Nhà xuất bản CAND nỗ lực đổi mới

Thứ Hai, 09/02/2009, 16:54
Thành lập ngày 10/2/1981, Nhà xuất bản Công an nhân dân được Bộ Công an giao nhiệm vụ chính là tổ chức, biên tập, xuất bản sách về đề tài an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, sách văn học theo đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ Công an và nhân dân tích cực tham gia vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Ngay từ những buổi đầu tiên, Nhà xuất bản đã cho ra đời những ấn phẩm văn hóa tinh thần hết sức quý giá, được cán bộ, chiến sĩ Công an, nhân dân trân trọng đón đọc và sử dụng có hiệu quả cao, góp phần đắc lực vào sự nghiệp bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ bấy giờ.

Trong mười lăm năm đổi mới của đất nước (1986 - 2000) chuyển đổi cơ chế quản lý từ chế độ quan liêu bao cấp sang chế độ hạch toán kinh doanh, Nhà xuất bản phải tự hạch toán trong điều kiện kinh doanh có định hướng… nên gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình, Nhà xuất bản đã khắc phục mọi khó khăn, giữ vững định hướng, đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xuất bản các tác phẩm chính trị, nghiệp vụ, phản ánh tư tưởng của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ về lĩnh vực an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các tác phẩm văn học.

Đặc biệt trong thời gian này, Nhà xuất bản Công an nhân dân đã chú trọng xuất bản được nhiều tác phẩm về lý luận an ninh trật tự, lịch sử, hồi ký và các công trình tổng kết, các chuyên đề về sự nghiệp bảo vệ an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội của toàn Đảng, toàn dân và lực lượng Công an nhân dân góp phần làm phong phú thêm kho tàng kinh nghiệm và khẳng định những thành tựu trên lĩnh vực an ninh trật tự.

Từ năm 2005 tới nay, lĩnh vực hoạt động xuất bản có nhiều biến động không thuận lợi do giá cả vật tư không ổn định, thị trường xuất bản lộn xộn, tệ in lậu tràn lan, các nhà xuất bản phải thực thi theo Công ước Berne, chi phí giá thành sản phẩm tăng cao, giá bán chiết khấu đẩy lên cao, số lượng in thấp nên đã tạo ra nhiều khó khăn cho các nhà xuất bản nói chung và Nhà xuất bản CAND nói riêng.

Đứng trước những khó khăn đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà xuất bản CAND đã huy động sức mạnh tổng hợp của cán bộ, chiến sỹ, nhân viên để khắc phục mọi khó khăn, thích ứng kịp thời với thị trường xuất bản. Đội ngũ biên tập của Nhà Xuất bản được đào tạo chuyên sâu, có trình độ nghiệp vụ cao đã bám sát nhiệm vụ chính trị, khắc phục mọi khó khăn, năng động, tìm ra những bước đi thích hợp, chủ động củng cố, mở rộng đội ngũ cộng tác viên có trình độ, uy tín trong nhiều lĩnh vực như sáng tác, biên soạn, dịch thuật.

Từ năm 2005 đến 2008, các tác phẩm về đề tài bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, sách giáo trình, giáo án phục vụ cho công tác giảng dạy trong các trường Công an, các đề tài văn học trong nước và trên thế giới đã được các biên tập viên tổ chức khai thác triệt để, có hiệu quả, các ấn phẩm xuất bản đảm bảo tốt về nội dung, phong phú về hình thức, có nhiều tác phẩm được dư luận đánh giá cao, thu hút được đông đảo bạn đọc trong và ngoài lực lượng CAND như 60 năm Công an nhân dân Việt Nam; Công an nhân dân vì nước quên thân vì dân phục vụ; Đời tôi; Tô tem sói; Huynh đệ; Xin đừng khóc nữa mẹ ơi... để hưởng ứng các cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ - Công an nhân dân học tập và làm theo 6 điều Bác Hồ dạy" và kỷ niệm 118 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với những thành tích đã đạt được trong giai đoạn này, năm 2006 Nhà nước trao tặng cho Nhà xuất bản Công an nhân dân: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì; năm 2007 Nhà xuất bản được Bộ Thông tin - Truyền thông tặng Cờ Đơn vị thi đua xuất sắc, và được Bộ Công an tặng Cờ Đơn vị thi đua xuất sắc hai năm 2007, 2008.

Nhà xuất bản Công an nhân dân là cơ quan thường trực của hai cuộc vận động viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 1999-2002 và 2007-2010" do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam đồng tổ chức.

Trong cuộc vận động lần thứ nhất (1999-2002), Ban tổ chức đã nhận được 127 tác phẩm dự thi, trong đó có gần 60 tác phẩm đã được xuất bản. Kết quả đã có ba tác phẩm được xếp giải A; năm tác phẩm đạt giải B; bảy tác phẩm đạt giải C và năm giải khuyến khích. Tiêu biểu như các tác phẩm Đêm yên tĩnh của Hữu Mai; Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời của Nguyễn Thị Ngọc Hải; Một thế giới không có đàn bà của Bùi Anh Tấn; Yêu tinh của Hồ Phương...

Cuộc vận động lần thứ hai (2007-2010) tuy mới đi được hơn một phần ba chặng đường nhưng có thể nói đã báo hiệu những kết quả rất tốt. Cho tới nay đã có 80 tác phẩm gửi tham gia cuộc thi và có gần 30 tác phẩm được Nhà xuất bản Công an nhân dân xuất bản.

Bước sang năm 2009, đứng trước tình hình trong nước và trên thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính trên thế giới lan rộng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, kinh tế, xã hội nước ta, cán bộ, chiến sỹ Nhà xuất bản Công an nhân dân quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao.

Hai mươi tám năm qua là một chặng đường phấn đấu liên tục rất đáng tự hào của các lớp cán bộ, chiến sỹ Nhà xuất bản Công an nhân dân. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, và được sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và Đảng ủy Công an Trung ương mà trực tiếp là Đảng ủy và lãnh đạo Tổng cục XDLL - CAND, thế hệ cán bộ, chiến sỹ Nhà xuất bản Công an nhân dân hôm nay đang nỗ lực đổi mới toàn diện để đưa Nhà xuất bản tiến lên tầm cao mới, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ nặng nề mà Đảng và nhân dân giao phó cho lực lượng Công an nhân dân: Đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước

.
.