theo quy định. Kể về một kỷ niệm xúc động trong quá trình xuống từng thôn, xóm cấp CCCD, Thiếu tá Tô Xuân Hải, Trưởng Công an xã Trạch Mỹ Lộc cho biết, đó là đêm nào tổ công tác cũng nhận được một nồi cháo gà nóng hổi của người dân nấu tặng.

"Chúng tôi bắt đầu tiếp dân từ 6h sáng hôm nay và tiến hành cấp đến 3h sáng hôm sau, nên chỉ sau 5 ngày là hoàn thành gần 6.000 hồ sơ cấp CCCD cho bà con trong xã", anh nói, giọng khản đặc vì mấy hôm liền tăng cường công suất, hướng dẫn người dân làm thủ tục. Tuy nhiên, nghĩ về thành quả đạt được và nồi cháo gà ấm áp, nặng tình quân dân của bà con các thôn trong xã Trạch Mỹ Lộc là Trưởng Công an xã và đồng đội lại thấy xúc động với niềm vui, rằng những mệt nhọc nhất thời về thể chất cũng có thể mau chóng tan biến...

Nhóm PV
.
.