Nhiều biện pháp giảm tai nạn giao thông nông thôn

Thứ Tư, 16/01/2013, 00:50
Xác định tai nạn giao thông (TNGT) gia tăng phần lớn xuất phát những tồn tại ở địa bàn ngoại thành, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hải Phòng đã và đang triển khai giải pháp góp phần thay đổi diện mạo TTGT nông thôn, góp phần giảm TNGT trên địa bàn thành phố trên cả 3 tiêu chí về số vụ, trường hợp tử vong và bị thương.

Kết quả điều tra cơ bản cho thấy, Hải Phòng hiện có khoảng trên 2.000km đường giao thông nông thôn, chiếm 70% tổng số chiều dài đường các tuyến giao thông trên địa bàn. Ngoài ra, với nông thôn cũng chiếm tới 60% dân số Hải Phòng.

Thành phố hiện có 16 khu công nghiệp lớn cùng hàng chục vạn công nhân hầu hết phân bổ ở ngoại thành đã khiến cho lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông ở khu vực nông thôn tăng. Được xếp thứ ba toàn quốc về lượng phương tiện cơ giới đường bộ gồm: 67.413 ôtô, 819.649 môtô và hàng vạn xe đạp, xe đạp điện, hàng năm, số lượng môtô ở ngoại thành cũng tăng gấp 3,5 lần so với nội thành.

“Thanh niên xung kích” Hải Phòng giữ gìn TTATGT.

Đáng chú ý, các tuyến QL10, QL5 và nhiều tỉnh lộ, huyện lộ đang diễn ra tràn lan các vi phạm hành lang ATGT như dựng lều, quán bán hàng, tập kết vật liệu trái phép. Riêng QL10 qua địa bàn Hải Phòng hiện đang tồn tại 54 điểm vi phạm và cũng là tuyến xảy TNGT nhiều nhất. Dọc 21km đường sắt cũng đã có tới trên 100 đường ngang dân sinh trái phép đi qua.

Nhiều cung đường đã xuống cấp, biển báo bất cập cộng với ý thức kém của người tham gia giao thông như: chạy quá tốc độ, không có giấy phép lái xe, lạng lách đánh võng, thiết bị không đảm bảo an toàn, tránh vượt sai quy định, chở quá tải, không đội mũ bảo hiểm… đã khiến tình hình TTAT giao thông tại các tuyến giao thông nông thôn ở Hải Phòng diễn biến hết sức phức tạp.

Đặc biệt, trong số 9 “điểm đen” TNGT đã được xác định, có tới 7 điểm nằm trên địa bàn nông thôn như dốc chợ Tổng, ngã ba chợ Hòa Bình (huyện Thủy Nguyên); cây xăng An Hồng (huyện An Dương); chân cầu vượt Quán Toan (quận Hồng Bàng); điểm rẽ vào xã Tân Tiến, ngã ba Nhân Hòa (huyện Vĩnh Bảo); ngã ba Bàng La (huyện Kiến Thụy).

Đó là những nguyên nhân khiến tình hình TNGT ở nông thôn Hải Phòng luôn chiếm khoảng 70% tổng số vụ xảy ra trên địa bàn thành phố.

Trước tình trạng trên, từ những ngày đầu của năm 2011, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Hải Phòng ngoài việc đầu tư ráo riết, hiệu quả các biện pháp tuyên truyền trực tiếp tới tận các trường học, thôn xóm, doanh nghiệp đã tham mưu cho chính quyền cơ sở, các huyện, xã, đưa cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; đặc biệt là chỉ đạo lực lượng Công an xã thực hiện tốt công tác TTKS, xử lý nghiêm các vi phạm.

Nhiều mô hình hay đã xuất hiện như các “Đội thanh niên xung kích” của 10 trường đại học, cao đẳng và Đoàn thanh niên các làng, xã đã xuất hiện thường xuyên trên mặt đường cùng CSGT làm công tác hướng dẫn, phân luồng; huyện Kiến Thụy với mô hình: “3 quản, 5 giữ”; các chi hội nông dân ở huyện An Lão với phong trào: “Không có người vi phạm TTATGT”; huyện An Dương với phong trào “Thanh niên với văn hóa giao thông”…

Bên cạnh đó, Công an thành phố còn phối hợp chặt chẽ cùng Ban ATGT, Liên hiệp Đường sắt Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, Công ty Quản lý đường bộ 234, 240 và Sở GTVT điều chỉnh phân luồng, sửa chữa đường sá, bổ sung biển cảnh báo tai nạn, làm gờ giảm tốc; rào bịt những dải phân cách cứng và tháo dỡ tôn lượn sóng giải phân cách mềm không hợp lý.

Một số đường ngang trái phép qua đường sắt được bịt cưỡng chế. Nhiều đường ngang dân sinh khác giao nhau với đường sắt được nâng cấp, có trạm gác 24/24 giờ trong ngày. Một số doanh nghiệp còn tự nguyện bỏ kinh phí hàng tỷ đồng làm 12 biển chữ lớn cỡ 10m2, tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đồng thời đặt 72 biển cảnh báo đoạn đường dễ xảy ra tai nạn đã góp phần chuyển hóa 7 “điểm đen” TNGT có những chuyển biến tích cực.

Bên cạnh TTKS của lực lượng CSGT cũng đã được tập trung vào những tuyến trọng điểm ở ngoại ô và việc xử lý vi phạm được áp dụng hẳn đối với những lỗi thường gây nhiều tai nạn. 2 năm 2011-2012, đơn vị đã mở 62 đợt cao điểm TTKS, kiểm tra xử lý: 305.997 trường hợp phương tiện vi phạm. Trong đó có 15 đợt liên quan đến các tuyến, địa bàn nông thôn, tập trung vào các chuyên đề xử lý xe khách, xe container, xe chuyên dùng, xe môtô, xe công nông, xe tự chế... Vào từng thời điểm quan trọng, đơn vị còn phối hợp với các đơn vị quận, huyện kiểm tra xử lý vi phạm tại các địa bàn phức tạp với các lỗi: chạy quá tốc độ quy định, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng v.v...

Với nỗ lực trên, năm 2012 vừa qua, Hải Phòng đã từng bước lập lại TTATGT nông thôn, góp phần giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí và đã vinh dự được Công an Hải Phòng được Bộ Công an tặng cờ “Đơn vị thi đua xuất sắc”

Quốc Phòng - Văn Thịnh
.
.