Những “bông hồng thép” nơi tuyến lửa

Chủ Nhật, 26/04/2020, 07:50
Họ là những nữ cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Người ít tuổi nhất nay đã ngoài 60, còn lại nhiều người đã trên 70 tuổi.Ngày lên đường vào miền Nam nhận nhiệm vụ, nhiều người mới độ tuổi trăng rằm. Hành trang trĩu nặng trên vai, khó khăn gian khổ, hiểm nguy nhiều vô kể nhưng họ vẫn hừng hực bầu nhiệt huyết lên đường với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn” đi cứu nước.


Nhớ về những năm tháng thanh xuân rực lửa ấy, Thượng tá Nguyễn Thị Hải, Uỷ viên Ban liên lạc Cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam - một trong các học viên trường “Nữ trinh sát đặc biệt” xung phong vào tuyến lửa miền Nam chia sẻ, để chủ động đối phó với âm mưu của đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh cục bộ ra miền Bắc, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Bộ Công an đã tổ chức trường Nữ trinh sát đặc biệt (mật danh trường Y) để đào tạo về công tác báo vụ và nghiệp vụ Công an cho các nữ học viên, nhằm cài cắm vào các địa bàn trọng điểm, đề phòng trường hợp Mỹ mở rộng chiến tranh đưa quân ra đánh chiếm miền Bắc.

Bà Phạm Thị Thúy Mỳ (ngoài cùng bên phải) hội ngộ cùng đồng đội trong chuyến tham quan Bảo tàng CAND.

Từ chủ trương này, năm 1966, Trường “ Nữ trinh sát đặc biệt” (với mật danh trường Y) đã ra đời. Trường chỉ gồm 3 lớp với tổng cộng 60 nữ học viên, ở độ tuổi 12-14, được tuyển chọn từ các gia đình có thành phần cơ bản, trung thành với cách mạng.

Sau khi qua đào tạo, các nữ trinh sát đặc biệt này có nhiệm vụ hoạt động nằm vùng trong lòng địch, nắm tình hình, giữ vững liên lạc với Bộ Công an và Trung ương Đảng. Đúng với tên gọi trường nữ trinh sát đặc biệt, các học viên đều phải trải qua một chương trình đào tạo đặc biệt, rất bài bản và khắt khe, nhất là về bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm hoạt động trong vùng địch tạm chiếm.

Tất cả các học viên khi ấy còn rất trẻ, ấy vậy mà đã phải học về kỹ thuật đào hầm, nằm hầm bí mật không để lại dấu vết; kỹ thuật bắt liên lạc với đồng đội trong đêm tối, nơi hoang vắng, tạo vỏ bọc sống hợp pháp khi hoạt động nghiệp vụ… Quan trọng hơn cả là phải đảm bảo yếu tố bí mật của nhiệm vụ, ngay cả người thân trong gia đình cũng không được biết.

Bị thất bại thảm hại trong cuộc chiến tranh cục bộ buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang, đơn phương ngừng ném bom miền Bắc và chấp nhận ngồi đàm phán với ta tại Hội nghị Paris. Nguy cơ miền Bắc bị tấn công đánh chiếm không còn, trong khi miền Nam đang rất cần đội ngũ cán bộ thông tin liên lạc, Thượng tá Nguyễn Thị Hải và nhiều học viên trường Y đã tình nguyện xin được vào chiến đấu ở miền Nam. Nguyện vọng đó đã được lãnh đạo Bộ Công an chấp thuận.

Cuối năm 1967, 18 nữ trinh sát đặc biệt trường Y được lựa chọn trong đó có bà đã lần lượt được chi viện vào chiến trường miền Nam. Lúc đó, bà sắp tròn 15 tuổi. Dù biết rằng vào chiến trường, cuộc sống sẽ vô cùng cam go vất vả, ngày ra đi khó hẹn ngày về, song bà và các chị em trường Y ai cũng háo hức lên đường.

Những năm tháng ở chiến trường, dù cuộc sống vô cùng gian khổ. Đói cơm, nhạt muối quanh năm. Món ăn thường trực là củ mài, củ chuối, củ khoai, củ nầng, cùng rau rừng, măng đắng, và ai nấy đều gầy guộc, xanh xao bởi những trận sốt rét rừng, hay những trận mưa bom ác liệt. Song họ vẫn lạc quan, tin tưởng vào sự tất thắng của cách mạng, luôn yêu thương đùm bọc, động viên nhau kiên trì bám trụ chiến trường…

Kể lại những kỷ niệm cũ, bà Phạm Thị Thúy Mỳ - nữ Công an từng giấu mẹ viết quyết tâm thư bằng máu xin tình nguyện vào chiến trường miền nam, đánh giặc cứu nước trả thù cho cha chia sẻ: Năm 1965, nghe tin cha mình, cũng là cán bộ An ninh Công an tỉnh Hà Nam chi viện chiến trường miền Nam vừa hy sinh tại chiến trường Trị Thiên khói lửa, là chị cả của 4 em thơ, còn mẹ thì luôn đau yếu và dù thương mẹ và các em vô cùng, nhưng cô gái trẻ Phạm Thị Thúy Mỳ vẫn tìm mọi cách để được ra tiền tuyến. Sợ lá đơn xin ra trận bị gạt, bà liền chích tay lấy máu viết đơn tình nguyện và giả chữ ký của mẹ đồng ý cho con vào chiến trường miền Nam rồi gửi tới Công an huyện Thanh Liêm.

Hoàn cảnh gia đình bà vô cùng khó khăn, nhưng thấy bà cứ một mực tha thiết xin ra trận nên cuối cùng tổ chức chẳng nỡ lòng chối từ. Ngày lên đường, bà gầy nhẳng như cây sậy, thế mà vẫn phải đeo balo hành quân, lội rừng Trường Sơn ròng rã hơn 3 tháng trời vào tới đất Quảng Nam, trực tiếp chi viện cho Ban An ninh liên khu V.

Bà Mỳ chia sẻ, thời điểm đó, chiến tranh ngày càng ác liệt, sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Là lính cơ yếu, để đảm bảo bí mật, bà và đồng đội luôn phải làm việc giữa rừng. Ngày cũng như đêm, nắng cũng như mưa, bàn làm việc là sàn đất, còn giường ngủ là những chiếc võng, chiếc tăng. Có những khi bom đạn địch vây ráp, phải di chuyển địa điểm, cõng những thùng tài liệu còn nặng hơn cả trọng lượng cơ thể mình để chạy giặc. Vậy mà, ngày ấy bà vẫn vẫn băng băng cõng những thùng tài liệu xuyên núi, xuyên rừng…

 Cho đến hôm nay, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, gặp lại những nữ cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam năm nào, dù nay tóc đã bạc, nhưng những năm tháng chiến tranh khốc liệt ấy vẫn in đậm trong ký ức của họ. Đó không chỉ là những tháng ngày đói cơm, nhạt muối, những trận sốt rét rừng xanh xao, những mùa mưa xối xả không gạo, không rau hay tiếng gầm rú của B52 rải thảm mà còn là những nỗ lực không ngừng để hàng triệu bức điện mật được chuyển đến và đi chính xác, kịp thời, nhằm báo cáo về Trung ương về tình hình chiến trường miền Nam cũng như  thông báo cho An ninh miền Nam những tin tức có tầm chiến lược, những tin tức đột xuất, giúp bảo vệ an toàn cơ quan đầu não, bảo vệ trong sạch  nội bộ, tránh được nhiều tổn thất những lần địch dùng máy bay B52, phi pháo hay những đợt hành quân, đánh phá hoặc xâm nhập vào nội bộ của ta.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, có người đã không còn trở về lành lặn bởi di chứng chiến tranh hay chất độc da cam, tuổi xuân trôi qua nơi trận mạc khiến nhiều người không được hưởng hạnh phúc đời thường, kể cả niềm vui được làm vợ, làm mẹ.

Thế nhưng, họ vẫn lạc quan, tỏa về nhiều nơi, đảm nhận nhiều vị trí công tác khác nhau tiếp tục cống hiến cho đất nước, luôn giữ vững phẩm chất của người chiến sĩ CAND đã được thử thách, tôi luyện qua lửa đỏ. Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi xin được bày tỏ lòng tri ân tới những nữ cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam – các chị chính là những “bông hoa” thép, mãi tỏa ngát hương nơi tuyến lửa năm nào.

Tâm Phạm
.
.