Lực lượng CSGT đường bộ, đường sắt tăng cường tuần tra kiểm soát, chấn chỉnh sai phạm

Thứ Ba, 21/02/2012, 16:25
Viết về Cảnh sát giao thông (CSGT) dù trên phương diện nào cũng phải có cách nhìn khách quan từ dư luận xã hội bởi mọi sự khen chê nếu cảm tính đều phiến diện. Nhân ngày truyền thống lực lượng CSGT đường bộ, đường sắt (21/2), chúng tôi “phác họa” phần nào về lực lượng này…

Hiện, Cục CSGT đường bộ - đường sắt đã tham mưu, báo cáo đề xuất xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án của Chính phủ đầu tư cho lực lượng CSGT đường bộ - đường sắt: tăng biên chế, trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ, chế độ chính sách, điều kiện làm việc, sinh hoạt được cải thiện...

Lực lượng CSGT đường bộ - đường sắt chủ động phối hợp làm tốt công tác tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách, pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, trong đó có Luật Giao thông đường bộ 2001 (sửa đổi năm 2008), Luật Đường sắt.

Việc tuần tra, kiểm soát, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, trong đó có việc đảm bảo an toàn giao thông cho các đoàn khách quốc tế thăm, làm việc tại Việt Nam và nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.

Trong tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, CSGT tăng cường việc sử dụng khoa học công nghệ, phương tiện khoa học hiện đại để giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm nghiêm trọng, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT.

CSGT thường xuyên làm nhiệm vụ trên đường.

Việc nêu gương liêm khiết, không nhận hối lộ được nhân rộng. Năm 2011, quá trình làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT của lực lượng CSGT đã có gần 8.000 lượt cán bộ, chiến sỹ nêu gương sáng không nhận hối lộ với tổng số tiền gần 633 triệu đồng.

Điển hình là đồng chí Huỳnh Đấu Tranh, Trưởng phòng CSGT Công an TP Cần Thơ nhiều lần không nhận hối lộ với số lượng tiền lớn; nhiều đồng chí nhặt được tài sản đánh rơi trên đường, trong có tiền và các giấy tờ quan trọng đã trả lại người mất như đồng chí Nguyễn Tuấn Minh và Bùi Anh Dũng, CSGT Công an Hà Nội (số tiền 39 triệu đồng); tổ tuần tra kiểm soát CSGT Công an Hà Tĩnh với số tiền 14 triệu đồng; đồng chí Trần Ngọc Ánh, Phạm Đình Thăng, CSGT Công an Thái Bình với số tiền hơn 10 triệu đồng…

Ngoài ra, có nhiều gương cứu giúp người có ý định tự tử; vận động đối tượng có lệnh truy nã ra tự thú (PC67 Hà Nội)...

Thông qua công tác tuần tra kiểm soát và các hoạt động nghiệp vụ, lực lượng CSGT phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội. Riêng năm 2011, các tổ CSGT đã bắt 1.212 tên tội phạm (trong đó có 2 tên giết người, 10 tên có lệnh truy nã, 2 tên trốn khỏi trại giam, 70 tên cướp, 225 tên trộm, 242 đối tượng buôn bán vận chuyển ma túy, 2 đối tượng buôn người)… chuyển giao cho cơ quan chức năng xử lý.

Điển hình, tổ công tác CSGT thuộc Trạm TTKS giao thông Tùng Diễn (Lạng Sơn) khi làm nhiệm vụ trên tuyến QL1A, phát hiện đối tượng vận chuyển heroin.

Nhiều CSGT đã kiên quyết truy đuổi bắt cướp trên tuyến giao thông như tổ công tác TTKS gồm Đại úy Nguyễn Văn Tuyến, Tổ trưởng và Trung úy Ngô Chí Thanh truy bắt 4 đối tượng cướp giật; Thiếu úy Nguyễn Đăng Khoa cùng Trung sỹ Nguyễn Ngọc Tú (Đội CSGT số 1, Công an Hà Nội) truy đuổi đối tượng cướp giật trên phố Hàng Bài; tổ công tác gồm 4 chiến sĩ thuộc Đội TTKS giao thông số 1, Phòng CSGT, Công an Thừa Thiên - Huế bắt giữ nhóm cướp tài sản của người nước ngoài…

Trong điều kiện ý thức chấp hành pháp luật giao thông còn thấp như ở ta, việc tăng cường và duy trì sự tuần tra, kiểm soát của CSGT là biện pháp hữu hiệu. Chưa kể, hiện tượng coi thường pháp luật giao thông, chống người thi hành công vụ hay sự quá khích, hiếu kỳ khi tham gia giao thông trong tâm lý một bộ phận giới trẻ.

Nhưng, nhìn nhận khách quan, dư luận xã hội vẫn có những băn khoăn, thậm chí các định kiến về công việc của họ. Dư luận màu “xám” này xuất phát từ chính những tồn tại, hạn chế trong lực lượng CSGT.

Việc tuần tra, kiểm soát nhiều nơi còn nặng về hình thức, thiếu những biện pháp kiên quyết trong khi thái độ ứng xử của một số CSGT thiếu văn hóa, có khi dẫn tới bức xúc và hành động chống lại của người tham gia giao thông.

Báo chí và người dân nhiều lần phản ánh hiện tượng mãi lộ, tiêu cực của một số cán bộ, chiến sĩ, gây bức xúc dư luận. Bộ Công an cũng thường xuyên có chỉ đạo chấn chỉnh, kể cả việc thành lập các tổ công tác đặc biệt để phát hiện, xử lý nghiêm nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết hữu hiệu.

Một câu hỏi đặt ra khi tôi viết bài này là: vì sao lực lượng CSGT làm được rất nhiều việc, khẳng định rõ vai trò, vị trí quan trọng của mình, đó là cái bao trùm nhưng người dân lại không nhớ nhiều các thành tích đó mà dễ bị ám ảnh và định kiến bởi các hiện tượng tiêu cực, mãi lộ? Lực lượng CSGT phải tự đặt câu hỏi đó để kiểm tra chính mình, soi vào người để tự rèn giũa bản thân

Đăng Minh - Hiếu Quỳnh
.
.