Ngôi nhà chung ấm nghĩa tình đồng đội

Thứ Sáu, 22/07/2016, 09:30
Những ngày này, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam) dường như cũng được trang hoàng khang trang hơn để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7. Nhiều thương binh nặng đã gắn bó nửa cuộc đời với trung tâm.

Tâm sự với chúng tôi, nhiều bác thương binh nói rằng, động lực để họ vượt lên trên mọi mất mát chính là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tất cả mọi người, đặc biệt là sự quan tâm, chăm sóc của cán bộ, nhân viên nơi đây.

Ở trung tâm này, họ được sống trong tình thân chan hòa của những người đồng đội đã từng một thời trên tuyến lửa. Chính vì thế, nơi đây cũng như quê hương thứ hai, ngôi nhà chung cho tất cả mọi người.

Chiến tranh đã lùi xa, thế nhưng với thương binh Trần Văn Quý, 63 tuổi (quê ở Bình Lục, Hà Nam), ký ức về một thời hào hùng mãi không phai mờ. Trưởng thành trong giai đoạn cuộc chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn khốc liệt, ông làm đơn xin nhập ngũ.

Gia nhập quân đội, ông được biên chế vào Sư đoàn 7 - Quân khu 4, lên đường vào Nam chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thế rồi trong một trận đánh ác liệt ở Thị xã Long Khánh vào ngày 20-4-1975, ông bị thương nặng ở đầu và được đưa trở lại tuyến sau chữa trị.

Các bác sĩ thăm khám cho thương, bệnh binh nặng tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên.

Năm 1976, hòa bình lập lại, thương binh Trần Văn Quý được về Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên điều dưỡng và chữa trị với thương tật đã lấy mất đi 97% sức khỏe. Thấm thoắt đến nay ông cũng đã có 40 năm gắn bó với trung tâm này. Mỗi khi trái nắng trở trời là cơ thể lại đau buốt bởi nhiều mảnh đạn vẫn đang ghim trong đầu chưa lấy ra được.

Sức khỏe yếu, không ít lần bác sĩ phải thường xuyên túc trực cấp cứu cho ông. “Chúng tôi vẫn còn may mắn vì được sống để trở về. Nhiều đồng đội của chúng tôi phải nằm lại trên chiến trường, mà chính tay chúng tôi phải chôn cất. Đau đớn lắm”, thương binh Trần Văn Quý ngậm ngùi kể lại.

Trò chuyện với chúng tôi về cuộc sống ở trung tâm này, ông Quý vui hơn hẳn. “Cán bộ, bác sĩ ở đây nhiệt tình lắm, luôn ân cần chăm sóc mọi người như người thân trong gia đình. Vì thế chúng tôi ở đây ai cũng coi nhau như người nhà.

Điều đáng mừng hơn nữa với những thương binh như chúng tôi ngày càng nhận được nhiều hơn sự quan tâm của nhà nước, nhân dân để chúng tôi có thêm niềm tin sống tiếp. Nhìn đất nước đang thay đổi, chúng tôi cũng cảm thấy bõ công mình hy sinh”, thương binh Trần Văn Quý tâm sự.

Cũng gắn bó với trung tâm 40 năm nay, nhưng bác Nguyễn Thị Mai 69 tuổi (quê ở xã Hòa Bình, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) có cả gia đình cùng sống ở trung tâm này. Bác là thương binh mất 81% sức khỏe và từ ngày 25-7-1975 được về trung tâm chữa trị đến nay.

Ít lâu sau đó, bác trai cũng là thương binh nặng với tỷ lệ thương tật 96% cũng được về điều trị ở trung tâm. Thế là từ đó, cả gia đình chuyển về đây sinh sống. “Ở đây thực sự là một ngôi nhà chung. Mọi việc lớn nhỏ tất cả cùng chia sẻ. Gắn bó nửa đời người ở nơi này rồi nên ở đây cũng như quê hương thứ 2 của chúng tôi.

Thêm nữa các bác sĩ, cán bộ ở đây cũng hết lòng nên giờ phải rời xa chắc cũng chẳng ai đành lòng. Năm nào cũng thế cứ Tết đến, trung tâm lại sắp xếp xe cộ đưa mọi người về quê. Ai ở lại ăn Tết thì ở, còn ai không ở thì khi thắp hương tổ tiên ông bà xong xe lại đưa mọi người về trung tâm.

Thế nhưng hầu như đa số mọi người cũng chẳng mấy người ở lại vì đã quá quen thuộc gắn bó với cuộc sống ở đây”, bác Mai chia sẻ. Những mất mát của đôi vợ chồng thương binh nặng này cũng đã được bù đắp phần nào khi 2 người con của họ đều đã trưởng thành.

Cô con gái hiện đang công tác tại Bộ Tư pháp, còn cậu con trai hiện đang được biên chế trong Bộ Tư lệnh Hải quân. Niềm vui, động lực để hai bác vượt lên mọi khó khăn, bệnh tật là khi 4 đứa cháu nội, ngoại về đây thăm ông bà.

Trong số 34 cán bộ, bác sĩ đang công tác tại đây, rất nhiều người đã có thâm niên gắn bó, chăm sóc cho thương binh. Tính đến cuối năm nay nghỉ hưu, bác Hoàng Văn Hạnh cũng đã có thâm niên đến 40 năm phục vụ ở Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên.

Được rèn luyện trong quân ngũ, hòa bình lập lại, bác Hạnh đã xin chuyển từ bộ đội về trung tâm với mong muốn được phục vụ những đồng đội đã từng một thời cùng trên tuyến lửa.

“Những người lính đã từng một thời chiến đấu gian khổ như chúng tôi đều thấu hiểu nỗi đau, sự mất mát mà đồng đội gặp phải trên chiến trường. Ở đây có những thương binh nặng năm nay đã 86 tuổi, sức khỏe rất yếu. Trong suốt những năm tháng chiến tranh họ đã phải hy sinh rất nhiều.

Chính vì thế, khi trở về thấy mình có sức khỏe tôi đã xin về đây để phục vụ đồng đội mình, bù đắp lại phần nào những hy sinh mà họ đã phải trải qua”, bác Hoàng Văn Hạnh chia sẻ.

Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng 60 thương bệnh binh nặng của 18 tỉnh, thành trên cả nước. Chủ yếu là thương binh liệt cột sống phải sử dụng xe lăn. Số còn lại là thương binh tổng hợp với những vết thương sọ não, mù 2 mắt, cụt 2 chi…

Đây là những thương binh của 3 thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và Chiến tranh Bảo vệ Tổ quốc. Trong số các thương binh đang điều dưỡng ở đây có trên 20 gia đình gồm vợ con thương binh đang sống tại trung tâm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Sĩ Lương, Giám đốc trung tâm cho biết, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức thiện nguyện trong và ngoài nước, thời gian gần đây đời sống vật chất, tinh thần của thương bệnh binh trong trung tâm đã từng bước được cải thiện. Trung tâm cũng ổn định hơn về mọi mặt để thương bệnh binh yên tâm an dưỡng, điều trị.

“Nói như vậy nhưng trung tâm cũng còn không ít khó khăn như tuổi đời thương binh cao, thương tật nặng, vết thương thường xuyên tái phát. Trong khi đó trang thiết bị phục vụ mục đích thăm khám, điều trị vẫn còn nhiều hạn chế…

Dù vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, bác sĩ của trung tâm cũng luôn xác định phải đoàn kết, đồng sức đồng lòng để phục vụ tốt nhất cho thương bệnh binh tại trung tâm”, ông Nguyễn Sĩ Lương nói.

Những ngày tháng 7 này, ở Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên không chỉ thấy những bóng áo trắng chăm sóc cho các thương bệnh binh mà còn thấy thấp thoáng những bóng áo xanh của các sinh viên tình nguyện cũng nhiệt tình hăng hái tham gia.

Cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân có thể thấy cả xã hội đang rất quan tâm, động viên, chia sẻ với các thương bệnh binh khi ngày 27-7 đã cận kề. Nói như sinh viên Ngô Thị Thúy Hằng (Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định) đang tình nguyện tại trung tâm này là tất cả đang hết lòng vì những người đã cống hiến.

Phan Hoạt
.
.