Mơ ước giản dị của những nữ Cảnh sát giao thông

Thứ Tư, 06/03/2019, 13:21
“Nhìn gia đình bạn bè sum vầy những dịp lễ Tết, chúng em cũng chạnh lòng. Nhưng chưa bao giờ nghĩ sẽ chán nghề, thậm chí trong những lúc khó khăn nhất của cuộc sống, em vẫn luôn nghĩ rằng được khoác trên mình bộ quân phục Cảnh sát giao thông là một niềm tự hào và trách nhiệm lớn lao mà mình cần phải trân trọng”. Đó là lời chia sẻ chân tình của những nữ Cảnh sát giao thông Hà Nội với chúng tôi.

Vũ Thị Sinh Hoa- cô gái có chiều cao 1m68, với làn da trắng. Cô là một trong những gương mặt tiêu biểu của Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn (Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội), thường tham gia dẫn các đoàn nguyên thủ của các nước mỗi khi họ sang thăm Việt Nam. Trong thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội, ngoài việc đón đoàn từ sân bay về khách sạn, Hoa vinh dự được phân công làm nhiệm vụ xếp xe trước Phủ Chủ tịch trong thời gian Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đến thăm Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. 

Thượng úy Vũ Thị Sinh Hoa chụp ảnh kỷ niệm cùng các em nhỏ sau buổi lễ đón Chủ tịch Kim Jong-un tại Phủ Chủ tịch.

Những ngày này, Hoa cũng như các cán bộ nữ khác trong tổ tuần tra dẫn đoàn thường phải ra khỏi nhà lúc 5h sáng để đến điểm tập kết và trở về nhà lúc 11h đêm. “Công việc dẫn đoàn của bọn em luôn bị động, không biết trước kế hoạch. Thường thì 21h của ngày hôm trước lãnh đạo mới thông báo kế hoạch sáng mai mình phải làm gì, thậm chí do tính chất an toàn, bí mật nên có những buổi sáng sớm đến cơ quan, mới biết nay mình dẫn cho đoàn nào”, Hoa kể.

Không tham gia dẫn đoàn trực tiếp, nhưng với nữ cảnh sát giao thông Vũ Thị Huyền Trang, việc được tăng cường đứng chốt điều tiết giao thông trước Trung tâm báo chí của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều trong thời gian gần 1 tuần cũng là một kỷ niệm làm nghề khó phai nhạt. Khi nói về công việc hàng ngày tại Đội quản lý xe, Trang kể, mới đầu nghe qua nhiều người tưởng đây là công việc nhàn hạ, thế nhưng khi làm rồi mới biết giống “chăm con mọn”. 

Đại úy Vũ Thị Huyền Trang với công việc hằng ngày tại Đội quản lý xe.

Ngoài thời gian trực tiếp làm việc với người dân như hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, nhiều hôm Trang phải ở lại cơ quan để rà soát hoàn thiện hàng trăm hồ sơ trình sếp duyệt để ngày hôm sau trả sớm được cho người dân. Đấy là chưa kể, không ít lần gặp người dân “gợi ý” về việc giúp đỡ để bấm được biển đẹp, Trang phải dành thời gian giải thích để họ hiểu rõ quy trình, cũng là để họ hiểu đúng về sự minh bạch của việc bấm biển số.

Khác với Hoa và Trang, cô gái Nguyễn Hồng Nhung (Đội CSGT số 7) đã tham gia công tác đứng bục phân luồng điều tiết giao thông được gần 7 năm. Trang cho hay, thời gian đầu khi mới đi làm, đứng phân luồng phía dưới khu vực Mỹ Đình, nhiều người đi đường tò mò khi thấy một nữ CSGT điều khiển phương tiện. Sau một thời gian thì Hồng Nhung quen và cảm thấy yêu công việc đứng bục của mình hơn. 

Trung úy Nguyễn Thị Hồng Nhung làm nhiệm vụ phân luồng giao thông.

Mỗi ngày, Nhung thường bắt đầu ca trực từ 6h sáng, nhiều hôm kết thúc ca trực thì trời đã về đêm. “Mỗi ca trực đứng 2 tiếng, và có quy định nửa tiếng có thể rời bục nghỉ 10 phút, thế nhưng nhiều lần đèn tín hiệu lỗi nhịp, các phương tiện di chuyển lộn xộn, hay vào ngày hè, giờ cao điểm, lượng phương tiện lưu thông đông, em hay đứng điều tiết một mạch mà không cần nghỉ. Nhưng vì thấy dòng người ngược xuôi thuận lợi không ùn tắc, là em thấy vui”, Nhung kể.

Hoa, Trang về đầu quân cho Phòng CSGT Hà Nội cũng đã được gần 10 năm, Nhung cũng đã bước sang năm thứ 8. Cả ba cùng lấy chồng ngành Công an và đang nuôi con nhỏ. Từng đấy năm cống hiến cho nghề, cũng là từng đấy năm các nữ Cảnh sát chưa biết đến một cái Tết đoàn viên đủ vợ, đủ chồng hay những ngày nghỉ lễ trọn vẹn bên gia đình. Bởi cứ đến ngày lễ, không vợ thì chồng lại thay nhau đi trực. 

Càng ngày lễ lớn, người dân nghỉ càng lâu, công an được huy động trực quân số 100% để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân thì vợ chồng những nữ CSGT này càng xa nhau, có khi cả tuần mới ăn chung được bữa cơm gia đình. Thậm chí nhiều khi con ốm đau, chỉ mong cả hai vợ chồng cùng có thể ở nhà chăm sóc, cũng không thể. 

Hoa tâm sự: “Hai cháu nhỏ nhà em cách nhau 20 tháng, trong thời gian đó em gần như là một mình chăm con, với sự trợ giúp của ông bà hai bên, chứ chồng bận công tác chẳng mấy khi được ở nhà. Khó khăn nhất là thời điểm vừa kết thúc nghỉ sinh cháu thứ 2, bắt đầu quay trở lại công việc thì cháu lớn bị viêm phổi nhập viện. Thế là cứ ngày đi làm, trưa tranh thủ giờ nghỉ về với bạn bé, rồi vào viện với bạn lớn, rồi lại quay lạii công việc. Chiều hết giờ làm, lại tất tưởi vào viện chăm con đến sáng hôm sau. Cứ như thế ròng rã hơn nửa tháng, dù có sự hỗ trợ của ông bà nội ngoại mà em vẫn thấy như quay cuồng, áp lực giữa gia đình và công việc. Nhiều khi vào viện thấy nhà người ta cả hai vợ chồng cùng trông con đêm, mình có một mình tủi thân rớt nước mắt, song lại tự an ủi, trấn tĩnh để lấy động lực vượt qua”.

Nỗi niềm của Hoa cũng là tâm sự của Trang, khi cùng lúc sinh đôi hai bé trai. Cảnh chăm hai con ốm cùng lúc, mà chồng không thể liên tục ở bên, nên chạnh lòng là khó tránh khỏi. Còn Nhung, nhà xa nên sau khi sinh con, đến thời gian đi làm đành chọn giải pháp tập cho con ăn sữa ngoài để mẹ tập trung cho công việc... Thậm chí có nhiều lần con ốm, cả hai vợ chồng đang trong cao điểm phục vụ công tác đảm bảo an toàn giao thông, không còn cách nào khác đành nhờ ông bà đưa cháu đi khám và trao đổi với bác sĩ qua điện thoại.

Vất vả là thế, nhưng hầu hết các nữ cảnh sát giao thông đều nỗ lực phấn đấu hết mình với công việc được giao. Họ không dám lơ là hay chểnh mảng ở vị trí mình được phân công. Nói về mong ước, họ bảo, chỉ mong có nhiều hơn những phút giây vợ chồng con cái cùng đoàn tụ trong các kỳ nghỉ lễ. 

Phạm Huyền
.
.