Một cán bộ điều tra trọng án tận tụy với công việc
Anh tâm sự: "Điều tra trọng án là công việc rất vất vả và đối mặt với nhiều nguy hiểm. Có những vụ án, chúng tôi làm rõ rất nhanh. Nhưng, cũng có những vụ, phải mất nhiều tháng trời mới khám phá được. Tuy nhiên, chúng tôi không bao giờ nản lòng. Hình ảnh những người vô tội bị sát hại; hay sự lo lắng, hoang mang của người dân thôi thúc chúng tôi bằng mọi giá phải điều tra làm rõ, truy bắt kẻ phạm tội trừng trị theo pháp luật".
Thành tích nổi bật nhất trong năm 2013 của Thượng tá Ánh và đồng đội là phá được vụ án buôn người qua biên giới tại địa bàn huyện Nam Giang. Từ sự trở về của nạn nhân Ka Phu Don (SN 1986, trú ở xã Cà Dy, Nam Giang), các anh đã lần ra đường dây buôn người do vợ chồng Nông Thị Bé (SN 1984, ở Đồng Lầm, Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) cầm đầu. Tiếp nhận thông tin từ nạn nhân, anh và đồng đội đã vạch một kế hoạch hoàn hảo, bắt gọn vợ chồng đối tượng Bé tại Bến xe Đà Nẵng vào ngày 3/8/2013.
Được sự chỉ đạo của cấp trên, anh quyết tâm mở rộng điều tra vụ án để giải cứu các nạn nhân khác, truy bắt bọn buôn người đưa ra trừng trị theo pháp luật. Thượng tá Ánh đã cùng đồng đội lặn lội ra Nghệ An, lần theo từng dấu vết để lại của đối tượng và đã tóm được hàng loạt tên sừng sỏ, như: Lương Thị Mằn (SN 1989), Lương Thị Lan (SN 1992), Cụt Văn Yên (SN 1982), cùng ngụ xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An... Sau đó, các anh quay về tỉnh Quảng Nam, truy bắt tiếp Vi Văn Hữu (SN 1993) và Xên Văn Dần (SN 1987), cùng trú xã TaBhing, huyện Nam Giang... Thượng tá Ánh tâm sự rằng, trong công tác điều tra, khám phá án, một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công là sự nhạy bén; từ trinh sát đi xác minh, đến điều tra viên đánh giá tài liệu chứng cứ và lãnh đạo chỉ huy. Nhạy bén giúp cho nhận định đúng tình hình và đưa ra quyết định chính xác, mang lại hiệu quả cao nhất.
Thực hiện lời dạy của Bác, tận tụy với công việc, Thượng tá Ánh đã không ngại gian khổ, khó khăn, cùng đồng đội cẩn trọng trong xác minh, điều tra, đánh giá chứng cứ để nhanh chóng phát hiện tội phạm, không bỏ lọt người phạm tội và không làm oan người ngay. Không chỉ vậy, anh còn xây dựng cho mình tác phong làm việc chuyên nghiệp; kiên quyết, khôn khéo, kịp thời tiếp nhận và xử lý tin tố giác tội phạm của người dân. Từ những sợi tóc đến tàn thuốc vứt bỏ tại hiện trường hay một cái tên lưu lại trong danh bạ điện thoại cũng trở thành manh mối để anh và đồng đội phá một vụ án lớn.
Điển hình như vụ án giết người xảy ra tại Tam Xuân 1, huyện Núi Thành vào đầu tháng 4/2012. Nạn nhân là bà Nguyễn Thị Thanh (SN 1973), hành nghề bói toán và chữa bệnh Đông y. Vì nạn nhân có mối quan hệ tình cảm phức tạp, hằng ngày tiếp xúc rất nhiều người ở nhiều địa phương khác nhau nên việc sàng lọc đối tượng nghi vấn rất khó khăn. Với mẫu tóc của Nguyễn Thị N, hàng xóm của nạn nhân trong tay nạn nhân trước khi chết cho thấy bà N thuộc diện đối tượng nghi vấn. Nhưng xác minh thì bà N có chứng cứ ngoại phạm và mẫu tóc trên tay nạn nhân là do quá trình nạn nhân bắt bệnh và bốc thuốc cho bà N. Rồi có người trình báo cho cơ quan điều tra là nạn nhân có quan hệ tình cảm với ông Nguyễn Văn K trong thôn. Khi nạn nhân và ông K mâu thuẫn, nạn nhân đã hăm dọa sẽ nói cho vợ ông K biết quan hệ của hai người và ông K cũng đã hăm dọa "cho nạn nhân biết tay". Tuy nhiên, khi xác minh thì được biết trong thời gian nạn nhân bị giết, ông K và vợ đang ở chỗ khác… Cứ thế, có rất nhiều thông tin khiến công tác điều tra như mò kim đáy bể. Thế nhưng, với vai trò là Tổ trưởng tổ công tác, Thượng tá Ngô Quốc Ánh đã rà soát, chắt lọc, đánh giá từng thông tin, chứng cứ, cuối cùng đã xác định được hung thủ gây án là Trương Thị Kiều Phương (SN 1977, trú ở phường An Phú, TP Tam Kỳ)...
Đã gần 25 năm tuổi nghề, 17 năm công tác tại Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Quảng Nam, Thượng tá Ánh đã nhận được hơn 20 bằng khen, giấy khen của Bộ Công an, UBND tỉnh, Công an tỉnh về thành tích xuất sắc. Nhưng khi được hỏi, bí quyết nào để phá án nhanh và đạt tỉ lệ cao, anh khiêm tốn trả lời, đó là không ngại khó, ngại khổ và sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Những thành tích đó không chỉ là thành quả của riêng cá nhân anh, mà đó là công sức và trí tuệ của cả tập thể CBCS của Đội Điều tra trọng án.
Đại tá Nguyễn Thế Nghiệp, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Quảng Nam, không giấu tự hào, nhận xét: "Hầu hết những vụ án khó, phức tạp; những vụ án xảy ra ở tận biên giới Việt - Lào, đồng chí Ánh đều tham gia rất nhiệt tình, với vai trò chủ lực. Có ngày đồng chí Ánh tham gia khám nghiệm tử thi đến 3 vụ, có vụ xác chết đã bị thối rữa lâu ngày rất hôi thối, độc hại. Nhưng, nhận bất cứ nhiệm vụ nào, đồng chí Ánh cũng cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc; tận tụy và nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của người Đội trưởng…"