Người thầy áo xanh ở trường giáo dưỡng

Chủ Nhật, 15/07/2012, 11:12
Nội quy kỉ luật tại Trường giáo dưỡng số 4 Đồng Nai chỉ là thứ công cụ cần để đảm bảo nguyên tắc, tính hệ thống và quy củ trong phương pháp quản lí giáo dục những đứa trẻ bị xã hội cho là “bất trị”. Còn với những người thầy khoác màu áo xanh nơi đây thì “chỉ có tình thương và trách nhiệm mới cảm hóa được các em”.

Trường giáo dưỡng số 4 Đồng Nai là một trong số những đơn vị thuộc Tổng cục Cảnh sát Thi hành án Hình sự và hỗ trợ Tư pháp. Nơi đây tiếp nhận những trường hợp có quyết định đưa vào trường quản lí, giáo dục pháp luật, hướng nghiệp, tổ chức cai nghiện chăm sóc điều trị cho học sinh nhiễm HIV, dạy văn hóa, dạy nghề… nhằm giúp đỡ cho các em có cơ hội sửa chữa, rèn luyện, phát triển lành mạnh về thể chất, tinh thần, trí tuệ. Mục tiêu sau cùng của trường đó là giúp cho học sinh trở thành công dân có ích cho xã hội.

Thế nhưng, những đứa trẻ đã từng bị xã hội cho là “bất trị”, sau một thời gian rèn luyện tại trường dần dần được cảm hóa, đã có rất nhiều trường hợp tái hòa nhập cộng đồng trở thành những người công dân lương thiện sống có ích.

Tôi cảm nhận, nội quy kỉ luật tại môi trường này chỉ là thứ công cụ cần để đảm bảo nguyên tắc, tính hệ thống và quy củ trong phương pháp quản lí giáo dục. Còn với những người thầy khoác màu áo xanh nơi đây thì “chỉ có tình thương và trách nhiệm mới cảm hóa được các em”. Bởi vì mái trường này không giống như bao ngôi trường khác, không chỉ một vài học sinh cá biệt trong một lớp, mà tất cả các em ở đây đều “hết sức đặc biệt”.

Một buổi sinh hoạt đầu tuần ở Trường Giáo dưỡng số 4.

Theo đồng chí Lê Công Bắc, cán bộ quản giáo: Mỗi em vào đây đều có những hoàn cảnh khá đặc biệt. Là người làm công tác quản lí giáo dục, đồng chí cũng như các đồng nghiệp luôn tìm hiểu theo dõi, nắm bắt tâm tư tình cảm của học sinh, dùng tấm lòng thân ái, dùng thái độ công tâm giúp học sinh nhận thức nhằm cảm hóa được những đứa trẻ đã từng hư bằng lòng tin tưởng, niềm quý mến học trò dành cho mình. Hoàn thiện lại tâm hồn, bồi dưỡng kiến thức, khả năng nghề nghiệp cho các em là cách các anh đang lặng lẽ thực hiện để con đường tái hòa nhập cộng đồng của các em rộng mở.

Những người thầy khoác màu áo lính thoạt đầu nhìn lớp trẻ dưới ánh mắt răn đe để trò của họ nhìn nhận ra điều chúng đã phạm phải là sai trái, là lỗi lầm. Rồi tiếp theo đó bằng cái nhìn trìu mến, bao dung hướng cho tư duy chúng quay về với bao điều tốt đẹp.

Có quan điểm cho rằng công tác của người chiến sĩ phục vụ lực lượng Công an nhân dân đơn điệu cứng nhắc đầy nguyên tắc. Tôi thì cho rằng các anh đang làm nhiệm vụ một cách hết sức khéo léo và uyển chuyển dưới cảm quan đầy tinh tế. Giống như người nghệ nhân lựa chọn uốn nắn những cành cây có tì vết thiếu vẹn nguyên thành thực thể hữu dụng

Hoàng Anh
.
.