Nhớ người anh, người thầy đáng kính

Chủ Nhật, 15/08/2010, 15:11
Ngày 12/8 vừa qua, tại Nghệ An, Bộ Công an đã khánh thành Nhà lưu niệm đồng chí Trần Quốc Hoàn, người lãnh đạo lực lượng CAND trong 28 năm liên tục. Với cán bộ, chiến sĩ Công an nhiều thế hệ, đồng chí Trần Quốc Hoàn là một người đồng chí, người anh, người thầy đáng kính. Gần ba thập niên giữ cương vị Bộ trưởng, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã có đóng góp to lớn vào quá trình xây dựng, trưởng thành của CAND Việt Nam và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Đúng ngày khánh thành Nhà lưu niệm Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, sáng 12/8, tôi đến thăm và thông báo tin vui với Thiếu tướng Nguyễn Hữu Nhân (nguyên Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc - Bộ Công an), người trợ lí của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn từ đầu những năm 1950 và sau này là người lãnh đạo một đơn vị trinh sát kĩ thuật quan trọng của lực lượng Công an. Sáng lập thu, những cơn mưa rào nhẹ khiến tiết trời mát dịu. Trong căn phòng nhỏ ở tầng hai khu tập thể Cục Thông tin liên lạc (phường Định Công - quận Hoàng Mai - Hà Nội), Tướng Nguyễn Hữu Nhân thân tình tiếp tôi. Dấu ấn của thời gian hiện rõ trên gương mặt vị Tướng đã ngoài tuổi tám mươi vừa trải qua một cơn tai biến. Thế nhưng, ánh mắt của ông vẫn tinh anh, ấm áp với người đối thoại.

Vị tướng già tỏ ý rất vui khi tôi thông tin: Hiện giờ, trong Nghệ An, đang diễn ra lễ khánh thành Nhà lưu niệm cụ Hoàn; ông thốt lên "Thế à?"... Dường như, ông càng vui khi tôi nói: "Cháu đã được đọc những bài viết, bài nghiên cứu của bác về nghiệp vụ và xây dựng lực lượng CAND, đăng trên các báo và tạp chí của ngành; đều là những bài viết sâu sắc và có giá trị". Ông trân trọng nói: "Cảm ơn anh đã có nhận xét như vậy - rồi trầm ngâm - Đến giờ đã ngoài tám mươi, tôi vẫn chân thành nói rằng, nhờ được anh Trần Quốc Hoàn trực tiếp rèn luyện mà nhiều anh em chúng tôi trưởng thành trong công tác. Như anh đã có lời khen các bài viết của tôi, ấy là tôi được anh Hoàn chỉ bảo rất nhiều: từ nội dung đến ngữ pháp, dấu chấm, dấu phẩy, tính logic của vấn đề"...

Những hồi ức của Tướng Nguyễn Hữu Nhân bắt đầu bằng kỉ niệm được gặp và giúp việc đồng chí Trần Quốc Hoàn. Đầu năm 1950, ông Nhân công tác trong Đặc khu ủy Hà Nội - do đồng chí Trần Quốc Hoàn làm Bí thư. Ấn tượng ban đầu của ông về vị Bộ trưởng Công an tương lai là tính quyết đoán, sâu sát và luôn cầu thị...

Đến giữa năm 1954, ông Nhân đang công tác ở khu IV thì được điều động lên Việt Bắc làm việc ở Báo Nhân Dân, do đồng chí Vũ Tuân làm Tổng Biên tập. Sau khi ổn định công tác ở cơ quan mới, ông Nhân đến thăm người thủ trưởng năm xưa. "Gặp tôi, anh Hoàn mừng lắm - ông Nhân kể lại. Hai anh em trò chuyện mãi về những thắng lợi của cuộc kháng chiến, về công việc thời gian tới. Lát sau, anh Hoàn bảo: "Ta sắp về tiếp quản Hà Nội. Thôi, anh ở lại đây giúp việc tôi, vì anh là người đã quen thuộc Hà Nội. Tôi sẽ nói với anh Vũ Tuân việc này". Thế là, tôi trở thành thư ký, giúp việc đồng chí Trần Quốc Hoàn trong thời gian chuẩn bị tiếp quản và tiếp quản Thủ đô".

Trên đường về tiếp quản Thủ đô, có một kỷ niệm sâu sắc với Tướng Nguyễn Hữu Nhân. Vị tướng già xúc động hồi tưởng: Trung tuần tháng 9/1954, anh Hoàn cùng tôi và một đồng chí cơ yếu, một đồng chí điện đài và một cảnh vệ đi trên chiếc xe Jeep từ Đại Từ, Thái Nguyên về Thường Tín, Hà Đông. Lúc qua phà Bình Ca, ngồi trên xe, anh Hoàn hỏi: "Lúc nãy xuống phà sang sông, các cậu có biết trên chiếc Commangca từ dưới phà đi lên, chở ai không?". Mọi người đều nói không biết. Riêng tôi thì nói thêm: "Không rõ đồng chí nào ngồi ở ghế trước, cạnh lái xe, sợ nắng đen da hay sao mà lấy khăn che kín mặt, chỉ để hở đôi mắt". Nghe vậy, anh Hoàn nói: "Cậu này cũng có khiếu quan sát đấy, nhưng sai rồi. Người choàng khăn che mặt, không phải để giữ cho da trắng đâu, mà để giữ bí mật đấy". Chúng tôi cùng lúc hỏi: "Ai đấy ạ?". Anh Hoàn quyết đoán trả lời: "Ông Cụ đấy!". Tôi chợt nhớ lại: Thảo nào, lúc thấy chiếc xe Commangca đi lên, anh Hoàn cứ nhìn vào xe mãi, lúc lên xe rồi, anh còn ngoái lại nhìn. Chắc chắn là Bác Hồ rồi, và chắc Bác cũng nhìn thấy anh Hoàn lúc xe xuống phà. Cả hai người đều nhận ra nhau, nhưng không ai hỏi ai, không thể hiện một cử chỉ quen biết nào. Thật đúng là nguyên tắc bí mật!

Đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn kiểm tra công tác bảo vệ, xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Là người gần gũi và gắn bó với Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, ông Nguyễn Hữu Nhân ấn tượng sâu sắc về tinh thần vì nhân dân phục vụ, về tầm nhìn xa trông rộng của đồng chí Trần Quốc Hoàn. Ông kể, anh Hoàn đã tự bạch, về trình độ văn hóa, anh chỉ học hết năm thứ hai bậc Thành chung  thời Pháp thuộc mà thôi. Nhưng không riêng tôi, mà anh em cán bộ, chiến sĩ đều khâm phục kiến thức sâu rộng của anh Hoàn. Anh là người rất say mê đọc sách lịch sử, sách khoa học kĩ thuật...

Với tầm nhìn chiến lược, từ rất sớm, anh Hoàn đã đề xuất Trung ương Đảng và Chính phủ cho thành lập, phát triển các đơn vị kĩ thuật phục vụ công tác an ninh. Tướng Nguyễn Hữu Nhân hồi tưởng: Thực ra, tôi không rõ anh Hoàn suy nghĩ việc xây dựng công tác phản gián điện đài và tình báo điện đài của Công an từ lúc nào...

Cho đến trước khi tiếp quản Thủ đô, ngày 1/7/1954, anh trực tiếp lựa chọn và giao nhiệm vụ cho 5 cán bộ đầu tiên làm công tác phản gián và tình báo điện đài. Đây là một quyết định sáng suốt. Có số cán bộ này thì mới có người lo những công việc ban đầu.

Đến tháng 1/1955, anh Hoàn đặt vấn đề với Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô viện trợ xây dựng một công trình phản gián điện đài và tình báo điện đài, để thử nghiệm và đào tạo cán bộ. Bạn đồng ý và cử chuyên gia sang giúp ta nghiên cứu tại chỗ, tìm địa điểm đặt các cơ sở kĩ thuật thử nghiệm và đào tạo những cán bộ đầu tiên. Sau 3 năm thử nghiệm, thu được nhiều kết quả tốt đẹp, đến năm 1959, anh Hoàn tiếp tục đề nghị bạn giúp đỡ xây dựng các công trình kĩ thuật làm công tác phản gián điện đài và tình báo điện đài với quy mô lớn, hoàn chỉnh hơn. Đó là công trình Phương Đông - đã hoàn thành vào cuối năm 1962, phục vụ rất hiệu quả công tác bảo vệ an ninh ở miền Bắc và đánh địch ở miền Nam.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn là người coi trọng kĩ thuật, song cũng luôn ý thức được con người mới là nhân tố quyết định sự thành bại. Đến giờ, Tướng Nguyễn Hữu Nhân vẫn nhớ lời đồng chí Trần Quốc Hoàn căn dặn trong một lần đến thăm đơn vị: "Các anh là đơn vị kĩ thuật nghiệp vụ, nên lãnh đạo phải đồng thời coi trọng cả hai việc lớn: xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật và xây dựng đội ngũ cán bộ. Trong mối quan hệ giữa thiết bị và con người, thì phải lấy con người là chính". Một ví dụ được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn nêu ra: Không có bộ đồ nghề thì người thợ mộc không thể làm ra sản phẩm đồ mộc, không thể nào đóng được bàn ghế, giường tủ. Nhưng bản thân bộ đồ nghề, dù tốt đến mấy cũng không thể làm ra được bàn ghế... Tóm lại, phải có bàn tay, khối óc con người, con người vẫn là khâu quyết định.

Nhớ lại vị Bộ trưởng luôn sâu sát với công việc, ông Nhân bồi hồi kể: Tôi làm Cục phó phụ trách Cục Thông tin liên lạc 15 năm, đã được chứng kiến nhiều lần anh Hoàn duyệt kế hoạch công tác, duyệt chỉ tiêu biên chế, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. "Tôi nhớ khi anh Hoàn duyệt tổ chức của Cục, những bộ phận nào anh thấy là chưa cần thiết, thì cương quyết cắt. Biên chế thì anh duyệt từng người, yêu cầu giải trình rõ khối lượng công việc của biên chế đó là gì... Vì thế, tổ chức bộ máy rất gọn nhẹ nhưng hoạt động hiệu quả. Anh cũng là người rất sâu sát, thường xuyên chủ động gặp gỡ cán bộ cấp dưới để nắm bắt tình hình" - ông Nhân nhớ lại.

Cán bộ chiến sĩ Công an dâng hương tại Nhà lưu niệm đồng chí Trần Quốc Hoàn (Ảnh: Hữu Huỳnh).

Tầm nhìn xa trông rộng của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã thúc đẩy sự phát triển, lớn mạnh của lực lượng CAND, đặc biệt trong lĩnh vực lí luận nghiệp vụ và khoa học kĩ thuật phục vụ an ninh, đánh địch. Cho đến nay, nhiều tài liệu, bức điện mật rất giá trị vẫn được lưu giữ. Những bức điện, đại loại có nội dung: "Ngày X, giờ Y, địch sẽ cho B52 oanh tạc tại tọa độ Z, yêu cầu di chuyển ngay lực lượng"; hoặc "Biệt kích sẽ nhảy dù xuống tọa độ X"... Song, với Tướng Nguyễn Hữu Nhân, một bức điện được giải mã có giá trị ở tầm chiến lược, khiến ông nhớ mãi.

Dường như đã cân nhắc rất kĩ, ông thận trọng kể với tôi: "Trước khi ta Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, bộ phận phản gián, tình báo điện đài của ta thu được bức điện mật phát đi từ sứ quán một nước đồng minh của Mỹ đóng tại Sài Gòn. Chúng tôi tập trung anh em để giải mã và đã phá khóa mã thành công. Nội dung bức điện báo cáo tình hình phức tạp ở Sài Gòn. Nhưng quan trọng nhất là nhận định: "Qua tiếp xúc với giới chức cấp cao Mỹ tại Sài Gòn, chúng tôi cho rằng người Mỹ sẽ không can thiệp bằng quân sự trở lại, cho dù Cộng sản có tấn công giải phóng toàn bộ Nam Việt Nam". Sau khi xem nội dung bức điện, anh Hoàn mừng lắm, liền chỉ đạo sao gửi các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... Đây là một tin có giá trị chiến lược, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Đại thắng mùa Xuân năm 1975".

Những kí ức về Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn khiến ông Nhân quên mất thời gian ông dành cho tôi đã qua từ lâu; bởi ông đã nói trước, ông mới qua một đợt tai biến, sức khỏe còn yếu, không thể ngồi lâu được. Tuy vậy, trong câu chuyện ông luôn hào hứng và có một trí nhớ mẫn tiệp. Cách nói năng khúc chiết, rõ ràng dù giọng ông nghe hơi yếu. Tạm biệt Tướng Nguyễn Hữu Nhân, tôi chợt nhớ lời ông tự bạch ở đầu câu chuyện: "Đến giờ đã ngoài tám mươi, tôi vẫn chân thành nói rằng, nhờ được anh Hoàn trực tiếp rèn luyện mà nhiều anh em chúng tôi trưởng thành trong công tác".

Giữa chừng cuộc trò chuyện, chiếc điện thoại di động của tôi đổ chuông. Tướng Nguyễn Hữu Nhân bảo: "Thời bây giờ, các anh làm việc thuận lợi thật". Rồi chợt nhớ ra, ông hào hứng nói: "Tôi kể chuyện này, chắc anh ngạc nhiên lắm. Trong những năm 60 thế kỷ trước, tôi hay được cử đi công tác ở Liên Xô và một số nước Đông Âu. Một lần, trước khi lên đường, anh Hoàn gọi tôi lên căn dặn: Anh sang các nước bạn lần này, cố gắng tìm xem có cái điện thoại nào không dây thì bằng mọi giá nhờ bạn giúp đỡ hoặc mua về. Nó sẽ rất tiện lợi cho anh em làm việc". Vâng lời anh, tôi sang Liên Xô đặt vấn đề này, nhưng đương nhiên điều kiện kĩ thuật khi đó thì chưa thể có "cái điện thoại không dây". Song, bạn cũng tận tình giúp ta một số phương tiện thông tin liên lạc khá hiện đại. Có điều, chúng cồng kềnh và nặng lắm, phải chở bằng ôtô và chỉ liên lạc được với 8 số máy.
Trần Duy Hiển
.
.