Người thầy giáo CAND góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp bảo vệ ANTT

Thứ Sáu, 20/11/2015, 07:57
Những năm qua, để góp phần hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an luôn quan tâm chỉ đạo việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong các học viện, trường Công an nhân dân, xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Với chủ trương đúng đắn đó, cùng với nỗ lực phấn đấu của các thế hệ thầy giáo, học viên các trường Công an nhân dân, sự nghiệp giáo dục, đào tạo của lực lượng Công an đã có sự phát triển vượt bậc. Đến nay, hệ thống các trường CAND được phát triển phù hợp với thực tiễn công tác chiến đấu, xây dựng lực lượng CAND, với đầy đủ các cấp học: tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, cao đẳng, trung cấp; các loại hình bồi dưỡng, huấn luyện; các hình thức đào tạo tập trung, không tập trung... được phân bố theo các khu vực trọng điểm, đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an cho từng lực lượng, từng vùng miền và dự trữ theo yêu cầu của Bộ Công an khi có tình huống đột xuất. Trước xu thế mới, các trường CAND đã tích cực hội nhập và từng bước khẳng định vị trí, vai trò trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Thứ trưởng Bùi Văn Nam trao bằng cho các tân Thạc sỹ năm 2015 tại Học viện CSND.

Cùng với việc quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, Bộ Công an luôn coi trọng phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ giáo viên trong các trường CAND, đảm bảo đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, đồng bộ đáp ứng quy mô, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của lực lượng CAND.

Trải qua 70 năm phát triển, đặc biệt là qua 30 năm đổi mới, đến nay, đội ngũ nhà giáo trong CAND đã phát triển cả về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục đào tạo trong CAND. Ngoài chuyên môn giảng dạy, đội ngũ giáo viên thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, phương pháp sư phạm, ngoại ngữ, cập nhật kiến thức mới và thực tiễn công tác của Công an các đơn vị, địa phương, từng bước tiếp cận, hội nhập với sự phát triển của nền giáo dục thế giới, khu vực.

Đội ngũ giáo viên các trường CAND đã được chuẩn hóa theo các chuẩn tiêu chí về chức danh giáo viên của Nhà nước. Đến nay đã có hơn 3 nghìn giáo viên các trường CAND được chuẩn hóa về trình độ; trong đội ngũ giáo viên đã có 24 giáo sư, 90 phó giáo sư, 150 tiến sĩ, 663 thạc sĩ; đã có 17 nhà giáo được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Nhà giáo Nhân dân”, 166 nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”. Nhiều đồng chí lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương, tướng lĩnh trong CAND và lãnh đạo một số ngành trưởng thành từ giáo viên các trường CAND. Nhiều lãnh đạo các học viện, trường CAND, giáo viên thỉnh giảng được Nhà nước phong hàm cấp tướng; nhiều đồng chí là lãnh đạo cấp khoa, phòng được luân chuyển làm lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương.

Thực tiễn đã khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo các trường CAND đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo của lực lượng CAND; sự lớn mạnh của đội ngũ nhà giáo là nhân tố quyết định việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Những năm qua, các thế hệ nhà giáo trong CAND đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện nhân cách, học tập nâng cao trình độ, tiếp thu tri thức về mọi mặt, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều tấm gương nhà giáo tận tuỵ, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, đào tạo, vì học viên thân yêu là những biểu tượng cao đẹp để các thế hệ giáo viên, học viên CAND noi theo. Hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ được đào tạo tại các trường CAND qua các thời kỳ đã thể hiện sự trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu; là lực lượng xung kích trong đấu tranh với âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm; bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Thành tích và những chiến công to lớn của lực lượng Công an nhân dân trong suốt 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành có đóng góp quan trọng của giáo dục, đào tạo; trong đó có công lao cống hiến của các thế hệ thầy giáo trong các học viện, trường CAND.

Bước vào thời kỳ mới, xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình thế giới và khu vực, bên cạnh mặt thuận lợi, tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường đe dọa trực tiếp đến hoà bình, ổn định của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Các thế lực thù địch lợi dụng tình hình phức tạp và những khó khăn trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước để tăng cường các hoạt động chống phá, gây mất ổn định chính trị, xã hội; các loại tội phạm gia tăng hoạt động... Trong bối cảnh tình hình an ninh, trật tự diễn biến phức tạp, việc xây dựng đội ngũ giáo viên CAND “vừa hồng, vừa chuyên” có ý nghĩa quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, yếu tố cơ bản quyết định chất lượng các mặt công tác Công an.

Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã chỉ rõ: “Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế”. Thời gian tới cần tiếp tục quán triệt các quan điểm của Đảng, quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên CAND đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, được chuẩn hóa về trình độ, đáp ứng yêu cầu mới.

Mỗi giáo viên CAND cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của người thầy đối với sự nghiệp đào tạo của lực lượng Công an, từ đó không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nhân cách. Cần nhận thấy nhân cách của người thầy thể hiện trước hết ở phẩm chất đạo đức, phẩm chất chính trị, văn hóa ứng xử và trình độ lý luận, sự hiểu biết thực tiễn, khả năng sư phạm và đặc biệt là tinh thần yêu nghề sâu sắc. Đạo đức, phẩm chất, năng lực của người thầy phải thấm đẫm trong từng trang giáo án, trong mỗi giờ lên lớp. Người học sẽ nhìn nhận và học tập ở người thầy một nhân cách người thầy giáo CAND. Trong giáo dục học viên, bên cạnh các quy định của nhà trường, tri thức từ sách vở thì phẩm chất và năng lực của người thầy được coi là nhân tố quyết định đến việc đào tạo tri thức và giáo dục nhân cách cho học viên. Trên thực tế, người thầy được coi là tấm gương để học viên soi vào, khám phá những điều mình chưa biết, phấn đấu hoàn thiện nhân cách.

Vì vậy, mỗi người thầy trong CAND cần thể hiện sự gương mẫu về lối sống, tác phong giao tiếp, ứng xử với học viên và trong cuộc sống; phải có lòng say mê công việc và lương tâm nghề nghiệp, tận tụy với học viên, với công việc, tác phong làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm và lối sống giản dị, chân tình. Nhân cách người thầy luôn có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy học. Chỉ có thể giáo dục tốt một khi thầy giáo thực sự là tấm gương cho đồng nghiệp và học viên noi theo.

Cần nhận thấy nhân cách người thầy giáo trong CAND không phải tự sinh ra mà được hình thành qua cả một quá trình phấn đấu rèn luyện và quá trình học tập, nghiên cứu, trải nghiệm qua cuộc sống cũng như thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng CAND. Hiện nay, có nhiều yếu tố môi trường sống tác động đến tư tưởng và lối sống của cán bộ, chiến sĩ CAND, trong đó có đội ngũ giáo viên, đặt ra yêu cầu hàng đầu trong việc giữ vững phẩm chất chính trị và đạo đức, tác phong của người thầy. Để có thể là tấm gương sáng cho học viên, người thầy giáo CAND phải tích cực rèn luyện về phẩm chất đạo đức, phẩm chất chính trị; phải sống đúng mực, chân tình, công bằng, khiêm tốn; phải kiên quyết chống mọi biểu hiện tiêu cực trong dạy và học.

Bối cảnh của quá trình xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, yêu cầu đào tạo cán bộ Công an ngày càng cao, càng đòi hỏi người thầy giáo trong CAND phải nâng cao trình độ về mọi mặt. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ, chớ tự mãn cho mình giỏi rồi thì dừng lại mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, tự đào thải mình trước”. Dạy học là hoạt động sáng tạo và nghiêm túc đòi hỏi thầy giáo phải có năng lực chuyên môn cao, kiến thức lý luận chuyên môn vững chắc và nắm bắt thực tiễn để truyền đạt tri thức toàn diện cho học viên. Người giáo viên phải không ngừng trau dồi kiến thức, đặc biệt phải giỏi lĩnh vực chuyên môn của mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp giáo dục, đào tạo; nắm chắc và vận dụng sáng tạo các quy luật dạy học, có hiểu biết sâu sắc về phương pháp dạy học, phương pháp nghiên cứu khoa học, ham mê hiểu biết, khám phá cái mới, phải tiếp cận nhanh và ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin vào quá trình nghiên cứu, giảng dạy.

Người giáo viên trong CAND cần nắm vững tri thức lý luận về bài giảng; thường xuyên đổi mới nội dung giảng dạy trên cơ sở gắn lý luận với thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”. Do tình hình và công tác bảo vệ an ninh, trật tự luôn biến động không ngừng, nên hệ thống lý luận về các mặt công tác Công an thường nhanh lạc hậu. Vì vậy, cần có cơ chế kết hợp hoạt động lý luận và hoạt động thực tiễn trong CAND một cách nhuần nhuyễn; thường xuyên tổng kết từ thực tiễn sinh động của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự để bổ sung, phát triển lý luận. Nội dung giáo trình, bài giảng phải trên bám sát thực tiễn, cập nhật kết quả tổng kết thực tiễn của Công an các đơn vị, địa phương. Các trường CAND cần thực hiện nghiêm túc các quy định về luân chuyển, tạo điều kiện cho giáo viên đi thực tế để phục vụ tốt hơn yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học; đảm bảo cho mỗi bài giảng phải luôn mang hơi thở thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng CAND. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các học viện, trường Công an nhân dân với Công an các đơn vị, địa phương trong việc tổ chức cho giáo viên đi luân chuyển thực tế; phối hợp trong nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và cung cấp thông tin, tài liệu những vấn đề mà thực tiễn công tác, chiến đấu đặt ra, phục vụ công tác giảng dạy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an
.
.