Nhân ngày Môi trường thế giới 5/6/2015:

Lực lượng Công an nhân dân tích cực chủ động trong bảo vệ môi trường

Thứ Hai, 01/06/2015, 08:44
Trong những năm qua lực lượng Công an nhân dân đã tích cực chủ động thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong Công an, đồng thời tích cực tham gia bảo vệ môi trường cùng với cộng đồng; qua đó đã nâng cao vai trò, vị trí của lực lượng CAND trong công cuộc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu do Đảng và Nhà nước khởi xướng, hướng đến mục tiêu chung - mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường: Đã tổ chức, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, xây dựng, triển khai các chính sách pháp luật của Nhà nước; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; tổ chức quán triệt Nghị quyết số 24/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Chương trình hành động số 26-Ctr/ĐUCA-H41 của Đảng ủy CATW, Kế hoạch hành động số 320/KH-BCA-H41 của Bộ Công an về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”; …

Tích cực xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường: Đã triển khai Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020; chủ động tiến hành rà soát, phân loại và tổ chức hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình xử lý rác thải, nước thải tại một số đơn vị trọng điểm về ô nhiễm môi trường trong CAND; chủ động xây dựng các đề án, dự án nhằm tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các tổ chức nước ngoài đầu tư các công trình xử lý ô nhiễm môi trường trong lực lượng CAND; thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra về thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Công an các đơn vị, địa phương... kịp thời phát hiện những sai phạm trong các mặt công tác bảo vệ môi trường tại các đơn vị cơ sở để chấn chỉnh, xử lý. Tuân thủ nghiêm túc các quy định nhà nước về đánh giá tác động môi trường của các chủ đầu tư dự án tại Công an các đơn vị, địa phương.

Lãnh đạo Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật trồng cây ở Trại giam Phú Sơn 4 - Thái Nguyên

Bộ Công an chỉ đạo tốt công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, thiên tai, bão lũ và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác để kịp thời triển khai công tác ứng phó, góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân; tổ chức mua sắm, cấp phát trang thiết bị, vật tư, phương tiện phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn; xây dựng phương án ứng phó; tổ chức các buổi diễn tập, các lớp tập huấn về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, triển khai Luật Phòng chống thiên tai trong các lực lượng thường trực, cán bộ làm công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, lụt bão; tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống lụt bão, ứng phó với biến đổi khí hậu tại các địa phương, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm về bão, lũ, thiên tai nhằm đảm bảo yêu cầu “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, sự cố gây ra.

Lực lượng Cảnh sát bảo vệ môi trường đã tăng cường khám phá các vụ án vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Xử lý nghiêm vi phạm môi trường theo luật môi trường và các Nghị định Chính phủ về bảo vệ môi trường. Đã tham mưu cho Chính phủ, Bộ Công an ban hành nhiều văn bản về bảo vệ  môi trường, phát hiện xử lý nhiều vụ, việc, thuộc các lĩnh vực như: An toàn vệ sinh thực phẩm (phát hiện buôn bán hàng chục tấn thực phậm nhập lậu từ Trung Quốc, hàng trăm ngàn lọ thuốc kích thích tăng trưởng ở Bắc Giang, lưu trữ hàng ngàn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc…); xử lý chất thải (phát hiện vận chuyển hàng tấn bùn thải, giẻ lau dính dầu đổ ra khu vực dân cư ở Bình Dương …); nhập khẩu rác thải, phế liệu, máy móc cũ đã qua sử dụng; lĩnh vực sản xuất công nghiệp; lĩnh vực bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Bảo vệ đa dạng sinh học, đã phát hiện nhiều container của Công ty Kim Nguyên (Móng Cái, Quảng Ninh) chứa 869 khúc ngà voi có trọng lượng 1262,5kg…

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên, công tác quản lý môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, công tác bảo vệ môi trường, phòng chống những vi phạp pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn hạn chế, như: Hệ thống cơ sở hạ tầng của các cơ sở y tế, trại tạm giam… trong ngành Công an phần lớn xây dựng từ lâu, nhiều nơi chưa có các hệ thống xử lý ô nhiễm, hoặc đã cũ, xuống cấp.

Tại một số Công an đơn vị, địa phương, công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu chưa được coi trọng đúng mức, việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường còn thiếu tính tự giác, tinh thần ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao nên việc phòng ngừa đấu tranh với vi phạm pháp luật về môi trường còn nhiều hạn chế …

Trong thời gian tới, để công tác bảo vệ môi trường trong CAND đạt hiệu quả cao hơn nữa, theo chúng tôi cần thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:

Một là: Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường cùng với nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu trong CAND, đảm bảo phù hợp với những thay đổi tại Luật Bảo vệ môi trường, đáp ứng được yêu cầu thực tế và đặc thù của lực lượng Công an.

Hai là: Khai thác nhiều nguồn vốn, tập trung rà soát, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong các cơ sở bệnh viện, trường học, trụ sở cơ quan, trại tạm giam... ngăn chặn phát sinh các cơ sở ô nhiễm mới trong lực lượng CAND. Trồng cây tạo cảnh quan, vệ sinh, tránh ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước sạch...

Ba là: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt việc tuân thủ các quy định Nhà nước về bảo vệ môi trường trong CAND, đặc biệt là công tác đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư tại Công an các đơn vị, địa phương trên cả nước.

Bốn là: Tăng cường công tác hợp tác trong và ngoài nước, thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong CAND nhằm tranh thủ tối đa các nguồn lực để tổ chức triển khai hiệu quả các mặt công tác về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai.

Ngày 5/6/1972, Hội nghị Môi trường Thế giới đầu tiên tổ chức họp tại Stockholm, Thụy Điển, sau đó, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã quyết định lấy ngày 5/6 hằng năm để tổ chức các hoạt động hưởng ứng môi trường thế giới với những chủ đề thiết thực, cụ thể. Tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, đã đề ra nhiều nghị quyết, luật, chính sách nhằm hưởng ứng bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống cộng đồng.
Trung tướng, GS-TS Phạm Quang Cử, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Bộ Công an)
.
.