Những nữ cán bộ, chiến sĩ làm khoa học trong lực lượng CAND

Nặng lòng cùng người bệnh

Thứ Tư, 23/10/2013, 08:34
Tôi biết, chị sinh ra và lớn lên trong sự mất mát đau thương. Dẫu trải qua những tháng năm vất vả, người phụ nữ có dáng vóc bé nhỏ ấy vẫn nặng lòng với cuộc sống, thành đạt với nghề trị bệnh cứu người, luôn trăn trở với những công trình nghiên cứu khoa học. Chị xứng đáng là nữ chiến sĩ Công an tiêu biểu trong thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND, Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND.
>> “Phái yếu” làm Cảnh vệ đam mê với khoa học

Xứng đáng với sự hy sinh của cha

Người mà tôi luôn có ấn tượng sâu sắc ấy là Trung tá, Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Quyên, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Y học cổ truyền - Bộ Công an. Lần nào gặp chị, tôi cũng bị cuốn hút bởi sự cởi mở, chân thành. Mấy ai biết rằng, chị đã trải qua những mất mát ngay từ khi vừa mới lọt lòng mẹ.

“Bố hy sinh khi tôi vừa tròn 7 tháng tuổi và mẹ mới 22 tuổi”, chị Quyên lặng đi khi nói về người cha thân yêu.

Lớn lên, chị hình dung về người cha đã hy sinh vì sự bình yên của Tổ quốc qua lời kể của mẹ. Rằng, cha lên đường nhập ngũ khi đất nước đang trong thời kỳ chống Mỹ quyết liệt nhất (năm 1967), 2 năm sau (1969) thì cha hy sinh. Khó có thể tả nổi nỗi đau của mẹ chị, một cô thôn nữ còn rất trẻ vừa sinh đứa con đầu lòng mới 7 tháng tuổi.

Vượt qua những mất mát, mẹ hăng say lao vào công việc của một cán bộ HTX nông nghiệp Tân Lễ (Hưng Hà, Thái Bình). Thương mẹ, chị chăm chỉ học hành và trở thành cô sinh viên Trường Đại học Y khoa. Chị Quyên ra trường, lấy chồng và sinh con gái đầu lòng. Số phận nghiệt ngã lại cướp mất người chồng thân yêu của chị (cũng là một chiến sĩ Công an) vì một cơn bạo bệnh.

Chị Quyên xin về công tác ở Bệnh viện Y học cổ truyền - Bộ Công an năm 1997. Ba mẹ con, bà cháu lại dắt díu nhau tìm thuê một căn nhà trọ ở gần bệnh viện. Hằng ngày, chị Quyên đi làm, con nhỏ ở nhà nhờ sự chăm sóc của bà ngoại.

Chị luôn ghi nhớ lời mẹ dặn, rằng nghề y là phải học suốt đời để trị bệnh cứu người. Bao nhiêu vất vả mẹ cũng vượt qua, chỉ mong con gái học hành và công tác tốt để xứng đáng với sự hy sinh của cha.

Trung tá, Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Quyên tại phòng làm việc.

Người thầy thuốc như mẹ hiền

Thấu lời của mẹ, chị Quyên luôn tận tâm với người bệnh và miệt mài học tập. Trong ba năm (2003-2005), chị đã hoàn thành chương trình thạc sĩ y học cổ truyền tại Trường Đại học Y Hà Nội. Với vị trí lãnh đạo Khoa Nội 1, chị luôn quan tâm, săn sóc tới từng người bệnh. Chị Quyên kể, đến bây giờ chị vẫn còn nhớ như in hình ảnh bệnh nhân Trần Trọng Hiếu bị ung thư gan.

Nghe tin Bệnh viện Y học cổ truyền - Bộ Công an điều trị tốt, từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, Hiếu tới Bệnh viện ngay. Biết bệnh tình nan giải, Hiếu nói với chị Quyên như cầu cứu: “Bác sĩ cố gắng điều trị để em còn nuôi con nhỏ…”.

Chị Quyên luôn coi người bệnh như chính người thân của mình. Chị tích cực tìm phương thuốc để nâng cao sức khỏe, kéo dài cuộc sống cho người bệnh, mặt khác hằng ngày chị động viên, an ủi bệnh nhân. Mỗi ngày, chị tới giường bệnh thăm khám 2 - 3 lần khiến bệnh nhân Hiếu rất cảm động.

Những người bệnh dưới sự chăm sóc tận tình và điều trị của bác sĩ Quyên đều nhận thấy chị luôn trăn trở để tìm ra phương thuốc hữu hiệu nhất, để người bệnh có trạng thái tinh thần tốt nhất chiến thắng bệnh tật.

Sau 2 năm miệt mài nghiên cứu, điều trị cho nhiều người bệnh, chị đã nghiên cứu thành công đề tài: Đánh giá điều trị phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân tai biến mạch máu não bằng điện châm và viên nén “Bổ dương hoàn ngũ”.

Đây là đề tài cấp Bộ, được đánh giá xuất sắc và đang được ứng dụng tốt. Từ thực tiễn điều trị, chị biết trong lực lượng vũ trang, quá trình khám chữa bệnh, bệnh nhân huyết áp thấp nhiều, hậu quả không kém bệnh cao huyết áp mà chưa được quan tâm nhiều.

Từ trăn trở đó, chị đã nghiên cứu điều chế một loại thuốc dùng cho bệnh nhân qua đề tài: Nghiên cứu tính an toàn và tác dụng điều trị huyết áp thấp thứ phát của viên hoàn “thăng áp dưỡng não” do chị là Chủ nhiệm đề tài. Sau 2 năm nghiên cứu, tháng 11/2013, chị sẽ bảo vệ đề tài trước Hội đồng khoa học. Cuộc sống cũng đã mỉm cười với người phụ nữ đôn hậu ấy. Giờ đây, chị sống hạnh phúc với người chồng là họa sĩ - kiến trúc sư và có thêm cậu con trai 8 tuổi.

Trung tá Trần Thị Quyên cho biết, thành công của chị là có sự động viên, tạo điều kiện rất nhiều của các đồng chí lãnh đạo Bệnh viện và đồng nghiệp các khoa, phòng. Ở bệnh viện này, có nhiều cán bộ nữ trẻ cũng rất tâm huyết với nghề và say mê trong công tác nghiên cứu khoa học. Đó là Thiếu úy, bác sĩ Hà Thị Bích Ngọc ở Khoa Châm cứu, vừa đoạt giải nhất Hội thao sáng tạo tuổi trẻ của Bệnh viện; giải nhì Hội thao “Sáng tạo tuổi trẻ ngành Y tế khu vực Hà Nội lần thứ 2” (tháng 3/2013).

Niềm đam mê của các chị cũng là tâm huyết của những người thầy thuốc trong lực lượng CAND, luôn nặng lòng cùng người bệnh, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và người dân, tích cực góp phần vào sự nghiệp đảm bảo an ninh trật tự.

5 năm liền, Trung tá, Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Quyên là Chiến sĩ thi đua cơ sở, được tặng 2 Bằng khen của Bộ Công an, 1 Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều Bằng khen, giấy khen của Tổng cục XDLL CAND, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an, chị là Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND năm 2013, giải nhất Hội thi cán bộ Hội Phụ nữ giỏi Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật năm 2013.

Kim Quý
.
.