Bộ Công an – Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo:

Lực lượng CAND đóng góp quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ Bảy, 19/04/2014, 09:42
“Trong thắng lợi chung của dân tộc, lực lượng Công an nhân dân (CAND) có vai trò và những đóng góp hết sức quan trọng; đã kề vai sát cánh với Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam và nhân dân cả nước lập nhiều chiến công hiển hách trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến, trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ” - Bộ trưởng Trần Đại Quang phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học “Vai trò và những đóng góp của lực lượng CAND trong Chiến dịch Điện Biên Phủ” tổ chức tại Hà Nội, sáng 18/4.

Đây là Hội thảo do Bộ Công an phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức, chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 39 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế lao động 1-5. Dự Hội thảo có Đại tướng, GS.TS Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an. Thượng tướng, PGS.TS Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương (UVTW) Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội thảo. Dự Hội thảo còn có Trung tướng, PGS.TS Tô Lâm, UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; PGS.TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đồng chủ trì Hội thảo; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành của TW; lãnh đạo Công an các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra phía Bắc, các đồng chí cán bộ Công an, Quân đội lão thành, các tướng lĩnh, sỹ quan lãnh đạo cấp cao trong CAND, QĐND; các nhà khoa học trong và ngoài lực lượng CAND…

Các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tạp chí Cộng sản và đại biểu tại Hội thảo.

Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định, cách đây 60 năm, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, dân tộc Việt Nam đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, đưa cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới, miền Bắc tiến lên xây dựng CNXH, miền Nam tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, hoàn thành độc lập dân tộc, dân chủ và thống nhất đất nước. Trong thắng lợi chung của dân tộc, lực lượng CAND có vai trò và những đóng góp hết sức quan trọng; đã kề vai sát cánh với QĐND Việt Nam và nhân dân cả nước lập nhiều chiến công hiển hách trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến, trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những tấm gương chiến đấu, dũng cảm, hy sinh của cán bộ, chiến sỹ Công an trong công tác bảo vệ chiến dịch đã hun đúc nên truyền thống anh hùng vẻ vang của CAND Việt Nam; là di sản tinh thần vô giá thôi thúc lực lượng CAND tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hôm nay.

“Hội thảo của chúng ta có nhiệm vụ góp phần làm sáng rõ và đầy đủ hơn về vai trò và những đóng góp của lực lượng CAND trong Chiến dịch Điện Biên Phủ thông qua những sự kiện và tư liệu lịch sử. Hội thảo không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn có giá trị lý luận và thực tiễn rất cao, góp phần giúp lực lượng CAND rút ra những bài học kinh nghiệm để phát triển, vận dụng vào thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng CAND trong giai đoạn hiện nay”- Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Lực lượng Công an góp phần quan trọng vào Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, Ban Tổ chức đã nhận được trên 60 báo cáo khoa học của nhiều đồng chí lãnh đạo ở TW, các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc và Bắc Trung Bộ, các đồng chí lãnh đạo các cấp, các ngành, các cơ sở đào tạo, các nhà khoa học trong và ngoài lực lượng Công an. Nội dung các báo cáo phong phú, đa dạng, thiết thực, phản ánh tương đối toàn diện về vai trò và những đóng góp của lực lượng CAND trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó, hội thảo là diễn đàn bày tỏ hồi ức, những kỷ niệm sâu sắc, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, những tình cảm sâu nặng và thiêng liêng của các đồng chí cán bộ Công an lão thành đã trực tiếp tham gia bảo vệ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hội thảo đã được nghe nhiều ý kiến tham luận tâm huyết, trách nhiệm, lịch sử, thực tiễn của các đại biểu, qua đó làm rõ hơn về những chiến công, những cống hiến và đóng góp của lực lượng CAND trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tham luận “Về công tác bảo vệ Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi và những suy nghĩ về quốc phòng an ninh” của đồng chí Tạ Cao Sơn, nguyên Phó Văn phòng Tỉnh ủy, Thư ký riêng đồng chí Trần Quyết, nguyên Bí thư Khu ủy Việt Bắc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La; tham luận “Công an Quảng Ninh đấu tranh chống phản động, bảo vệ trật tự trị an, góp phần vào Chiến thắng Điện Biên Phủ” của Thiếu tướng Lê Mai, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục CSND – Bộ Công an; tham luận “Lực lượng tình báo CAND phục vụ thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp” của Trung tướng, PGS.TS Đặng Xuân Loan, Tổng cục trưởng Tổng cục V… Đặc biệt, các đại biểu thực sự xúc động khi được nghe các cán bộ Công an, Quân đội lão thành – những nhân chứng lịch sử, là người trong cuộc kể lại những công việc thực tế, những giờ phút lịch sử mà các bác đã làm, cống hiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tham luận của Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Trọng Tháp, Trưởng Công an huyện Tuần Giáo, Điện Biên trong kháng chiến chống Pháp, nguyên Cục trưởng Cục Chống phản gián, Bộ Công an, nguyên Trưởng đoàn Chuyên gia tại Lào; nhà báo Hà Đăng, nguyên UVTW Đảng, nguyên Trợ lý Tổng Bí thư… Qua các ý kiến đóng góp và kỷ niệm tham gia chiến dịch được chia sẻ tại hội thảo, các thế hệ Công an hôm nay càng trân trọng và tự hào về một thời chiến đấu oanh liệt, hào hùng của thế hệ Công an lớp cha anh đi trước, tự hào về Đảng, về Bác Hồ, về đất nước, dân tộc, nhân dân và Quân đội anh hùng...

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Văn Nam khẳng định, với những gì mà lịch sử ghi nhận cùng với những cứ liệu, nhân chứng sống động, chúng ta có đủ cơ sở để khẳng định vai trò và đóng góp của lực lượng Công an trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là hết sức quan trọng và to lớn. Những hoạt động của lực lượng CAND trong thời kỳ này cũng để lại nhiều bài học quý về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng CAND, về công tác vận động quần chúng, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong công tác bảo vệ ANTT, về phong trào bảo vệ ANTQ, về công tác xây dựng lực lượng CAND, về công tác đấu tranh chống gián điệp, biệt kích, phản động…

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Đại Quang, sau hội thảo này, Thứ trưởng Bùi Văn Nam yêu cầu Viện Lịch sử CAND phối hợp với Tạp chí CAND tổ chức nghiên cứu, thẩm định tư liệu để hoàn thiện lịch sử CAND trong kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng. Viện Lịch sử CAND phối hợp với Viện Lịch sử Việt Nam và Viện Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức sưu tầm tư liệu, nghiên cứu và hoàn thiện lịch sử CAND giai đoạn kháng chiến chống Pháp để những đóng góp của lực lượng CAND được ghi nhận một cách đầy đủ hơn nữa trong lịch sử dân tộc Việt Nam… Những báo cáo khoa học tại hội thảo thực sự là nguồn tư liệu quý cần phải được lưu giữ để nghiên cứu. Thứ trưởng Bùi Văn Nam cũng yêu cầu Tạp chí CAND phối hợp với Tạp chí Cộng sản và các đơn vị có liên quan biên tập lại một lần nữa các báo cáo tham luận để xuất bản cuốn sách về chủ đề này, như ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng…

- Nhà báo Hà Đăng, nguyên UVTW Đảng, nguyên Trợ lý Tổng Bí thư: Tôi không ở trong ngành Công an nhưng qua những gì được nghe, được đọc, qua các tài liệu tổng kết đã được công bố, tôi hiểu rằng, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng CAND đã được Đảng, Chính phủ giao cho những nhiệm vụ rất quan trọng và có những cố gắng lớn lao, hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ ấy, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ 60 năm về trước. Những nhiệm vụ và thành tựu ấy có thể gói gọn trong 4 vấn đề. Một là bảo vệ an toàn tuyệt đối các lực lượng tham gia chiến dịch, các kho tàng, nơi đóng quân, chuyển quân và các tuyến đường từ hậu phương ra chiến trường Điện Biên Phủ; hai là đập tan âm mưu và các hoạt động tình báo, gián điệp của địch, bảo đảm bí mật, an toàn và bất ngờ của chiến dịch; ba là tham gia phá tề, trừ gian, tiễu phỉ và tiến công địch trên các chiến trường, hỗ trợ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ; bốn là bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Trung ương Đảng, các cơ quan đầu não của ta và Bộ Chỉ huy chiến dịch.

- Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Trọng Tháp, nguyên Trưởng Công an huyện Tuần Giáo, Điện Biên trong kháng chiến chống Pháp, nguyên Cục trưởng Cục Chống phản gián, Bộ Công an, nguyên Trưởng đoàn Chuyên gia tại Lào: Huyện Tuần Giáo nằm kề với mặt trận Điện Biên Phủ, có vị trí cực kỳ quan trọng bởi hệ thống giao thông huyết mạch, mọi hệ thống kho tàng, lương thực, thực phẩm, vũ khí… của ta đều tập kết và đi qua Tuần Giáo. Chúng tôi đã phát động phong trào phòng gian bảo mật sâu rộng trong nhân dân các dân tộc “không biết, không nghe, không thấy”, đặc biệt ở các xã trọng điểm, giáp ranh với chiến trường; giao trách nhiệm cho cán bộ Công an xuống xã nắm tình hình, giáo dục quần chúng và đẩy mạnh phong trào bảo vệ trị an, giữ gìn ANTT. Thành lập các trạm kiểm soát, Công an phối hợp cùng dân quân tuần tra ngày đêm, bảo vệ các kho tàng, cầu đường. Khi bọn ngụy quân, ngụy quyền, do thám, gián điệp, thổ phỉ, đặc vụ… do Pháp để lại đã nhao nhao nổi dậy, tìm cách chống đối, bạo loạn, Công an đã kịp thời ngăn chặn, nâng cao cảnh giác cách mạng cho quần chúng nhân dân, không nghe theo những lời lừa bịp của chúng và tố giác những hành động phản động của chúng, truy tố những tên cầm đầu nguy hiểm trước pháp luật, nhờ đó quần chúng yên tâm lao động sản xuất, phục vụ chiến dịch…

Quỳnh Vinh
.
.