Người Công an viên “giữ lửa” giữa đại ngàn

Chủ Nhật, 22/07/2012, 16:14
15 năm nay, người Công an viên A Vác ở bản Cuôi, xã Hướng Lập (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đã kiên trì làm cho cái bụng đồng bào mình sáng ra bằng việc học cái chữ Bác Hồ. Ông cũng là người tiên phong trong mọi hoạt động ở thôn, giữ vững an ninh chính trị, an toàn trật tự trên địa bàn và cưu mang giúp đỡ những phận đời kém may…

Đến Cuôi chỉ có duy nhất là lội ngược dòng sông Sê Băng Hiêng (con sông khởi nguồn từ những dải rừng già ở miền Tây Quảng Trị, chảy qua đất Lào rồi hòa vào dòng Mekong), với trên 40 lần qua suối, 20 lần leo dốc xuyên giữa rừng già. Từ Đồn Biên Phòng Cù Bai anh hùng, chúng tôi đến được Cuôi sau hơn 6 giờ đồng hồ vật lộn với quãng đường chừng 15km với ngần ấy lần qua suối và leo dốc.

Từ bản Cuôi, ông A Vác đang cuốc bộ về trung tâm xã để dự họp.

Khác hẳn với 10 năm về trước, mỗi lần chúng tôi hỏi đường về bản Cuôi, các cô sơn nữ ở đây đều đấm lưng nhau cười vang rừng núi, rồi kéo nhau nhảy ào xuống suối kẻo xấu hổ, thì bây giờ các cô đã ngân nga những bản nhạc trữ tình, các bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu bằng tiếng Kinh rành rọt. Sự thay đổi lớn lao đó, dân bản không ngớt lời ca ngợi công lao của người Công an viên tên là A Vác. “Ngày ấy, khi các chiến sĩ Biên phòng Đồn Cù Bai vào đây vận động bà con học cái chữ, ai nấy đều ngơ ngác. Ngay cả những bậc cao niên như già cũng lập luận rằng ở chốn thâm sơn cùng cốc này, đồng bào chỉ biết làm bạn với con cá dưới suối, con heo trên rừng, với nương rẫy thì học cái chữ để làm gì”, già làng bản Cuôi – ông Hồ Rôn năm nay 86 tuổi trầm ngâm nhớ lại. “Chỉ đến khi A Vác, lúc đó nó đã làm  Công an viên đến từng nhà, vận động bà con học cái chữ và kể những mẩu chuyện về Bác Hồ, về người Vân Kiều, Pa Cô được mang họ của Bác, bà con cảm thấy thích thú và tò mò muốn biết làm sao A Vác biết được những chuyện này. A Vác liền cho bà con biết, nhờ nó học được cái chữ, đọc những điều này ở trong sách. Rằng mỗi khi biết được cái chữ, bà con còn biết được nhiều điều hay nữa!”, già làng Hồ Rôn kể tiếp. Sau khi vận động được bà con học cái chữ, A Vác lấy ngay nhà của mình để làm lớp học. Lúc đầu lớp học 10 người, rồi 20 người, sau đó đông quá phải chia làm nhiều buổi trong một ngày. Kể từ đó, bên dòng sông Sê Băng Hiêng thơ mộng ngày đêm văng vẳng tiếng đọc bài của người dân bản Cuôi.

Thượng tá Nguyễn Thế Tân, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cù Bai tâm sự: “A Vác có công lao rất lớn, nếu không có sự nhiệt tình giúp sức của ông thì chúng tôi còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác xóa mù chữ cho dân bản”.

Năm 1970-1977, chàng trai trẻ Avác là giao liên của xã đội Vĩnh Thượng, Vĩnh Linh với nhiệm vụ đưa bộ đội miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Ông không nhớ nổi đã đưa bao nhiêu đoàn quân xẻ dọc Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Chỉ nhớ tháng 4/1972, ông nhận nhiệm vụ đưa Đại tướng Văn Tiến Dũng cùng đoàn từ miền Bắc vào Nam qua đường Bản Đông, Lào. Nhằm đảm bảo an toàn cho Đại tướng và đoàn, ông hết sức cẩn trọng trinh sát nắm tình hình từng đoạn ngắn rồi phát tín hiệu để đoàn di chuyển. Thấy ông quá vất vả, Đại tướng động viên: "Đây là công việc nặng nề và nguy hiểm, nhưng tôi tin đồng chí sẽ hoàn thành mọi nhiệm vụ cho đến ngày thắng lợi". Sau này ông luôn nhớ mãi lời động viên của Đại tướng.

Qua hơn 15 năm làm Công an viên, ông còn luôn miệt mài trên các nẻo đường đến với những gia đình khó khăn, hoạn nạn. Ông cũng đã vận động nhiều thanh niên ngừng tiếp tay cho các hoạt động khai thác tài nguyên trái phép ở Cuôi. Ông Hồ Khon, Trưởng bản Cuôi cho biết: "Bất kỳ lúc nào trên địa bàn thôn xảy ra vụ việc đều được ông A Vác giải quyết thấu tình đạt lý nên bà con rất tin tưởng và dành nhiều tình cảm cho ông”

Thanh Bình
.
.