Lên rừng truy quét "vàng tặc"

Thứ Ba, 28/09/2010, 09:35
Với quyết tâm truy quét "vàng tặc" lộng hành ở vùng núi Phú Yên, một tổ công tác liên ngành gồm Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường (PC49), Công an tỉnh Phú Yên Phòng Tài nguyên - Môi trường, Ban Chỉ huy Quân sự và Công an huyện Sơn Hòa đã vào cuộc hết sức vất vả.

Cơn sốt đào đãi vàng sa khoáng ở địa bàn miền núi Phú Yên đã cuốn hút không ít người dân từ nơi khác đến đây tìm vận may. Để có được những hạt vàng cám từ trong lòng đất, những nhóm đào đãi vàng không chỉ đốn hạ hàng loạt cây rừng nguyên sinh, đào hầm vào lòng núi hay âm sâu xuống lòng đất hàng chục mét, rồi xay đá quặng bằng máy trước khi gạn đãi, phân kim… gây hiểm họa về môi trường.

Rạng sáng một ngày cuối tháng 9, chúng tôi bám theo tổ công tác liên ngành lên xe ô tô rời thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, bắt đầu cuộc truy quét “vàng tặc”. Con đường đất đỏ bazan với những cung đoạn đồi dốc gập ghềnh sỏi đá khiến cho hành trình gần 20km chậm hơn dự kiến.

Ngồi trên xe, Thượng tá Lê Chí Lượng - Trưởng Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, Công an Phú Yên cho biết, hơn một tháng trước đó, có khoảng 4 nhóm "vàng tặc" với hơn 50 người khoác ba lô, cuốc, xẻng, xà beng, máy nổ chuyên dụng xay đá… xâm nhập địa bàn suối Đục, hóc Vàng thuộc địa phận thôn Liên Sơn, xã Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa để tìm vận may trong lòng đất. Sau khi dừng chân, họ đốn hạ cây rừng, dựng lán trại khá kiên cố để đào hầm hào, tìm đá quặng đưa vào máy xay, rồi gạn đãi, phân kim.

Những lán trại do các nhóm "vàng tặc" dựng lên.

Trước khi tổ công tác liên ngành lên đường, một mũi trinh sát trong vai những người săn tìm lan rừng đã tiếp cận hiện trường, nên khi chúng tôi ập vào hóc Vàng, suối Đục sau một chặng đường rừng lộ bộ gần 4km đã bắt gặp một "công trường" đào đãi vàng sa khoáng đang hoạt động tất bật. Cách những lán trại không xa là dấu tích hàng chục gốc cây rừng nguyên sinh bị đốn hạ, triền núi sạt lở nhiều nơi, đá quặng chồng chất ngổn ngang.

Lẫn trong tiếng máy xay đá quặng âm vang một góc rừng là tiếng xà beng, cuốc xẻng của những nhóm người đang chui trong đường hầm "ăn" sâu vào lòng núi hai, ba chục mét. Đào tới đâu thì họ mang đèn pin, kéo ống hơi cung cấp ôxy từ chiếc máy nổ tới đó. Bên ngoài là những hồ nước tự tạo được hình thành từ những tấm bạt nhựa đặt xuống hố sâu trước khi bơm nước vào để đãi vàng bằng những chiếc máng gỗ có bậc thang và mâm sắt hình nón.

Phát hiện lực lượng Công an, một số đối tượng đào đãi tranh thủ "chuồn" nhanh vào rừng, tại hiện trường chỉ còn lại 10 đối tượng. Ngoài việc chuyển giao 10 đối tượng "vàng tặc" cho Công an huyện Sơn Hòa xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực khai thác khoáng sản và trục xuất khỏi địa phương đối với những người ở nơi khác tới, tổ công tác liên ngành đã phải thu dọn, tiêu hủy 6 lán trại, 4 chiếc cối xay đá quặng; thu giữ 8 chiếc máy nổ D20, 3 moteur, hơn 100m ống dẫn ôxy vào hầm vàng.

Hỏi chuyện Lê Minh Cường - một người trong nhóm "vàng tặc" ở đây, chúng tôi được biết để đưa được những chiếc máy nổ, cối xay đá quặng cồng kềnh, nặng hàng trăm ký, họ đã phải tháo rời từng bộ phận linh kiện để vận chuyển lần lượt vào bãi vàng mới lắp ráp lại. Còn tổ công tác liên ngành phải vất vả khuân vác tang vật ra tới cửa rừng ướt đẫm mồ hôi.

Trước cuộc truy quét bãi vàng suối Đục, hóc Vàng ở xã Sơn Xuân, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường Công an tỉnh Phú Yên cũng đã trực tiếp chỉ huy một tổ công tác phối hợp, Công an huyện Sơn Hòa ngược đường Quốc lộ 25 lên tận Hòn Dung ở xã Suối Trai truy quét nạn đào đãi vàng sa khoáng ở đó. Dừng xe bên đường Quốc lộ 25, tổ công tác đi bộ gần 4 cây số, trong đó có nhiếu đoạn phải đánh vật với dốc núi mới vào tới bãi vàng nằm trong lãnh địa rừng cấm Krông Trai.

Qua công tác trinh sát xác định có gần 20 người từ miền núi phía Bắc vào đây cắm chốt đào đãi vàng, nhưng khi tổ công tác liên ngành ập đến hiện trường, thì một số đối tượng đã dạt vào rừng lẩn tránh, bốn thanh niên còn lại bị tạm giữ chuyển giao cho Công an huyện Sơn Hòa xử lý theo quy định pháp luật là Phạm Văn Cư, 31 tuổi, Đặng Khắc Dũng, 20 tuổi, Diệp Văn Trần, 31 tuổi và Trương Văn Sơn, 26 tuổi cùng trú ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Máy nổ, máy xay đá đặt giữa bãi vàng.

Hậu họa của những cơn sốt đào đãi vàng sa khoáng là những vạt rừng nguyên sinh bị tàn phá, tình trạng xói mòn, sạt lở sẽ phát sinh trong những mùa mưa lũ gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân địa phương. Và một khi những nhóm "vàng tặc" sử dụng hóa chất để phân kim thì hiểm họa về môi trường càng tăng lên gấp bội. Đã đến lúc chính quyền địa phương và chủ rừng cần chủ động phát hiện, truy chặn không để phát sinh, tái diễn những cơn sốt đào đãi vàng trên lãnh địa của mình.

Hiện trạng bãi vàng Hòn Dung không khác gì "trận địa" ở suối Đục, hóc Vàng, vẫn là những hầm hào đào sâu vào lòng núi vai ba chục mét, vẫn tình trạng đón hạ cây rừng, dựng lán trái, đặt máy nổ xay đá dội vào vách núi và những hồ chứa nước tự tạo để đãi vàng, phân kim… 3 lán trại bị tiêu hủy, 4 máy nổ, 2 moteur, 5 máy khoan tay, 1 máy khò vàng đã bị thu giữ. Thật khó hiểu khi một bãi vàng sa khoáng với tiếng máy xay đá quặng ầm ì ngày lại ngày trong địa bàn của mình có nhiệm vụ bảo vệ, nhưng chính quyền xã Suối Trai và Ban quản lý rừng cấm Krông Trai không phát hiện và đấu tranh truy chặn!?

Phan Thế Hữu Toàn
.
.