Dưới những nếp nhà CAND:

Luôn nhớ lời dạy của cha

Chủ Nhật, 08/08/2010, 18:41
"Trong tôi luôn khắc sâu hình ảnh cha tôi là một tấm gương tuyệt vời về sự kiên trung với lý tưởng cách mạng; tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy trong công tác; về đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, giản dị; về cách ứng xử trong quan hệ đồng chí, bạn bè và với nhân dân”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh kể.

Sau vài lần từ chối, cuối cùng Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh - Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cũng sắp xếp được một ít thời gian ngồi nói chuyện với chúng tôi. Quả thật nhìn vào lịch làm việc của ông trong một tuần không có thời gian nào trống. Thế mà nhiều lúc vẫn không hết việc phải tranh thủ cả những buổi tối ở nhà. Nhìn bề ngoài ông có vẻ hơi nghiêm khắc, nhưng lại là một con người sống rất tình cảm, luôn quan tâm đến cán bộ, chiến sĩ.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh.

Cha tôi - một tấm gương tuyệt vời   

Ông tâm sự với chúng tôi: "Có không ít người hỏi, sao chẳng thấy giám đốc mời anh em đến nhà dự đám giỗ, sinh nhật… Tôi cũng nói thật là đám giỗ và sinh nhật nhà tôi vẫn có đấy, nhưng chỉ có người thân trong gia đình và một ít bạn thân. Tôi là người trầm tính, không thích sự ồn ào và phô trương. Vả lại, đây là điều tối kỵ đối với cha tôi khi còn sống và trước khi mất cha tôi đã dặn dò kỹ con cái phải ghi nhớ điều này".

Cha mẹ của Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh đều quê ở Biên Hòa (Đồng Nai). Ngay sau Cách mạng tháng 8/1945, cha ông là cụ Nguyễn Văn Trung (Năm Trung) đã thoát ly tham gia Quốc gia tự vệ cuộc, đến năm 1947 giữ chức vụ Phó Quốc gia tự vệ cuộc quận Châu Thành (TP Biên Hòa ngày nay).

Mẹ ông cũng tham gia công tác phụ nữ ở xã Hiệp Hòa. Cho đến năm 1954, hai cụ tập kết ra Bắc dắt theo một đứa con trai và để lại 3 con trai ở Biên Hòa cho ông bà nội nuôi. Chẳng may, do nghèo khó và ăn uống thiếu thốn nên 3 người con ở lại Biên Hòa đều lần lượt bị bệnh và chết khi còn nhỏ. Sau 2 năm sống ở miền Bắc, hai cụ có thêm đứa con trai là Nguyễn Văn Khánh và tiếp đó là 2 con gái. cụ Năm Trung tiếp tục công tác ở Bộ Công an, còn cụ bà làm việc ở Bộ Nông trường.

Không chỉ là người chồng, người cha mẫu mực trong gia đình, cụ Năm Trung còn là một cán bộ Công an kiên trung, rất kỷ luật và sống liêm khiết, trong sạch. Năm 1974, cụ Năm Trung được Bộ Công an phân công đi B vào công tác ở Ban An ninh TW Cục miền Nam (khi ấy những người hàng xóm mới biết cụ là Công an).

Sau giải phóng, cụ Năm Trung về công tác tại Công an TP Hồ Chí Minh. Những năm đầu sau giải phóng cả nước gặp nhiều khó khăn, đầu tuần cụ đi xe gắn máy từ TP Biên Hòa lên TP Hồ Chí Minh đem theo thức ăn do vợ chế biến sẵn để ăn cả tuần và cuối tuần lại về nhà. Cứ như thế nhiều năm liền, cho tới ngày Đại tá Năm Trung, Phó Trưởng phòng Bảo vệ cơ quan văn hóa Công an TP Hồ Chí Minh, được nghỉ hưu vào năm 1981, sau 36 năm liên tục công tác và cống hiến trong ngành Công an.

Có nhiều câu chuyện rất cảm động về nghĩa cử, đạo đức của cụ Năm Trung mà cả gia đình chỉ  hay biết  qua các đồng nghiệp của cụ trong lực lượng Công an kể lại sau khi cụ mất vào năm 1998. Nhiều người khen cụ là người sống có đạo đức, trong sạch và nghĩa tình. Khi về hưu, cụ thường dùng những đồng lương hưu ít ỏi của mình để thăm viếng và giúp đỡ bạn bè, đồng nghiệp gặp khó khăn trong cuộc sống…

Tình mẹ con cao cả.

Chuyện riêng, chuyện chung

Từ khi giữ cương vị Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh luôn bận rộn với công việc và công việc. Cường độ làm việc của ông hầu như suốt tuần và còn tranh thủ cả những buổi tối ở nhà. Điều nổi bật nhất ở ông là có tính quyết đoán, khả năng xử lý công việc nhanh, rất có tinh thần trách nhiệm và có trí nhớ tốt.

Nhìn bề ngoài có vẻ hơi nghiêm khắc nhưng lại là một con người sống rất tình cảm, luôn quan tâm đến cán bộ, chiến sĩ. Nếu như ai đã một lần tiếp xúc với ông thì sẽ cảm nhận đó là một người cởi mở, thông thoáng và sẽ thay đổi  nhận thức về cái nhìn bề ngoài trước đó.

Trong cách ứng xử, giao tiếp với mọi người, ông không tỏ ra quan cách và rất quan tâm đến cán bộ, chiến sĩ. Năm nào cũng vậy, trước giờ giao thừa, ông lại đi xuống trạm xá của trại tạm giam để xem có chiến sĩ hay phạm nhân phải nằm điều trị hay không và đến trực tiếp các đơn vị trực chiến để hỏi han, động viên cán bộ, chiến sĩ. Với cán bộ lãnh đạo Công an đã nghỉ hưu, ông luôn ân cần và chu đáo. Mặc dù, vào các ngày lễ Tết, Ban Giám đốc đã phân công nhau đi thăm hỏi, tặng quà cho các cán bộ lãnh đạo Công an Đồng Nai đã nghỉ hưu, nhưng ông vẫn cứ trực tiếp đến thăm riêng từng người.

Ông tâm sự với chúng tôi: "Mỗi lần phải đặt bút ký kỷ luật bất kỳ một cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an Đồng Nai là tôi rất buồn, điều này đem lại cho tôi cảm giác khó chịu, khác hẳn với tâm trạng hân hoan, phấn khích khi tôi ký quyết định khen thưởng hoặc đề bạt chức vụ cho anh em. Do vậy, tôi thường cân nhắc kỹ, xem xét thấu lý đạt tình, tạo cơ hội cho cán bộ, chiến sĩ mắc sai phạm, bị kỷ luật tiếp tục được rèn luyện, phấn đấu sửa chữa khuyết điểm để thực sự xứng đáng là người chiến sĩ Công an nhân dân".

Ít ai biết, ông là người ham đọc sách từ khi còn nhỏ. Ông đã đọc khá nhiều tác phẩm văn học lớn của Liên Xô trước đây. Khi bước chân vào Trường Đại học An ninh, ông đã mang theo một "tủ sách văn học" của cá nhân với gần 40 cuốn và được các bạn bè mượn, chuyền tay nhau đọc. Bây giờ, sở thích đọc sách vẫn còn, cho dù thời gian dành để đọc sách khá eo hẹp, chủ yếu là vào ban đêm và đọc trên thư viện online. Ông cũng là người ham mê thể thao, đã từng chơi nhiều môn như: bóng đá, bóng bàn, cầu lông, tennis…

Khi chúng tôi hỏi điều gì khiến ông ghét nhất, ông trả lời ngay: "Tính giả dối, không trung thực, nói một đàng, làm một nẻo. Có thể nói khi đối mặt với điều này tôi rất khó chịu và đôi khi khó mà kiềm chế được cho dù tôi là người khá trầm tính".

Về cuộc sống riêng, ông mãn nguyện với những gì đang có: Người bạn đời của ông là Thượng tá Phạm Thị Phú, vốn là đồng nghiệp cùng Phòng Bảo vệ cơ quan văn hóa của Công an tỉnh Đồng Nai trong những năm sau giải phóng, hiện là Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh. Cô con gái đầu lòng đã học xong đại học và đi làm, còn con trai út đang học đại học.    

Tâm huyết xây dựng Công an Đồng Nai thật sự trong sạch và vững mạnh

Khi được nhiều người hỏi về cảm xúc lúc được nhận quân hàm cấp tướng, Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh đã xúc động nói: "Tôi rất vinh dự khi trở thành vị tướng đầu tiên trong lịch sử 65 năm thành lập của lực lượng Công an Đồng Nai. Tôi nghĩ đây là sự kết tinh của truyền thống đấu tranh, hy sinh gian khổ của các bậc cha chú, đàn anh trong kháng chiến chống Pháp, đánh Mỹ để giành độc lập, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc an ninh Tổ quốc trong thời kỳ hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay mà tôi chỉ là người đại diện lãnh nhận chức vụ quan trọng và vinh dự  này…".

Sau khi tốt nghiệp Đại học An ninh (1974-1979), ông được phân công về công tác ở Phòng Bảo vệ cơ quan văn hóa - Công an tỉnh Đồng Nai. Năm 1990 ông được đề bạt giữ chức vụ Chỉ huy phó lực lượng An ninh Đồng Nai. Từ năm 1998 - 2004, ông được Bộ Công an điều động về giữ chức Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị. Tháng 5/2004 ông nhận quyết định trở lại Công an Đồng Nai với chức vụ Phó Giám đốc, phụ trách khối an ninh và được phong quân hàm Đại tá vào năm 2005. Tháng 2/2006, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai.

Đối với ông, vinh dự càng lớn thì trách nhiệm càng cao. Ngay sau khi giữ cương vị Giám đốc Công an tỉnh, ông cùng Đảng ủy và Ban Giám đốc đã tập trung công sức vào việc củng cố, xây dựng lực lượng Công an Đồng Nai vững mạnh nhằm khắc phục một số yếu kém trong thời gian qua. Đồng thời  tập trung xây dựng lề lối làm việc, trong đó có cải cách thủ tục hành chính để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Ông rất tâm huyết với mục tiêu phải xây dựng lực lượng Công an Đồng Nai thực sự trong sạch và vững mạnh. Chỉ có như thế, lực lượng Công an Đồng Nai mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên một địa bàn khá phức tạp. Đảng ủy và Ban Giám đốc Công an tỉnh rất quyết tâm xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an Đồng Nai trong suy nghĩ của nhân dân là hình ảnh đẹp và thân thiện. 

Nghị quyết 11 của Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai với mục tiêu xây dựng 5 đức tính tốt đẹp, 6 nội dung văn hóa giao tiếp và 7 giải pháp để triển khai thực hiện trong lực lượng Công an Đồng Nai. Đó là chương trình hành động cụ thể nhằm thực hiện 3 cuộc vận động lớn trong lực lượng Công an. Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 đã tạo chuyển biến đáng kể trong nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ Công an Đồng Nai. Điều này thể hiện qua tỉ lệ sai phạm của cán bộ, chiến sĩ đã giảm xuống rõ rệt.

Năm 2007 có 78 trường hợp sai phạm, đến năm 2008 giảm xuống còn dưới 60 và năm 2009 chỉ còn dưới 30 trường hợp sai phạm, tỉ lệ sai phạm dưới 1% trong tổng số cán bộ, chiến sĩ của Công an Đồng Nai. Đây là mục tiêu rất khó thực hiện nhưng Công an Đồng Nai đã phấn đấu đạt được.

Tại 3 đơn vị xây dựng điểm đều có chuyển biến rất tích cực. Trong đó, đáng kể là lực lượng CSGT đã góp phần vào việc kéo giảm  tai nạn giao thông trên một địa bàn rất phức tạp như Đồng Nai, qua đó cũng đã xuất hiện nhiều gương "người tốt, việc tốt" với tổng số lần từ chối hối lộ lên đến con số cả ngàn. Phòng Quản lý xuất nhập cảnh cũng đã chuyển biến rõ nét về phong cách phục vụ, giảm hẳn những ca thán về sự nhũng nhiễu. Công an TP Biên Hòa cũng tạo ra chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn…

Nhưng niềm vui cũng chưa thật trọn vẹn, ông vẫn còn những điều chưa hài lòng. Vì bên cạnh đa số cán bộ, chiến sĩ có nhận thức tốt, chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động thì còn một số ít cán bộ, sĩ quan vẫn chưa nỗ lực rèn luyện, phấn đấu vươn lên. Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh cho biết: Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai quyết tâm xây dựng lực lượng Công an Đồng Nai thật sự trong sạch, vững mạnh vào những năm tới. Trong đó báo chí là kênh thông tin quan trọng giúp Công an Đồng Nai về vấn đề này.

Thiếu tướng Khánh kể về kỷ niệm với cha mình: "Cha tôi dạy dỗ con cái theo kiểu nhà binh. Tôi vẫn còn nhớ, khi tôi còn bé chỉ khoảng 5-6 tuổi, vậy mà sáng nào cũng bị cha tôi khua dậy cùng cả nhà ra tập thể dục, kể cả trong những ngày tháng mùa đông rét buốt ở miền Bắc. Cha tôi nghiêm khắc lắm, nhưng lại hết mực thương yêu vợ con. Vào những năm sơ tán (1964 -1968), mẹ dẫn tôi và 2 em gái về Hòa Bình, cách Hà Nội gần 100km. Vậy mà thỉnh thoảng vào chiều thứ bảy, tôi thấy cha đạp xe về thăm. Ông chẳng mang theo một thứ gì cho vợ con, chỉ xem qua việc học hành của các con và động viên mẹ tôi ráng chịu đựng vì vừa đi làm, vừa phải chăm sóc con. Sáng hôm sau, cha tôi lại đạp xe trên quãng đường gần 100km để trở về Bộ Công an.

Hồi nhỏ, tôi cũng nhiều khi nghịch ngợm làm cha tôi phật ý, ông bắt tôi nằm úp mặt xuống giường để răn dạy nhưng không bao giờ dùng tới đòn roi để trừng phạt con mình. "Trong tôi luôn khắc sâu hình ảnh cha tôi là một tấm gương tuyệt vời về sự kiên trung với lý tưởng cách mạng; tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy trong công tác; về đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, giản dị; về cách ứng xử trong quan hệ đồng chí, bạn bè và với nhân dân. Với gia đình, cha tôi là người chồng chung thủy, người cha nghiêm khắc nhưng hết mực thương yêu con cháu. Có thể cả đời tôi sẽ không học tập hết những đức tính của cha tôi, nhưng trong lòng tôi luôn tự nhủ sẽ phải nỗ lực sống xứng đáng với truyền thống của gia đình để đáp đền công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ tôi".

Công Trường - Xuân Phú
.
.