'Người dân sẵn sàng giúp đỡ nếu mình thật tâm, chân thành'!

Thứ Ba, 18/08/2015, 17:05
Giữa bộn bề công việc tiến tới kỷ niệm ngày Đại lễ của lực lượng CAND, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dành cho phóng viên Công an nhân dân cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa.

“Tôi nhớ những người mẹ tảo tần với miền quê lam lũ, làm lụng bốn mùa có mấy khi được bữa ngon, ấy thế nhưng khi biết Công an vất vả làm án, các mẹ chẳng tiếc gì, có quả trứng, con gà cũng dành dụm, quan tâm như con cháu trong nhà. Tình cảm gần gũi, xúc động ấy không tự nhiên có, khi chúng ta kính trọng, sẵn lòng phục vụ nhân dân thì nhân dân càng quý mến, giúp đỡ Công an” - Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công  an chia sẻ.

Bộ trưởng nói, nhân dân đòi hỏi ở chúng ta rất cao nhưng nhân dân cũng rất rộng lượng. Người dân sẵn sàng giúp đỡ nếu mình thật tâm, chân thành. Cuộc trò chuyện diễn ra khi Bộ trưởng Trần Đại Quang vừa có Thư khen gửi Công an tỉnh Yên Bái và một số đơn vị nghiệp vụ đã bắt được nghi phạm gây ra cái chết 4 người ở địa phương này.

“Một lần nữa cho thấy vai trò to lớn của nhân dân, khi nhân dân đã đồng hành, sát cánh cùng lực lượng Công an thì việc điều tra, phá án sẽ thắng lợi” – Bộ trưởng khẳng định.

Thấy Công an vất vả làm án, các mẹ chẳng tiếc gì

- Thưa Bộ trưởng, trong vụ án này, người dân không chỉ cung cấp thông tin mà còn đồng hành cùng Công an vây ráp, truy bắt thủ phạm, điển hình như ông Hà Văn Liên (thôn 2, xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên, Yên Bái) sáng sớm 15/8 khi đi mổ lợn đã bất ngờ nhìn thấy đối tượng khả nghi, vừa báo cho Công an, vừa cùng người thân theo dõi chặt chẽ?  

+  Vụ án xảy ra, người dân địa phương vô cùng bức xúc, muốn đóng góp sức mình giúp Công an nhanh chóng truy bắt thủ phạm và họ không ngần ngại thức đêm luồn rừng tuần tra cùng cán bộ, chiến sĩ. Chúng ta hình dung, giữa địa bàn rừng núi mênh mông, hiểm trở như vậy, nếu không có sự vào cuộc của quần chúng nhân dân thì mấy trăm Cảnh sát, mấy trăm dân quân truy lùng cũng rất khó khăn. Cho nên, những lúc này, ta càng thấm thía lời Bác Hồ dạy: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.

Bộ trưởng Trần Đại Quang thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Bé (Nho Quan, Ninh Bình).

- Trong vụ trọng án giết 6 người tại Bình Phước, người dân bày tỏ cảm kích khi Bộ trưởng trực tiếp đến hiện trường động viên, thăm hỏi thân nhân gia đình bị hại và chỉ đạo các lực lượng điều tra phá án…

+ Hôm đó, tôi đang chủ trì cuộc họp tại Bình Dương. Ngay sau khi vụ án xảy ra, tôi chủ động rút ngắn cuộc họp, tranh thủ buổi trưa đến ngay hiện trường. Tâm trạng người dân hết sức bàng hoàng khi ngay chốn đô thị, 6 người trong một gia đình đang êm ấm bỗng chốc bị giết sạch. Tổn thất trong những hoàn cảnh như vậy là quá sức chịu đựng của người thân và điều người dân mong mỏi là kẻ thủ ác phải sớm bị bắt giữ, bị trừng trị. Đó là trọng trách đặt lên vai người cán bộ điều tra, đặt lên vai Ban chuyên án và áp lực đó càng thôi thúc anh em quyết tâm cao độ.

Bộ trưởng Trần Đại Quang thăm hỏi, tặng quà thương binh M’Lô Y Minh, Đắk Lắk.

- Bộ trưởng có thể chia sẻ kỷ niệm của mình về sự yêu mến, giúp đỡ của nhân dân?

+ Từ một người lính đến nay đã trải qua nhiều vị trí khác nhau và ở vị trí công tác nào tôi luôn tâm niệm, phải gắn bó, hòa mình vào nhân dân. Tôi có nhiều năm gắn bó với đồng bào dân tộc từ Tây Bắc đến Tây Nguyên, Tây Nam Bộ…, mỗi vùng miền đều có phong tục tập quán khác nhau nhưng ở đâu, anh em Công an cũng được đồng bào giúp đỡ. Tôi nhớ những người mẹ tảo tần với miền quê lam lũ, làm lụng bốn mùa có mấy khi được bữa ngon, ấy thế nhưng khi biết Công an vất vả làm án, các mẹ chẳng tiếc gì, có quả trứng, con gà cũng dành dụm, quan tâm như con cháu trong nhà. Tình cảm gần gũi, xúc động ấy không tự nhiên có, khi chúng ta kính trọng, sẵn lòng phục vụ nhân dân thì nhân dân càng quý mến, giúp đỡ Công an…

- Nhân đây cũng xin nhắc lại chuyện, có lần, người dân Cần Giờ, TP HCM  bị Công an Hải Dương thu giữ gần 2 tấn bạch tuộc vì nghi ngờ không đảm bảo an toàn thực phẩm, sau đó số bạch tuộc này bị hư hỏng. Có người bảo “hỏng thì chịu thôi, kiện sao nổi” nhưng rất khẩn trương là sau đó họ được đền bù thỏa đáng trước sự chỉ đạo của Bộ trưởng?

+ Việc đó xảy ra năm 2013, tôi nhận được thông tin này từ phản ánh của báo chí. Tôi yêu cầu Công an Hải Dương báo cáo và giao Thanh tra Bộ kiểm tra lại toàn bộ vụ việc, làm rõ đúng, sai để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, nếu có sai phạm thì phải xử lý nghiêm và nếu sai phạm đó dẫn đến hậu quả thiệt hại thì phải bồi thường. Sau đó, vụ việc được làm rõ và Công an tỉnh đã nhận sai, bồi thường số tiền 650 triệu đồng cho các ngư dân ở huyện Cần Giờ (TP HCM) vì số hàng trong quá trình thu giữ đã bị hỏng. Qua đó để thấy rằng, mọi việc phải tuân thủ luật pháp, Công an nếu làm sai, gây thiệt hại cho người dân thì phải chịu trách nhiệm về cái sai đó tùy theo tính chất, mức độ và phải bồi  thường thiệt hại do lỗi mình gây ra, mọi việc phải rõ ràng, dứt khoát, không có úp mở được. Đó là nguyên tắc và có như vậy dân mới tin, mới quý và giúp đỡ Công an.

Hình ảnh ngày thường của CSGT.

Thiếu kiềm chế có thể gây ra hậu quả khó lường

- Chỉ trong hơn một tháng, cả nước xảy ra 4 vụ án giết người gây chấn động, xảy ra ở Nghệ An, Bình Phước, Quảng Trị và mới đây là Yên Bái. Bộ trưởng có suy nghĩ gì về vấn đề phòng ngừa tội phạm?

+ Tôi chia sẻ sâu sắc trước những tổn thất, mất mát đối với thân nhân các gia đình trong các vụ án. Về phía lực lượng công an, chúng tôi luôn chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ kết hợp với phòng ngừa xã hội nhằm  hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, trong đó có các biện pháp chuyên đề phòng ngừa tội phạm giết người. Nhìn tổng thể, tình hình tội phạm được kiềm chế, nhiều địa phương giảm tỷ lệ trọng án giết người vì các nguyên nhân xã hội. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, có rất nhiều tác động tiêu cực làm phát sinh tội phạm, đặc biệt là tội ác giết người như tác hại của ma túy, phim ảnh bạo lực, khiêu dâm, lối sống sa đọa, côn đồ của một bộ phận công dân, coi thường kỷ cương, coi thường mạng sống của người khác, gây trọng án nhiều khi chỉ vì những nguyên nhân rất nhỏ nhặt như va chạm giao thông, hiềm khích trong ăn uống, rồi vì lòng tham tiền bạc mà giết người, cướp của, vì động cơ tình ái cũng có thể cuồng ghen, giết người…

Việc phòng ngừa phải là sự vào cuộc của toàn xã hội, ngay từ mỗi gia đình bằng cách tăng cường quản lý con em mình và sâu xa hơn là giáo dục đạo đức, lối sống, nhất là kiềm chế bản khí nóng trong tính cách cá nhân, một người tốt mà thiếu kiềm chế trong chốc lát có thể gây ra hậu quả vô cùng khó lường. Việc nhanh chóng truy bắt, điều tra làm rõ và trừng trị nghiêm minh cũng là biện pháp quan trọng trong phòng ngừa, răn đe tội phạm.

Cán bộ Công an xuống bản giúp dân cấy lúa – một hình ảnh đẹp ngày thường ở vùng cao.

- Nhiều người đã bật khóc khi diện kiến những chuyện xúc động của các thân nhân gia đình liệt sĩ CAND. Thưa Bộ trưởng, thực sự rất khó miêu tả khi giữa cuộc sống thời bình hiện nay, sự hy sinh vẫn hiện hữu và người đối mặt trận tuyến đó chính là cán bộ, chiến sĩ Công an?

+ Vừa rồi, tại Đại hội Thi đua Vì ANTQ lần thứ VII, Bộ Công an đã tổng kết phong trào thi đua trong 5 năm (2010-2015), tôn vinh các điển hình tiên tiến. Hòa bình rồi mà máu của cán bộ, chiến sĩ Công an vẫn đổ, còn đó những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, anh mất em… Tôi nghĩ rằng, sự hy sinh nào cũng là tổn thất to lớn mà trước hết bố mẹ, vợ con, gia đình cán bộ, chiến sĩ công an phải gánh chịu và ráng sức vượt qua. Chúng tôi chia sẻ sâu sắc với những mất mát thiêng liêng đó và không gì khác, sự hy sinh trong cuộc chiến chống tội phạm là biểu trưng cho tinh thần dũng cảm xả thân vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân, tôn vinh truyền thống cao quý của CAND.

Nhiều tấm gương tận tụy, vượt lên hoàn cảnh, hết sức xúc động như thiếu tá Nguyễn Quang Ánh, cán bộ trại  giam Thủ Đức, trong quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân anh bị nhiễm HIV, vợ anh sau đó cũng mất vì lây nhiễm. Mặc dù vậy, thiếu tá Nguyễn Quanh Ánh vẫn không nản chí, luôn tận tâm với công việc. Rồi tấm gương Thiếu tá Nguyễn Thị Thùy Dương, Công an Phú Thọ. Chị bị ung thư phổi, gia đình rất khó khăn, phải hóa trị nên rụng hết tóc. Bị bệnh như vậy thì đau đớn lắm, thế nhưng hết giờ hóa trị, chị lại đội tóc giả đến cơ quan làm việc, niềm nở tiếp nhân dân, tận tụy với công việc, đưa ra nhiều sáng kiến có giá trị. Đó là những hình ảnh rất đẹp!

Kênh báo chí là tai mắt quan trọng

- Thưa Bộ trưởng, cũng có lúc dư luận báo chí phản ánh về những hiện tượng sai phạm của cán bộ, chiến sĩ, làm ảnh hưởng đến uy tín chung. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về việc này?

Chúng tôi không bao giờ lấy thành tích, lấy chiến công để che giấu hay coi nhẹ những khiếm khuyết, hạn chế, những hành vi sai phạm, tiêu cực trong lực lượng. Chúng tôi biết rằng, dù số vụ việc vi phạm của cán bộ, chiến sĩ Công an chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ nhưng quan điểm là nghiêm khắc với bất kỳ sai phạm, tồn tại nào. Bộ chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thiết lập các đường dây nóng, các hộp thư, các diễn đàn để trao đổi, lắng nghe dân, tiếp thu các phản ánh của người dân về việc làm của cán bộ, chiến sĩ. Các thông tin phản ánh của người dân, của báo chí, của các cơ quan, tổ chức đều được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm các sai phạm.

- Còn trong việc chống tiêu cực, tham nhũng, làm trong sạch nội bộ, thưa Bộ trưởng?

+ Trong chống tiêu cực, tham nhũng cũng vậy, chúng tôi xác định phải làm trong sạch lực lượng là yêu cầu rất quan trọng bởi mình có khỏe, có sạch thì mới chiến đấu, chống được tội phạm, chống được tiêu cực bên ngoài, đúng không? Nói điều này, tôi nhớ trong bài nói tại lớp nghiên cứu khóa I và lớp bổ túc khóa VI Trường Công an Trung ương, ngày 25 tháng 12 năm 1958, Bác Hồ nhấn mạnh: “Công an đánh địch bên ngoài đã khó, đánh địch bên trong người còn khó hơn. Vì vậy, phải nâng cao kỷ luật, tính tổ chức, chống ba phải, nể nang. Công tác phải đi sâu và thiết thực. Làm việc phải có điều tra, nghiên cứu, không được tự kiêu, tự đại. Phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân thì khuyết điểm mới có thể khắc phục được và ưu điểm mới có thể phát huy được”. Làm tốt điều này cũng chính là phương thức thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

- Được biết, không chỉ bằng văn bản, báo cáo của cấp dưới mà hàng ngày, Bộ trưởng đều dành thời gian theo dõi, quan tâm thông tin phản ánh về Công an trên các phương tiện truyền thông?

+ Bây giờ, người lãnh đạo, chỉ huy cũng không chỉ có nắm thông tin, tình hình chỉ từ văn bản, báo cáo. Tôi cho rằng, báo chí là kênh thông tin đại chúng rất quan trọng và trên cương vị Bộ trưởng, dù bận công việc song tôi vẫn dành thời gian theo dõi báo chí hàng ngày. Đầu giờ sáng mỗi ngày, tôi đọc các ấn phẩm báo in còn như khi ngồi trên ô tô đi công tác, tôi nghe Đài Tiếng Nói Việt Nam hay tranh thủ đọc các tin tức trên báo điện tử. Tôi cho rằng, kênh thông tin báo chí cũng là tai mắt quan trọng, mà đã tai mắt thì phải nhanh nhạy, nếu chỉ có xem báo cáo là chưa đủ. Báo chí không chỉ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà còn phản ánh tiếng nói người dân, cơ quan, tổ chức đến cơ quan chức năng.

- Từ hình ảnh người Công an trên diễn đàn báo chí cho thấy…

+ Thông tin phản ánh về Công an trên diễn đàn báo chí cũng rất sinh động, ví dụ như vừa rồi, trong cơn lũ lịch sử tại Quảng Ninh, các phóng viên báo chí đã bám địa bàn, đưa nhiều hình ảnh về cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội lặn lội giúp dân sơ tán, cứu người, di chuyển tài sản. Hay những chiến sĩ Công an giữa nắng nóng khắc nghiệt vẫn bám đường chỉ huy giao thông, hướng dẫn thí sinh, phụ huynh tìm địa điểm thi, liên hệ tìm chỗ trọ… Những công việc như vậy dù thật giản dị và thường nhật cũng rất có ý nghĩa, không hề gượng gạo, không hề cứng nhắc, đó là hình ảnh tư nhiên như ăn cơm, uống nước hàng ngày nhưng đã đi vào lòng dân. Còn thông tin phản ánh hành vi, hiện tượng tiêu cực liên quan cán bộ, chiến sĩ Công an, Bộ cũng đã có quy định cụ thể giao Công an đơn vị, địa phương có liên quan kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Nhiều trường hợp, từ kênh báo chí, tôi theo dõi, chỉ đạo trực tiếp và yêu cầu Công an đơn vị, địa phương báo cáo rõ kết quả kiểm tra, xử lý.

Tuy nhiên, qua đây tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, báo chí chúng ta cần thông tin khách quan, trung thực, không phiến diện, trước hành vi, hiện tượng tiêu cực không thổi phồng quá mức, bởi chỉ có như vậy mới thực hiện được chức năng tuyên truyền, định hướng dư luận và điều chỉnh hành vi.

-  Xin cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trò chuyện ý nghĩa này!

“Vai trò, vị trí của một ngành, một lực lượng chỉ được trải nghiệm, kiểm chứng qua lịch sử, gắn với quá trình ra đời, phát triển của Đảng ta, của Nhà nước ta. Với lực lượng CAND, chúng tôi đang chỉ đạo tiến hành tổng kết, đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ và khoa học nhất. Ở đây, tôi nhấn mạnh rằng, ngay từ khi chính quyền cách mạng mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ bản chất cách mạng của CAND: “CAND hoàn toàn khác Công an đế quốc. Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc để hà hiếp áp bức đa số nhân dân... Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng, Chính phủ cho tốt. CAND phải thực sự phục vụ nhân dân”. Tức là Đảng, Bác Hồ đã khẳng định bản chất của công an cách mạng là “Công an nhân dân”, đó là thuộc tính không thể tách rời. Thực tiễn chỉ ra rằng, phải có lý luận khoa học, cách mạng là Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng soi sáng dẫn đường thì bản lĩnh chính trị của cán bộ, chiến sĩCông an được hình thành, phát triển vững chắc, từ đó luôn tuyệt đối tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng, vào thắng lợi cuối cùng”. 

“Đầu giờ sáng mỗi ngày, tôi đọc các ấn phẩm báo in còn như khi ngồi trên ô tô đi công tác, tôi nghe Đài Tiếng Nói Việt Nam hay tranh thủ đọc các tin tức trên báo điện tử. Tôi cho rằng, kênh thông tin báo chí cũng là tai mắt quan trọng, mà đã tai mắt thì phải nhanh nhạy, nếu chỉ có xem báo cáo là chưa đủ”.
Đăng Trường (thực hiện)
.
.