Người Cảnh sát khu vực "xóm chạy thận"
Từ chiến sĩ nghĩa vụ ở đơn vị Cảnh sát bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp, Đại úy Hà Sĩ Hiệp thi đỗ vào Trường Trung học Cảnh sát nhân dân, học khoa Cảnh sát Hình sự và đỗ tốt nghiệp xuất sắc năm 2000.
Ngay từ những ngày đầu về nhận công tác tại Công an phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, Đại úy Hà Sĩ Hiệp luôn có ý thức rèn luyện phấn đấu, học hỏi kinh nghiệm, không quản ngày đêm bám sát địa bàn, cùng cán bộ, chiến sĩ Công an phường và các tổ chức đoàn thể đến từng khu phố tìm hiểu, trực tiếp giúp đỡ nhiều hộ, nhiều người dân vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Ngõ 121 Lê Thanh Nghị nếu không đến tận nơi thì có lẽ ít ai biết trong con ngõ nhỏ giữa lòng Hà Nội lại có một xóm trọ đặc biệt đến vậy. Đó là "xóm chạy thận" nơi cư trú của những bệnh nhân mắc căn bệnh suy thận mãn tính. Những ngày đầu, khi Đại úy Hà Sĩ Hiệp mới xuống địa bàn, ngoài những bệnh nhân, ở đây còn là nơi cư trú của nhiều đối tượng hình sự, ma túy. Những phức tạp về an ninh trật tự nơi đây khiến Đại úy Hà Sĩ Hiệp không khỏi trăn trở. Và chính trong ngày đầu xuống địa bàn anh đã gặp Nguyễn Hồng Công, một cô gái thật đặc biệt, người đã giúp anh thay đổi suy nghĩ và đến gần hơn với những người dân xóm trọ.
Trong cuốn sách của mình mang tên "Ở trọ trần gian", không ít lần Hồng Công đã nhắc đến Đại úy Hà Sĩ Hiệp: "Nhớ lần đầu anh đến với xóm trọ khi nhìn thấy tôi anh liền nói: Ôi sao cô này xinh và trẻ quá vậy mà đã nghiện nặng đến thế cơ à? Lúc ấy tôi giận anh lắm nhưng sau nghĩ lại càng hiểu và mến anh hơn vì có lẽ ai đến xóm trọ lần đầu tiên cũng đều có chung suy nghĩ như vậy. Khi đã mang trên mình căn bệnh này thì da ai cũng xám ngoét, tay đầy những vết kim tiêm và xưng vù lên vì những lần lọc máu trông chẳng khác gì con nghiện.
Đại úy Hà Sĩ Hiệp đã biết bao đêm trăn trở, suy nghĩ. Anh đã trực tiếp đến Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Bạch Mai để tìm hiểu về những cư dân và bệnh tình của họ. Nhìn cảnh người bệnh nằm liên tục trên giường 4, 5 tiếng đồng hồ để chạy thận, lọc máu mà mỗi lần phải chạy 2, 3 lần như thế, trong lòng Đại úy Hà Sĩ Hiệp trào lên một nỗi thương cảm với các cư dân "xóm chạy thận".
Bác Trần Văn Tác, trú tại tổ 70, Cẩm Phả, Quảng Ninh vốn là công nhân Công ty Than Cửa Ông chuyển lên Hà Nội hơn 10 năm do người vợ mắc phải căn bệnh suy thận mãn tính. 10 năm sống tại Hà Nội thì có đến 7 năm gia đình bác loay hoay tìm cách làm hộ khẩu cho con cái được ăn học. Giữa lúc ấy bác đã gặp được Đại úy Hà Sĩ Hiệp. Sau đó Đại úy Hà Sĩ Hiệp đã giúp bác Tác hoàn tất mọi thủ tục chuyển khẩu từ Quảng Ninh và đăng ký hộ khẩu thường trú tại ngôi nhà mua ở 13, ngõ 19, Lê Thanh Nghị, Hà Nội. Nhận cuốn sổ hộ khẩu từ tay Đại úy Hà Sĩ Hiệp, vợ chồng bác Tác vô cùng xúc động, giúp gia đình bác vơi đi những khó khăn, vất vả trong cuộc sống.
Những việc làm âm thầm, lặng lẽ giúp những công dân đặc biệt ở "xóm chạy thận" được sống trong yên bình, ổn định, an tâm trị bệnh của Đại úy Hà Sĩ Hiệp thật bình dị nhưng lại đang góp thêm nghị lực vươn lên chiến thắng bệnh tật, đắp thêm hy vọng cho các thành viên "xóm chạy thận" nghèo. Bởi từ đây, những cư dân "xóm chạy thận" có đầy đủ hành trang hơn để tiếp tục cuộc sống và một tương lai sáng hơn, đẹp hơn vẫn chờ họ ở phía trước. Anh luôn tâm niệm phần thưởng lớn nhất đối với anh đó chính là sự tin yêu của nhân dân, là niềm vui nhỏ bé mà anh mang lại cho xóm trọ nghèo.
Trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, Đại úy Hà Sĩ Hiệp cùng với đồng đội khám phá hàng chục vụ án điển hình như việc triệt phá ổ nhóm buôn bán trái phép chất ma túy do tên Hoàn cầm đầu được bà con nhân dân hết lời ngợi khen.
Với những thành tích xuất sắc trong công tác, Đại úy Hà Sĩ Hiệp đã được tặng 17 Giấy khen của Giám đốc Công an TP Hà Nội, 4 năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố