Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (7/11/1950 - 7/11/2015):

Mở đường hoàn lương với bao người lầm lỗi

Thứ Năm, 05/11/2015, 08:50
65 năm qua, dù có muôn vàn khó khăn, gian khổ, nhiệm vụ ngày càng nặng nề, nhưng lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp đã không ngừng phấn đấu, từng bước lớn mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị được giao, giáo dục, cải tạo người lầm lỗi hoàn lương, thành những công dân có ích cho xã hội.

Ngày 7/11/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 150/SL về “Tổ chức các trại giam”, đây là văn bản pháp lý đầu tiên, cao nhất của Nhà nước ta về công tác trại giam, tạo nền tảng pháp lý để lực lượng Cảnh sát Quản lý trại giam (nay là lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp) thực hiện nhiệm vụ quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân.

65 năm qua, dù có muôn vàn khó khăn, gian khổ, nhiệm vụ ngày càng nặng nề, nhưng lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp đã không ngừng phấn đấu, từng bước lớn mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị được giao, giáo dục, cải tạo người lầm lỗi hoàn lương, thành những công dân có ích cho xã hội.

Là một trong những công cụ quan trọng để bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ chế độ và bảo vệ nhân dân, lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp được xây dựng và trưởng thành gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng và truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân. Với chức năng giúp Bộ trưởng tham mưu trong chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước về thi hành án hình sự trong phạm vi cả nước; thống nhất quản lý, chỉ đạo công tác thi hành án hình sự, thi hành biện pháp tư pháp, thi hành quyết định đưa người vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, công tác tạm giam, tạm giữ, công tác hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ tư pháp theo quy định của pháp luật và của Bộ trưởng Bộ Công an; tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm; lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, phức tạp để bảo vệ an toàn trại giam, kiên trì giáo dục, cảm hóa người phạm tội, lầm lỗi trở thành người lương thiện có ích cho xã hội, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chúc mừng các điển hình tiên tiến Tổng cục VIII.

Năm 2009, thực hiện Nghị định của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định thành lập Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII). Việc triển khai thực hiện mô hình tổ chức bộ máy mới của tổng cục VIII được đánh giá là một bước đột phá trong công tác xây dựng lực lượng, sự thay đổi đó là phù hợp với quy luật khách quan và xu thế phát triển của xã hội; thể hiện rõ sự chỉ đạo tập trung, thống nhất trong lĩnh vực thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp theo hướng chuyên sâu để đạt hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân, trại viên, học sinh (PN, TV, HS) ở các đơn vị trực thuộc tổng cục cũng đã có nhiều đổi mới sâu sắc toàn diện cả về nội dung và hình thức giáo dục; đảm bảo nguyên tắc nghiêm trị, nghiêm minh đi liền với cảm hóa, giáo dục, bảo đảm quyền con người. Các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (TG, CSGDBB, TGD) đã và đang cụ thể hóa công tác giáo dục bằng các việc làm thiết thực, có ý nghĩa sâu sắc như tổ chức thực hiện tốt công tác thăm gặp, nhận gửi thư, nhận tiền quà, bố trí hệ thống điện thoại để PN, TV, HS liên lạc với gia đình theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện công khai, minh bạch và đảm bảo đúng chế độ ăn, ở, mặc, phòng và khám, chữa bệnh, xếp loại cải tạo, xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù…

Bên cạnh đó, tổng cục cũng thường xuyên mở rộng quan hệ, tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức xã hội cùng chung tay góp sức vào hoạt động giáo dục PN, TV, HS như: quy chế phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam về tư vấn, giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hoà nhập cộng đồng; phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, hỗ trợ cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng theo thỏa thuận hợp tác giữa hai bên. Đổi mới biện pháp giáo dục, cải tạo phạm nhân bằng chính những phong trào và các hoạt động thiết thực như tổ chức cho PN, TV, HS thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Hội thi “Tiếng hát tình đời”; cuộc thi vẽ tranh “Khát vọng hoàn lương”; thi viết “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”, phát động phong trào viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi”; thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, phòng chống ma túy, HIV/AIDS… các cuộc thi đó có sức lan tỏa và ý nghĩa giáo dục vô cùng lớn.

Bên cạnh đó, một số đơn vị đã phát động sâu rộng “Qũy tấm lòng vàng” giúp đỡ PN, TV, HS có hoàn cảnh khó khăn; phát động xây dựng nếp sống “trật tự, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”; quan tâm đầu tư xây dựng thư viện, phòng đọc sách, tủ sách trong các phân trại, buồng giam để phạm nhân nghiên cứu, học tập trong các ngày nghỉ, giờ nghỉ; duy trì thường xuyên các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tạo không khí thi đua sôi nổi, từ đó tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành nội quy, kỷ luật của PN, TV, HS.

Những đổi mới trong công tác quản lý, giáo dục, cải tạo PN, TV, HS đã mang lại hiệu quả thiết thực và ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh giúp cho PN, TV, HS tin tưởng vào đường lối chính sách khoan hồng nhân đạo của Đảng và Nhà nước, tích cực thi đua cải tạo tiến bộ, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và nội quy, quy định của TG, CSGDBB, TGD để được hưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước. Kể từ khi Luật Đặc xá có hiệu lực đến nay, chúng ta đã đặc xá tha tù trước thời hạn cho 81.797 phạm nhân.

Kết quả công tác đặc xá những năm qua đã thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, được nhân dân trong nước đồng tình, được dư luận thế giới hoan nghênh và đánh giá cao. Điều đó đã khẳng định những thành tựu đổi mới của công tác thi hành án hình sự, thi hành án phạt tù, nhất là thành tựu trong đổi mới công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân và giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng.

Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp đã không ngừng phấn đấu và trưởng thành về mọi mặt. Ghi nhận những thành tích đạt được, lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất… đặc biệt năm 2009 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

65 năm không phải là một chặng đường dài trong quá trình phát triển của lịch sử nhưng cũng đủ để mỗi cán bộ chiến sỹ trong lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp luôn tự hào về truyền thống của một lực lượng anh hùng, vững tin tiếp bước cha anh viết lên những trang sử vẻ vang, xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục VIII
.
.