Nếu vi phạm, xe biển xanh cũng không là “vùng cấm”

Thứ Tư, 07/08/2013, 07:25
“Những ngày đầu, không ít cán bộ, chiến sĩ cảm thấy nản lòng khi thực hiện nhiệm vụ vì bị can thiệp, thậm chí còn bị người điều khiển phương tiện vi phạm “lên lớp”, nhưng với quyết tâm chấn chỉnh ý thức lái xe biển xanh vi phạm TTATGT, lực lượng CSGT Hải Phòng đã vững tâm làm nhiệm vụ để không xuất hiện suy nghĩ, người điều khiển xe biển xanh vi phạm thì được ưu tiên hơn xe biển trắng vi phạm”, một cán bộ CSGT Hải Phòng nhận định.

Thực hiện kế hoạch của Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH (Bộ Công an) về tổng kiểm tra, xử lý vi phạm TTATGT của người điều khiển xe ôtô, môtô biển xanh trên địa bàn Hải Phòng, từ ngày 18/7 đến ngày 31/7, lực lượng CSGT Công an Hải Phòng đã kiểm tra và xử lý hàng chục xe biển xanh với các lỗi: vi phạm tốc độ, đi sai phần đường, làn đường, thiết bị không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật… Và dù rất nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, nhưng lực lượng CSGT Hải Phòng đã gặp không ít khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm.

Lái xe bị kiểm tra khi vi phạm thường làm khó CSGT

Nửa ngày cùng cán bộ, chiến sĩ Trạm CSGT An Hưng (Phòng CSGT Công an Hải Phòng) làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý xe biển xanh vi phạm Luật Giao thông trên QL5 (địa phận Hải Phòng) chúng tôi thấy, lực lượng làm nhiệm vụ ở đây đã gặp không ít khó khăn trong việc xử lý lái xe vi phạm.

Theo quan sát của chúng tôi thì trên đoạn đường này, các phương tiện biển xanh vi phạm Luật Giao thông chủ yếu tập trung vào các BKS: 80B, 80A, 31A, 16A, 14A với các lỗi vi phạm giao thông không nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi lực lượng làm nhiệm vụ ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra vì lỗi vi phạm giao thông, hầu hết các lái xe đều tìm mọi lý do để gây áp lực đối với lực lượng làm nhiệm vụ.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thạch, Phó Trạm trưởng Trạm CSGT An Hưng cho biết, không ít lái xe khi phát hiện lực lượng CSGT ra tín hiệu dừng xe với lỗi vi phạm giao thông đã có những “động thái” làm khó lực lượng làm nhiệm vụ khi nại ra hàng loạt lý do để không lập biên bản như: xe đang chở lãnh đạo nên không để ý làn đường, chạy quá tốc độ là vì phải đưa sếp đi họp gấp, vội đưa thủ trưởng đi họp đột xuất nên không mang giấy tờ...

Một trong những khó khăn mà lực lượng CSGT thường gặp phải là đối với những lái xe biển xanh vi phạm các lỗi phải lập biên bản tạm giữ phương tiện, họ đều gây áp lực khi nói rằng, nếu tạm giữ xe thì nhiệm vụ quan trọng mà lãnh đạo của họ được giao sẽ bị đình trệ. Nhiều lái xe còn sử dụng điện thoại gọi cho “người thân” nhờ trợ giúp để không bị xử lý.

“Những ngày đầu, không ít cán bộ, chiến sĩ cảm thấy nản lòng khi thực hiện nhiệm vụ vì bị can thiệp, thậm chí còn bị người điều khiển phương tiện vi phạm “lên lớp”, nhưng với quyết tâm chấn chỉnh ý thức lái xe biển xanh vi phạm TTATGT, lực lượng CSGT Hải Phòng đã vững tâm làm nhiệm vụ để không xuất hiện suy nghĩ, người điều khiển xe biển xanh vi phạm thì được ưu tiên hơn xe biển trắng vi phạm”, Thiếu tá Thạch nhấn mạnh.

Lực lượng CSGT Hải Phòng lập biên bản xử lý lái xe ôtô biển xanh vi phạm giao thông. (Ảnh: Nguyễn Hưng)

Xe biển xanh vi phạm vẫn cần phải xử nghiêm

Ngày 1/8, phóng viên Báo CAND đã có buổi làm việc với Thượng tá Vũ Văn Giới, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an Hải Phòng để hiểu thêm những vấn đề liên quan đến việc xử lý người điều khiển xe biển xanh vi phạm giao thông:

PV: Đồng chí cho biết, lực lượng CSGT Hải Phòng đã có những biện pháp gì để xử lý lái xe biển xanh vi phạm Luật Giao thông?

Thượng tá Vũ Văn Giới: Ngay từ ngày đầu thực hiện, lãnh đạo Phòng CSGT đã quán triệt tới toàn thể lực lượng CSGT Hải Phòng phải chấn chỉnh, kiểm tra, nhắc nhở và xử lý theo quy định các hành vi vi phạm về TTATGT đối với người điều khiển xe biển xanh nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm pháp luật về TTATGT, chủ động giáo dục cán bộ, công nhân viên chức chấp hành quy định về TTATGT, nhưng phải tạo được sự đồng thuận của các cơ quan Nhà nước, ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo TTATGT của người điều khiển xe biển xanh.

Bộ phận đăng ký xe của Phòng CSGT tích cực phối hợp với Công an các quận, huyện chủ động tuyên truyền, về chủ trương tổng kiểm tra xe, xử lý vi phạm TTATGT của người điều khiển xe biển xanh cho các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể biết.

PV: Đối với những xe biển xanh mà Nhà nước đã bán thanh lý cho tổ chức, cá nhân sẽ xử lý sao?

Thượng tá Vũ Văn Giới: Đối với những xe đã thanh lý cho cá nhân, trong nội bộ cơ quan, đơn vị đó mà chưa làm thủ tục chuyển nhượng sở hữu, hoặc xe cần phải thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe thì các đơn vị CSGT phối hợp với các cơ quan, đơn vị có xe giải quyết theo quy định theo quy định tại Điều 16, Thông tư 36/2010/TT-BCA của Bộ Công an.

Đối với những xe đã chuyển quyền sử dụng cho các cơ quan, tập thể, cá nhân bên ngoài nhưng chưa thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe thì yêu cầu cơ quan, đơn vị đó có trách nhiệm phối hợp với lực lượng CSGT thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe, chuyển quyền sử dụng xe theo quy định.

Trường hợp không xác định được tên, địa chỉ của cơ quan, tập thể, cá nhân đã mua xe thì yêu cầu cung cấp thông tin cần thiết cho CSGT nắm được để xử lý đối với trường hợp này thông qua công tác nghiệp vụ Công an.

PV: Không ít lái xe biển xanh khi vi phạm Luật Giao thông thường đổ thừa vì chở lãnh đạo đi họp gấp, tình huống đó CSGT xử lý như thế nào?

Thượng tá Vũ Văn Giới: Trước khi tiến hành kiểm tra, xử lý lái xe vi phạm giao thông, các đơn vị chủ quản phải tập huấn cho CSGT làm nhiệm vụ chấn chỉnh lễ tiết, tác phong, thái độ khi kiểm soát và xử lý vi phạm của lái xe biển xanh, hướng dẫn giải quyết tình huống xử lý đối với lái xe đang chở các đồng chí lãnh đạo các cấp nhưng có hành vi vi phạm TTATGT.

Trường hợp xe chở các đồng chí lãnh đạo đi họp, công tác gấp thì cần giải quyết nhanh chóng để xe tiếp tục lưu hành và hẹn lái xe vi phạm đến xử lý sau. Cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ phải có thái độ lịch sự, ôn hòa, tránh thái độ hách dịch, cửa quyền, gây bức xúc đối với lái xe và các đồng chí lãnh đạo.

PV: Những lỗi vi phạm nào của xe biển xanh thì sẽ bị dừng để kiểm tra thưa đồng chí?

Thượng tá Vũ Văn Giới: CSGT trong quá trình làm nhiệm vụ không tùy tiện ra tín hiệu dừng phương tiện để kiểm tra. Chỉ ra tín hiệu dừng phương tiện nếu phát hiện các lỗi vi phạm giao thông như: không chấp hành biển báo, đèn tín hiệu giao thông, đỗ dừng sai quy định, đi sai phần đường, làn đường, tránh vượt sai quy định, vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện mới dừng để kiểm tra, xử lý.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Vào giờ cao điểm một ngày năm 1995, lúc đó tại nút giao thông Ngã Tư Sở - Trường Chinh các phương tiện tham gia giao thông đang đông đúc. Đồng chí Lê Hồng Quân, Đội CSGT số 6, Công an Hà Nội trong lúc phân luồng giao thông tại đây đã ra tín hiệu cho ôtô phải đi vào một hàng, nối đuôi nhau.

Khi các xe đang đi theo đúng làn đường theo sự điều tiết của CSGT thì một chiếc xe con tự tách làn cố tình vượt lên. Dù đồng chí Quân đã ra hiệu lệnh chiếc xe này phải tuân thủ đi đúng làn đường, nhưng chiếc xe vẫn cố tình vượt lên. Để tránh ùn tắc kéo dài, đồng chí Quân quyết định dừng xe để xử lý lỗi vi phạm. 

Trong lúc đồng chí Quân đang giải thích cho người lái xe hiểu về lỗi vi phạm của mình thì từ trên xe bước xuống là Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh. Phó Thủ tướng yêu cầu đồng chí Quân xử lý lái xe vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Phó Thủ tướng nhẹ nhàng nói, có xử lý nghiêm thì lần sau lái xe sẽ không dám vi phạm Luật Giao thông nữa.

Nguyễn Hưng - Trần Huy
.
.