Lực lượng CSĐN: Giữ bình yên cho những mùa Xuân

Thứ Năm, 10/02/2011, 17:44
Chiều 30 Tết Tân Mão, chúng tôi có mặt ở Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động ở thôn Kiều Mai, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Trung tá Nguyễn Tiến Thọ, Phó Tiểu đoàn trưởng đã đưa tôi đi một vòng quanh doanh trại. Những vườn rau xanh mướt đủ loại từ xu hào, bắp cải tới bí ngô và đặc biệt là những cây bưởi Diễn đặc sản của vùng đất nổi tiếng này, cành lá xum xuê nhưng năm nay ít quả. Khu vực chăn nuôi tăng gia của lính là những chú lợn béo tròn núc ních.

Trung tá Thọ cười vui vẻ: "Ngoài những giờ tập luyện căng thẳng, lính đặc nhiệm cũng chăm chỉ và khéo tay lắm mới có được những luống rau xanh và những đàn lợn béo tròn ấy để cải thiện đời sống cho anh em…".

Năm nào cũng vậy, những người lính đặc nhiệm tự tay gói bánh chưng, mổ lợn và rau xanh tự trồng để có một cái Tết đầm ấm, vui vẻ của những người lính xa nhà. Ở hội trường lớn, những chàng lính trẻ khéo tay cũng đang trang trí phông màn cho buổi giao lưu. Những cánh đào hồng thắm được cắt bằng giấy cũng đang được gắn tạo thành một cành đào rực thắm sắc xuân… Ai cũng hối hả chuẩn bị công việc của mình trong chiều 30 Tết bận rộn để có một đêm giao lưu văn nghệ giữa những người lính xa nhà thêm vui vẻ và ấm áp tình người.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm thường trực chiến đấu tại đơn vị trong dịp Tết Tân Mão.

Một cô gái còn rất trẻ có đôi má lúm đồng tiền đang say sưa tập hát. Đó là Trung sĩ Đinh Thị Thúy Hằng, người lính trẻ tuổi nhất và là "bông hoa" đẹp nhất ở một Tiểu đoàn đặc nhiệm rặt là nam giới. Hằng tâm sự: "Học xong Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang, em tình nguyện về công tác tại Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm được 4 tháng". Người đẹp khoác áo lính càng tôn thêm khỏe khoắn và sự dịu dàng vẫn đọng lại trong nụ cười trong trẻo.

Hằng sinh ra và lớn lên ở một vùng rừng núi tỉnh Cao Bằng. Từ nhỏ cô bé miền sơn cước ấy đã ao ước được trở thành… lính đặc nhiệm. Giờ đây niềm khát khao đã trở thành sự thật. Tết Tân Mão là lần đầu tiên Hằng đón Tết xa nhà, xa cô em gái nhỏ và tổ ấm ở nơi thị xã vùng biên đầy kỷ niệm. Nhưng Tết này, Hằng đã có nhiều người bạn mới và tình đồng đội, tình nguyện ở lại đơn vị trực chiến cùng với những người lính đặc nhiệm.

Một chàng trai trẻ đang mải miết cắt dán những dòng chữ "Chúc mừng năm mới" nghe chúng tôi nói chuyện cứ tủm tỉm cười. Anh là Trung úy Trương Văn Song, quê ở Lệ Thủy, Quảng Bình. Đã 10 năm rồi, Song trở thành lính đặc nhiệm và cũng từng ấy năm xa nhà, xa quê và rất ít khi được về vào những dịp Tết đến Xuân về. Song có mẹ già xấp xỉ tuổi 80, người vợ trẻ ở nhà tảo tần chăm sóc mẹ chồng, nuôi con nhỏ chu đáo để anh yên tâm công tác. Tết này cũng giống như nhiều Tết khác, Song đều tình nguyện ở lại trực chiến.

Trung tá Nguyễn Tiến Thọ đưa tôi đi một vòng quanh Tiểu đoàn Đặc nhiệm để cảm nhận hương vị chiều 30 Tết của người lính xa nhà. Nhưng có lẽ một trong những người lính "ăn cơm nhà bếp, ngủ giường tầng" nhiều nhất ở đơn vị này là anh. Đã 33 năm rồi anh tạm biệt vùng quê đất Tổ Vua Hùng (Phú Thọ), khoác ba lô vào vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió. Kể về những Tết xa nhà thì nhiều lắm.

Trước đây là lính Cảnh sát đặc nhiệm đóng quân ở Gia Lai thì chuyện được về quê ăn Tết quả là khó khăn. Vì chuyện tàu xe đi lại phải đăng ký hàng tháng trời, mà người lính chiến thì không có thời gian. Vì thế cứ 2-3 năm mới nghỉ phép về thăm gia đình một lần. Đến bây giờ anh cũng vẫn… xa nhà như thế. Từ lúc cưới vợ sau 15 ngày phép lại khoác ba lô vào Tây Nguyên, nay anh đã có 3 đứa con khôn lớn trưởng thành.

Trung tá Nguyễn Tiến Thọ tâm sự: "Chỉ thương bà xã ở nhà vất vả, chồng vắng nhà mọi việc nặng nhọc đều đến tay và đặc biệt chưa bao giờ cả nhà được đoàn tụ quây quần bên bếp lửa giao thừa. Nhiều lúc vợ mình cũng thấy "tủi thân" đấy, nhưng đã là vợ lính thì cũng… vui vẻ thôi".

Người lính ấy bây giờ đã là chỉ huy ở một đơn vị chiến đấu, không lo về những lợi ích cá nhân mà lo cho toàn thể cán bộ chiến sĩ ở đơn vị. Những người lính cũng đang xa nhà, thường trực chiến đấu, đảm bảo an ninh trật tự để nhân dân vui Tết bình yên. Mỗi người lính ở đây đều được đơn vị gửi biếu gia đình một túi quà Tết trị giá 300.000đ. Tuy giá trị không lớn nhưng đó là nguồn động viên tinh thần quý giá cho những người ở hậu phương xa.

Những người lính trẻ đến từ mọi miền Tổ quốc, mỗi dịp Tết đến Xuân về họ đã tụ hội trong mái nhà chung ấm áp ở Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm

Kim Quý
.
.