Nghiên cứu cơ sở tách lương ra khỏi quân hàm đối với sĩ quan Công an và Quân đội

Thứ Ba, 25/02/2014, 18:04
Vấn đề này được đặt ra tại Hội thảo “Cơ sở khoa học và thực tiễn để thực hiện chủ trương tách lương ra khỏi quân hàm đối với sĩ quan Quân đội nhân dân, Công an nhân dân” diễn ra ngày 25/2. Hội thảo do Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức với sự tham dự của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn.

Theo Uỷ ban Quốc phòng và An ninh, căn cứ thực hiện hội thảo bắt nguồn từ Thông báo Kết luận số 398-TB/TW ngày 29/11/2010, Thông báo số 111-TB/TW ngày 20/11/2012 và số 47-TB/TW ngày 21/10/2013 của Bộ Chính trị về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi)…

Ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 111-TB/TW ngày 20/11/2012 và số 47-TB/TW ngày 21/10/2013 nêu rõ: “Nghiên cứu tách lương khỏi quân hàm để việc phong, thăng quân hàm trong lực lượng vũ trang đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy quân đội, công an; đồng thời góp phần bảo đảm chế độ, chính sách, phát huy đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ trong lực lượng vũ trang”. Với tinh thần đó, hội thảo nhằm lấy ý kiến của các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học để làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn nhằm thể chế hoá chủ trương của Đảng, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về chế độ, chính sách đối với sĩ quan Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho hay, từ năm 2004 đến nay, chính sách tiền lương đối với sĩ quan quân đội, công an mặc dù đã có nhiều sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Các bảng lương của các đối tượng chưa phù hợp, mức phụ cấp lãnh đạo thấp, chưa thể hiện rõ sự đãi ngộ tương xứng với mức độ trách nhiệm của sĩ quan lãnh đạo, chỉ huy ở từng cấp.

Theo kết quả giám sát của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, vấn đề bất cập là việc lấy quân hàm làm căn cứ xác định lương và chế độ, chính sách cho sĩ quan, người hưởng lương là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho cơ cấu đội ngũ sĩ quan mất cân đối và có nhiều bất cập giữa trách nhiệm và quyền lợi của sĩ quan. Thực tiễn thực hiện chính sách tiền lương ở nước ta, việc quy định cơ cấu tiền lương sĩ quan lực lượng vũ trang đã có thời gian dài bao gồm lương chức vụ chiếm tỷ lệ cao và phụ cấp cấp bậc tại Nghị định số 229-TTg ngày 13/6/1958 của Thủ tướng Chính phủ. Pháp luật của một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Liên bang Nga… hiện cũng quy định cơ cấu lương sĩ quan quân đội gồm lương chức vụ, lương quân hàm và các khoản phụ cấp khác. Trong đó, lương theo chức vụ chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu tiền lương sĩ quan.

Nhiều tham luận được gửi đến hội thảo, trong đó có ý kiến của Ban Tổ chức Trung ương, Vụ Tiền lương - Bộ Nội vụ, Cục Chính sách và Cục Cán bộ - Bộ Quốc phòng, Vụ Quốc phòng và An ninh - Văn phòng Quốc hội, Vụ Bảo hiểm xã hội - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Quân khu 1...

Các tham luận góp phần làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn để thực hiện chủ trương tách lương ra khỏi quân hàm đối với sĩ quan quân đội, công an cũng như vấn đề liên quan khác. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá tình hình thực hiện các chế độ, chính sách tiền lương đối với sĩ quan quân đội, công an, những bất cập trong hệ thống chính sách hiện hành và tham khảo kinh nghiệm của các nước, hội thảo đề ra các phương án về tiền lương đối với sĩ quan quân đội, công an, phục vụ cho việc cải cách chính sách tiền lương và hoàn thiện cơ sở pháp lý về tiền lương trong các dự án luật (trong đó có dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi))...

P.Đăng
.
.