Lớp học đặc biệt ở Trại giam Ninh Khánh

Thứ Bảy, 16/07/2011, 09:35
Trong những năm qua, công tác xóa mù chữ cho phạm nhân được Đảng ủy, Ban Giám thị Trại giam Ninh Khánh rất quan tâm. Tất cả phạm nhân khi mới đến trại ngoài việc học tập nội quy, quy chế... cán bộ giáo dục sẽ gặp gỡ để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, trình độ văn hóa. Nếu phạm nhân chưa biết chữ thì đưa vào danh sách riêng để tổ chức cho học tập.

Dù được nghỉ lao động nhưng gần 5h sáng, phạm nhân Tẩn Mý Lù, 54 tuổi, (quê ở huyện Mường Nhé, Điện Biên) đang thi hành án ở Trại giam Ninh Khánh đã thức giấc. Sở dĩ chị dậy sớm như vậy vì hôm nay là ngày học của lớp xóa mù chữ.

Vốn sinh ra ở xã Sín Thầu - một xã kinh tế khó khăn của huyện Mường Nhé nên từ nhỏ, Lù cũng như những bạn cùng trang lứa, chỉ biết đến cái nương, cái rẫy. Cũng vì không được học hành, không biết làm ăn nên cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng gia đình chị và các bà con nơi đây. Thấy trong bản có người giàu lên nhờ ma túy, Lù nổi máu tham tìm cách tham gia, không ngờ giàu đâu chưa thấy mà tai họa đã cận kề. Lù bị bắt, bị kết án rồi thi hành án ở Trại giam Ninh Khánh.

Ngay sau khi đến trại, Lù được nghe 5 bài học về chính sách của Nhà nước đối với phạm nhân; quyền và nghĩa vụ của phạm nhân... chị thấy yên tâm hẳn. Do không biết chữ, nên phần viết thu hoạch Lù được cán bộ cho nợ. Cải tạo hơn 1 tháng, chị được tham gia lớp xóa mù chữ do trại tổ chức. Hơn 50 tuổi nhưng lần đầu tiên biết đến quyển sách, cái bút, thực sự Lù rất ngại và xấu hổ. Chính vì vậy, chị Lù đã gặp cán bộ xin được đi lao động thay việc học. Biết tâm lý của chị, cán bộ đã động viên, phân tích hết nhẽ về quyền và lợi ích của việc được học hành. Nghe ra, chị cùng các phạm nhân đến lớp.

Các phạm nhân mù chữ đang tham gia lớp học.

Những ngày đầu học chữ, cầm bút là một cực hình đối với chị. Bàn tay cứng đơ không điều khiển nổi cây bút, những nét chữ được vẽ nguệch ngoạc khiến chị chán nản, nằng nặc xin cán bộ quản giáo đi làm thay cho đi học. Hai cô giáo Đặng Kim Thoa và Phạm Thị Hải, đều tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm không ngại khó, sẵn lòng cầm tay đưa từng nét chữ cho chị Lù và các phạm nhân nhiều tuổi khác. Sự tận tình của những người thầy đã khiến chị xóa bỏ mặc cảm và hứng thú với việc học tập.

Đến nay, 3 buổi học trong tuần là điều chị mong chờ nhất, bởi ở đó, chị được đọc, được viết, được nghe các giáo viên giảng những kiến thức mà trước đây chị chưa từng biết tới. Sau gần 6 tháng học tập, chị đã đọc và viết thành thạo nên viết thư về cho gia đình. Lá thư đầu tiên dài tới 2 trang với đủ thứ chuyện mà trước đây, chỉ đến kỳ gặp thân nhân chị mới được chia sẻ. Giờ thì rảnh lúc nào, chị lại cắm cúi viết thư về cho con, cho cháu và coi đây là niềm hạnh phúc lớn nhất của mình...

Được biết, trong những năm qua, công tác xóa mù chữ cho phạm nhân Đảng ủy, Ban Giám thị Trại giam Ninh Khánh rất quan tâm. Tất cả phạm nhân khi mới đến trại ngoài việc học tập nội quy, quy chế... cán bộ giáo dục sẽ gặp gỡ để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, trình độ văn hóa. Nếu phạm nhân chưa biết chữ thì đưa vào danh sách riêng để tổ chức cho học tập.

Từ năm 2007 trở về trước, Trại Ninh Khánh chọn giáo viên giảng dạy từ các phạm nhân có khả năng sư phạm đã từng làm giáo viên ở ngoài xã hội và một số phạm nhân biết tiếng dân tộc làm trợ giảng, hỗ trợ những phạm nhân là người dân tộc thiểu số. Giữa các kỳ học có tổ chức kiểm tra, kết thúc khóa học, trại báo cáo Phòng Giáo dục huyện Hoa Lư và Trường Tiểu học Ninh Vân - nơi đơn vị đóng quân để tổ chức đánh giá chất lượng học tập của phạm nhân, nếu phạm nhân nào đạt yêu cầu thì Trường Tiểu học Ninh Vân cấp giấy chứng nhận xóa mù chữ, phạm nhân nào không đạt thì tiếp tục cho học khóa sau.

Thiếu tá Phạm Văn Nghị, Phó Giám thị Trại giam Ninh Khánh cho biết từ năm 2008 đến nay, số phạm nhân phạm các tội về ma túy vào trại chiếm tỷ lệ hơn 60%, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nhiều người chưa biết chữ nên Đảng ủy, Ban Giám thị đã chỉ đạo Đội Giáo dục tăng cường công tác giáo dục phạm nhân, chú trọng xóa mù chữ. Trại xác định muốn giáo dục được phạm nhân để họ hiểu, nắm chắc các quy định của pháp luật, quy chế của trại giam, yên tâm thi hành án thì việc đầu tiên là phải xóa mù chữ cho họ.

Để việc học tập đạt hiệu quả cao, trại thuê giáo viên của Trường Tiểu học Ninh Vân dạy xóa mù cho phạm nhân. Kết thúc khóa học, các phạm nhân đã biết viết thư về cho gia đình, biết tính toán, cộng trừ trong phạm vi 100 và điều quan trọng hơn là học đã hiểu và nắm được các quy định, quy chế, chính sách để yên tâm chấp hành án, cố gắng cải tạo để được hưởng khoan hồng. Từ năm 2005-2009, đơn vị đã tổ chức cho 353 phạm nhân học xóa mù. Hiện đơn vị đã tuyển được 2 giáo viên có chuyên ngành sư phạm là biên chế chính thức của đơn vị để trực tiếp giảng dạy. 

Lần giở hồ sơ và các lá thư được Trại Ninh Khánh lưu lại, chúng tôi không khỏi xúc động khi đọc những suy nghĩ của các phạm nhân sau khi đã về nhà nhưng vẫn viết thư cảm ơn các cán bộ. Những dòng chữ to, khá nắn nót của Tẩn Xoong Mẩy, 36 tuổi, Sìn Hồ, Lai Châu chân chất viết rằng: "Tôi đã trở thành người dân lương thiện, hàng ngày đi làm rẫy cùng vợ. Nhờ cái chữ được học ở trại, tôi dạy các con tôi, giờ các cháu cũng đã đọc được rồi. Cảm ơn các cán bộ đã giúp tôi biết chữ, cải tạo cho tôi thành người tốt, tránh xa ma túy và các tệ nạn...".

Những câu chữ còn nặng về văn nói nhưng đã thể hiện được sự cố gắng vượt bậc của các phạm nhân và cũng là kết quả đáng khích lệ của công tác giáo dục nơi đây. Điều quan trọng là các cán bộ đã khơi dậy được bản chất thiện, tinh thần vượt khó vươn lên của từng phạm nhân để họ quyết tâm làm lại cuộc đời

Phương Thủy - Thu Hòa
.
.