Những “bóng hồng” ở Trại tạm giam số 1 Công an Hà Nội

Thứ Sáu, 19/10/2012, 12:13
Hầu hết phạm nhân nữ có án tử hình ở Trại tạm giam số 1 Hà Nội đều mắc tội mua bán và vận chuyển “cái chết trắng”. Khi các bản án tử hình được tuyên, họ như một xác chết không hồn... Khơi gợi cho họ được niềm tin vào cuộc sống là công việc thầm lặng của các nữ quản giáo nơi đây...

Các “bóng hồng” đó là cách nói ví von mà đồng nghiệp nam gọi họ - những nữ quản giáo và cán bộ y tế đang công tác tại một “ngôi trường” đặc biệt - Trại tạm giam số 1 Hà Nội, vốn được coi là một “xã hội” thu nhỏ. Cũng đều là cán bộ Công an song công việc của các cán bộ trại giam lại có những đặc thù riêng. Với những người lính hình sự; những cán bộ Công an đang ngày ngày đối mặt với tội phạm cổ cồn trắng… dấu ấn thành công có thể được biết đến qua một vụ án. Song các cán bộ trại giam, công việc ấy, với các đấng mày râu vốn chẳng dễ dàng, với những phụ nữ “liễu yếu đào tơ” cùng lúc vừa phải hoàn thành thiên chức làm vợ, làm mẹ thì cần phải nỗ lực nhiều hơn gấp bội phần.  

Bài 1: Nữ quản giáo và chuyện cảm hóa phạm nhân ngoại quốc

1. Dãy hành lang hun hút không một tiếng động. Các giác quan của Trung tá Nguyễn Thị Liên, cán bộ Đội quản giáo 3, Trại tạm giam số 1 Hà Nội được huy động tối đa, ngoài kiểm tra bằng mắt, lắng nghe bằng tai rồi còn phải bằng linh cảm và kinh nghiệm của một cán bộ quản giáo có gần 30 năm tâm huyết với nghề…

“Trại tạm giam là một “xã hội” thu nhỏ, công việc của chúng tôi như một người giữ kho. Cái kho ấy phải đảm bảo không được hao hụt về số lượng cũng như chất lượng, nghĩa là phải chống nạn nhân bị suy kiệt, chống bỏ trốn, chống thông cung…” - Trung tá Liên hóm hỉnh nói với chúng tôi.

Trung tá Nguyễn Thị Liên, cán bộ Trại tạm giam số 1 Hà Nội với phạm nhân Giavies.

Cũng như đặc thù của các trại tạm giam trong cả nước, Trại tạm giam số 1 Hà Nội, ngoài một số ít phạm nhân đã thành án, được giữ lại cải tạo thì phần lớn là các đối tượng đang trong quá trình tạm giữ, tạm giam phục vụ việc điều tra, xét xử và truy tố.

Can phạm là nữ cũng đa dạng về tuổi tác, trẻ có, già có, người Việt Nam và người nước ngoài… Chiếm phần đông trong số này là các đối tượng bị bắt về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trong đó có các can phạm quốc tịch Philippines, Trung Quốc, Thái Lan. Ngoài sự bất đồng về ngôn ngữ, còn là sự khác biệt về phong tục tập quán.

“Đối với một quản giáo, cái khó nhất là phải nắm được tư tưởng và diễn biến tình cảm của từng can, phạm nhân”  - Trung tá Liên kể lại. Công tác khám xét chống tự sát phải vô cùng tỷ mỷ, phòng ngừa có khi từ một chiếc đai áo, một sợi dây rút quần. Với những kẻ lưu manh từng nhiều lần ra tù vào tội thì manh động, quậy phá cũng đủ trò.

2. Không phải ngẫu nhiên mà Ban giám thị Trại tạm giam số 1 Hà Nội lại tín nhiệm, chọn Trung tá Liên làm quản giáo phụ trách các phạm nhân nữ người nước ngoài đang bị bắt giữ.

Ngoài những bài học theo giáo trình là bốn biết (biết tên, biết tuổi, biết tội trạng và biết hành vi phạm tội) còn phải nắm bắt được những biến động về tư tưởng của mỗi can, phạm nhân. 

Giavies, phạm nhân người Philippines xấp xỉ bốn mươi tuổi thoạt nhìn vẻ bề ngoài cũng không khác nhiều so với các phạm nhân nữ cùng buồng.  “Chào cán bộ Liên” - Giavies nở nụ cười tươi.

Nhớ lại những ngày đầu Giavies mới vào buồng giam, Trung tá Liên chia sẻ: Lúc đầu vào, Giavies rơi vào hoảng loạn, nhiều đêm không ngủ, có lúc lại khóc lóc, không ăn uống. Thông qua 1 phiên dịch tiếng nước ngoài của trại giam, chị Liên hiểu được một phần gia cảnh cũng như nguyên nhân phạm tội của Giavies. Lần này bị bắt là do bạn trai lừa xách hộ một túi hàng, vì thế Giavies có tâm trạng suy sụp. Cùng bị tạm giam với Giavies lần này cũng có một phạm nhân là Anna, cũng bị bắt giữ về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Đối tượng lừa Anna cũng là một người bạn trai mà Anna quen biết trên mạng Internet…  Do phong tục tập quán, cả hai đều không ăn thịt lợn.

Sau khi tìm hiểu, quản giáo Liên đã đề xuất với Ban giám thị trại, chuyển đổi các món ăn cho Giavies và Anna... Từ sự quan tâm ấy, những khoảng cách tưởng chẳng thể vượt qua như những rào cản về tâm lý, sự khác biệt về ngôn ngữ và phong tục tập quán đã bị xóa mờ. Giờ đây, các phạm nhân này yên tâm cải tạo, mong chờ vào sự khoan hồng của pháp luật Việt Nam.

Song vất vả nhất có lẽ là quản lý buồng giam tử tù, đây là những đối tượng giam giữ đặc biệt… Ở Trại tạm giam số 1 Hà Nội, bao năm qua công việc này thường được hai cán bộ là Trung tá Trần Thị Minh Thư và Trung tá Lụa luân phiên nhau phụ trách. Đối với họ, nếu bên ngoài không có biểu hiện gì bất thường thì có nghĩa là còn một ngày để sống và họ lại chờ đón một ngày mới!

8h, Trung tá Thư lại bắt đầu một công việc thường ngày, đó là mở cửa các buồng giam tử tù. Vẫn bằng những động tác quen thuộc, chị cẩn trọng kiểm tra các móng cùm rồi quan sát xung quanh, trên tường, dưới các sàn nhà.

Hầu hết phạm nhân nữ có án tử hình ở Trại tạm giam số 1 Hà Nội đều mắc tội mua bán và vận chuyển “cái chết trắng”. Khi các bản án tử hình được tuyên, họ như một xác chết không hồn, lúc thì câm lặng, có khi lại nói năng lung tung và luôn tìm cách kết liễu đời mình... Khơi gợi cho họ được niềm tin vào cuộc sống là công việc thầm lặng của các nữ quản giáo nơi đây

PV
.
.