Nhân Ngày gia đình Việt Nam: Từ những ngọn lửa gia đình ấm áp

Thứ Sáu, 29/06/2012, 20:53
Trong quá trình gặp gỡ, thu thập tài liệu để viết bài cho chuyên mục “Dưới những nếp nhà Công an nhân dân”, chúng tôi đã may mắn được tiếp cận 2 gia đình đều ở dải đất miền Trung - nơi sản sinh ra những người con với bản sắc, truyền thống đặc biệt đến mức khó có thể trộn lẫn.
>> Bảo tồn các giá trị truyền thống của gia đình

Đó là gia đình Đại tá Trần Thiệu - nguyên Trưởng ty Công an Nghệ Tĩnh và gia đình Đại tá Trần Thanh Đạt - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình. Viết về họ, tận mắt chứng kiến những giọt nước mắt của những người con - những chiến sỹ Công an đã một thời vào sinh ra tử, đang làm “quan” giữa đời thường - khi nghĩ về truyền thống gia đình.

1. Không phải ngẫu nhiên mà mỗi khi nhắc đến gia đình, Đại tá Trần Minh Đạo, Giám đốc Bệnh viện 198, Bộ Công an lại nghĩ ngay đến người cha thân yêu của mình. Bởi lẽ trong ký ức và suy nghĩ của tất cả các thành viên trong gia đình ông, cha luôn là điểm tựa, là người khởi tạo nên “nếp nhà”, là “cái nóc nhà lợp ngói, phủ bóng im mát và che chở cho những thế hệ con cháu trong nhà”.

Với Đại tá Trần Minh Đạo, cha ông - Đại tá Trần Thiệu, nguyên Giám đốc Ty Công an Nghệ Tĩnh thật gần gũi, vừa là một tấm gương để noi theo, nhưng những đòi hỏi khắt khe của cha cũng là áp lực trong học tập và công tác. Nhờ đó, giúp anh em ông luôn phải tự lực phấn đấu không mệt mỏi để có thể trưởng thành và đứng vững được như ngày hôm nay. Có rất nhiều câu chuyện vừa cảm động, vừa sâu sắc về sự nghiêm khắc, đạo đức thanh sạch của người cha mà cho đến bây giờ Đại tá Trần Minh Đạo vẫn không thể nào quên. Những kỷ niệm đó, có thể chỉ là một tình tiết, một góc nho nhỏ trong cuộc sống, nhưng lại mang lại những bài học rất lớn theo suốt cuộc đời của những người con.

Vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi chiến tranh vừa kết thúc, gia đình Đại tá Trần Thiệu có một cơ hội được đoàn tụ sau bao ngày xa cách. Ty Công an Nghệ Tĩnh đã bố trí 1 chuyến xe cho cả gia đình về thăm nhà. Thế nhưng, đáp lại sự hào hứng của các con, Đại tá Trần Thiệu đã không cho các con lên xe ôtô, bắt phải tự đạp xe về quê cách đó hơn 50km. Hay khi học xong lớp 10, chàng trai trẻ Trần Minh Đạo đủ tiêu chuẩn đi học nước ngoài. Thế nhưng, vui mừng báo cáo với bố thì bất ngờ Đại tá Trần Thiệu yêu cầu con phải đi bộ đội với lý do gia đình mình chưa có ai đi bộ đội. Sau này khi tốt nghiệp ngành Y, Đại tá Trần Minh Đạo được giữ lại làm việc tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Khi hỏi ý kiến cha, BS Đạo bị “chỉnh” một trận rằng chính ngành Công an là cái nôi của mình, ngành đã cho mình đi học thì phải quay về phục vụ trong ngành. Rồi vào năm 1990, Đại tá Trần Thiệu về nghỉ hưu, được phân một căn nhà ở khu Hoàng Cầu hoặc Ngọc Khánh, nhưng ông đã từ chối, chỉ nhận một căn hộ tập thể lắp ghép chưa đầy 30m2 ở khu tập thể Trung Tự và sống ở đó đến cuối đời.

Đại tá Trần Minh Đạo cũng thú nhận với chúng tôi rằng, chính sự khắt khe đến quyết liệt, nghiêm khắc, công bằng đến hiếm thấy của người cha đã giúp anh chị em ông không ngừng phấn đấu vươn lên, không được phép dừng lại để giữ vững “nếp nhà” cũng là truyền thống của gia đình. 

Đại tá Trần Thanh Đạt (thứ 2 từ phải sang) và gia đình con trai Trần Thanh Duy.

2. Cũng giống như Đại tá Trần Minh Đạo, Đại tá Trần Thanh Duy, nguyên Giám đốc Công ty In Ba Đình, luôn xem truyền thống gia đình là điểm tựa yêu thương, là chốn bình yên để trở về sau những bộn bề, vất vả, là động lực để bản thân anh cũng như các thành viên khác trong gia đình nhìn vào đó mà tự hào, phấn đấu, trưởng thành. Mặc dù không có nhiều thời gian được sống gần ba, cố Đại tá Trần Thanh Đạt, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình, nhưng trong ký ức của Đại tá Trần Thanh Duy, ba anh chính là “người thổi lửa” cho truyền thống gia đình.

Đại tá Trần Thanh Duy kể với chúng tôi rằng, trong công tác chuyên môn, ba anh là một người sắc sảo, nhạy bén, còn trong cuộc sống gia đình, ông là người rất tình cảm nhưng cũng hết mực nghiêm khắc và thanh bạch. Đất Quảng Bình từng một thời là túi bom, nhưng không nơi nào là ông không có mặt. Cả cuộc đời làm Công an hình sự, ông chưa một ngày có phép, chưa bao giờ biết đến thứ 7, chủ nhật. Cả một đời ông sống liêm khiết và rất thanh bần. Ở vị trí công tác khá nhạy cảm, ông có rất nhiều cơ hội để nhận tiền, vàng, nhưng chưa bao giờ ông lấy của ai một xu.

Đại tá Duy nghẹn ngào kể: “Cha tôi mất năm 1993, lúc vẫn đang còn công tác. Khi thay trang phục cho ông, tất cả anh em tôi khóc nghẹn khi thấy đường đường là Giám đốc Công an tỉnh mà ông chỉ mặc một chiếc áo may ô cũ bị rách, thủng lỗ ở trên ngực. Sau này, khi hậu sự của ba xong, lục lại tủ quần áo của ông, thấy còn hai bộ quần áo lót còn mới nguyên chưa dùng đến. Đây cũng là hai vật dụng giá trị nhất trong tủ quần áo của ông”. Nói về cha mình, vị Giám đốc ngành in ngậm ngùi: “Tôi không dám mong ba tự hào về mình, mà chỉ mong ba hiểu tôi đã cố gắng như thế nào để không phụ lòng ba, phụ lòng với quê hương. Tôi thương ba nhiều, và tôi cũng hiểu ba thương anh em tôi lắm, nhưng chưa bao giờ ba con tôi thể hiện tình cảm yêu thương dành cho nhau. Ngày ba nằm viện, tôi vào cũng chỉ chào và nói vài câu rồi cứ ngồi im thế. Khi ba mất đột ngột, tôi mới thấy mình đau đớn biết chừng nào. Tôi ước gì tôi có thể nói với ba rằng tôi thương ba nhiều lắm”…

Đại tá Trần Thanh Duy tâm sự, đã nhiều năm trôi qua nhưng mỗi khi nghĩ đến câu chuyện này, anh không thể nào kìm giữ được nước mắt. Gia tài ba anh để lại cho các con không có giá trị về vật chất nhưng lại giàu giá trị tinh thần. Đó là sự trân trọng, quý mến của nhân dân và bạn bè đồng nghiệp, là tấm gương sáng về lối sống và đạo đức của người Công an cách mạng - những điều vừa khiến con cái có thể tự hào, nhưng cũng là áp lực, là sự thôi thúc các con phải tiến lên để xứng đáng với truyền thống của gia đình. Khi bài báo viết về gia đình Đại tá Trần Thanh Đạt lên khuôn, Đại tá Trần Thanh Duy gọi điện cho chúng tôi bảo: Anh đã cho in lại, phóng to ra như một tờ báo tường treo lên. Anh bảo, xúc động lắm, anh đọc đi đọc lại và khóc

Lệ Thúy-Huyền Thanh
.
.