Lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước:

Lực lượng điệp báo an ninh T4 trong lòng Sài Gòn

Thứ Hai, 20/04/2015, 08:19
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ và hy sinh, Sài Gòn - Gia Định là chiến trường trọng điểm, Mỹ - ngụy đã xây dựng nơi đây thành trung tâm đầu não chỉ huy mọi hoạt động của địch ngụy, trong đó có các cơ quan do thám gián điệp, tình báo chiêu hồi, chiêu hàng để đánh phá các cơ sở và phong trào cách mạng của ta.

Thực hiện chủ trương của Đảng và ngành Công an, An ninh khu Sài Gòn - Gia Định (ANT4) đã xây dựng lực lượng điệp báo chui sâu leo cao trong các tổ chức địch nguỵ. Trong thời khắc lịch sử, lực lượng điệp báo ANT4 cùng với các lực lượng khác, đã tiếp cận và tác động  trực tiếp Đại tướng - Tổng thống chính quyền ngụy Dương Văn Minh sớm đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng, tránh thương vong đổ nát cho thành phố…

Ngay sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, chuẩn bị cho việc chuyển quân tập kết, đồng chí Trần Viễn Chi, thay mặt Đảng đoàn Bộ Công an vào Nam cùng đoàn đại biểu của Trung ương chỉ đạo chuyển quân tập kết tại Nam Bộ và truyền đạt chỉ thị cho Sở Công an Nam Bộ về việc xây dựng mạng lưới điệp báo để nắm tình hình địch tại miền Nam để chuẩn bị đối phó với xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai.

Tháng 3/1962, Bộ Công an thành lập 5 trung tâm tình báo ở miền Nam, trung tâm tại Sài Gòn gọi là tổ A1, do đồng chí Lê Hùng Phi phụ trách và hai đồng chí công tác điện đài.       

Đồng chí Viễn Chi, Vụ trưởng Vụ Phái Khiển gặp Tổ thông tin A5 trước lúc đi B tại Trường C500 năm 1961.

Nhiệm vụ của tổ là phối hợp với lực lượng an ninh tại chỗ, xây dựng cơ sở bí mật, nắm tình hình âm mưu tổ chức, kế hoạch hoạt động của các cơ quan tình báo Mỹ, công an, cảnh sát ngụy các đảng phái phản động. Tổ A1 đã chắp liên lạc với các cơ sở cũ do Bộ Công an đánh vào Sài Gòn từ năm 1954 và xây dựng cơ sở mới tiếp cận các cơ quan tình báo Mỹ.

Qua đó, ta nắm được tình hình ở Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn hay Sở nghiên cứu chính trị xã hội - thực chất là cơ quan mật vụ của Diệm - Nhu do Trần Kim Tuyến chỉ huy. Từ khi thành lập ngành An ninh nhân dân miền Nam, Đảng đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết về tổ chức xây dựng lực lượng điệp báo. Để các cấp trong ngành An ninh quán triệt sâu sắc những vấn đề có tính chất cơ bản về công tác điệp báo, ngày 30/11/1972, Ban An ninh Trung ương Cục ra Chỉ thị số 9/CTNT-ĐB về “Tổ chức và hoạt động của Điệp báo An ninh nhân dân miền Nam”.

Thực hiện linh hoạt sự chỉ đạo của Bộ, của an ninh Trung ương Cục, ANT 4 đã triển khai xây dựng màng lưới điệp báo và đưa vào nội thành một số cán bộ có nghiệp vụ được đào tạo tốt để chỉ đạo cơ sở điệp báo, có thể rút cán bộ của ta ở nội thành ra để huấn luyện và đưa vào trở lại hoạt động ở nội thành Sài Gòn - Gia Định. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, của Ban An ninh Trung ương Cục, Ban An ninh miền Tây Nam Bộ (T3) chuyển giao cho Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định (T4) một số cán bộ, cơ sở điệp báo đang hoạt động trong nội thành.

Hai đồng chí chi ủy viên Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định và một số cán bộ điệp báo còn bám được ở địa bàn thành phố đã móc ráp lại những cơ sở bị đứt; tiếp nhận, chỉ đạo những cơ sở điệp báo do Ban An ninh miền Tây chuyển giao tiếp tục phát triển cơ sở mới, từng bước hình thành mạng lưới điệp báo rộng rãi trong nhiều cơ quan của Mỹ- ngụy, trong một số Đảng phái phản động, trong tôn giáo, lực lượng thứ 3.

Với một thời gian ngắn, từ 1963-1967,  Ban An ninh khu sài Gòn - Gia Định đã có một số cơ sở điệp báo được xây dựng và phát huy được tác dụng lớn trong chiến tranh cục bộ và cả đến ngày giải phóng miền Nam tháng 4/1975, không tính cơ sở ở các quận, huyện.

Chỉ tính riêng Điệp báo của ANT4 cộng với một số cơ sở điệp báo của ở T3 chuyển về, ta đã có cơ sở nội tuyến ở các cơ quan của địch như Bộ Tham mưu quân đội ngụy, Biệt đoàn lôi hổ, Tổng nha cảnh sát ngụy 2 cơ sở, Nha cảnh sát đô thành, Bộ chiêu hồi, Tổng công đoàn Trần Quốc Bửu 2 cơ sở, 2 cơ sở trong dân biểu trong Hạ viện, trong báo chí và một số cơ sở leo cao xung quanh Dương Văn Minh như họa sĩ Ớt (Huỳnh Bá Thành), Thái, Mười  Thắng, Hai Phương, và dân biểu là giáo sư Hàm…

Trong bước chuyển của tình hình, An ninh T4 quyết định thành lập hai cụm điệp báo lớn là cụm A10 và cụm điệp báo số 6, do đồng chí Lê Thanh Vân, Phó Ban An ninh T4 trực tiếp chỉ đạo. Cụm A10 thành lập tháng 9/1972 do đồng chí Nguyễn Minh Trí làm Cụm trưởng, tổ chức mạng lưới điệp báo trong các cơ quan ngụy quyền, nhất là công an cảnh sát, tình báo, quân đội ngụy, như Bộ Tổng tham mưu, Văn phòng Phó Thủ tướng, Đài phát thanh chiến tranh tâm lý…

Cụm chi phối hai tờ báo đối lập là Điện Tín và Đại Dân tộc, tạo được uy tín đối với Dương Văn Minh và lực lượng 3. Cụm điệp báo số 6 hình thành từ đầu năm 1972, do đồng chí Nguyễn Thị Thảo làm Cụm trưởng, xây dựng được nhiều cơ sở trong Văn phòng Phủ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Bộ Dân vận-Chiêu hồi, Bộ Tư lệnh cảnh sát quốc gia, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (phái Ấn Quang), lực lượng 3…

Cụm A10, cụm số 6 cùng với các cụm, tổ, cơ sở điệp báo hình thành trước đó đã tạo thành một thế trận điệp báo sâu rộng trong lòng địch, thu thập được nhiều nguồn tin hết sức phong phú, đa dạng, trong đó có những tin tức có giá trị chiến lược, giúp cấp trên nhận định chính xác âm mưu, thủ đoạn của Mỹ ngụy, đánh giá khả năng diễn biến của tình hình, nhất là khả năng Mỹ có thể tham chiến trở lại khi ta tổng tiến công hay không?

Trong giai đoạn 1973-1975, Cụm điệp báo số 6 đã chỉ đạo cơ sở làm nòng cốt trong tổ chức Mặt trận nhân dân cứu đói; tác động vào việc sắp xếp nhân sự lãnh đạo của Viện Hóa đạo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (phái Ấn Quang) theo hướng có lợi cho cách mạng. Nhờ đó, ta duy trì được phong trào Phật giáo chống Mỹ-Thiệu phát triển liên tục; cụm A10 làm ngòi nổ phát động phong trào báo chí công khai chống chế độ độc tài Nguyễn Văn Thiệu…

Đặc biệt, trong thời điểm kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ, cơ sở điệp báo thuộc cụm A10 đã khôn khéo tiếp cận, cùng các lực lượng khác trực tiếp tác động Tổng thổng ngụy quyền Dương Văn Minh đưa ra chủ trương “Tuyên bố thành phố bỏ ngỏ”, sau đó kêu gọi binh sĩ ngừng bắn trên Đài Phát thanh vào lúc 9h30’ ngày 30/4/1975, khiến tinh thần quân đội ngụy càng thêm rệu rã, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và của trong chiến dịch giải phóng thành phố Sài Gòn.

Từ khi mới thành lập, tổ chức sơ khai cho đến đầy đủ cán bộ nghiệp vụ chuyên trách, Đảng luôn cử những cán bộ đảng viên ưu tú nhất của Đảng sang trực tiếp phụ trách, tăng cường cho lực lượng an ninh khu Sài Gòn-Gia Định; luôn theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời từng trận đánh vào đầu não địch. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ...

Được Trung ương Cục bố trí làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn-Gia Định qua các thời kỳ, trực tiếp phụ trách công tác an ninh - tình báo. Đồng thời, Đảng bố trí các đồng chí lãnh đạo ngành An ninh có nhiều kinh nghiệm như đồng chí Nguyễn Tài (Tư Trong), Cục trưởng Bộ Công an chi viện vào an ninh Trung ương cục với cương vị Ủy viên Ban An ninh miền Nam về làm Trưởng ban An ninh khu Sài Gòn-Gia Định; đồng chí Cao Đăng Chiếm (Sáu Hoàng), nguyên Phó Giám đốc Sở Công an Nam Bộ làm Phó ban An ninh miền Nam; đồng chí Thái Doãn Mẫn - cán bộ Công an thời kỳ chống Pháp làm Ủy viên Ban An ninh miền Nam; đồng chí Lê Thanh Vân, Cục trưởng Cục Phái Khiển và nhiều đồng chí Công an miền Bắc chi viện về tăng cường cho lực lượng an ninh T4 qua các thời kỳ, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trực tiếp chỉ đạo lực lượng an ninh an ninh T4 nói chung và chỉ đạo công tác điệp báo nói riêng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng điệp báo đã lập nhiều chiến công xuất sắc, đơn vị đã được nhà nước phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều cá nhân đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tiêu biểu như các đồng chí  Nguyễn Tài, Nguyễn Thị Thảo, Trần Thị Thu, Đỗ Thạnh, Nguyễn Thị Mến, Lê Văn Lên, Trần Văn Hoàng Bùi Quang Hảo, Thiếu tướng Huỳnh Huề…

Đại tá, TS Phan Thanh Long (Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Công an)
.
.