Máu thắm giữa thời bình

Thứ Ba, 02/02/2016, 08:28
Trong cuộc họp báo của Bộ Công an cuối năm 2015, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an đã đưa ra một con số nhói lòng. Chỉ tính trong năm 2015, có 15 cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh, hơn 250 cán bộ, chiến sĩ bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Trong số đó chưa tính đến những người là Công an xã, bảo vệ dân phố đã ngã xuống hoặc đổ máu đào vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Tết này nhà vắng anh…

Chiều cuối năm, gió mùa đông bắc ào ạt réo ngoài cánh đồng, tôi ngồi nói chuyện với chị Bùi Thị Khánh – vợ liệt sĩ Nguyễn Công Đạt, nguyên là Công an viên xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) trong căn nhà nhỏ từng là tổ ấm của một gia đình. Người phụ nữ này mới chỉ 29 tuổi nhưng chỉ trong giây lát chị đã vĩnh viễn mất đi người chồng hết mực yêu quý… Có lẽ trong những nỗi đau mà cuộc đời người phụ nữ phải gánh chịu thì nỗi đau mất chồng, mất đi trụ cột của gia đình là đón đánh nặng nhất của số phận.

Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an thăm hỏi, động viên thân nhân liệt sĩ Nguyễn Công Đạt. Ảnh: Thủy Mai.

Trong nước mắt, chị Bùi Thị Khánh kể: Tháng 7-2015, trong khi làm nhiệm vụ giải quyết vụ đánh nhau giữa hai nhóm thanh niên, anh Đạt – chồng chị đã bị các đối tượng dùng gậy sắt đánh vào đầu. Vết thương quá nặng, dù được đồng đội đưa đi cấp cứu nhưng anh không qua khỏi. Anh Đạt hy sinh khi mới tròn 36 tuổi, để lại mẹ già, vợ trẻ cùng 2 cô con gái thơ dại, ngơ ngác giữa dòng đời.

Mẹ chồng chị - bà Bùi Thị Sáu, năm nay 58 tuổi nhưng đã chịu góa bụa từ hơn chục năm nay. Chồng bà - ông Nguyễn Công Định (bố anh Đạt), tham gia chiến trường miền Nam bị thương nặng, sau này về địa phương ông mất do vết thương tái phát và được công nhận liệt sĩ. Bà chẳng đi bước nữa, ở thế một mình nuôi 3 đứa con khôn lớn. Dựng vợ, tích cóp làm cho cậu con cả Nguyễn Công Đạt một ngôi nhà bé xíu xong bà lấy đó làm mãn nguyện, thỏa lời ước nguyện và hứa hẹn với người chồng quá cố lúc lâm chung….

Nhưng cuộc đời bà lại phải chịu thêm một nỗi đau tột cùng khác, khi mất cậu con trai yêu quý. Run run thắp nén nhang lên bàn thờ chồng và con trai, bà Sáu bảo bây giờ thương thân mình thì ít mà thương con dâu và 2 đứa cháu nội thì nhiều. Hai con của anh Đạt, đứa 7 tuổi, đứa lẫm chẫm biết đi. Nhìn các cháu vô tư nô đùa chưa hiểu được nỗi đau xé lòng của người lớn mà bà thấy xót xa.

Máu các anh vẫn đổ giữa thời bình

Trong chuyến công tác mới đây vào Kiên Giang, chúng tôi tìm đến nhà anh Danh Bình, Công an viên xã Thạch Lộc, huyện Châu Thành. Anh Danh Bình hy sinh hồi đầu tháng 11-2015 trong khi làm nhiệm vụ ngăn chặn một đối tượng hung hãn có vũ khí.

Anh Danh Ngọc Tường, Trưởng Công an xã Thạch Lộc cho biết, hôm đó nhận được tin đối tượng Lâm Tài (SN 1977) dùng dao chặn xe đe dọa tính mạng của người đi đường, Công an xã cử đồng chí Danh Bình cùng hai Công an viên khác xuống địa bàn. Đến nơi, khi đang làm nhiệm vụ thì bất ngờ đối tượng Lâm Tài dùng dao đâm vào ngực trái anh Danh Bình. Ngay sau đó, mặc dù được đồng đội và gia đình đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, anh đã không qua khỏi.

Gia cảnh anh Bình hiện rất khó khăn, cả nhà tá túc trong một căn nhà nhỏ tuềnh toàng, trong nhà không có gì đáng giá. Thấy khách vào, chị Sóc, vợ anh Danh Bình rờ rẫm ra mời khách vào nhà. Chị Sóc bị tai biến 6 năm nay hầu như không làm được việc gì nặng nhọc, công việc đặt hết lên vai người chồng nhưng bây giờ anh lại hy sinh để lại vợ và hai cô con gái cũng sớm bỏ học vì gia cảnh khó khăn. Chị Sóc rưng rưng nói: “Gần tết đến nơi nhưng gia đình cũng chưa kịp và cũng không muốn chuẩn bị gì đón tết. Anh ấy mất đi, nhà bây giờ chỉ có 3 người phụ nữ trống trải quá”. “Hoàn cảnh như vậy nhưng từ khi tham gia Công an xã, anh Bình luôn là một Công an viên gương mẫu, nhiệt tình, năng nổ và lập được nhiều thành tích trong công tác, được Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng” - Đại tá Lê Hoàng Dũng, Phó giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang nói.

Tính từ năm 1999 trở lại đây, chỉ riêng lực lượng Công an xã, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan xí nghiệp đã có 64 đồng chí hy sinh, hơn 440 đồng chí bị thương. Cao điểm như năm 2011, trong trận tuyến đấu tranh chống tội phạm, 3 cán bộ Công an xã đã anh dũng hy sinh, 2 đồng chí khác bị thương; năm 2012 lại thêm 4 cán bộ Công an xã hy sinh, 4 người khác bị thương nặng. Nhưng do những bất cập trong chính sách nên mới chỉ có 23 trường hợp được công nhận là liệt sĩ, 59 trường hợp được công nhận là thương binh. Lòng dũng cảm và những chiến công của lực lượng Công an xã mãi mãi sâu đậm trong lòng nhân dân, là niềm tự hào của toàn lực lượng CAND...

Thiếu tướng Nguyễn Văn Khảo, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ Bộ Công an: Hiện nay, do bất cập về chế độ, chính sách nên chế độ đãi ngộ cho lực lượng này còn hạn chế. Theo quy định chỉ có Trưởng Công an xã được biên chế công chức, còn lại chỉ được hưởng chế độ phụ cấp ít ỏi. Có những địa phương mỗi Công an viên một tháng chỉ được hơn 400.000 đồng (như Lai Châu). Chế độ đãi ngộ như thế nhưng lực lượng Công an xã, bảo vệ dân phố vẫn tâm huyết với công việc, không kể gian khổ, khó khăn, có việc nhận lệnh là lên đường…

Phạm Ngọc Oanh
.
.